Vaccine của Nga có 20 nước đặt trước hơn 1 tỉ liều: 'Niềm tin của giới khoa học rất thấp'

"Nếu ai hỏi mình có muốn được chích vaccine Sputnik V hay không thì mình trả lời là: KHÔNG" - TS Nguyễn Hồng Vũ.

Không phải "thành công rõ ràng" mà là "bước đi nguy hiểm"

Ngày 11/8, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng cơ quan quản lý y tế của quốc gia này đã phê duyệt vaccine coronavirus để phòng bệnh COVID-19 rộng rãi trong cộng đồng. Vaccine này được lấy tên là "Sputnik V", tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.

Qua công bố này, Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới có vaccine COVID-19 được cho phép sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, với các nhà khoa học trên thế giới và kể cả một số nhà khoa học Nga thì việc này không thực sự là một "thành công rõ ràng" mà là một "bước đi nguy hiểm". 

Sự lo lắng này giống như việc một chiếc máy bay mới được chế tạo, chưa qua hết các quy trình kiểm tra chất lượng & an toàn nhưng đã sẵn sàng chở khách lên bầu trời.

Trong lĩnh vực nghiên cứu thuốc và vaccine cho con người, có một quy định chung đó là: những sản phẩm đi đến tay người sử dụng một cách đại trà phải thỏa mãn 2 điều kiện quan trọng: Hiệu quả và an toàn. Những sản phẩm này thường phải qua tất cả những quá trình kiểm tra rất kỹ lưỡng và đầy thử thách mà người ta gọi là các thử nghiệm lâm sàng (trên người).

Các thử nghiệm lâm sàng này thường được chia ra làm 4 pha, pha sau nhiều người hơn pha trước, nghiên cứu sâu hơn, các nhóm đối chứng được thiết kế chặt chẽ hơn,… để làm sao chứng minh được 2 điểm cơ bản trên là an toàn và hiệu quả.

Vaccine của Nga có 20 nước đặt trước hơn 1 tỉ liều: Niềm tin của giới khoa học rất thấp-1
Nghiên cứu vaccine COVID-19

Trở lại vaccine COVID-19 của Nga, Sputnik V, đây là một loại vaccine được phát triển dựa trên nền tảng sử dụng 1 loại virus khác (trong trường hợp này là adenoviruses) ít độc hơn, mang 1 phần của virus SARS-COV-2 (trong trường hợp này là protein S).

Vaccine này được thiết kế để chích vào cơ (intramuscular injection) của cơ thể người và virus này sẽ tổng hợp protein S của virus nCoV, qua đó hệ miễn dịch học được cách nhận biết virus SARS-COV-2 qua cách nhận biết protein S này.

Đây cũng là cách mà rất nhiều các vaccine hiện nay trên thế giới đang phát triển với các hướng tiếp cận khác nhau (như sử dụng virus khác, sử dụng protein nguyên chất, sử dụng vật liệu di truyền RNA, DNA, v.v...).

Vì sao thế giới hoài nghi?

Tuy nhiên, tại sao các nhà khoa học trên thế giới lại tỏ ra hoài nghi và lo lắng về Sputnik V khi nó đi con "đường tắt" để trở thành vaccine đầu tiên trên thế giới được cấp phép sử dụng đại trà? 


Thứ nhất, vì đi đường tắt nên vaccine này chưa được trải qua thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, giai đoạn cần nhiều người tham gia (từ vài trăm, vài ngàn đến vài chục ngàn người) và có các nhóm đối chứng được thiết kế chặt chẽ (để khách quan, các nhóm trong thí nghiệm được chia ngẫu nhiên, người thử nghiệm và người trực tiếp chích vaccine không biết mình thuộc nhóm nào).

Giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất, khó khăn nhất và thử thách nhiều nhất để "chứng minh" độ an toàn và hiệu quả của thuốc/vaccine trước khi được chính thức chấp nhận bởi tổ chức y tế chính phủ cho phép sử dụng đại trà.

Trong khi đó Sputnik V chỉ mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào ngày 18 tháng 6 vừa qua với tên gọi "Gam-COVID-Vac" (Gam được viết tắt cho tên của viện nghiên cứu Gamaleya) trong 2 thử nghiệm có mã số NCT04436471 và NCT04437875 với 38 người ở mỗi thí nghiệm.

Thứ hai, các thông tin khoa học liên quan đến vaccine này đều không được biết rộng rãi, thậm chí kết quả nghiên cứu của vaccine cũng không được ghi nhận trên trang web https://clinicaltrials.gov, nơi mà 2 thử nghiệm lâm sàng trên được đăng ký. Điều này làm cho các nhà khoa học khó mà có cơ sở để đánh giá vaccine này.

Tuy bị nhiều chỉ trích từ các tổ chức y tế trên thế giới về việc "đi tắt" này trong việc phát triển vaccine, nhưng theo thông tin từ phía chính phủ Nga thì đã có 1 tỉ liều vaccine được đặt hàng bởi 20 nước trên thế giới.

Do vậy, qua bài viết này mình muốn nhắc người dân nên "cân nhắc thật kỹ" trước khi quyết định sử dụng vaccine Sputnik V vì niềm tin của giới khoa học vào vaccine này là rất thấp do cho đến hiện nay không có bất cứ bằng chứng tin cậy nào chứng minh được 2 điểm rất quan trọng của vaccine này là "AN TOÀN & HIỆU QUẢ" trên người.

Nếu ai hỏi mình có muốn được chích vaccine Sputnik V hay không thì mình trả lời là "KHÔNG".

* Tiêu đề bài viết của TS Nguyễn Hồng Vũ do tòa soạn đặt lại.

 

Theo Pháp luật & bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/vaccine-cua-nga-co-20-nuoc-dat-truoc-hon-1-ti-lieu-co-nen-tiem-khong-217057

Covid-19

Virus Cocona

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.