Uống rượu khi ăn tiết canh có diệt được khuẩn liên cầu lợn?

Liên cầu lợn là căn bệnh truyền nhiễm lây từ lợn sang người, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, tổn thương não, dễ dẫn đến tử vong.

Liên cầu lợn là căn bệnh truyền nhiễm lây từ lợn sang người, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, tổn thương não, dễ dẫn đến tử vong.

Nhiều đấng mày râu truyền tai nhau rằng, khi ăn tiết canh mà uống rượu sẽ diệt hết vi khuẩn có trong tiết canh. Tuy nhiên, trên thực tế, TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định không có cách nào tiêu diệt được liên cầu lợn trong tiết canh.

Tết đã cận kề nhưng mới đây, một người đàn ông đã rơi vào tình trạng hết sức nguy kịch khi nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Được biết, trước đó, người đàn ông này có ăn tiết canh do mình trực tiếp giết mổ và chế biến.

Theo TS.BS Hoàng Bùi Hải, tiết canh là món ăn được người Việt sử dụng rất nhiều. Trong những năm gần đây xuất hiện nhiều trường hợp người dân nhiễm liên cầu lợn khi ăn tiết canh.

Uống rượu khi ăn tiết canh có diệt được khuẩn liên cầu lợn? - Ảnh 1.

Tiết canh là món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

“Liên cầu lợn là căn bệnh truyền nhiễm lây từ lợn sang người, là tình trạng nhiễm khuẩn huyết gây tổn thương não, toàn bộ các cơ quan phủ tạng, bệnh nhân dễ tử vong nhanh. Nếu bệnh nhân cứu được cũng phải tốn kém rất nhiều và thời gian nằm viện lâu”, TS Hải nói.

Dù trong món tiết canh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng do đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người nên họ đã bỏ ngoài tai mọi khuyến cáo phòng bệnh, vẫn vô tư ăn món tiết sống này.

“Làm thế nào để tiêu diệt được liên cầu lợn trong tiết canh, tôi cũng xin nói luôn là hiện không có cách nào. Cách duy nhất để phòng nhiễm bệnh liên cầu lợn là phải ăn chín, uống sôi. Khi giết mổ lợn cần tuân thủ đúng quy trình vì nếu để thực phẩm gần nơi mổ lợn gần rổ rau sống cũng dễ bị nhiễm liên cầu lợn giống như chúng ta ăn tiết canh. Còn việc uống rượu để diệt liên cầu lợn là không có cơ sở. Tốt nhất là người dân cần ăn chín, uống sôi”, TS Hải khuyến cáo.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Trong thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như: tiết canh, thịt và phủ tạng của lợn chưa được nấu chín.

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:

- Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).

- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Sức khỏe Đời sống


liên cầu lợn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.