Việt Nam vẫn tiêm vaccine AstraZeneca theo kế hoạch

Một số quốc gia châu Âu dừng triển khai tiêm vaccine của hãng dược AstraZeneca sau khi ghi nhận trường hợp gặp biến chứng đông máu.

Vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca hiện được phê duyệt tiêm chủng tại 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi triển khai những mũi tiêm đầu tiên, các phản ứng phụ như đông máu đã được ghi nhận.

Sau nhiều quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland, hôm nay (12/3), Chính phủ Thái Lan cũng tuyên bố hủy kế hoạch tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Tại Việt Nam, hơn 1.500 người đã được tiêm ngừa vaccine của AstraZeneca tại 9 tỉnh, thành phố.

Quy trình đảm bảo an toàn chặt chẽ

Trả lời Zing, một chuyên gia của Bộ Y tế cho hay Việt Nam chưa cân nhắc dừng tiêm vaccine của AstraZeneca. Những người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng nghiêm trọng.

Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, cũng khẳng định hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Vì vậy, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Việt Nam vẫn tiêm vaccine AstraZeneca theo kế hoạch-1

Việt Nam triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca từ ngày 8/3. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Hôm nay ngày thứ 5 chúng ta triển khai tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Hiện khoảng 1.600 người ở 9 tỉnh, thành phố đã được tiêm chủng nhưng chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào gặp hiện tượng đông máu. Do đó, chương trình tiêm chủng vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch. Tuy nhiên, song song đó, ngành y tế đang tiếp tục theo dõi sát những phản ứng sau khi tiêm nếu có”, Giáo sư Đặng Đức Anh nói.

Chiều 12/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR), các chuyên gia, nhà khoa học, thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và nhiều quốc gia cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vaccine AstraZeneca. Một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. Chương trình TCMR quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

“Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng, họ được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Về việc nhiều người e ngại vaccine AstraZeneca dường như không được coi trọng tại nước ngoài, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), bày tỏ quan điểm rằng điều này là không nên.

Theo Phó giáo sư Phu, vaccine AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), Mỹ, cũng như châu Âu thẩm định, cấp phép. Chúng cũng được đưa vào COVAX Facility (cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng Covid-19 do WHO khởi xướng) và tiêm rộng rãi trên thế giới.

Đặc biệt, vaccine của AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ phù hợp cùng mức giá phù hợp điều kiện của các nước đang phát triển. Những tác dụng của vaccine này được ghi nhận nên chúng vẫn được tiêm.

Phản ứng phụ khi tiêm vaccine của người lớn rõ hơn trẻ em

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết ông không ngạc nhiên khi có trường hợp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Chuyên gia này cho biết thông thường, đa số vaccine được tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Trong các chiến dịch tiêm chủng, một số sự việc đáng tiếc do phản ứng phụ cũng được ghi nhận, chẳng hạn như đợt tiêm vaccine 5 trong 1.

Việt Nam vẫn tiêm vaccine AstraZeneca theo kế hoạch-2

Bộ Y tế cho biết các trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm tại Việt Nam nằm trong giới hạn được khuyến cáo. Ảnh: Thạch Thảo.

"Mỗi đợt tiêm chủng, nhiều câu chuyện cũng được thêu dệt, thậm chí, có người phê phán và từ chối vaccine. Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 hiện tại cũng có tình huống tương tự nên tôi không ngạc nhiên. Cách đây không lâu, trước khi tiến hành mũi tiêm đầu tiên, tôi có chia sẻ rằng chúng ta hãy chuẩn bị cho luồng ý kiến tiêu cực", bác sĩ Khanh nói.

Chuyên gia này cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ thêm có nhiều đợt tiêm chủng. Do đó, chúng ta không nên mang số lượng người có phản ứng phụ ra để phủ nhận hiệu quả của vaccine và cần tính tỷ lệ người có tác dụng phụ so với tổng số được tiêm ngừa.

Ông nói vui rằng trong thực tế, người lớn, trẻ lớn thường bị "hành" nhiều hơn khi tiêm vaccine. Tức họ có phản ứng phụ nhiều hơn so với trẻ nhỏ.

"Vì người lớn cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể và theo dõi rõ ràng diễn biến sức khỏe. Đôi khi sẽ có những phản ứng thái quá và hiệu ứng tâm lý lan truyền ở người lớn cũng dễ hơn so với trẻ nhỏ", ông nói thêm.

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, trong 1.585 người đã được tiêm vaccine Covid-19 từ 8-11/3, 6 trường hợp được ghi nhận có phản ứng phản vệ độ II. Tất cả họ đều được xử lý đúng theo phác đồ của Bộ Y tế và đã có sức khoẻ ổn định.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đánh giá mọi công tác đều đảm bảo an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép.

Trước đó, ngày 11/3, Đan Mạch đã ngưng sử dụng vaccine Covid-19 do AstraZeneca phát triển sau khi phát hiện một số cục máu đông trên cơ thể một phụ nữ 60 tuổi được tiêm chủng trước đó. Trong khi đó, rất nhiều người trên thế giới đã tiêm loại vaccine này nhưng không ghi nhận dấu hiệu sức khỏe bất thường.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/viet-nam-van-tiem-vaccine-astrazeneca-theo-ke-hoach-post1192257.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.