WHO cảnh báo virus Marburg gây tử vong đến 88%: Nguy cơ ở Việt Nam thế nào?

Virus Marburg gây bệnh có tỷ lệ tử vong đến 88% đã xảy ra đồng thời ở 2 quốc gia khác nhau và lây lan vào thủ đô của Guinea Xích đạo, nơi có các chuyến bay quốc tế đến các nước lân cận.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chức các nước tăng cường biện pháp phòng chống bệnh do virus Marburg, khi số ca nhiễm virus này đang tăng ở một số quốc gia châu Phi.

Hàng chục người tử vong vì virus Marburg

Theo đó, tại Guinea Xích đạo, 7 người đã tử vong trong đợt bùng phát từ tháng 1 của virus Marburg. Đến nay, virus đã lan ra khỏi tỉnh Kie-Ntem, nơi đầu tiên ghi nhận các ca tử vong. Tổng cộng, Guinea Xích đạo ghi nhận 9 ca nhiễm Marburg và 20 trường hợp nghi nhiễm.

Còn tại khu vực Đông Phi, Tanzania xác nhận 5 người đã thiệt mạng vì Marburg. Nước láng giềng Uganda - quốc gia từng ghi nhận đợt bùng phát năm 2017 cũng đang trong tình trạng báo động cao.

WHO cho hay, các chuyên gia về dịch tễ học, hậu cần, y tế, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng sẽ được triển khai, để hỗ trợ khu vực đang có dịch, cũng như giúp một số quốc gia lân cận như Cameroon và Gabon ứng phó khi dịch bệnh bùng phát.

WHO cảnh báo virus Marburg gây tử vong đến 88%: Nguy cơ ở Việt Nam thế nào?-1
Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ phòng chống dịch bệnh do virus Marburg tại châu Phi (Ảnh: WHO).

Trước tình hình diễn biến dịch trên, tại Việt Nam, Bộ Y tế và một số tỉnh thành đã phát lên cảnh báo cũng như có các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Marburg.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đề nghị các khoa phòng có khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Marburg (như Cấp cứu, phòng khám, Bệnh nhiệt đới) cảnh báo cho nhân viên về khả năng lây nhiễm của bệnh, cũng như tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Virus Marburg thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. Virus này có thể lây nhiễm từ động vật sang người và từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh.

Nhiễm virus Marburg có thể khiến bệnh nhân bị sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, xuất hiện ban dát sẩn, đau ngực, tiêu chảy… Khi ở tình trạng nặng, bệnh nhân có thể vàng da, viêm tụy, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Thống kê cho thấy, bệnh do virus Marburg có tỷ lệ tử vong cao (dao động trong khoảng 24-88%).

WHO cảnh báo virus Marburg gây tử vong đến 88%: Nguy cơ ở Việt Nam thế nào?-2
TS BS Phùng Mạnh Thắng thông tin về bệnh do virus Marburg gây ra (Ảnh: BV).

Nguy cơ lây nhiễm virus Marburg ở Việt Nam thế nào?

PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, virus Marburg đã xuất hiện từ năm 1967, và ngoài các nước châu Phi thì cũng tìm thấy ở một số quốc gia châu Âu như Đức, Serbia rải rác theo từng năm… Trước đây, người ta gọi những trường hợp nhiễm virus Marburg là bệnh xuất huyết Marburg, vì bệnh nhân sẽ bị chảy máu đầm đìa.

Theo PGS Dũng, virus Marburg không lây qua không khí, khí dung hay giọt bắn như SARS-CoV-2 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp phổ biến, mà chủ yếu thông qua dịch tiết cơ thể và đường máu, nếu cơ thể người tiếp xúc trực tiếp.

Người nhiễm bệnh có hậu quả rất nghiêm trọng, đến khoảng ngày 9-10 của bệnh thì tử vong. Vì lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đối tượng nguy cơ của bệnh này là nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế hay nhân viên tang lễ. Virus Marburg tồn tại trong một số loài dơi ăn quả, khỉ sống trong rừng rậm ở châu Phi, nên khả năng bị nhiễm khi tiếp xúc tự nhiên diễn ra ở một số khu vực nhất định.

WHO cảnh báo virus Marburg gây tử vong đến 88%: Nguy cơ ở Việt Nam thế nào?-3
Virus Marburg tồn tại trong một số loài dơi ở châu Phi (Ảnh: NBC).

PGS Dũng phân tích, virus Marburg nguy hiểm ở chỗ, dù người nhiễm bệnh đã chết rồi, máu chảy ra và người sống vô tình chạm trúng máu với chỗ trầy xước trên cơ thể, hay quẹt vào mắt, niêm mạc mũi thì cũng bị lây. Ngoài ra, ở nam giới sau khi nhiễm bệnh, tinh trùng có thể còn tồn tại virus Marburg trong khoảng 12 tháng, nên có thể lây lan cho bạn tình nếu quan hệ tình dục không an toàn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí trước lo ngại về khả năng lây lan và bùng dịch bệnh do virus Marburg ở Việt Nam, chuyên gia y tế công cộng khẳng định, ngành y tế Việt Nam luôn luôn phải cảnh giác sự xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái nổi, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ súc vật, có độc lực và tỷ lệ tử vong cao.

Với sự chuẩn bị như hiện nay, khả năng xuất hiện của virus Marburg ở Việt Nam là rất thấp, nếu có cũng chỉ là các ca tản phát và được khống chế nên không thể lây lan.

WHO cảnh báo virus Marburg gây tử vong đến 88%: Nguy cơ ở Việt Nam thế nào?-4
Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: HL).

PGS Dũng lý giải, việc WHO cảnh báo nguy cơ về bệnh do virus Marburg là vì bệnh đã lây lan đến thủ đô của Guinea Xích đạo, nơi có các chuyến bay quốc tế đến các nước lân cận. Ngoài ra, bệnh đã xuất hiện ở 2 quốc gia khác nhau (Tanzania và Guinea xích đạo), gợi ý có thể có lây lan xuyên biên giới.

"Cảnh báo của WHO là phù hợp, nhưng WHO chỉ đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao ở 2 quốc gia này và khu vực xung quanh. Nguy cơ lây lan bệnh Marburg trên các quốc gia khác là thấp.

Vì vậy, người dân bình thường không cần quá lo ngại, ngoại trừ người có quan tâm về y tế, khoa học, hoặc có tiếp xúc với người đi lại hay nhập cảnh từ châu Phi" - PGS Đỗ Văn Dũng nói.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/who-canh-bao-virus-marburg-gay-tu-vong-den-88-nguy-co-o-viet-nam-the-nao-20230329123016435.htm?fbclid=IwAR0dCA0ALYXKJuRY7LOjJ6PkLmXU1SNvQLwPgpALQpdP3l67qY3jZ0RYPro

bệnh truyền nhiễm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.