Ki cóp tiền mua ô tô, nàng dâu nóng mặt với hành xử của nhà chồng

Mua ô tô xong, nhà tôi dùng thì ít, mà nhà chồng mượn thì nhiều. Tôi cảm thấy chiếc xe được coi như của chung.

Hai vợ chồng tôi lấy nhau được hơn chục năm, con lớn đã 10 tuổi, con nhỏ 6 tuổi. Chúng tôi làm việc cho công ty tư nhân, thu nhập ổn định. Nhưng công ty nằm ở thị xã của một tỉnh nhỏ nên thu nhập cũng chỉ ở mức trung bình. 

Cưới xong, nhà chồng cho hai vợ chồng miếng đất để xây nhà. Tiền xây nhà hoàn toàn là tiền vay mượn họ hàng, bạn bè. Phải mất 5 năm, vợ chồng tôi mới trả hết số nợ ấy. 

Từ ngày hết nợ đến giờ, chúng tôi lại ki cóp tích lũy được vài trăm triệu đồng. Vừa rồi, hai vợ chồng quyết định mua ô tô để thi thoảng về quê ngoại hoặc cuối tuần cả nhà đi chơi xa cũng tiện hơn. 

Nhưng từ ngày mua xe, chưa kịp tận hưởng lợi ích thì bao nhiêu phiền toái xuất hiện. 

Ki cóp tiền mua ô tô, nàng dâu nóng mặt với hành xử của nhà chồng-1Tôi không ngờ mua xe xong lại có nhiều phiền toái như vậy. Ảnh: AI


Đầu tiên là việc nhà chồng coi chiếc xe của chúng tôi như của chung, ai cũng thoải mái dùng. Chúng tôi ở riêng nhưng chỉ cách nhà bố mẹ chồng và nhà cô em gái chồng vài bước chân. 

Ông bà không biết lái xe nên hễ đi đâu cũng gọi chồng tôi đánh xe đưa đi. Tôi chẳng tính toán tiền xăng xe, hao mòn với ông bà nhưng thấy phiền vì nhà bao việc mà chồng cứ bận làm chuyện không đâu. 

Lại đến cô em gái chồng, từ ngày nhà tôi mua xe, cô mượn xe liên tục mà toàn vào cuối tuần. Tôi muốn cuối tuần cả nhà lái xe đi uống cà phê hoặc sang nhà bạn bè, đồng nghiệp tụ tập nhưng lần nào cũng phải đi xe máy. 

Từ khi nhà tôi mua xe, vợ chồng cô ấy chịu khó về nhà nội (cách đó 20km), rồi đi chơi nhiều hơn hẳn. Chả lẽ cô ấy mượn đi xa 20-30 cây số mà tôi lại từ chối. 

Khó chịu trong lòng nên tôi phàn nàn với chồng vài câu, anh đáp lại như thể tôi nhỏ mọn, ích kỉ lắm. Anh bảo, trước kia hai đứa xây nhà, toàn phải vay tiền của ông bà, anh chị em là chính.

“Ông bà lại cho nguyên mảnh đất đang ở, mà mới báo hiếu ông bà một tí, em đã phàn nàn”, chồng tôi dấm dẳn. 

Nghe chồng nói, tôi ức lắm. Cả tuần nay, tôi “chiến tranh lạnh” với anh. Thấy tôi khó chịu, chồng vẫn lờ đi, coi như không có chuyện gì. Anh vẫn ra sức đưa mẹ đi chùa, đi thăm bạn, đi chơi với hội hưu. 

Mẹ chồng tôi cũng tự hào khoe với mọi người chuyện con trai mua ô tô, đi đâu cũng có con đưa rước. 

Đỉnh điểm, hôm trước tôi nghe cô em chồng nói một câu mà sôi sục hết trong lòng.

Chuyện là nhà cô đang tìm trường cấp 2 cho con. Tôi nghe mẹ chồng kể cô đang băn khoăn giữa 2 trường. Trường cả nhà thích thì ở xa, còn trường gần thì cô ấy không ưng. 

Đến hôm cả nhà tôi và nhà em chồng sang ông bà ăn cơm thì nghe cô kể đã chọn ngôi trường ở xa. Tôi thuận miệng nói: “Trường ấy thì hơn hẳn nhưng xa thế, hôm nào mưa gió, nắng nôi quá thì vất vả nhỉ!”. 

Cô em chồng không ngần ngại đáp: “Giờ nhà có xe rồi nên không thành vấn đề chị ạ! Nắng mưa thì bọn em đưa nó đi”.

Tôi ngẩn người mất mấy giây, sau đó chuyển sang trạng thái tức giận. Ủa, “nhà có xe” là như thế nào? Chiếc xe vợ chồng tôi nhịn ăn nhịn mặc bao nhiêu năm mới mua được lại trở thành của chung ư? 

Đành rằng hàng ngày vợ chồng tôi không đi làm bằng ô tô, xe bỏ không nhưng việc cô ấy coi xe nhà tôi là của chung thì quá đáng quá. 

Tôi tâm sự với mấy người bạn thân về nỗi bức xúc của mình. Họ khuyên tôi cho thuê xe, vừa có thêm thu nhập lại vừa đỡ bị “dùng nhờ”. Tôi vẫn đang băn khoăn với phương án này, sợ mang xe cho thuê sẽ nhanh xuống cấp mà chưa chắc chồng tôi đã đồng ý. 

Liệu có cách nào hay hơn để tôi xử lý tình huống này không? 

Theo VietNamNet

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ki-cop-tien-mua-o-to-nang-dau-nong-mat-voi-hanh-xu-cua-nha-chong-2328019.html

mẹ chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.