Bạn trai từng ly hôn nói với tôi: "Nhà ai nấy lo, mẹ ai nấy chăm"

Bao năm qua, đến dịp Tết, mẹ của người yêu tôi được về nhà cha mẹ đẻ trong... đúng một ngày, dù chỉ cách nhà chồng 30km.

Tôi 26 tuổi, đang phân vân đứng giữa lựa chọn nên tiếp tục hay chia tay mối tình hai năm của mình. Ở tuổi của tôi, nói già thì chưa già nhưng cũng không còn trẻ.

Bạn bè xung quanh nườm nượp lấy chồng, có người còn có con bồng con bế nên mặc dù không quá sợ hãi hay sốt sắng, tôi vẫn muốn yêu đương đàng hoàng và tìm một người đáng tin cậy để tiến tới hôn nhân.

Người yêu hiện tại của tôi là Quang. Chúng tôi yêu nhau hai năm nay. Anh hơn tôi 7 tuổi, trải qua một lần ly hôn, có cô con gái nhỏ hiện sống cùng vợ cũ. Qua quá trình tìm hiểu cũng như nhìn cách ứng xử của anh với bạn bè xung quanh, trong mắt tôi Quang là người đàn ông đàng hoàng, đáng tin cậy.

Bạn trai từng ly hôn nói với tôi: Nhà ai nấy lo, mẹ ai nấy chăm-1

Quang chăm chút, lo lắng cho tôi rất chu đáo. Mặc dù tôi là cô gái sống độc lập, có công việc ổn định, tâm lý phụ nữ vẫn luôn yêu thích người đàn ông biết cách lo lắng, chăm sóc cho mình. Chính vì lý do đó, tôi xác định đây là người đàn ông phù hợp dành cho tôi.

Tôi chấp nhận lời cầu hôn của Quang và đồng ý lời đề nghị về quê ra mắt bố mẹ anh với tâm trạng vô cùng háo hức, tích cực. Quang là con trai cả trong gia đình. Dưới anh có một cậu em trai nhưng bữa tôi về nhà, em trai anh đi làm ăn xa nên buổi ra mắt bố mẹ anh, tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái, vui vẻ.

Tuy nhiên sau buổi gặp gỡ này, tôi lại lâm vào tình trạng bị suy nghĩ khá nhiều. Theo quan sát của tôi, mẹ anh là người phụ nữ hiền hậu, dễ gần, hay làm nhưng nhẫn nhịn, còn bố anh hoàn toàn ngược lại. Ông tỏ rõ là người đàn ông gia trưởng, mang tư tưởng phong kiến và muốn thể hiện sức mạnh của người trụ cột trong gia đình.

Khi chúng tôi về đến quê, sau vài câu thăm hỏi, mẹ anh rủ tôi xuống bếp làm cơm. Trong suốt thời gian từ lúc chúng tôi xuống bếp đến khi bê mâm cơm lên nhà, tôi không thấy anh và bố bước chân xuống bếp lần nào, dù là một câu hỏi han cũng không có.

Trong bữa ăn, mẹ anh thi thoảng nhớ ra thứ gì đó lại tự chạy xuống bếp lấy đồ. Bà nói, tôi mới về chơi nên không biết chỗ nào tìm, cứ để bà đi lấy cho nhanh. Tôi lúc ấy quay sang bảo Quang: "Sao anh không đi lấy cho mẹ?".

Quang cười chưa kịp trả lời, bố anh đã hắng giọng: "Việc của phụ nữ để phụ nữ làm, ai giữ đúng phận người ấy. Trong nhà này, công việc bếp núc, nội trợ là của mẹ con".

Tôi không hài lòng với cách trả lời này bởi ở nhà tôi, bố tôi luôn giúp mẹ làm mọi việc không nề hà, không phân chia vai vế. Tuy nhiên, nhìn sang phía mẹ chồng tương lai dường như bà đã quen với chuyện này nên tôi không thấy bà tỏ thái độ gì. Tôi chỉ dám nhẹ nhàng trả lời:

- Dạ. Bọn con bây giờ suy nghĩ về việc này cũng đơn giản hơn, vợ chồng giúp được nhau thì giúp...

-  Trong nhà phải có tôn ti trật tự, lấy chồng phải theo chồng. Con hỏi bà ấy xem, có dám cãi câu nào. Kể cả ngày Tết, bố cho về ngoại thì về, không cho cũng thôi.

Chứng kiến sự gia trưởng của bố chồng tương lai, tôi hơi hoảng hốt, lo rằng Quang có khi nào bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục này không? Suốt chặng đường trở lại thành phố, tôi cứ lăn tăn mãi, sau cùng nhịn không được nên tôi hỏi anh xem những chuyện bố anh nói có thật không, hay chỉ nhằm mục đích dọa tôi thôi?

Quang gật đầu thừa nhận, mẹ anh bao nhiêu năm lấy chồng, dịp Tết chỉ được về nhà mẹ đẻ trong đúng một ngày, dù quê mẹ cách nhà bố chỉ 30km.

- Em không thế được. Bố mẹ mình, mình phải báo hiếu chứ, quy định ở đâu chỉ được theo chồng?

- Em đừng lo, anh không bảo thủ giống bố. Quan điểm của anh là không ép buộc, nhà ai nấy lo, mẹ ai nấy chăm.

Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông tôi sắp lấy làm chồng. Cho dù Quang nói thật hay đùa, tôi cũng không mong nghe được điều này từ anh.

Tôi chợt hoang mang tự hỏi, có khi nào người vợ đầu của anh đã ly hôn vì những chuyện tương tự như vậy hay không? Tôi có nên bước vào cuộc hôn nhân với một người chồng có hệ tư tưởng bảo thủ, ích kỷ thế này không?

Hạnh phúc mà tôi tìm kiếm là loại hạnh phúc bình yên, không phải thứ hạnh phúc để người khác được quyền định đoạt cho mình. Đối với mối tình này, tôi cần thêm chút thời gian trước khi đưa ra quyết định liên quan đến cả cuộc đời còn dài phía trước.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/ban-trai-tung-ly-hon-noi-voi-toi-nha-ai-nay-lo-me-ai-nay-cham-20240106114824731.htm

Ly hôn


Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.