Chồng tôi muốn ra ngoài thuê trọ, nhường nhà cho em trai cưới vợ

Chồng bàn với tôi sắp tới đi thuê trọ, nhường nhà cho em trai cưới vợ. Tại sao người phải ra sống ở bên ngoài lại là chúng tôi?

Tôi và chồng cưới nhau 4 năm, có một con gái vừa tròn 3 tuổi. Chúng tôi sống chung với mẹ và em trai chồng.

Bố chồng mất sớm, mẹ chồng ở vậy nuôi 2 con trai lớn khôn. Vì là con cả trong nhà, chồng tôi sớm tự lập và trở thành chỗ dựa cho mẹ và em.

Làm vợ anh, tôi luôn cố gắng đối xử tốt với gia đình chồng. Bởi tôi nghĩ đó là cách thể hiện tình yêu với chồng rõ ràng nhất.

Em trai thua chồng tôi 7 tuổi, năm nay vừa tròn 25. Từ khi bố chồng mất, đối với chú ấy, chồng tôi không chỉ là một người anh mà còn như một người cha. Mỗi quyết định của chồng tôi đưa ra, chú ấy đều không bàn cãi.

Vài tuần trước, chú ấy đưa bạn gái về nhà ra mắt và thông báo với cả nhà dự định cưới vợ vào cuối năm. Mẹ chồng tôi nói nhà không rộng rãi, nếu chú ấy cưới vợ về sẽ rất chật chội và hỏi kế hoạch sau khi cưới vợ sẽ ăn ở như thế nào. Chú bảo rằng, chuyện đó từ từ tính.

Tối hôm ấy, chồng bàn với tôi sắp tới sẽ dọn ra thuê trọ bên ngoài, nhường nhà cho chú cưới vợ. Đề xuất của chồng khiến tôi bất ngờ. Tại sao người ra ngoài thuê trọ không phải là vợ chồng chú mà lại là chúng tôi?

Chồng tôi muốn ra ngoài thuê trọ, nhường nhà cho em trai cưới vợ-1

Tôi đã cố gắng thuyết phục chồng không ra ngoài thuê trọ nhưng anh ấy không nghe (Ảnh minh họa: iStock).

Tôi không đồng ý với đề nghị của chồng. Thứ nhất, chúng tôi đã có con cái, hai vợ chồng đi làm, cần bà nội hỗ trợ đưa đón con. Lương hai vợ chồng đều ở mức trung bình, nếu tốn thêm một khoản tiền thuê nhà, cuộc sống sẽ rất chật vật.

Hơn nữa, vợ chồng tôi đã sắm mọi thứ trong nhà để phục vụ sinh hoạt. Nếu bây giờ ra riêng, không lẽ tháo hết đồ mang đi hay là đi tay trắng?

Tôi nghĩ đi nghĩ lại đều thấy không hợp lý. Cô chú là vợ chồng son, chưa vướng bận con cái, tốt nhất ở riêng từ đầu cho thoải mái. Nếu là em dâu, tôi cũng sẽ chọn phương án này. Vốn dĩ các cô gái mới lấy chồng, không ai muốn phải sống cảnh làm dâu.

Tưởng rằng sau khi nghe những lời vợ nói, chồng tôi sẽ suy nghĩ lại. Thế nhưng vào bữa cơm tối, chồng tôi đã đem chuyện này nói với cả nhà. Anh bảo, anh sẽ tìm nhà thuê trọ gần nơi làm của hai vợ chồng cho tiện và chuyển đi trước khi chú cưới vợ.

Mẹ chồng nói không can thiệp việc này, dù gì cũng không thể sống chung mấy gia đình trong căn nhà chật chội này. Việc tính toán nơi ăn chốn ở thế nào cho hợp lý tùy hai anh em lo liệu.

Em trai chồng bảo đang định thuê một căn hộ chung cư nhưng khảo sát thấy giá khá cao so với thu nhập hai vợ chồng nên phân vân, cân nhắc. Chú ấy nói vẫn còn mấy tháng, từ từ tính xem thế nào.

Tôi nghe mọi người nói, dù chưa quyết định, việc chú ở lại căn nhà này, còn chúng tôi phải dọn đi có vẻ đã rõ ràng. Tôi cũng không dại gì mà nói lên ý kiến khác của mình khi thấy mọi người đang nghĩ cùng một hướng.

Nhưng tôi không thể im lặng với chồng. Anh là người rõ nhất tình hình của gia đình mình. Từ trước đến nay, tiền lương hai vợ chồng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và tiền đi trẻ của con. Bây giờ dắt díu nhau đi ở trọ, phải sắm sửa lại từ đầu, khó khăn càng thêm khó khăn.

Nhưng chồng tôi nhất quyết dọn ra ngoài, mặc kệ tôi nói gì. Anh nói, đầy gia đình đi ở trọ có sao đâu, chẳng qua tôi lo nghĩ quá nhiều. Có khi ra ở riêng, lại bảo ước gì ra ở riêng sớm hơn.

Thực ra, dọn ra ngoài khó khăn hơn là một chuyện, còn một chuyện nữa tôi không dám nói ra. Đó là nếu chúng tôi rời khỏi nhà, xác định là ngôi nhà này sẽ thuộc về chú.

Với tính cách của chồng tôi, anh sẽ luôn nhận phần thiệt về mình. Quãng đời sau này của chúng tôi có còng lưng đi làm, chắt chiu cũng chưa chắc gom góp đủ tiền mua đất, mua nhà.

Tôi không biết nói thế nào cho chồng thay đổi ý định. Tôi có nên khéo léo trao đổi với mẹ và em trai chồng về việc muốn được ở lại ngôi nhà này?

Theo dantri

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/chong-toi-muon-ra-ngoai-thue-tro-nhuong-nha-cho-em-trai-cuoi-vo-20230918082128189.htm

ở riêng


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.