Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ

Hãy cùng đọc ngay hướng dẫn của bác sĩ về phản vệ và sốc phản vệ để hiểu kỹ hơn về những phản ứng này của cơ thể.

Thông tin có nhân viên có phản ứng phản vệ sau khi tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam đang thu hút quan tâm của bạn đọc. Vậy phản vệ và sốc phản vệ là gì? Sắp tới khi càng có nhiều người hơn được tiêm vaccine, khả năng xảy ra phản vệ liệu có xảy ra? Phải làm gì khi bản thân hoặc người bên cạnh bị phản vệ?

Phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây sau khi tiếp xúc với dị nguyên

Phản vệ (anaphylaxis) là một phản ứng dị ứng (quá mẫn) mang tính hệ thống, nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng như nọc độc từ vết đốt của ong, một số thuốc và thực phẩm hoặc sản phẩm có bột cao su.

Một loạt các chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch trong phản vệ làm xuất hiện nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau như da nổi ban đỏ, ngứa ngáy, mạch nhanh và yếu, thở khò khè hoặc đau bụng, buồn nôn. Phản vệ có thể dẫn đến sốc phản vệ, một tình trạng nguy hiểm chết người khi kèm theo tụt huyết áp.

Vì thế, phản vệ cần được nhận biết sớm và điều trị ngay tại khoa cấp cứu gần nhất. Việc không điều trị đúng cách, nhất là tiêm adrenaline (epinephrine) chậm trễ thường dẫn tới kết cục xấu và tử vong.

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng của phản vệ thường xuất hiện trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (dị nguyên). Tuy nhiên, đôi khi phản vệ có thể xảy ra sau 30 phút hoặc lâu hơn.

Phản vệ thường bao gồm một vài trong số các triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

• Nổi mề đay ngứa, da đỏ rực hoặc tái nhợt (gần như luôn xuất hiện).

• Thấy nghẹn ở cổ họng.

• Ho, thở khò khè, thở rít hoặc khó thở.

• Sưng mắt, mặt, môi, lưỡi hoặc họng.

• Mạch nhanh và yếu.

• Đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.

• Đau đầu, chóng mặt, lơ mơ hoặc ngất xỉu, mất ý thức.

Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ-1

Hình 1. Minh họa một số triệu chứng hay gặp của phản vệ. (Nguồn ảnh: https://www.buoyhealth.com/learn/allergic-reaction-anaphylaxis Chuyển ngữ: Y học cộng đồng)

Khi nào cần đi khám?

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn, con bạn hoặc người bên cạnh bạn có phản ứng dị ứng nghi ngờ phản vệ.

Nếu người đang bị phản vệ có mang theo dụng cụ tiêm epinephrine tự động (epinephrine autoinjector, như EpiPen hoặc EpiPen Jr), hãy tiêm cho họ ngay lập tức.

Ngay cả khi các triệu chứng phản vệ đã được cải thiện sau khi mũi tiêm epinephrine, vẫn phải lập tức đến khoa cấp cứu gần nhất để đảm bảo rằng các triệu chứng phản vệ không tái diễn. Tuy nhiên nếu bạn sống ở Việt Nam thì do Việt Nam chưa cho phép lưu hành dụng cụ này nên bạn hãy nhanh chóng liên lạc với bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất.

Nên hẹn khám bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn đã từng có phản ứng dị ứng nặng hoặc từng có bất cứ dấu hiệu và triệu chứng nào của phản vệ.

Việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị lâu dài phản vệ là phức tạp. Vì vậy bạn có thể cần phải gặp bác sĩ có chuyên khoa về miễn dịch và dị ứng.

Vì sao xảy ra phản vệ?

Hệ miễn dịch sản xuất nhiều kháng thể đặc hiệu để chống lại những vật hoặc chất lạ đối với cơ thể. Phản ứng này là hữu ích để loại trừ những vật lạ có hại như vi khuẩn hoặc virus.

Tuy nhiên, một số người lại có phản ứng thái quá (quá mẫn cảm) đối với một số chất vô hại như thức ăn hằng ngày. Khi đó, hệ miễn dịch khởi động một chuỗi phản ứng hóa học và sinh học dẫn đến hiện tượng dị ứng và gây ra các triệu chứng và dấu hiệu kể trên.

Những chất có thể gây phản vệ

Một số chất dưới đây có thể kích hoạt phản vệ ở một số người tùy vào cơ địa.

• Một số loại thuốc, đặc biệt là penicillin.

• Một số thực phẩm, như đậu lạc và các loại hạt như quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều, lúa mì (ở trẻ em), cá da xanh, sò, ốc, sữa và trứng.

Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ-2

Hình 2. Một số thực phẩm thông thường mà nhiều người hay bị dị ứng. Nguồn: Dentistry.

• Vết đốt côn trùng, như ong vàng, ong bắp cày, ong vò vẽ lớn và kiến lửa.

Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ-3

Các nguyên nhân gây phản vệ ít gặp hơn bao gồm cao su (Latex) và một số thuốc dùng trong gây mê.

Triệu chứng giống như phản vệ cũng có thể xuất hiện khi dùng aspirin và một số thuốc khác như ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve, Midol Extended Relief) và thuốc cản quang (contrast) tiêm tĩnh mạch trong các chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT). Mặc dù hiện tượng dị ứng này không được kích hoạt bởi các kháng thể thì các triệu chứng xảy ra vẫn tương tự và nguy hiểm như nhau.

Phản vệ còn có thể xảy ra khi vận động hay tập thể dục, tuy nhiên nó không phổ biến và diễn ra khác nhau tùy vào từng cá nhân. Ở một số người, các hoạt động hiếu khí (aerobic activity) như chạy bộ có thể gây phản vệ. Ở một số người khác, vận động nhẹ nhàng hơn như đi bộ cũng có thể gây phản ứng.

Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ-4

Việc ăn một số loại thực phẩm trước khi vận động hoặc vận động trong thời tiết nóng, lạnh hoặc ẩm ướt cũng có liên quan tới phản vệ ở một số người. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho bạn.

Nếu không biết nguyên nhân gây dị ứng, bác sĩ có thể làm các xét nghiệm để cố gắng xác định chúng. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây phản vệ là không thể xác định và được gọi là phản vệ không rõ nguyên nhân.

Việc bị dị ứng khi ăn một món hải sản hay tiếp xúc một chất gì đó là không quá hiếm và thường không nghiêm trọng. Sự khác biệt của phản vệ với phản ứng dị ứng thông thường là sự liên quan của nhiều cơ quan. Trong phản ứng phản vệ, hệ miễn dịch phản ứng một cách hệ thống và rầm rộ hơn, nên các triệu chứng thường liên quan tới hai hệ cơ quan trở lên. Cần lưu ý rằng ngay cả khi bạn chỉ bị dị ứng nhẹ trong quá khứ, bạn vẫn có khả năng bị phản vệ nặng trong tương lai.

Yếu tố nguy cơ

Đã có khá nhiều nghiên cứu về phản vệ nhưng hiện người ta vẫn chưa tìm ra yếu tố nguy cơ của phản vệ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ gặp phản vệ:

• Đã từng bị phản vệ. Nếu bạn đã bị phản vệ một lần thì nguy cơ bị phản vệ nặng sẽ cao hơn. Phản ứng dị ứng trong tương lai có thể sẽ nặng hơn lần đầu.

• Hay bị dị ứng hoặc hen suyễn. Những người có một trong hai tình trạng này có nguy cơ bị phản vệ cao hơn.

• Bệnh sử gia đình. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị phản vệ do vận động, bạn có nguy cơ bị loại phản vệ này cao hơn những người khác.

Biến chứng

Phản ứng phản vệ nặng có thể đe dọa đến tính mạng vì nó có thể gây ngừng thở hoặc ngừng tim. Trong trường hợp này, bạn cần phải được hồi sức tim phổi (CPR) và các xử trí cấp cứu khác ngay lập tức.

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng dị ứng và các phản ứng dị ứng trước đó của bạn.

TIN LIÊN QUAN

Đánh giá này sẽ bao gồm các câu hỏi sau:

• Liệu có bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào có vẻ là nguyên nhân không?

• Trong số thuốc mà bạn đã dùng, có thuốc nào có vẻ liên quan tới các triệu chứng dị ứng không?

• Bạn có bị dị ứng khi da tiếp xúc với cao su không?

• Bạn có bị dị ứng khi bị một loại côn trùng nào đó đốt không?

Để giúp xác định chẩn đoán:

• Bạn có thể được làm xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra dị ứng.

• Bạn cũng có thể được yêu cầu tránh ăn một số thực phẩm hoặc viết ra danh sách chi tiết về những gì bạn ăn trong một thời gian.

Các tình trạng bệnh khác có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn như dưới đây. Bác sĩ sẽ muốn loại trừ các tình trạng này.

• Các rối loạn gây co giật.

• Tình trạng bệnh khác với dị ứng gây đỏ da và các triệu chứng da khác.

• Mastocytosis (bệnh tế bào mast), một rối loạn của hệ thống miễn dịch.

• Các vấn đề về tâm lý, như các cơn hoảng loạn.

• Các bệnh về tim hoặc phổi.

Xử trí khi gặp phản vệ

Khi gặp phản vệ, việc đánh giá và điều trị kịp thời là rất quan trọng vì nó có thể chuyển thành sốc phản vệ, dẫn tới suy hô hấp, ngừng tim và tử vong chỉ trong vài phút. Việc điều trị sớm cũng rất quan trọng vì phản vệ thường đáp ứng tốt nhất với điều trị trong giai đoạn đầu; việc tiêm adrenalin chậm đã được ghi nhận là có liên quan đến tử vong.

Vì thế, nếu bạn ở cạnh ai đó đang bị phản ứng dị ứng và có các dấu hiệu của sốc phản vệ, bạn phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: da nhợt nhạt, lạnh và ẩm nhớt, mạch nhanh và yếu, khó thở, lú lẫn và mất ý thức.

Việc sơ cứu ban đầu thường bao gồm các nội dung sau:

● Loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng nếu có thể (ví dụ: ngừng truyền thuốc).

● Kêu gọi sự giúp đỡ (triệu tập đội hồi sức/phản ứng nhanh trong bệnh viện hoặc gọi 115 hoặc số dịch vụ y tế khẩn cấp tương đương).

● Tiêm adrenalin vào bắp đùi hoặc bắp tay (mặt ngoài) càng nhanh càng tốt, tiếp đó là tiêm adrenalin bổ sung bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần thiết. Adrenaline sẽ giúp giảm phản ứng dị ứng của cơ thể.

● Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa với chi dưới nâng cao, trừ khi có triệu chứng khó thở do sưng phù đường thở khiến bệnh nhân phải ở tư thế ngồi (thường nghiêng về trước). Nếu bệnh nhân buồn nôn hoặc nôn, để bệnh nhân ở tư thế nửa nằm (45 độ) với chi dưới nâng cao có thể phù hợp hơn.

● Hỗ trợ thở oxy để cải thiện tình trạng suy hô hấp.

● Đặt đường truyền tĩnh mạch để giữ huyết áp.

Đội cấp cứu thường truyền thuốc kháng histamin và corticoid qua đường tĩnh mạch để giảm viêm phù đường thở và cải thiện hô hấp. Thuốc chủ vận beta (như albuterol) cũng có thể được dùng thêm để cải thiện các triệu chứng hô hấp. Đội cấp cứu cũng có thể phải tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) nếu người bệnh ngừng thở hoặc ngừng tim.

Một số nước cho phổ biến bút tiêm để sơ cứu phản vệ

Ở nước ngoài, nhiều người có nguy cơ bị phản vệ được bác sĩ kê đơn và cho mang theo một dụng cụ tiêm tự động bên mình (còn gọi là bút tiêm có chứa adrenaline như EpiPen, EpiPen Jr hoặc Twinject).

Dụng cụ này là một ống tiêm kết hợp với kim tiêm ẩn bên trong để bệnh nhân hoặc người bên cạnh có thể tiêm ngay vào đùi lúc có dấu hiệu bị phản vệ. Bút tiêm này thường được quản lý nghiêm ngặt để luôn đảm bảo còn hạn sử dụng và không bị hỏng.

Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ-5

Hình 3. Minh họa bút tiêm chứa adrenalin thường được sử dụng ở nước ngoài.

Điều trị lâu dài

Nếu phản ứng phản vệ xảy ra do côn trùng đốt, bạn có thể phải tiêm nhiều mũi dự phòng dị ứng (liệu pháp miễn dịch) để làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể và ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng trong tương lai.

Thật không may là hiện chưa có cách điều trị dứt điểm sự rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn tới phản vệ. Tuy nhiên, bạn có thể làm theo các bước sau để phòng tránh phản vệ trong tương lai và chuẩn bị kỹ khi chúng xảy ra.

• Tránh các yếu tố gây dị ứng càng nhiều càng tốt.

• (Nếu ở nước ngoài) Bạn có thể cần mang theo epinephrine tự tiêm bên mình. Khi sốc phản vệ xảy ra, bạn có thể tự tiêm thuốc bằng dụng cụ tiêm tự động (EpiPen, EpiPen Jr hoặc Twinject).

• Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng prednisone hoặc thuốc kháng histamine.

Đối phó và hỗ trợ

Nguy cơ bị một phản ứng đe dọa đến tính mạng thật đáng sợ, dù nó xảy ra với bạn hay với người thân của bạn. Việc lên kế hoạch cấp cứu phản vệ có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Hãy bàn với bác sĩ để xây dựng và viết ra kế hoạch này theo từng bước cần làm. Theo cách này, bạn sẽ biết chính xác cần làm gì để ứng phó. Bạn cũng sẽ có thể chia sẻ kế hoạch này với giáo viên, y tá, người giữ trẻ và những người chăm sóc khác (nếu con bạn có thể bị phản vệ) để họ biết làm gì khi sự việc xảy ra.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng ngừa phản vệ là tránh các chất gây dị ứng mà bạn biết có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng này. Hãy làm theo các bước sau:

- Đeo vòng cổ hoặc vòng tay có ghi cảnh báo y tế để người xung quanh biết ngay rằng bạn bị dị ứng với một thực phẩm hoặc một số loại thuốc cụ thể.

Tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19: Bác sĩ Việt tại Nhật phân tích chi tiết về phản vệ và sốc phản vệ-6

- Báo cho bác sĩ về những loại thuốc bạn từng bị dị ứng trước khi bắt đầu điều trị. Nếu bạn được tiêm thuốc hoặc chủng ngừa, luôn đợi ít nhất 30 phút trước khi rời phòng khám để có thể được điều trị ngay nếu bị phản vệ.

- Hỏi bác sĩ về bộ cấp cứu thiết yếu (gồm dụng cụ và thuốc men) luôn sẵn sàng tại mọi thời điểm.

- Nếu bạn bị dị ứng khi bị côn trùng đốt, hãy thật cẩn thận khi ở gần chúng. Mặc áo sơ mi tay dài, quần dài và không đi dép hoặc chân đất trên cỏ. Tránh mặc màu sặc sỡ và không xịt nước hoa trên người khi đi vào nơi có nhiều côn trùng. Hãy giữ bình tĩnh nếu bạn đang ở gần côn trùng có thể đốt/chích. Hãy di chuyển từ từ ra xa và tránh vỗ đập côn trùng.

-Nếu bạn bị dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể, hãy đọc kỹ nhãn mác của tất cả các loại thực phẩm định dùng. Quy trình sản xuất có thể thay đổi, vì vậy việc kiểm tra định kỳ nhãn mác của thực phẩm là rất quan trọng. Khi ăn ở ngoài tiệm, hãy hỏi về các thành phần trong thực phẩm cũng như cách chuẩn bị thức ăn vì ngay cả một lượng nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể gây ra phản vệ nghiêm trọng.

BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Trưởng Dự án Y học cộng đồng)

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

 


Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.