8 năm sống như người xa lạ, mẹ tôi bỗng đòi nhận lại cháu nội sau khi con trai qua đời

Nếu tôi là chị dâu thì tôi cũng từ chối lời đề nghị vô lý của mẹ. Rốt cục mẹ tôi thương Bon thật hay chỉ coi cháu trai như người thay thế?...

Sống 31 năm ngắn ngủi trên đời, anh trai tôi thực sự quá khổ cực. Từ sự nghiệp đến tình duyên đều không suôn sẻ. Anh có rất nhiều cơ hội tốt tìm đến, song vì mẹ tôi can thiệp mà cuộc đời anh liên tiếp rơi vào bế tắc.

Mẹ tôi là một người phụ nữ có sở thích chỉ đạo người khác. Ai cũng phải làm theo ý của bà, nếu không theo thì bà sẽ phản ứng lại khá tiêu cực. Người ngoài có thể mặc kệ sự ngang ngược của mẹ tôi chứ người trong gia đình thì không. Bao nhiêu năm qua bố con tôi sống trong sự quản lý của mẹ, tuy có nhiều lúc hòa thuận rất vui nhưng đa số vẫn là mâu thuẫn.

8 năm sống như người xa lạ, mẹ tôi bỗng đòi nhận lại cháu nội sau khi con trai qua đời-1

Bố và tôi là 2 người nhịn giỏi nhất. Chúng tôi luôn đồng thuận với lời của mẹ vì biết chắc tranh cãi cũng chỉ nhận phần thua. Công việc nhà mẹ bảo gì làm nấy, cơm cho gì ăn nấy, quần áo mua gì mặc nấy. Tiền lương của bố do mẹ cầm hết, giờ giấc cũng do mẹ quản. Mọi người đều nói cuộc sống của chúng tôi quá ngột ngạt khi phải nghe theo sắp xếp của mẹ, song tôi biết mẹ cũng luôn chọn thứ tốt thứ ngon cho gia đình nên cứ nhắm mắt nghe theo.

Duy nhất anh trai tôi là người thường xuyên cãi lại mẹ. Anh không hề nghịch ngợm quậy phá, ngược lại từ bé đến lớn anh luôn sống có nguyên tắc. Song bản thân anh khá độc lập nên tự biết cái gì nên làm, không muốn bị mẹ coi như con rối.

Bắt đầu từ lúc học cấp 2 anh đã hay phản đối mẹ tôi về những điều bà bắt anh tuân thủ, chẳng hạn như anh phải học thêm lớp mẹ chọn, đọc mớ sách khoa học rắc rối mẹ đưa, . Mẹ bảo những cái đó tốt cho anh, bắt anh phải học thật giỏi cho bằng con nhà khác.

Tôi biết anh học rất tốt và còn có năng khiếu thể thao nữa. Ước mơ của anh là trở thành cầu thủ bóng đá, thế nên ngoài giờ học anh thường trốn đi đá bóng với bạn. Tôi luôn là đứa bao che cho anh khi mẹ hỏi vì sao anh chưa về nhà. Đó là một trong những việc hiếm hoi tôi dám trái lời mẹ, tôi luôn nghĩ ủng hộ ước mơ của anh là điều đúng đắn.

Cho tới một hôm anh tham gia giải thể thao ở trường bị chấn thương, thế là mẹ phát hiện ra chuyện anh thường xuyên đi đá bóng. Kết cục cả 2 anh em đều bị phạt cấm túc 1 tháng. Tôi bị mẹ kiểm soát quen rồi nên ở nhà cũng chẳng sao. Chỉ có anh trai là buồn bã, loanh quanh làm bạn với mấy quyển truyện tranh giấu dưới gầm giường. Anh được thầy thể dục đề cử làm hạt giống đội tuyển bóng đá thành phố. Thầy gọi điện về nhà thuyết phục mẹ tôi cho đi tập huấn chuyên nghiệp nhưng mẹ từ chối rất lạnh lùng. Ai cũng bảo sau này anh trai tôi có tiềm năng trở thành cầu thủ nổi tiếng, song mẹ tôi bảo “bóng bánh chả được tích sự gì”. Thế là anh tôi vuột mất cơ hội tỏa sáng, tương lai rẽ sang một hướng khác.

Sau khi anh em tôi lần lượt đỗ đại học thì mẹ cũng nới lỏng kiểm soát hơn. Hàng xóm toàn khen mẹ tôi nghiêm khắc nên nuôi dạy được 2 đứa con giỏi, chỉ có nội bộ gia đình mới hiểu sự thật ra sao. Anh tôi kiếm cớ vắng nhà nhiều hơn trước. Và đến năm thứ 3 thì anh dọn hẳn ra thuê trọ bên ngoài với lý do tự lập.

Dĩ nhiên mẹ tôi nổi giận đùng đùng và bắt con trai phải quay về. Có nhà không ở lại tốn tiền thuê trọ, theo logic của mẹ thì chẳng có ai ngu ngốc như thế cả. Anh tôi kiên quyết không nghe theo vì lúc ấy anh hơn 20 tuổi rồi. Anh cũng xin được chân thực tập sinh ở một công ty công nghệ nên hàng tháng có lương. Mẹ dọa cắt tiền sinh hoạt anh liền đồng ý luôn, gần như triệt để thoát khỏi ảnh hưởng của mẹ.

Bố tôi khuyên giải hết lời thì mẹ mới chịu ngừng cơn ầm ĩ. Một đứa con chạy khỏi tầm kiểm soát khiến mẹ tôi dồn hết trí lực vào đứa còn lại. Và đứa ấy chính là tôi. Thời điểm ấy tôi khá chật vật vì bị mẹ siết chặt cấm đoán, ngoài giờ lên lớp tôi còn chẳng được gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên mẹ cho phép tôi dùng điện thoại, máy tính, nhà cũng có mạng internet nên đỡ buồn chán hơn.

Công việc của anh trai càng ngày càng thuận lợi. Vừa ra trường anh đã là trưởng nhóm, đãi ngộ cũng khá tốt. Anh thương tôi phải ở chung với mẹ nên thường xuyên nhắn tin tâm sự và cho tiền tiêu vặt. Anh động viên tôi cố gắng đi làm kiếm bạn trai rồi lấy chồng cho đỡ khổ. 24 tuổi tôi vẫn bị mẹ bắt 10h tối phải có mặt ở nhà, không cho đi đâu xa qua đêm và chẳng có bạn thân nào. Nghĩ cũng buồn nhưng tôi quá nhát nên không dám vùng dậy thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa ấy.

Rồi một hôm anh bảo tôi tìm ít giấy tờ để anh làm hộ chiếu đi công tác. Chuyến đi ấy là dấu mốc vô cùng quan trọng với anh, có thể anh sẽ được công ty cử đi làm quản lý chi nhánh nước ngoài. Những giấy tờ ấy đều ở chỗ mẹ hết. Mẹ hỏi lấy làm gì thì tôi cũng thật thà bảo anh trai cần dùng. Thế là bỗng dưng mẹ bảo không nhớ để đâu, cũng không cho anh trai quay về tìm.

Hôm ấy nhà tôi cãi nhau khá kịch liệt. Anh và mẹ to tiếng hết cả buổi tối. Mẹ tôi vì không muốn con trai đi xa nên cố tình giấu giấy tờ đi khiến anh không làm được hộ chiếu. Anh bất lực không thể làm gì mẹ nên bỏ đi. Mấy tháng trời mẹ cố gắng liên lạc với anh nhưng không được. Còn tôi thì xót xa im lặng khi biết anh lỡ mất cơ hội thăng chức, tiền đồ sự nghiệp cũng tiêu tan.

Sau vụ đó anh rất chán nản. Tôi thường xuyên thấy anh đăng ảnh tâm trạng, đi uống rượu say với bạn bè. Và rồi trong một lần thiếu tỉnh táo, anh tôi đã lên chức bố một cách bất ngờ.

Dĩ nhiên anh là người có trách nhiệm nên đã về nhà bảo bố mẹ tổ chức đám cưới. Chị dâu tương lai của tôi là bạn học cũ với anh, ngày xưa họ từng thích nhau nhưng không dám ngỏ lời. Gia cảnh nhà chị dâu cũng ổn, học thức gia giáo. Sự cố mang bầu là ngoài ý muốn nhưng anh chị đều tốt với nhau nên tôi ủng hộ họ. Nghĩ cảnh mình sắp có cháu mà tôi vui vô cùng.

Tuy nhiên mẹ tôi lại cực lực phản đối. Khi anh dắt chị dâu về ra mắt, mẹ tôi đã chê chị thẳng thừng: “Là gái ngoan thì chẳng ai ăn cơm trước kẻng”. Anh tôi vì thương chị nên cố gắng nhịn nhục. Tuy nhiên cuộc nói chuyện đã thất bại thảm hại, anh chị về ở với nhau mà không có đám cưới nào.

Biết vợ thiệt thòi nên anh tôi bảo sau này con lớn nhất định sẽ tổ chức lễ cưới, để cho vợ được mặc váy cô dâu. Người thân bên nhà chị thì tử tế, bố mẹ chị thương con gái nên cũng chăm sóc chu đáo. Họ đối xử với anh trai tôi rất tốt, biết nội tình gia đình tôi nên cũng không bắt bẻ anh chuyện nọ chuyện kia.

Vì cần tiền nuôi vợ con nên anh tôi làm việc nhiều gấp đôi gấp ba lúc trước. Anh nhận thêm việc ngoài, về nhà cũng thức làm đến 2-3h sáng. Chị dâu thương anh tôi lắm, suốt ngày nhắn tin tâm sự kể chuyện về anh. Ngày chị nhập viện sinh con, anh còn mang máy tính vào viện ngồi họp. Con khóc oe oe bên trong thì anh tôi vừa khóc vừa xin sếp nghỉ phép bên ngoài.

Cứ tưởng cháu nội chào đời thì mẹ tôi sẽ đỡ gay gắt nhưng không ngờ bà còn chê chẳng thèm nhìn mặt nó. Thằng bé bụ bẫm vô cùng, lần đầu tiên bế nó tôi xúc động đến òa khóc. Trông cu Bon giống hệt anh trai tôi, chỉ khác là nó bé xíu xiu thơm như cục kẹo sữa.

Bẵng đi 8 năm trời Bon đã cao gần ngang tôi. Bố nó nhiều lần tìm cách cho Bon về chơi nhà nội nhưng mẹ tôi nhất quyết không nhận cháu. Mẹ cũng không thừa nhận con dâu, nói anh tôi đừng bao giờ quay về nữa. Thế là anh chị tôi không về thật, từng ấy năm sống vui vẻ dồn hết tâm tư vào chăm sóc cho Bon.

Đầu tháng 9 vừa qua Bon khai giảng năm học mới. Bố tôi bất ngờ đến dự, thằng bé nhận ra ông nội thì mừng lắm. Mấy năm qua cũng chỉ có ông lén qua chơi với nó chứ bà thì nó không biết là ai. Cũng đôi lần Bon thắc mắc tại sao nó không có bà nội, mọi người chỉ biết đáp rằng bà ở xa.

Hôm ấy chúng tôi còn chụp một bức ảnh kỷ niệm có đông đủ gia đình ở cổng trường Bon. Đùng cái mấy hôm sau cả nhà nhận tin sét đánh. Anh trai tôi gặp tai nạn mất ngay trên đường đi đón Bon!

Khi đó tôi đang đi chợ với chị dâu để chuẩn bị cơm tối. Vừa nghe điện thoại người đi đường gọi báo tin xong chị ngất ngay tại chỗ, tôi cũng hoảng nên rối hết cả lên. Một lúc sau định thần lại tôi mới gọi cho bố mẹ. Trong điện thoại là tiếng tút tút rùng mình kéo dài.

Đám tang anh tôi có rất nhiều người đến viếng bởi anh tôi là người quảng giao và tốt bụng. Chị dâu cắn răng khóc ngất cạnh linh cữu, còn cu Bon thì điềm tĩnh lạ thường. Một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi thì có thể suy nghĩ sâu sắc đến đâu cơ chứ. Vậy mà Bon cứ đứng đó cho mẹ nó dựa vào, thằng bé mím môi không rơi một giọt nước mắt. Đó cũng là lần đầu nó được nhìn thấy bà nội. Người mà nó từng ao ước gặp gỡ suốt bao năm, khi đứng trước mặt thì Bon lại bảo tôi rằng nó không có cảm giác gì cả. Bà nhìn nó xa lạ, nó cũng chẳng chú ý tới.

Sau khi lo hậu sự cho anh xong thì mẹ tôi bỗng đòi họp cả gia đình. Bà nhắc tôi gọi cả chị dâu tới, tâm lý chị chưa ổn nhưng cũng qua nhà để xem có chuyện gì. Không ngờ mẹ tôi lại tuyên bố muốn nhận lại con dâu và bảo chị mang Bon về ở với ông bà nội. Lời đề nghị bất ngờ khiến chị dâu hoang mang, nhất thời chị không quyết định ngay được. Chị bảo cần về suy nghĩ thêm nhưng mẹ tôi không đồng ý. Bà lại quen tính áp đặt với người khác, nhất quyết ép chị phải mang cháu nội về.

Tối đó là lần đầu tiên trong đời tôi cãi nhau nảy lửa với mẹ. Tôi bảo vệ chị dâu và con trai của anh mình. Họ không có lý do gì phải nghe theo sự đòi hỏi của mẹ tôi. Cả bố và tôi đều biết rõ mẹ muốn nhận lại cu Bon vì coi nó như người thay thế vị trí của anh trai. Thật lòng bà có yêu thương Bon hay không thì chẳng ai biết. 8 năm qua, cháu tôi chẳng nhận được món quà hay câu hỏi thăm nào từ bà.

Hôm sau chị dâu nhắn cho bố tôi một tin rất dài. Chị nhờ bố gửi lời đến mẹ rằng chị sẽ nuôi dạy Bon một mình. 2 mẹ con chị vẫn đang sống tốt, dù thiếu đi bờ vai vững chắc của anh trai thì chị cũng sẽ gánh vác hết trách nhiệm. Chị không cản Bon nhận bà nội nhưng lời đề nghị đem Bon về ở với bà thì chị từ chối.

Tôi ủng hộ quyết định ấy của chị. Nhìn mẹ quăng đồ đạc gào khóc bắt bố đi giành lại cháu trai mà tôi vừa giận vừa thương. Anh tôi có lẽ cũng không mong máu mủ chia cắt như thế này. Song có lẽ vợ con anh xứng đáng được hưởng cuộc sống bình an và không phải chịu đựng sự kiểm soát như anh từng trải qua suốt bao năm…

 

Theo phunuvietnam.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/8-nam-song-nhu-nguoi-xa-la-me-toi-bong-doi-nhan-lai-chau-noi-sau-khi-con-trai-qua-doi-2023092013080303.htm

cháu nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.