Ám ảnh ngày Tết: Dư âm cỗ tất niên chưa qua, cỗ hóa vàng đã đến

Với không ít các chị em, Tết là chuỗi ngày "cắm mặt" vào những mâm cỗ.

Nếu như Tết với nhiều người là những ngày nghỉ ngơi, người thân trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm đầm ấm thì với không ít các chị em, Tết là chuỗi ngày "cắm mặt" vào những mâm cỗ.

Cách đây 3 năm, tôi chỉ cười khi nghe người ta nói cuộc sống càng hiện đại thì Tết ngày càng nhạt. Với tôi ngày ấy, Tết vẫn thích lắm chứ. Dù đã trưởng thành và đi làm, tôi vẫn luôn mong chờ những ngày sắc hồng của hoa đào và vàng của quất dần xuất hiện trên những con phố. Đó là khi những con phố thời trang rộn ràng biển "xả hàng", khuyến mại, bước chân của ai nấy dường như đều nhanh hơn, vội vã hơn.

Tết ngày ấy với tôi là dịp để mọi người cùng tạm gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống để đoàn tụ, sum họp các thành viên trong gia đình, cùng nhau ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên, hỏi han nhau về những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Chính tôi chưa từng nghĩ rằng chỉ sau 1 năm đi làm dâu, tôi đã biết thế nào là "nỗi ám ảnh mang tên Tết".

"Lấy anh em sẽ là dâu trưởng, phải xác định vất vả đấy", tôi vẫn nhớ mình đã cười lớn khi nghe anh nói điều này. Gia đình tôi có hai chị em gái, mẹ tôi vốn là người thích nấu nướng nên hai chị em cũng "găm" được kha khá những bí quyết nấu ăn. Hơn nữa tôi nghĩ người khác làm được thì tôi cũng làm được, vả lại khi đó tình yêu đang ngùn ngụt thì có điều gì mà ngăn cản được. Song chỉ qua cái Tết đầu tiên, tôi đã hiểu chồng mình không hề nói giỡn.

Ám ảnh ngày Tết: Dư âm cỗ tất niên chưa qua, cỗ hóa vàng đã đến-1
Ảnh minh họa.

Trên chồng tôi là 3 chị gái đều đã lập gia đình và có con. Mỗi dịp sum họp với nhà chồng tôi, đếm vội thì cũng phải 3 mâm cơm. Chị nào cũng có con nhỏ nên dĩ nhiên mọi công việc đều dành phần tôi hết, dâu trưởng và cũng là người chưa vướng bận con cái. 

Nếu như lịch đi làm là hết 28 mới nghỉ Tết thì với tôi, những công việc chuẩn bị cho Tết đã rục rịch từ đầu tháng Chạp. Mỗi năm, nhà chị cả chồng tôi đều được giao trọng trách nuôi một con lợn ngon để cả nhà ăn Tết. Tôi sẽ là người chịu trách nhiệm đi mua các nguyên liệu do mẹ chồng kê sẵn như hoa, gạo nếp ngon, đậu xanh rồi cả măng, mộc nhĩ, nấm hương.

Sáng 29 Tết, ngay khi vừa được nghỉ là vợ chồng tôi sẽ khệ nệ cùng cả đống đồ đã chuẩn bị chất ra ô tô để về quê ăn Tết cùng nhà nội. "Đại hội dọn nhà" đã được diễn ra từ trước khi vợ chồng tôi về. Đây được coi là ngày "khởi động" cho chuỗi ngày "Tết lao động tiếp theo".

30 Tết, nhà chồng tôi sẽ mổ lợn, báo hiệu một ngày làm việc không mệt mỏi từ sớm tinh mơ đến khi đêm muộn. Nào là phân chia thịt ra, chỗ này để làm giò xào, chỗ này giò lụa, chỗ kia thì nấu đông, thịt vụn thì xay làm nem, mỡ thì đem rán cất cặp lồng...

Chiều 30, tôi chính thức chuyển biên chế vào trong bếp để chuẩn bị mấy mâm cơm tất niên rồi cúng giao thừa. Các chị đều có gia đình chỉ đến được một lúc buổi sáng nên tất cả phần còn lại chỉ còn tôi với mẹ chồng. Mẹ chồng tôi sức khỏe có hạn, tôi sao dám để bà đứng bếp lâu. Vậy là lại một mình "cắm đầu" vào, nhanh nhanh chóng chóng cho kịp mấy mâm cơm. Đến bữa, nhìn mâm cao cỗ đầy mà tôi chẳng buồn động đũa vì cả buổi chiều đã ngửi quá nhiều mùi thức ăn.

Chưa kịp ngơi sức thì đã đến lúc dọn dẹp. Cũng may còn có con nhà chị cả của chồng tôi đã học cấp 3. Con bé sẽ phụ trách tráng bát còn tôi thì rửa. Nếu như trước đây khoảng thời gian đó là để xúng xính áo quần chuẩn bị đi xem bắn pháo hoa thì giờ với tôi là lúc chuẩn bị tiếp tục "chiến đấu" với mâm cúng giao thừa rồi chuẩn bị sẵn đồ cho mâm cúng ngày mùng 1. Mọi thứ ngổn ngang đến mức tôi phải ghi chép vào cuốn sổ tay, 1-2 giờ đêm trước khi đi ngủ vẫn phải kiểm lại một vòng để đảm bảo không quên mất món gì.

Ngày mở đầu một năm mới, khi mọi người đến nhà nhau chúc Tết thì cũng là lúc tôi chính thức chuỗi ngày "nấu cơm - rửa bát - nấu cơm - rửa bát".

Đến việc về nhà ngoại đi Tết tôi cũng không có thời gian, đành phó mặc cho chồng vì mọi việc đều đến tay tôi với vai trò người dâu trưởng. Không kể những bữa cơm sum họp gia đình 3-4 mâm liền với đầy đủ trai dâu gái rể cùng các cháu ngoại, những anh em họ hàng gần đến chúc Tết bố mẹ chồng tôi đều mời ăn cơm. Có lúc bát đĩa rửa còn chưa kịp khô đã được mang ra dùng.

Ám ảnh ngày Tết: Dư âm cỗ tất niên chưa qua, cỗ hóa vàng đã đến-2

Ảnh minh họa.

Mùng 3 Tết, khi khách khứa chúc Tết dần vãn cũng là lúc tôi tự thưởng cho mình một giấc ngủ trưa tới tận chiều. Thậm chí tôi còn chẳng muốn tranh thủ đi đâu, chỉ muốn nằm nhà giữ sức vì ngày hóa vàng sắp đến.

Mùng 4 Tết, tôi tự nhủ mình phải cố lên vì Tết sắp hết rồi, sắp đến ngày được trở lại với công việc bàn giấy. Bữa cơm cúng hóa vàng cũng là bữa quây quần các thành viên trong gia đình trước khi mọi người quay trở về với công việc thường nhật. Điệp khúc nấu cơm - rửa bát lại lặp lại với tôi, đôi bàn tay thì vừa đỏ lên, vừa nhăn vì hay phải động vào nước.

Mùng 5 Tết, trở về ngôi nhà nhỏ thân thương của hai vợ chồng, tôi thấy nhung nhớ Tết thời độc thân hơn bao giờ hết. Có cô bạn thân gọi điện báo vướng đi du lịch nên không thể qua nhà chúc Tết, tôi chỉ biết thở dài bảo bạn cứ tận hưởng những ngày xuân tươi đẹp ấy, khi còn có thể xúng xính áo quần đi đây đi đó, không vướng bận gia đình. Với tôi, Tết từ khi có gia đình chính là "Tết lao động"!

Theo Khám phá

Xem link gốc Ẩn link gốc http://khampha.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/am-anh-ngay-tet-co-tat-nien-vua-qua-co-hoa-vang-da-den-c25a702984.html

ngày Tết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.