Vì sao người trẻ có thể tử vong khi mắc Covid-19?

Ngày 24/5, Việt Nam ghi nhận 187 ca mắc Covid-19 và 2 ca tử vong, có trường hợp nữ bệnh nhân chỉ 38 tuổi tử vong. Các chuyên gia nhận định điều này cho thấy chúng ta không thể chủ quan.

Theo thông tin Tiểu ban điều trị Covid-19, hiện các cơ sở y tế đang điều trị 2.258 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1.439 ca không có triệu chứng (tương đương 63,6%). Bên cạnh đó, 29,5% bệnh nhân (667 người) có triệu chứng lâm sàng nhẹ.

GS Nguyễn Gia Bình – Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết các đơn vị y tế vẫn đăng ký xin hội chẩn nhiều bệnh nhân nặng. So với các làn sóng trước, đợt dịch này ngoài những bệnh nhân nặng có bệnh nền sẵn thì cũng nhiều bệnh nhân trẻ có diễn tiến nặng.

GS Bình cho biết trước đây bệnh nhân Covid-19 thường có diễn tiến nặng từ ngày thứ 8 trở đi nhưng hiện tại có người chỉ vào viện 3,4 ngày đã suy hô hấp, thở máy. Nhiều người trẻ không có bệnh lý nền nào cũng diễn tiến xấu.

GS Bình nhấn mạnh: "Thời gian từ khi mắc virus tới xuất hiện triệu chứng nhanh hơn và có vẻ độc lực virus mạnh hơn. Trước khi chỉ người già, người có bệnh lý nền dễ diễn biến xấu nhưng hiện tại thì người trẻ cũng diễn tiến xấu. Ấn Độ cũng nhận thấy virus độc lực tăng hơn".

Ngay tại Việt Nam, GS Bình cho rằng tỷ lệ bệnh nhân nặng đợt này cao hơn so với đợt dịch Hải Dương. Số ca phát hiện nhiều hơn và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều bệnh nhân nặng hơn.

Vì sao người trẻ có thể tử vong khi mắc Covid-19?-1
Ảnh minh hoạ.

Từ ca bệnh nữ 38 tuổi tử vong do Covid-19, GS Bình cho rằng người trẻ cũng không thể chủ quan với Covid-19. Sự nguy hiểm của Covid-19 đó là lây lan nhanh Nếu số ca bệnh nhân nặng tăng cao thì bệnh viện có thể quá tải, hệ thống y tế không đáp ứng được thì bất cứ ai cũng có nguy cơ tử vong.

Virus SARS-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp mà nó tấn công vào tất cả các cơ quan trong cơ thể từ mắt tới tim, não, thận, thần kinh, đặc biệt, có nguy cơ gây rối loạn đông máu. Virus làm máu trở nên đặc hơn và tạo ra các cục máu đông trong tĩnh mạch, theo các bác sĩ. Các cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi và não gây tắc mạch phổi, tắc mạch máu não…

Virus tấn công, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân có tình trạng hoạt động quá tải để chống lại sự nhiễm trùng. Phản ứng này được gọi là hội chứng giải phóng cytokine, có thể gây ra những tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng và suy nội tạng… rất nhiều biến chứng chết người ở bệnh nhân Covid-19.

Hiện Bắc Ninh và Bắc Giang cũng đang tập trung vào công tác điều trị, xây dựng hệ thống ICU để sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại tỉnh. Nếu bệnh nhân nặng nào cũng chuyển về BV Bệnh Nhiệt đới trung ương sẽ dẫn đến quá tải.

Một bệnh nhân có biến chứng phải chạy ECMO cần 3 tuần để cầm cự nhưng khi bị Covid-19 thì khả năng lây nhiễm virus, vi khuẩn khác cao hơn. Khi đó bệnh nhân sẽ diễn tiến nặng hơn, cơ thể bệnh nhân suy sụp nhanh hơn

BS CK II Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu do chủng virus Ấn Độ gây ra. Vụ dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các vụ dịch trước, vì bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương, cả ở trong các khu công nghiệp lớn.

Đến nay đã ghi nhận 9 ca tử vong và đang còn rất nhiều bệnh nhân nặng. Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng virus mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp nhưng BS Cấp cho rằng các cơ sở y tế không nên chỉ quan tâm người có bệnh nền, người già mắc Covid-19 mà người trẻ cũng cần lưu tâm. Đặc biệt, các địa phương cần dự trù các thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận các ca Covid-19.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/vi-sao-nguoi-tre-co-the-tu-vong-khi-mac-covid-19-161212405222550506.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.