Nhắc đến những vai diễn Tạ Ngọc Bảo đảm nhận, hầu như diễn viên nào cũng mơ ước được thử sức: Nhâm trong Thương nhớ đồng quên, Dũng trong Chiếc chìa khóa vàng, Mạnh trong Vũ khúc con cò, Đạt trong Vào Đời...
Thành công liên tục với những vai ấn tượng, Bảo như ngôi sao vụt sáng rồi "biến mất" trên bầu trời điện ảnh suốt nhiều năm.
Bất ngờ gặp lại anh trong "vai" nhân viên văn phòng điều độ thuộc một chi nhánh điện lực ở Hà Nội, nếu không được giới thiệu, chắc tôi không nhận ra. Anh không còn vẻ gầy hò, khắc khổ và quê mùa nữa. Thay vào đó là một Tạ Ngọc Bảo tóc húi cua, phát tướng, áo thun, quần ka-ki trắng. Anh chia sẻ: "Dù xuất hiện trong khá nhiều phim nhưng bây giờ, khách hàng hầu như không nhận ra mình từng làm diễn viên".
Tạ Ngọc Bảo đã "lột xác". Hơn nữa, chẳng ai nghĩ một diễn viên nổi tiếng lại bỏ nghề đi làm nhân viên điện lực.
Nỗi niềm người nổi tiếng
Bảo nhận vai diễn đầu tiên khi mới học năm thứ nhất trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Lúc bấy giờ, phó đại diễn Nhuệ Giang đến trường tuyển diễn viên cho phim Thương nhớ đồng quê. Ông chọn Bảo dù biết anh học không giỏi.
Bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước khiến tên tuổi Bảo nổi như cồn. Anh được mời sang Ấn Độ tham dự liên hoan phim và nhận được khá nhiều lời mời đóng phim trong Nam, ngoài Bắc của các đạo diễn tên tuổi. Thế nhưng mấy ai biết cuộc sống của người nổi tiếng như thế nào. Phía sau ánh hào quang màn bạc là nhiều điều cay đắng không lường trước được. Người nổi tiếng ấy thường đi xem phim "miễn phí" ở Hội Điện ảnh, đọc sách báo do bạn bè tặng, khi phim phát sóng, anh đã tiêu hết cát-sê từ lâu.
"Thời gian đóng phim vui nhưng ngắn ngủi, còn lại là chuỗi ngày bếp bênh", Bảo thổ lộ. Thế nên sau khi tốt nghiệp, anh làm quen với công việc thư ký trường quay. Cẩn thận và chịu khó nên chỉ sau vài phim, anh đã thành thạo. Mỗi năm anh làm 4-5 phim, kể cả công việc thư ký trường quay nhưng thù lao không đủ trang trải cuộc sống.
Anh không phải người đa năng để lăn lộn làm những nghề khác nuôi nghề diễn viên. Anh cũng không phải diễn viên có thể đóng nhiều dạng vai vì khuôn mặt Bảo chỉ hợp với nhân vật hiền lành, quê mùa. Anh chia sẻ: "Ngày ấy, tôi đi đóng phim chỉ để giải tỏa tâm lý không rơi vào cảnh ăn không ngồi rồi. Thù lao đóng hai tập phim suốt gần hai tuần chỉ 1,5 triệu đồng. Mỗi lần nhận cát-sê, tôi tự hỏi bao giờ mình mới mua được chiếc xe máy".
Không có xe máy, anh phải đạp xe đến hãng chờ ô-tô đón, ngồi chen giữa đống đạo cụ lỉnh kỉnh. Tối đến, anh lại lọc cọc đạp xe về khu trọ ẩm thấp ở Thanh Xuân Nam. Có hôm, một hai giờ sáng Bảo mới về đến nhà, mưa ngập, người ướt sũng, bụng đói meo. Những lúc ấy, Bảo thấm thía nỗi khổ cực và sự mặc cảm của người nổi tiếng nhưng thường xuyên "viêm màng túi". Không có tiền nên anh chẳng dám đi đâu, ngại quan hệ, giao tiếp.
Không có địa chỉ nhà, điện thoại nên ai muốn tìm anh đều phải nhắn qua đoàn phim. Một lần, đoàn phim Vũ khúc con cò muốn quay lại một cảnh nhưng tìm mãi không gặp Bảo. Sau khi nghe người bạn nhắn lại, anh đến hãng phim, thấy bản thông báo tìm diễn viên Tạ Ngọc Bảo chuẩn bị gửi đài truyền hình. Bảo đã giữ mảnh giấy ấy làm kỷ niệm.
"Có giai đoạn tôi rơi vào hụt hẫng. Ở nhà thuê, công việc bấp bênh không đủ sống... khiến tôi gần như vô vọng. Nếu không có tình yêu mãnh liệt với người vợ hiện tại tôi sẽ đi đâu về đâu nữa", Bảo nhớ lại.
Cuộc chia tay không hẹn trước
Khi đang đóng phim Vũ khúc con cò, có người khuyên anh nên học lái xe. Lấy được bằng lái cũng là lúc anh vừa cưới vợ. Một người quen, công tác trong ngành điện, ngỏ ý giúp anh tìm việc làm ổn định. Đúng lúc ấy, chi nhánh điện lực một quận nội thành ở Hà Nội cần người lái xe chuyên dụng, Bảo lẳng lặng làm hồ sơ. Khi chính thức đi làm, anh mới báo cho vợ biết.
Tôi hỏi anh: "Mười năm theo sự nghiệp điện ảnh, gắn bó là thế, sao anh có thể từ bỏ, chuyển sang một nghề chẳng liên quan gì?".Anh bảo: "Thực sự đó không phải là điều dễ dàng. Lý do sâu xa là làm điện ảnh quả thật quá vất vả. Hơn nữa, các vai diễn của tôi hầu hết thuộc dạng lam lũ. Khi lấy vợ, chuyện áo cơm càng thôi thúc... Bổn phận người chồng, người cha và ước mơ tìm được công việc có thu nhập ổn định là động lực giúp tôi đón nhận công việc mới".
Một năm sau, anh được nhận vào biên chế. Công việc ổn định, hai cậu con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Do không có điện thoại di động suốt thời gian dài nên khi chuyển sang ngành điện, Bảo hầu như cắt đứt liên lạc với giới làm phim. Vài năm đầu đi làm, thi thoảng cũng có người tìm anh, chuyển lời mời đóng phim của các đạo diễn. Bảo nói, anh không còn thiết tha nữa. Công việc của nhân viên điện lực cuốn anh đi mỗi ngày. Đóng một tập phim cũng sẽ làm đảo lộn nhịp sống bình yên ấy. Anh không muốn có sự thay đổi nào nữa. Hay đúng hơn, ước mơ giản dị có cuộc sống bình yên, thanh thản bao năm ấp ủ giờ đã trong tay nên Bảo bằng lòng với hiện tại.
Bây giờ, khi ai đó hỏi vì sao bỏ nghề diễn, anh thật sự bối rối. "Cũng may tôi chưa nổi tiếng đến mức đi đâu ai ai cũng nhận ra. Nếu nổi tiếng quá, quần chúng hỏi vì sao không làm nghệ nữa, tôi không biết trả lời thế nào", Bảo buông lời, cười nhẹ, xót xa. Anh cho biết thêm, thu nhập của nhân viên ngành điện ở mức vừa phải chứ không cao như nhiều người nghĩ, vì điện lực bây giờ theo cơ chế kinh doanh. Anh hưởng lương bậc 3/7, ngày làm tám tiếng nhưng theo ca và mỗi tuần trực một buổi tối.
Có điều khá lạ là Bảo không tham gia hoạt động văn nghệ nào ở cơ quan, dù hàng năm đều có hội diễn. "Tôi sống hơi ẩn", anh thú nhận. Anh cho rằng mình không phải là mẫu người năng động.
Người nghệ sĩ với niềm đam mê khác
Bảo hẹn đưa tôi về thăm những ngôi chùa ở quê anh, cách Hà Nội gần 20km, nơi vẫn còn những bức tượng anh làm từ lúc 19-20 tuổi. Anh từng làm thợ tạc tượng ở đây trong những ngày chờ đi đóng phim hay lúc nghỉ hè thời sinh viên.
Anh đến với nghề tạc tượng rất ngẫu nhiên. Hà Tây cũ vốn là đất của những ngôi đền, chùa cổ kính. Mỗi dịp nghỉ hè, Bảo ra chùa chơi, đúng lúc gặp được người giữ chùa. Sau cuộc trò chuyện, nghe Bảo góp ý về những bức tượng, biết anh đang học trường nghệ thuật ở Hà Nội, ông tin tưởng giao cho anh nhiệm vụ tạc tượng trong chùa. Lúc ấy anh vẫn chưa biết dựng cốt ra sao. Sau đó, anh còn làm tượng ở các chùa, đền khác...
Dù được biết đến là một diễn viên nhưng điêu khắc mới là sở trường của anh. Mê vẽ từ nhỏ nên khi còn đi học, trang sách nào trống là anh vẽ. Anh vẽ hồn nhiên, bản năng chứ không được ai chỉ dạy. Tuy nhiên, anh không có duyên với nghề này. Anh đăng ký thi vào khoa Thiết kế Mỹ thuật của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Khi đó anh còn chưa biết bố cục màu vì chỉ quen vẽ chì, may có người ngồi cạnh pha màu giúp. Anh vào đến vòng thi cuối nhưng không đỗ. Anh tiếp tục thi vào cao đẳng ngành mỹ thuật nhưng cũng rớt.
Tạ Ngọc Bảo của ngày hôm nay
Anh cũng từng có cơ hội gắn bó lâu dài với nghề. Khi đóng phim Vào đời, Bảo được ngỏ lời về làm ở Ban thư lý TFS. Anh cũng chuẩn bị mọi thứ để nhận chân thư ký cho bộ phim dài tập Dưới cờ đại nghĩa. Thế nhưng, những ràng buộc ở quê nhà: bố mẹ già không ai chăm sóc, người yêu mỏi mắt ngóng trông... khiến anh bỏ tất cả, quày quả trở lại Hà Nội.
Bảo không còn đóng phim đã sáu năm. Anh cũng không thiết tha trở lại phim trường, nhưng điện ảnh chưa bao giờ thôi hiện diện trong cuộc sống của anh. Anh vẫn dõi theo những hoạt động trong nghề và tình hình điện ảnh trong nước. Thời gian giải trí, anh dành cho việc xem phim. Có lẽ để cân bằng với những vai hiền lành và cuộc sống đều đặn của nhân viên ngành điện, anh chỉ thích xem phim hàng động Mỹ. Bảo đã khác nhiều, nhưng tôi nhận ra cách nói chuyện thủ thỉ vẫn như xưa với ánh mắt hiền từ. Anh vẫn giữ được cái "chất" của một diễn viên điện ảnh ngày nào.
Bảo chia tay điện ảnh, để lại những vai diễn đánh nhớ cho ngành điện ảnh Việt Nam, để lại cả niềm tiếc nuối cho những người mến mộ anh. Chẳng ai trách anh không đủ quyết tâm đi đến tận cùng niềm đam mê. Tuy nhiên, cũng còn quá sớm để so sánh con đường anh đang chọn có sáng sủa hơn nghề diễn hay không. Trước mắt, công việc của một nhân viên điện lực đem lại cho anh nhiều niềm vui. Niềm vui kéo dài chứ không phải hào quang chợt sáng, chợt tắt.
Khi hỏi về gia đình, Bảo kể trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Vợ chồng anh kết hôn khi cả hai chưa ổn định về kinh tế. Họ đã vượt qua biết bao khó khăn để xây dựng tổ ấm hạnh phúc từ hai bàn tay trắng. Tất cả cũng nhờ niềm tin và sự động viên của vợ anh. Chị luôn âm thầm bên cạnh anh trong mỗi quyết định.
Giờ đây, họ đã có căn nhà 27m2 trong một ngõ nhỏ thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vợ Bảo là nhân viên kế toán một công ty tư nhân, nhỏ hơn anh hai tuổi. Hai người đến với nhau vì tính tình rất hợp chứ không vì vai diễn của Bảo. Đứa con trai lớn của Bảo đã sáu tuổi cũng yếu thích vẽ như bố, nhưng anh nhận thấy con có thiên hướng về các môn tự nhiên. Con trai thứ hai của anh mới 16 tháng tuổi.
Nhìn anh bây giờ, bận rộn với lịch trực cơ quan, đưa đón con đi học... đùng là hình mẫu một viên chức mẫn cán và người đàn ông chu toàn trong gia đình. Dường như điện ảnh trong anh chỉ còn lại những mảng ký ức buồn nhiều hơn vui, tối nhiều hơn sáng. Hơn nữa, phần ánh sáng và niềm vui chủ hiện lên le lói, bất chợt. Chẳng ai có thể chia sẻ bớt nỗi buồn mà chàng trai trẻ ngày ấy đã phải gặm nhấm và đối mặt suốt những tháng ngày qua, để rồi phải tự giải thoát...
Tôi chợt nghĩ, ngày đó nếu không gặp vai Nhâm khiến tên tuổi bừng sang, anh sẽ như thế nào. Có lẽ cuộc đời anh đã rẽ sang hướng khác.Dẫu sao cũng không khỏi tiếc cho một tài năng nghệ thuật, dù mỗi người có quyền quyết định cuộc sống của mình. Ai theo nghệ thuật mà chẳng biết sự đào thải khắc nghiệt của nó. Có thể Bảo đã dừng lại đúng lúc. Nếu anh tiếp tục theo nghề, biết đâu, những vai diễn sau này chỉ là cái bóng của Nhâm mà anh không bao giờ có thể vượt qua...
Theo Long Nghệ