Anh vợ có 2 căn nhà nhưng vẫn để mẹ ở nhờ nhà con rể, khi biết lý do anh làm vậy, tôi không thể chấp nhận nổi

Dù đã kết hôn hơn 10 năm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc sống hiện tại của mình lại ở trong mớ bòng bong như vậy.

Vợ tôi là một người con dâu tốt, từ lúc lấy nhau đến giờ, cô ấy chăm sóc tôi và gia đình không có điểm gì phải chê trách. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi lấy được vợ, nhưng điều khiến tôi suy nghĩ, đau đầu lại chính là gia đình vợ. Mối quan hệ giữa tôi và gia đình cô ấy, hiện giờ đang có chút bất ổn.

Hoàn cảnh gia đình tôi cũng không được tốt lắm nên sau khi kết hôn, vợ chồng tôi đã sống cùng với bố mẹ vợ. Mặc dù ở rể nhưng gia đình vợ rất tốt, chúng tôi sống hòa thuận bên nhau mà không có bất kỳ lời chê trách nào. Vì không phải lo nghĩ về chỗ ăn ở nên vợ chồng tôi chỉ tập trung vào làm lo cho cuộc sống. Chỉ trong hai năm, chúng tôi cũng đã mua được nhà, mua xe và mở một nhà hàng kinh doanh nhỏ. Thành thật mà nói, tôi luôn cảm thấy cuộc sống hiện tại mà mình đang có là nhờ một phần lớn sự hỗ trợ của bố mẹ vợ. Nhưng điều đó không ngăn nổi sự chán nản trong tôi về gia đình vợ.

Vợ có một người anh trai hơn tôi ba tuổi và kết hôn sớm hơn vợ chồng tôi bốn năm. Mâu thuẫn giữa tôi và anh vợ bắt nguồn từ chuyện tiền bạc. Mấy năm trước, tôi có mở một nhà hàng ăn. Trộm vía, việc buôn bán cũng khá thuận, công việc dần đi vào ổn định nên cuối năm đó cũng để dư ra được 100 triệu. Mặc dù vậy, nhà hàng vẫn còn khá nhiều việc cần phải lo nên số lãi it ỏi đó chẳng thấm vào đâu.

Một hôm, anh vợ đến nhà tôi vay nóng 50 triệu. Thành thật mà nói, tôi không muốn cho anh vợ vay tiền bởi phải lo nhiều thứ. Tôi cũng cần tiền để xoay vốn làm ăn và phòng trừ các trường hợp bất trắc xảy ra. Nhưng vì nghĩ gia đình vợ đã cưu mang mình suốt mấy năm qua và cũng không muốn làm rạn nứt tình cảm anh em nên tôi đồng ý cho anh mượn. Nhưng anh ấy không biết giữ lời hứa, anh bảo vay có 3 tháng mà cho đến hiện tại, đã hơn 2 năm mà vẫn vẫn còn thiếu tôi 10 triệu. Hơn nữa, anh ấy cũng chẳng trả liền một lần mà mỗi lúc lại trả được 5 triệu. 

Điều khiến tôi thực sự khó chấp nhận đó là việc mẹ vợ lên ở cùng vợ chồng tôi. Cách đây 2 năm, bố vợ lâm bệnh rồi qua đời, mẹ vợ sức khỏe không được tốt lắm, thường hay ốm đau. Hồi đó, mối quan hệ giữa anh vợ và chị dâu cũng không tốt lắm, nếu không phải vì đứa con thì họ đã sớm ly dị nhau rồi. Thế nên, anh ấy đã đề nghị vợ chồng tôi đón mẹ về chăm sóc một thời gian.

Lúc đó, tôi không suy nghĩ nhiều mà đồng ý ngay vì nghĩ bố mẹ tôi ở quê đã có anh chị trưởng lo rồi, mẹ vợ cũng đang ốm yếu cần người chăm sóc, đây cũng là lúc tôi báo hiếu. Hơn nữa, mẹ cũng là giáo viên nghỉ hưu, bà có thể giúp vợ chồng tôi bảo ban các cháu. Nhưng sau khi sống cùng mẹ vợ một năm nay, tôi cảm thấy có nhiều vấn đề phát sinh quá. Vì mẹ vợ dự định sau này sẽ ở đây cùng vợ chồng tôi luôn nên tôi phải nói chuyện rõ ràng với vợ cũng như anh vợ.

Anh vợ có 2 căn nhà nhưng vẫn để mẹ ở nhờ nhà con rể, khi biết lý do anh làm vậy, tôi không thể chấp nhận nổi-1

Mẹ vợ tôi năm nay 60 tuổi, nói chung thời gian đầu bà ở cùng, cuộc sống sinh hoạt của vợ chồng tôi không có gì xáo trộn nhiều. Chỉ có vợ tôi là phải làm thêm nhiều việc hơn vì phải chăm sóc mẹ thôi. Nhưng hiện tại, khi các con tôi lớn hơn, học chuyển cấp lên lớp cao hơn thì các khoản chi tiêu hàng ngày cũng vì thế mà tăng đáng kể. Điều khiến tôi không hài lòng là suốt một năm nay, mẹ vợ không đưa cho chúng tôi một đồng tiền nào để đỡ đần chi phí sinh hoạt và tiền thuốc men hàng tháng. Ngay cả anh vợ cũng chẳng ý kiến hỏi han gì chuyện vợ chồng tôi nuôi mẹ cả.

Tôi có nói chuyện với vợ để tìm giải pháp, nhưng cô ấy là một người rất hiền lành và thương mẹ nên chỉ động viên tôi cố gắng, vì anh vợ cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Mẹ vợ là giáo viên đã về hưu nên tôi đã hỏi vợ về số tiền lương hưu của bà. Mặc dù, tôi biết có thể số tiền lương hưu không nhiều nhưng ít ra cũng đỡ đần một chút chi phí sinh hoạt. Nhưng vợ lại nói: "Lương hưu của mẹ mỗi tháng được khoảng 3 triệu nhưng mẹ đã lấy tiền ấy cho anh trai trả tiền thế chấp nhà rồi'.

Nghe xong, tôi đã rất ngạc nhiên và hỏi lại vợ cho rõ. Nghe cô ấy nói mà tôi ngớ người: "Anh ấy đã mua một căn nhà ở gần trường học cho con trai đứng tên cách đây vài năm. Lúc đầu, anh ấy mua căn nhà này rất rẻ và sau đó sửa lại để cho thuê lại".

Tôi nghe xong, cảm thấy thật sự rất mâu thuẫn, nếu anh đã có tiền thuê nhà rồi thì tại sao vẫn lấy tiền hưu của mẹ để trả nợ? Hôm sau, tôi đã nói chuyện với mẹ vợ để tìm hiểu sự tình. Bà nói thẳng: "Hoàn cảnh của anh trai không được như con. Thêm vào đó, vợ chồng nó cứ cãi nhau suốt, mẹ ở cùng cũng không yên. Thấy anh khó khăn nên mẹ đưa tiền lương hưu của mẹ cho anh con xoay sở tạm, bao giờ anh ổn định thì mẹ sẽ lấy về đỡ đần vợ chồng con một ít hàng tháng".

Nghe mẹ nói vậy mà tôi không biết phải làm thế nào. Tôi đã tâm sự với vợ rất nhiều lần, thậm chí còn gặp riêng anh trai vợ để bàn bạc về chuyện nuôi mẹ, mong hai anh em có sự sắp xếp ổn thỏa. Nhưng vô ích, anh ấy trả lời tôi là không có điều kiện kinh tế để nuôi mẹ và cũng không có tiền chu cấp cho mẹ. 

Tôi không hiểu, anh ấy có 2 cái nhà, 1 cái dùng để cho thuê lấy tiền hàng tháng mà vẫn kêu không có tiền là sao? Vậy có phải là đang nói dối để thoái thác trách nhiệm nuôi mẹ không? Mẹ là mẹ chung chứ không phải riêng mình vợ tôi.

Hơn nữa, vợ tôi là phận gái đã đi lấy chồng, cũng cần phải lo cho bố mẹ chồng nữa. Anh vợ là con trai, phải có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ, vợ chồng tôi chỉ đỡ đần phần nào thôi. Tại sao anh ấy lại dồn hết trách nhiệm sang cho vợ chồng tôi như vậy? Càng nghĩ tôi lại càng tức. Tôi phải làm gì để giải quyết chuyện này cho êm đẹp mà không làm sứt mẻ tình anh em đây? 

(Xin giấu tên)

Theo Vietnamnet


Tâm Sự Đêm Khuya

mẹ vợ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.