Ám ảnh ở quê, 'chạy sô' chúc Tết,  mua 50 hộp bánh đi biếu vẫn thiếu

Trên chiếc xe máy nhỏ, vợ chồng tôi treo đầy bánh kẹo. Nhưng chỉ đi chúc Tết được một lúc, số bánh kẹo ấy lại hết, phải về nhà lấy thêm.

Tôi năm nay 29 tuổi, lấy chồng được 3 năm. Giờ này những năm trước, tôi đã chở thùng lớn thùng bé bánh kẹo về nhà để chuẩn bị cho việc chúc Tết họ hàng. 

Năm nay, do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, bố mẹ chồng nói rằng, mọi người trong họ đã thống nhất sẽ không đến nhà nhau chúc Tết như mọi khi. Do đó, tôi không phải mua sắm nhiều nữa. 

Tôi nghe mà thấy nhẹ nhõm trong lòng. Ở quê chồng tôi, vào ngày Tết, anh em trong họ đều lần lượt đến nhà nhau. 

Khi đến, ai cũng mang một hộp bánh, kẹo hoặc gói mỳ chính, cân đường để chúc Tết chủ nhà. Nhà nào đông anh em họ hàng thì càng phải sắm sửa, đi chúc Tết nhiều. 

Tôi còn nhớ, năm đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng giao cho tôi nhiệm vụ mua bánh kẹo để chúc Tết họ hàng. Theo danh sách mẹ đưa, tổng cộng, tôi mua gần 50 hộp bánh kẹo các loại. 

Tết đến, hai vợ chồng lại phải nhận nhiệm vụ đi chúc Tết. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi bảo nhau chỉ ngồi mỗi nhà 5 phút. 

Ám ảnh ở quê, chạy sô chúc Tết,  mua 50 hộp bánh đi biếu vẫn thiếu-1

Bánh kẹo mang đi, chồng tôi treo quanh xe máy. Thế nhưng, chỉ đi chúc Tết được một lúc, số bánh kẹo trên xe đã hết. Hai vợ chồng lại phải về nhà lấy thêm. Đến sáng mùng 3, gần 50 hộp bánh kẹo tôi mua đã không còn. 

Để đi chúc tiếp, chồng tôi phải ra cửa hàng, mua thêm một ít nữa. Tôi hỏi chồng, sao phải phức tạp thế. Nhà nọ mang bánh đến nhà kia rồi nhà kia lại đến chúc lại, thành ra cả đôi bên cùng tốn kém. Nhưng chồng tôi bảo, đó là phong tục ở quê, bao năm nay vẫn thế nên không bỏ được. 

Tôi biết, ngày Tết họ hàng đến nhà nhau là rất quý. Nhưng việc đến nhà ai cũng phải mua bánh kẹo là rất lãng phí. 

Ví như nhà tôi, để mua 50 hộp bánh, tôi tốn hơn 3 triệu đồng. Sau Tết, số bánh kẹo bố mẹ tôi nhận về cũng khoảng 50 hộp. Mẹ không mang ra hiệu bán vì sợ người làng đàm tiếu, các thành viên trong nhà cũng không ăn nhiều nên để lay lắt mãi. Mẹ phải mang dần cho hàng xóm láng giềng. 

Năm vừa rồi cũng vậy, mẹ bảo, may có mấy anh thợ đến xây bếp nên mỗi ngày đều ăn một vài hộp bánh. Lúc trên tủ không còn hộp nào, mẹ mới thở phào như trút được gánh nặng. Tôi thấy vậy mà xót của, chỉ ước sau đợt dịch Covid-19 này, mọi người sẽ thay đổi được quan điểm, dần bỏ được những thủ tục rườm rà của Tết cũ.

Thay vào đó, ngày Tết, mọi người nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình. Họ hàng gần gũi thì gặp gỡ, ăn với nhau bữa cơm, hoặc đến nhà nhau uống chén trà, thảnh thơi mà vui vẻ. 

Việc đi chúc Tết như quê chồng tôi những năm vừa qua khiến tất cả đều mệt mỏi, lãng phí. Bởi vì ai cũng như ''chạy sô''. Đến nhà nhau cũng chỉ vì trách nhiệm, ào đến rồi lại vội đi...

 


Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/tam-su/am-anh-o-que-chay-so-chuc-tet-mua-50-hop-banh-di-bieu-van-thieu-710394.html

Tết Tân Sửu

quà Tết


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.