Ánh mặt trời chạy thành dòng từ mái ngôi nhà cổ mát lạnh và lại chạy tiếp lên cao, cao nữa tới cái nơi chúng tôi ít nhìn lên, nơi cái bancông bằng gang lủng lẳng cao ngất, mái nhà nhọn, cái song sắt thanh mảnh dựng lên giữa bầu trời, một cái tháp nhỏ tan biến dần, những con chim bồ câu, thiên thần - không, tôi không thấy rõ...
Bà Alexanđra cười sung sướng, với đôi mắt mờ đi vì hạnh phúc, đi bên phía đường nắng. Váng sữa, bánh mì và cà rốt trong chiếc túi lưới kéo trĩu tay bà xuống. Làn gió nam nhẹ ngát hương biển và hoa hồng. Bà Alexanđra mỉm cười với buổi sáng, mỉm cười với tôi. Bộ đồ đen, chiếc mũ sáng rực điểm những bông hoa chết biến dần sau góc phố.
Rồi tôi lại thấy bà tại một phố nắng chang chang - mủi lòng trước một em bé cô đơn mồ hôi đầm đìa - bà không có con mà. Đứa bé xa lạ tin tưởng đổ cát lên đầu gối bà. Đừng làm bẩn quần áo bà. Không sao đâu... cứ để bé chơi.
Tôi còn gặp bà trong gian chiếu phim ngột ngạt của rạp chiếu bóng. Ai đó nói: bà lão bỏ mũ ra đi, chẳng thấy gì cả!...
Cuối cùng thì bà bị lẫn trong dòng xe gần phố Nikitskie Voroty, chạy rối lên, mất phương hướng, tóm được tay tôi và như bơi được tới bờ an toàn. Tay nhân viên ngoại giao da đen lái xe hơi nổi khùng, xì ra khói xanh và lao về phía nhạc viện, còn bà Alexanđra hoảng sợ, run lẩy bẩy, níu lấy tôi và lôi tôi về nơi trú ẩn tập thể của mình - những đồ lặt vặt, những chiếc khung ảnh hình ôvan, những bông hoa khô...
Hai căn phòng nhỏ bé, trần nhà cao. Trên tường đầy ảnh của một cô gái xinh đẹp mê hồn, mỉm cười, trầm tư, đỏng đảnh: Sura dễ thương, bà Alexanđra. Tôi đấy! Cả ảnh đội mũ, cả ảnh không mũ, cả ảnh tóc buông rơi. Xinh đẹp thế đấy... Còn đây là người chồng thứ hai, đây là chồng thứ ba - một sự lựa chọn không đạt. Bây giờ thì nói làm gì... Ôi, nếu mà lúc đó tôi quyết được, đến với ông Ivan... Ông Ivan là ai?...
- Ngồi xuống đi, ngồi xuống, mời cháu gì đây?... Tới nhà bà chơi nhé, vì Chúa, hãy tới! Bà Alexanđra chỉ có một mình trên thế gian này, muốn chuyện trò làm sao!
... Mùa thu. Mưa. Bà Alexanđra, bà nhận ra cháu không? Cháu đây mà! Bà nhớ không... à, mà không quan trọng, cháu đến bà chơi đây này.
A, hạnh phúc làm sao! Lại đây, lại đây nào, bà dọn dẹp bây giờ... Bà sống một mình như thế đó. Sống qua tất cả. Ba ông chồng, cháu biết không? Và ông Ivan, ông ấy gọi, nhưng... Có lẽ cần phải quyết định? Cuộc đời dài làm sao! Đây là bà, Đây cũng là bà. Còn đây là chồng thứ hai. Bà đã có ba chồng, cháu biết không? Nhưng người thứ ba không tốt cho lắm...
Người đầu tiên là luật sư. Nổi tiếng. Sống tốt lắm. Mùa xuân - đi Phần Lan. Mùa hè - đi Crưm (vùng biển miền nam nước Nga). Những chiếc bánh ngọt trắng ngần, cà phê đen. Mũ thêu ren... Chiều chiều đi nhà hát. Bao nhiêu người hâm mộ! Ông ta mất năm 19, bị đâm chết. Ô, dĩ nhiên rồi, cả đời bà là những mối tình, làm sao khác được. Trái tim đàn bà - nó thế đấy!
Ba năm trước, một nhạc sĩ dương cầm thuê một căn phòng của bà. Mới 26 tuổi, người được giải thưởng, ôi đôi mắt... Dĩ nhiên, tình cảm anh ta giấu trong tim, nhưng cái nhìn - nó nói lên tất cả! Chiều chiều bà Alexanđra hỏi: cậu uống trà không? Anh ta chỉ nhìn và không nói gì. Cháu hiểu không... anh ta cứ im lặng mãi. Nhưng trong tâm hồn thì rực lửa... Bà Alexanđra kìm được mình và không cho hi vọng gì. Sau đó, anh ta vì đau khổ, cưới một cô nào đó, chẳng có gì đặc biệt. Rồi chuyển đi. Một lần gặp nhau ngoài phố, anh ta ném cho bà một cái nhìn - như thiêu ra tro! Nhưng vẫn lại không nói gì. Chôn tất cả trong lòng...
Trái tim bà Alexanđra không bao giờ trống rỗng. Ba đời chồng, chứ chẳng chơi. Trước chiến tranh, bà sống với người chồng thứ hai trong một căn hộ rộng ơi là rộng. Một bác sĩ nổi tiếng. Những người khách nổi tiếng. Hoa. Lúc nào cũng vui. Và chết cũng vui: khi đã rõ tận cùng, bà Alexanđra quyết định gọi dân Digan tới nhảy múa, hát: dù sao khi thấy cái gì đó đẹp đẽ, ồn ào, vui vẻ, chết dễ dàng hơn, đúng vậy không cháu? Cầu Thượng đế để hồn ông ấy được yên ổn... Còn ông chồng thứ ba thì không ổn lắm...
Nhưng ông Ivan. Ôi, ông Ivan thì! Crưm, năm 30, ánh nắng luồn qua rèm cửa như cắt nền nhà thành từng thanh nhỏ... Sáu mươi năm đã trôi qua, vậy mà... Ông Ivan gần như điên khùng, đòi bà bỏ ngay chồng và về Crưm ở với ông ấy. Về mãi mãi. Bà đã hứa. Sau đó, khi trở về Matxcơva, suy nghĩ lại: thế sẽ sống bằng gì? Và ở đâu? Còn ông Ivan thì viết bao nhiêu thư: “Sura dễ thương ơi, về đây đi, về với anh đi!”. Chồng thì có việc ở đây, ít khi ngồi nhà, còn ở Crưm thì ông Ivan chạy như hổ trên cát mịn, dưới bầu trời trong xanh: “Sura dễ thương ơi, mãi mãi!”. Nhưng tiền để mua vé đi Matxcơva thì không đủ! Thư, bao nhiêu là thư, thư mỗi ngày, suốt cả năm - bà Alexanđra cho tôi xem.
Yêu như thế đấy! Đi hay là không đi?
Cuộc sống con người được xếp thành bốn mùa. Mùa xuân. Mùa hè. Mùa thu. Mùa đông... Nhưng mùa đông cũng ở đằng sau bà Alexanđra. Bây giờ bà ở đâu? Đôi mắt ướt không màu nhìn về đâu? Cúi đầu về phía sau, vạch mi đỏ ra, bà Alexanđra nhỏ vào mắt nước thuốc màu vàng. Chiếc khăn voan màu hồng mỏng dính nhìn thấy cả da đầu. Có phải 60 năm trước cái đuôi tóc chuột kia là một đuôi công dài che kín cả bờ vai? Trong đôi mắt này đây, ông Ivan kiên trì nhưng nghèo khó đã chìm một lần và mãi mãi?...
Bà cháu mình uống trà nhé. Không uống bà không cho về đâu. Không, không, không. Đừng nghĩ ngợi gì đấy nhé.
Bà ơi, cháu không đi đâu đâu. Cháu tới để uống trà mà. Cháu đem cả bánh ngọt tới đây này. Cháu sẽ đặt ấm nước, bà đừng lo.
Bà Alexanđra lặng lẽ lấy quyển album bọc nhung và những bức thư cũ.
Đi tới bếp vừa xa vừa lâu, theo cái hành lang dài như không có tận cùng. Ánh sáng từ ngọn lửa bếp phía cuối đường hầm hành lang này như ngọn lửa nhỏ trong cánh rừng rậm rạp. Hai mươi ba người láng giềng im lặng sau những cánh cửa phòng. Khoảng giữa hành lang có cái điện thoại gắn trên bờ tường. Bà Alexanđra đã gắn miếng giấy bạc trắng trên tường: “Cháy - gọi 01, Cấp cứu - gọi 03. Trong trường hợp tôi chết, hãy gọi bà Elizaveta Oxipovna”. Bà Elizaveta Oxipovna đã mất từ lâu. Nhưng không sao. Bà Alexanđra quên rồi.
Thế nếu như bà Alexanđra hồi đó bằng lòng bỏ tất cả và về miền nam với ông Ivan thì bây giờ bà đã ở đâu? Bà đã gửi điện tín: em đi, hãy đón, xếp gọn đồ đạc, giấu cái vé sâu trong ví, buộc mái tóc dài cao lên và ngồi vào chiếc ghế bành, nhìn ra cửa sổ chờ đợi. Xa xa, ở phía nam, ông Ivan không tin ở hạnh phúc, chạy như bay ra nhà ga - chạy, lo lắng, hồi hộp, chỉ thị, thỏa thuận, như điên lên nhìn về phía chân trời nóng bỏng xa xa. Còn sau đó? Bà đã ngồi cho tới chiều tối, tới khi những vì sao đêm xuất hiện. Còn sau đó? Bà Alexanđra thả tóc ra, lắc đầu... Còn sau đó? Sau đó, sau đó! Cuộc đời qua đi, sau đó là như vậy...
Ấm nước đã sôi. Tôi pha trà đặc hơn. Con đường trở lại phòng bà Alexanđra theo cái hành lang tối tăm cũng dài. Hai mươi ba người láng giềng sau những cánh cửa trắng nghe ngóng: cô ta có làm nhỏ giọt trà độc hại của mình lên nền hành lang sạch sẽ của chúng ta không nhỉ? Không đâu, đừng lo...
Tôi lay chân mở cửa ra. Có lẽ tôi đã vắng mặt cả thế kỷ, vậy mà bà Alexanđra vẫn nhớ tôi. Tôi đặt những tách trà đã sứt miệng lên bàn, bà Alexanđra thì lấy ra món mứt ngon tuyệt diệu người ta tặng bà. Ngon lắm, đúng không, cháu cứ ăn đi, cứ thử đi nhé. Sống bao nhiêu trên đời chẳng bao giờ có món mứt ngon đến thế. Ôi, bà vui lắm, bà mừng lắm, vì cháu đã thích, lấy nữa đi, ăn nữa đi, bà van xin cháu đấy!
Cháu thích bà, bà Alexanđra à, cháu rất thích bà, đặc biệt trên cái ảnh với khuôn mặt hình trái xoan dễ thương kỳ lạ, cả trên cái ảnh kia nữa với cái đầu hất về phía sau và nụ cười phô hàm răng trắng tuyệt đẹp, cả trên cái ảnh bà giả vờ làm nũng nữa. Cháu thích cả cuộc đời không hấp dẫn ai nữa của bà, một cuộc đời rộn lên nơi nào đó, nơi tuổi trẻ qua mau như chạy, những người hâm mộ bà đã thành cát bụi, những ông chồng, tất cả, tất cả những ai đã đáp lại bà và bà đã gọi, mỗi người, những ai đã tới rồi biến mất sau rặng núi cao. Cháu sẽ tới thăm bà và mang váng sữa tới, cả cà rốt rất tốt cho mắt nữa, còn bà ơi, bà hãy mở những quyển album nhung nâu nâu đã lâu không được thoáng gió...
Nhìn kìa, ảnh ông Ivan mỉm cười. Không sao, không sao đâu, bà đừng khóc!... Đáng lẽ lúc đó phải quyết. Đã phải. Bà đã quyết rồi đó. Ông ấy đây - bên cạnh, chỉ cần với tay! Bà cầm tay ông đi, cầm đi, ông đây, bóng loáng, lạnh ngắt, mỏng tanh, với viền cắt vàng đã ngả màu thời gian! Ê, ông Ivan, ông có nghe thấy không, bà đã quyết rồi đó, hãy đón bà đi nhé, bà sẽ không chần chừ nữa đâu...
Hàng ngàn năm, bao ngàn ngày, hàng ngàn chiếc rèm trong suốt không đâm thủng được đã rơi từ trên bầu trời xuống, đông đặc lại, thành những bờ tường rắn chắc, chặn những con đường, không cho bà Alexanđra tới với người yêu đã thất lạc trong hàng thế kỷ. Ông đã ở lại bên kia, phía bờ kia của năm tháng, một mình, trên cái ga bụi bặm, đi lang thang trên cái sân ga bị nhổ đầy vỏ hạt hướng dương, ông nhìn đồng hồ, tay giật những quả tùng màu khói hương, đợi, chờ đợi, đợi chiếc đầu tàu buổi sáng hiện dần từ xa xa. Bà đã không tới. Bà sẽ không tới. Bà đã nói dối. Không, không đâu, bà muốn tới mà! Bà đã sẵn sàng, cái túi xách bên cạnh! Những chiếc váy mỏng trắng nằm chật trong túi xách, những chiếc áo tắm hở hang, che chưa được tới đầu gối - tay để trần tới bờ vai! Chờ đợi, chờ đợi cái giờ của mình... Trong cái hộp đựng mũ - những chiếc kẹo zephia trắng không chịu nổi, làm say mê, nhẹ tênh - không còn từ để tả nữa - điều kỳ diệu trong mọi điều kỳ diệu! Rượu Gin trong bình pha lê - trời đất, nó ánh lên hàng tỉ cầu vồng như thế nào trong ánh sáng biển rực rỡ! Bà đã sẵn sàng - cái gì đã ngăn bà lại? Cái gì lúc nào cũng ngăn chúng ta lại? Nhanh lên, thời gian đi mau lắm!... Thời gian trôi đi, và bức tường dày vô hình của năm tháng cứ dày hơn, những đường ray gỉ đi, những con đường mọc đầy cỏ dại. Thời gian trôi đi, mang trên lưng chiếc thuyền Sura dễ thương, và vẩy những đường nhăn lên mặt bà.
... Cháu uống trà nữa chứ?
Sau chiến tranh bà trở về đây - với người chồng thứ ba - về đây, cái căn hộ tập thể này. Người chồng thứ ba cứ cằn nhằn, cằn nhằn suốt... Hành lang dài. Ánh điện mờ nhạt. Cửa sổ hướng vào sân. Tất cả đã ở phía sau. Những người khách sang trọng khi xưa đã chết. Những bông hoa đã héo khô. Mưa đập vào cửa kính. Cằn nhằn, cằn nhằn - và ông ta chết, khi nào - bà chẳng nhận thấy...
Bà Alexanđra lôi ảnh ông Ivan từ album ra, nhìn hồi lâu. Ông đã gọi bà như thế nào! Bà đã mua vé - chiếc vé đây, còn đây. Trên miếng giấy cactông - những con số màu đen. Muốn nhìn thế nào thì nhìn, dẫu sao những dấu hiệu bị quên lãng của một bảng chữ cái không được biết tới, cái giấy phép được mật hóa sang kia, bờ bên kia...
Trà nữa nhé? Ngoài trời mưa tuyết.
... Trà nữa nhé? Táo nở hoa. Bồ công anh rực rỡ. Tử đinh hương khoe sắc. Trời, nóng quá. Thoát khỏi Matxcơva - về biển. Hẹn gặp lại nhé, bà Alexanđra! Cháu sẽ kể cho bà nghe cái gì ở đó - bên tận cùng kia của đất. Biển có khô cạn đi không, Crưm có bị lá khô thổi trôi đi không, bầu trời xanh có nhạt đi không? Người yêu đau khổ đầy lo lắng của bà có rời vị trí gác tình nguyện trên sân ga không?...
Ở đó, ở Crưm, ông Ivan vô hình, đầy lo lắng, đi đi lại lại trên sân ga đầy bụi, lôi đồng hồ trong túi ra, lau cái cổ vừa cạo sạch, hồi hộp, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, những cô gái xinh đẹp mặc quần đi xuyên qua ông, những chàng trai hippy bắp thịt rồn rộn đi xuyên qua ông; những bà già thắt khăn trắng với những chiếc xô mận; những người phụ nữ miền nam đeo bông tai bằng nhựa; những ông già với những chiếc mũ phẳng phiu; đi xuyên qua ông Ivan, nhưng ông không biết gì, không nhận thấy gì cả, ông đợi, thời gian chệch lối, mắc đâu giữa đường, thời gian bị lạc, mù lòa trên những cánh đồng hướng dương...
Ông Ivan ơi, đợi một chút! Cháu sẽ nói với bà, cháu sẽ chuyển cho bà, ông đừng đi, bà sẽ tới, sẽ tới, thật đấy, bà đã quyết định rồi mà, bà đã đồng ý, ông cứ đứng đó nhé, bà sẽ tới bây giờ, tất cả đã chuẩn bị xong - chỉ việc đi; và vé cũng có, cháu biết, cháu xin thề, cháu đã thấy nó mà - trong quyển album nhung ấy: nó đã sờn, nhưng không sao, người ta sẽ cho bà lên tàu... Có vé - điều đó rất quan trọng, ông biết không, cái chính, bà đã quyết, chính xác đấy, cháu nói thật mà!...
Bấm chuông vào phòng bà Alexanđra - năm lần, chuông thứ ba từ trên xuống. Ngoài sân gió nhẹ: cái cửa cầu thang đầy bụi được trang trí bằng hình những bông sen nhẹ dạ he hé mở, những bông hoa của sự quên lãng.
Cô hỏi ai?... Đã chết.
Sao vậy... hãy đợi chút nữa... tại sao?... Tôi chỉ mới... Tôi chỉ tới đó và quay về ngay mà! Mọi người nói gì?...
Khí nóng trắng hầm hập xuyên thẳng vào cửa nhà, đâm thẳng vào mắt. Hãy đợi... rác, chắc chưa dọn đi? Sau góc nhà, bên đường nhựa, những đường xoắn ốc của sự tồn tại trên đời này được kết thúc trong những thùng rác. Thế mọi người nghĩ sao - ở đâu? Trên chín tầng mây à? Chúng đây, những đường xoắn ốc - những dây lò xo lồi ra từ tấm thảm đã mốc thối chênh nghênh. Người ta ném tất cả vào đây. Bức chân dung khuôn mặt hình trái xoan của bà Sura - gương bị đập vỡ, mắt bị đâm thủng. Những đồ lặt vặt của một bà già - những chiếc quần tất dài gì đó... Chiếc mũ với bốn mùa trên đó. Mọi người không cần những quả anh đào vỡ? Không à?... Tại sao? Thế chiếc bình nước bị gãy mũi. Còn quyển album nhung, dĩ nhiên đã bị đánh cắp. Dùng nó chùi giày tốt lắm.
Tất cả mọi người đều ngốc hết, tôi không khóc - khóc làm gì? Rác cháy bỏng trong ánh nắng mặt trời, chảy thành nước nhầy nhầy màu đen. Tập thư bị đạp dập trong nước. “Sura dễ thương ơi, vậy khi nào...”, “Sura dễ thương ơi, em chỉ cần nói...”. Còn một bức thư, bị khô, bay trong gió dưới gốc cây dương bụi bặm như con bướm vàng, không biết phải đậu ở đâu.
Tôi phải làm gì với tất cả những thứ đó? Quay lưng và bỏ đi. Trời nóng. Gió thổi tung bụi. Và bà Alexanđra, Sura dễ thương, nửa thực nửa như ảo ảnh, trang điểm bằng những bông hoa giấy và những quả bằng gỗ, bay bay, mỉm cười, dọc theo cái ngõ rung rung tới góc phố, về hướng nam, phía nam xa xôi rực rỡ, tới cái sân ga hẻo lánh, bay bay, tan dần và biến mất trong nắng trưa nóng bỏng.
Tachiana Toltaya
Theo Hoàng Hoa (dich từ nguyên bản tiếng Nga)