Vụ trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ: 4 vấn đề cần làm rõ

Thai chết lưu hay còn sống, hành động thô bạo tới mức nào mới khiến trẻ đứt cổ là những câu hỏi cần giải đáp trong sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Thai chết lưu hay còn sống, hành động thô bạo tới mức nào mới khiến trẻ đứt cổ là những câu hỏi cần giải đáp trong sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Vừa qua, sự việc bé sơ sinh - con của sản phụ Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1982, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) - tử vong sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) với 8 vết khâu dài trên cổ, gây xôn xao dư luận. 

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng đây là tai biến gây khủng hoảng cho cả ngành sản khoa và gia đình bệnh nhân.

Chiều 2/7, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo sự việc này gửi Bộ Y tế. Tuy nhiên, nội dung văn bản còn nhiều vấn đề chuyên môn cần làm rõ.

Thai chết lưu 7 ngày nhưng hộ sinh vẫn đo được nhịp tim?

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế ngày 2/7, sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia sản khoa, qua hình ảnh nhận định thai chết lưu trên 7 ngày.

Theo tường trình của hộ sinh Hoàng Thị Trinh, trong quá trình chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118-130 lần/phút. Hộ sinh này cho rằng đã nghe nhầm tiếng nhịp tim và động mạch của thai nhi dẫn đến nhận định sai về việc em bé còn sống trong bụng.

“Nếu thai lưu, tất cả hệ mạch máu không thể hoạt động được. Do đó, tuyệt đối không thể nhầm lẫn tiếng động mạch thai nhi thành tiếng tim. Đây là điều cần khẳng định rõ”, TS.BS Bùi Chí Thương, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định.

Theo chuyên gia này, nhân viên y tế chỉ có thể nhầm tiếng động mạch của người mẹ với tim thai. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, lỗi này thường do sự bất cẩn, nhầm lẫn của nhân viên y tế trong quá trình thăm khám.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, nhận định việc nghe nhầm tim thai có xảy ra, nhưng rất hiếm vì nhịp tim của trẻ và sản phụ khác nhau.

“Vấn đề cần làm rõ ở đây là các hộ sinh sử dụng thiết bị nghe tim thai như thế nào. Trong điều kiện bệnh viện ở tuyến huyện xa xôi, việc sử dụng các thiết bị siêu âm lạc hậu có thể gây nhầm lẫn”, bác sĩ Trung nói.

Vụ trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ: 4 vấn đề cần làm rõ-1
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, người kéo đứt cổ trẻ sơ sinh. Ảnh: VietNamNet.

Tại sao không chỉ định siêu âm cho sản phụ?

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, sau khi nhập viện, chị Tình được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu, theo dõi tim thai và cơn co tử cung. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm cho sản phụ này.

Theo bác sĩ Bùi Chí Thương, siêu âm là cách tốt nhất để đánh giá tình trạng thai nhi còn sống hay đã chết lưu. Trong trường hợp thai lưu, hình ảnh sẽ thể hiện rõ trong màn hình siêu âm. Đây là một thiếu sót lớn của ê-kíp.

Sở Y tế Hà Tĩnh cũng nhận định việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi.

Theo VietNamNet, ông Nguyễn Minh Đức khẳng định người trực chính hôm đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa Răng - Hàm - Mặt. Ông Đức chỉ tham gia 20 phút phía sau.

Còn Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Phạm Hồng Cường, nói rằng do thiếu bác sĩ khoa sản, không còn cách nào khác nên để bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa Răng - Hàm - Mặt trực chính ở khoa Sản và tham gia đỡ đẻ ca sinh của sản phụ Nguyễn Thị Tình.

Thai chết lưu mẹ vẫn chuyển dạ bình thường?

Báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế kết luận: "Tình trạng thai nhi sau khi sổ: Da đầu bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày".

Văn bản này cũng nêu rõ sản phụ Tình nhập viện và được chẩn đoán đau bụng, chuyển dạ sinh lần 5, tình trạng lúc vào viện tỉnh táo. Việc khám sản cho thấy sản phụ có cơn co tử cung tần số 2/20 giây; cổ tử cung mở 4 cm. Sau đó, ê-kíp trực tiếp tục ghi nhận sản phụ có 2 cơn co vào 12h và 15h ngày 30/6.

Tuy nhiên, theo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, 18h35 ngày 30/6, ê-kíp trực tại khoa Sản lại ghi nhận "tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt".

Nhận định về kết luận này, ThS.BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng thai đã chết lưu 7 ngày rất khó để sản phụ có cơn co tự nhiên, chuyển dạ. Thông thường, các bác sĩ phải tiêm thuốc để sản phụ có cơn co, đẩy thai ra ngoài.

Theo TS.BS Bùi Chí Thương, trường hợp mẹ chuyển dạ nhưng thai đã chết lưu bác sĩ chỉ cần quan sát nước ối sẽ phát hiện bất thường. Bởi khi đó, nước ối rất đục và bẩn vì chứa phân xu.

Hành động thô bạo đến mức nào có thể gây tổn thương đến thai nhi?

Nhận định về vụ việc, bác sĩ Bùi Chí Thương cho biết nếu thai nhi còn sống, kể cả cân nặng trên 4 kg, cũng hiếm có thể xảy ra tình huống này.

"Nếu thai sống, động tác can thiệp phải quá mạnh, quá thô bạo thì mới có thể gây ra tình trạng đứt tới 8 vết khâu như vậy. Trong trường hợp thai đã chết lưu trước đó, các mô bở, mềm, nếu bác sĩ kéo đứt trẻ, cần sớm nhận lỗi với gia đình", bác sĩ Thương thông tin.

Nhận định về khả năng thai lưu 7 ngày, ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), cho rằng đối với thai bình thường, không to, nếu sản phụ đã mang bầu lần thứ 5 và ở tuần 35, khả năng đứt cổ khó có thể xảy ra.

“Khi thai lưu, mô da mủn, các khớp xương mềm ra nên trong giai đoạn sổ thai, bác sĩ có khi chỉ kéo nhẹ cũng gây bong tróc da và đứt cổ. Trong tình huống này, có thể thai mắc bệnh lý phù thai do tích dịch, nên khi chết chưa được 7 ngày cũng phồng rộp, phỏng nước và bong tróc như thông báo từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Tuy nhiên, việc các bác sĩ không phát hiện sớm thai lưu và chưa giải thích rõ ràng với gia đình là thiếu sót đáng tiếc”, bác sĩ Toản nói.

Một nữ bác sĩ trả lời VietNamNet cho rằng trẻ đã chết lưu vài ngày khác hoàn toàn với thai nhi mới tử vong. Nếu thai chết lưu, bị hoại tử, thối rữa khi bị tổn thương rất khó để khâu nối lại vì thịt đã mủn.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, đánh giá đây có thể là trường hợp sinh khó do kẹt vai - tai biến sản khoa đáng sợ.

Kẹt vai là tai biến sản khoa khó lường, thường gặp ở những trường hợp mẹ bị đái tháo đường, tiền sử sinh con to hoặc ước lượng cân nặng thai nhi hiện tại trên 4 kg. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận có trường hợp thai nhi nhỏ hơn 4 kg nhưng vẫn bị kẹt vai. Khi tai biến này xảy ra, đầu em bé đã ra khỏi cửa mình của thai phụ, nhưng vai của bé vì quá to, còn kẹt lại ở khớp mu (khớp vệ) khung chậu người mẹ.

“Xử trí những trường hợp này ‘chua’ lắm, nhưng cần bình tĩnh. Khi xử trí kẹt vai, người bác sĩ cần nhớ thủ thuật ‘lật úp thai phụ’ mà ở mọi bệnh viện đều có thể thực hiện. Lúc này, cho sản phụ ở tư thế như đang bò vậy và việc sinh sẽ thuận lợi hơn”, bác sĩ Trung nói.

Theo phản ánh của anh Nguyễn Sỹ Chiến (sinh năm 1977, chồng chị Tình), khoảng 8h sáng 30/6, vợ anh mang thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ nhập viện.

Tại đây, bác sĩ thăm khám và cho biết cổ tử cung của sản phụ Tình đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe hoàn toàn ổn định, chờ sinh thường.

Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, bác sĩ thăm khám và cho hay tử cung đã mở hết và đưa lên bàn đẻ. Tuy nhiên, đến 19h20 cùng ngày, anh nhận được thông báo của ê-kíp y bác sĩ là con đã tử vong với vết đứt dài trên cổ.

Sáng 2/7, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Hà Tĩnh đề nghị cơ quan này kiểm tra ngay sự việc báo nêu và xử lý kỷ luật các cán bộ liên quan theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm.

Bộ Y tế nhấn mạnh Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị liên quan phải cung cấp thông tin trung thực tới gia đình nạn nhân và cơ quan truyền thông.

Theo Zing


Bé sơ sinh bị đứt cổ

Trẻ sơ sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.