Cái giếng thần bí trong căn nhà gỗ và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mẹ nổi trận lôi đình

Khi mẹ chạy đến nơi thì tôi đã khóc sưng cả mặt, sợ đến mức co rúm như con sâu.

Chẳng biết mọi người đi học mẫu giáo vui như nào, kỉ niệm hay ho ra làm sao. Riêng tôi thì chỉ muốn có cỗ máy thời gian của Doraemon để quay lại xóa sạch những ký ức kinh hoàng năm 4 tuổi. Mà sao tôi nhớ dai thế không biết, mấy chục năm trôi qua vẫn còn nhớ như in!

Hồi xưa trường mẫu giáo cách xa nhà tôi lắm. Vì lý do đặc biệt nên mới phải học xa như vậy. Sáng bố đi làm sẽ tiện đường chở tôi đến lớp, rồi buổi chiều mẹ đạp xe tới đón. Những ngày nắng ráo bình thường thì không sao, nhưng cứ mưa to là chật vật.

Cái giếng thần bí trong căn nhà gỗ và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mẹ nổi trận lôi đình-1

Trường tôi khi ấy ở trên một con dốc rất cao, leo hụt hơi mới tới. Mọi thứ đều vô cùng mộc mạc trong ký ức. Sân trường bằng đất bé tí teo chỉ đủ đặt mỗi chiếc cầu trượt với xích đu. Vài cây hoa cổ thụ trùm lên mái lớp, đến mùa hạ là nhức đầu vì tiếng ve. Nghe tả cảnh thì rất nên thơ nhưng sự thật thì phía sau ngôi trường có một nơi tôi không bao giờ dám đặt chân tới.

Đó là một căn nhà gỗ nhỏ cỡ cái kho. Nó nằm sau dãy lớp học, cách một khoảng sân chạy bộ là tới. Tôi biết đến nó sau một lần ngủ trưa tè dầm bị cô giáo mắng. Cô bế tôi ra đằng sau để rửa, vừa làm vừa dọa nếu tôi còn hư nữa sẽ bị nhốt vào cái nhà gỗ kia. Ấn tượng của tôi khi ấy khá non nớt, chỉ nhớ rằng căn nhà tối om, có khóa bên ngoài và toát lên vẻ đáng sợ với một đứa trẻ.

Nhớ lời cô giáo nên tôi không dám mắc lỗi gì trên lớp nữa. Ăn uống gọn gàng không thừa mứa, không giành giật đồ chơi với bạn. Cô dạy gì thì học nấy, ngoan đến mức lạ lùng! Cho đến một hôm trời mưa bão thì nỗi sợ hãi của tôi đã biến thành hiện thực.

Mưa to gió lớn bất ngờ nên cả lớp đang tập thể dục ngoài sân phải chạy vào trong vội. Tôi bị một con bé chen lấn xô ngã dính bẩn hết quần áo. Bùn đất văng cả vào mồm. Tức giận nên tôi lao lên túm áo bạn kia luôn, đánh nhau với nó ầm ĩ trước cửa lớp. "Đối thủ" khá ghê gớm, con bé tóc xoăn ấy nhỏ hơn tôi mà đánh khá hăng, cào xước hết cả mặt mũi tôi, lại còn cắn vào tay tôi nữa. Cô giáo can 2 đứa ra xong liền mắng phạt, nhốt cả tôi lẫn nó vào trong cái nhà gỗ!

Tôi gào khóc ầm ĩ, ôm chặt lấy cái cột khiến cô giáo vất vả mãi mới lôi đi được. Con bé kia thì tỏ ra cứng lắm, bướng không thèm phản ứng gì. Khi khóa cửa nhà gỗ dần mở ra, bên trong tối om làm tôi sợ hãi. Sấm bắt đầu nổ đùng đùng mà tôi gào khóc lên còn to hơn cả tiếng sấm!

Cái giếng thần bí trong căn nhà gỗ và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mẹ nổi trận lôi đình-2

Cô giáo phải bịt tai lại vì cô học trò nhỏ khóc quá gớm. Tôi nhớ mãi câu cô nói: "Bé tí teo mà hét hơn cả còi!". Tôi van xin cô tha lỗi, hứa không bao giờ hư nữa nhưng cô kiên quyết đóng cửa lại nhốt phạt. Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi phát hiện ra một thứ nằm giữa căn nhà gỗ. Đó là một cái giếng gạch cũ nhưng được đậy nắp gỗ cẩn thận bên trên. Thế là vừa nín xong tôi lại khóc toáng lên vì sợ ma!

Tôi tưởng tượng ra đủ thứ trồi lên từ trong giếng. Eo ơi mới 4 tuổi thì biết cái gì đâu, con nhỏ bên cạnh thấy tôi la hét cũng bắt đầu hoảng. Nó đập cửa ầm ầm đòi ra ngoài. Mưa nặng hạt rớt xuống nóc nhà tạo thành những âm thanh kỳ quái. Một lát sau khóc nhiều quá nên tôi ngất xỉu lúc nào không biết.

Khi tỉnh dậy thì tôi thấy đang nằm trong tay mẹ. Mắt mẹ đỏ hoe, các bạn học xung quanh thì hoang mang. Cô giáo đã thả cho tôi ra ngoài, trời tạnh mưa và sắp sửa sang tối. Bình thường mẹ tôi rất hiền lành, chưa bao giờ mẹ quát mắng tức giận nhưng hôm ấy lần đầu tiên tôi thấy bà nổi trận lôi đình.

- Tại sao cô giáo lại phạt nhốt con tôi vào một nơi nguy hiểm như thế? Cô có biết con tôi sợ hãi gây hậu quả gì không? Nếu tôi không đến đón con sớm vì trời bão, liệu cô có phát hiện ra con tôi ngất xỉu ngạt thở trong đấy không?

Cái giếng thần bí trong căn nhà gỗ và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mẹ nổi trận lôi đình-3

- Tại sao con tôi bị bạn khác bắt nạt mà cô không bảo vệ cháu? Rõ là bé kia xô ngã rồi đánh con tôi trước. Sao cô không sơ cứu chỗ bị cào cắn cho con tôi? Cũng không thay quần áo bẩn cho con, lại bắt nhốt nó vào chỗ tối có cái giếng quá nguy hiểm. Nhỡ con tôi với bạn nó rơi xuống giếng thì sao? Quát mắng lũ nhỏ có ích lợi gì không? Con tôi cũng sai khi đánh lại bạn nhưng cô nhìn xem đứa nào thương tích nhiều hơn?

Cô giáo vẫn đổ lỗi do tôi nghịch phá, bởi bình thường tôi cũng hiếu động hơn cả lớp. Tuy nhiên hôm ấy tôi chẳng làm gì sai hết. Nếu bạn kia không thô lỗ với tôi thì dĩ nhiên không có xô xát xảy ra. Mà trẻ con đánh nhau cũng là chuyện bình thường, tuổi thơ ai mà chẳng có vài lần như thế.

Tuy nhiên sự cố ấy cũng khiến tôi bất ngờ vì lần đầu tiên thấy mẹ phản ứng dữ dội thế. Ở nhà tôi trèo cây hay chạy ngã mẹ cũng chỉ nhắc nhở thôi. Đánh nhau với lũ trẻ trong xóm thì về bố cho ăn đòn chứ mẹ không bao giờ nặng lời cả. Ấy thế mà tôi bị bắt nạt ở trường thì mẹ lại thay đổi kinh ngạc.

Mẹ nói sẽ cho tôi chuyển trường, vì thất vọng với cách giáo dục của các cô và lo cho sự an toàn của chính tôi. Sau đó mẹ ôm tôi rất chặt, cả đoạn đường về nhà mẹ im lặng. Tới khi xuống cổng nhà thì mẹ mới ôm tôi khóc nức nở. Đôi vai gầy guộc của mẹ run lên, mẹ liên tục nói xin lỗi. Bao nỗi sợ hãi đều bay mất, chỉ còn sự ấm áp ở trong lòng.

Tôi chỉ bị bắt nạt một lần duy nhất trong đời như thế. Những năm tháng sau này mẹ ở bên cạnh tôi nhiều hơn, luôn âm thầm dõi theo và nhiều lần giúp đỡ tôi. Chẳng có người mẹ nào không biết cách bảo vệ con cả, chỉ là bộc lộ ra bằng cách này hay cách khác mà thôi!

 

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/cai-gieng-than-bi-trong-can-nha-go-va-lan-dau-tien-trong-doi-toi-nhin-thay-me-noi-tran-loi-dinh-222022305102118898.htm

bắt nạt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.