Định nhờ mẹ chồng trông cháu, tôi nhụt chí sau khi sống chung 1 tuần

Chúng tôi định nhờ mẹ chồng lên trông cháu giúp để bớt được tiền thuê giúp việc. Bà cũng vui hơn vì được ở gần con cháu. Nhưng sau 1 tuần sống chung, tôi đã thấy nhụt chí.

Dạo này tôi tham gia một nhóm chuyên dạy cách vun vén thu chi trong gia đình. Được truyền cảm hứng, tôi bàn với chồng tìm cách cắt giảm chi tiêu.

Anh đồng ý. Hai vợ chồng dành cả buổi tối để tính toán, nhưng cuối cùng thấy cắt giảm hết cỡ cũng chỉ dư thêm được chút ít. Phần chi phí tốn kém nhất là thuê người giúp việc. Khoản này tôi mất 8 triệu đồng/tháng.

Cô giúp việc làm cho gia đình tôi đã được gần 1 năm. Công việc chính của cô là chăm con gái tôi mới hơn 1 tuổi. Chồng tôi bảo có thể nhờ bà nội ra chăm giúp. Bà còn khỏe, mà ở quê cũng không vướng bận gì.

Giảm được khoản này thì tôi sẽ tiết kiệm được hẳn 8 triệu đồng. Bà cũng rất vui vì được gần con cháu. Chuyện mẹ chồng, nàng dâu, tôi đã nghe nhiều nhưng thực sự số tiền 8 triệu là một khoản không hề nhỏ. 

Định nhờ mẹ chồng trông cháu, tôi nhụt chí sau khi sống chung 1 tuần-1Vợ chồng tôi định nhờ mẹ chồng trông cháu để tiết kiệm chi phí thuê giúp việc. Ảnh minh họa: iStock


Tôi quyết định mời bà ra chơi 1 tuần để xem mẹ con có hòa hợp hay không, rồi mới quyết định. Tôi cũng dặn chồng chưa nói chuyện đó với bà. 

Trong những ngày bà ra chơi, cô giúp việc nhà tôi vẫn ở đó để chăm bé nên tôi cũng yên tâm. Nhưng ngày đầu tiên, khi bước chân về nhà, xộc vào mũi tôi là mùi khai thoang thoảng. Con gái tôi đang mặc quần không có bỉm.

Tôi chưa kịp hỏi, cô giúp việc đã giải thích là bà nội kêu nóng nên tháo bỉm ra cho bé. Tôi giải thích với bà là nhà có điều hòa và trẻ ở tuổi này vẫn cần mặc bỉm để đảm bảo vệ sinh cho con và tránh nhà cửa có mùi khó chịu.

Các loại bỉm bây giờ thiết kế tốt nên mặc cũng rất thoáng mát. Bà nghe vậy thì im lặng. Hôm sau, tôi không thấy bà tháo bỉm cho cháu nữa nhưng đến tối, tôi nghe bà hỏi chồng tôi bao nhiêu tiền một cái bỉm rồi xuýt xoa kêu tốn kém. 

Chưa hết, hôm cùng tôi đưa con đi tiêm vắc xin, nhìn bảng giá các loại thuốc, bà lại hốt hoảng giục tôi đưa con về.

Tôi nói với bà rằng, đây là chỗ uy tín, có giá chung cả rồi. Tuy nhiên, bà bảo: “Các anh chị giờ toàn tiêm thuốc tây, thuốc tàu, chứ tôi thấy ở quê người ta cứ đưa ra trạm y tế tiêm miễn phí, quá lắm hết mấy chục nghìn”. 

Tôi cố giải thích đó chỉ là những loại cơ bản được Nhà nước cho tiêm miễn phí, còn loại cháu bà tiêm là loại khác, ở đâu cũng giá đó nhưng chỉ nhận lại cái thở dài nghe não cả lòng. 

Cũng vẫn chủ đề tiền nong, mấy hôm sau bà lại quay sang săm soi mấy món đồ của tôi. Hôm đó, chiếc váy tôi mua hàng giảm giá trên mạng được giao về nhà. Tôi có nhờ cô giúp việc xuống lấy.

Thấy ngoài túi ghi giá 500 nghìn đồng, bà giật mình. Bà còn dò hỏi cô giúp việc xem tôi có hay mua quần áo, trang sức, mỹ phẩm không. 

Tôi tâm sự với chồng, anh bảo bà sống ở quê, chi tiêu dè sẻn nên chưa quen với mức sống ở thành phố. Anh động viên tôi dần dần bà sẽ quen và bớt phàn nàn. Ý anh vẫn là mời bà lên sống chung và giúp chúng tôi chăm con. 

Bà có vẻ rất vui khi được ở gần con cháu vì chồng tôi là con một, bà ở quê một mình cũng buồn. Bố chồng tôi đã mất vài năm nay.

Con tôi cũng khá quấn bà, tối đến đều đòi ngủ với bà. Nhưng mới có mấy hôm, tôi đã thấy có nhiều mâu thuẫn thế này, không biết sống chung lâu dài có ổn không. 

Hiện tại, tôi chưa biết phải xử trí ra sao? Liệu có nên để bà ở thêm với chúng tôi một thời gian nữa rồi mới quyết định hay không? 

 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/dinh-nho-me-chong-trong-chau-toi-nhut-chi-sau-khi-song-chung-1-tuan-2312149.html

mẹ chồng


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.