Những chiều hè vặt lá sắn dây về nuôi thỏ và cú sốc đầu đời của "doanh nhân nhí"

Thương vụ kiếm tiền hồi mẫu giáo của tôi đã kết thúc lỗ chỏng gọng sau khi mẹ thông báo tin "động trời".

- Mẹ đập lợn của Bông ra để nuôi thỏ nhé?

Đó là lời đề nghị vô cùng hấp dẫn mà tôi nghe được vào một buổi sáng mùa hè. Chú hàng xóm đi đâu về mang theo một cặp thỏ trắng xinh ghê gớm. Nghe chú bảo nhà họ hàng nuôi thỏ để bán, mở hẳn một trang trại thu lời lãi vô cùng nên mẹ tôi "chốt" đầu tư luôn cặp thỏ ấy đem về cho chúng sinh con.

Hồi ấy mới 5 tuổi bọ nên tôi biết gì đâu. Được ôm 2 con vật tai dài xinh đẹp trong tay là mẹ bảo gì tôi cũng gật đầu hết! Tôi bỏ cả cơm để ngồi chơi với chúng, chạy đi xin cà rốt khắp nơi. Trông chúng giống hệt thỏ mà tôi thấy trong tranh vẽ ở trường mẫu giáo. Mắt đỏ hồng, lông mềm mượt. Đáng yêu không thể chịu nổi.

Những chiều hè vặt lá sắn dây về nuôi thỏ và cú sốc đầu đời của doanh nhân nhí-1

Những mảnh ký ức của tôi hồi nuôi lũ thỏ rất rõ nét. Dù bé tí nhưng tôi vẫn nhớ cảnh bố chặt tre đan chuồng, phơi lá cọ để làm nơi ở cho chúng. Bố xây một căn phòng nho nhỏ cạnh gian bếp che nắng mưa cho đôi thỏ. Mẹ bảo tôi cứ chăm chỉ nuôi thỏ rồi sẽ có tiền mua búp bê.

Ngày nào tôi cũng lượn ra lượn vào chuồng thỏ mấy chục lần, còn xung phong nhặt rau đi chợ với mẹ để kiếm đồ ăn nuôi lũ thỏ mau lớn. Chân chuồng khá cao nên tôi phải nhón gót mới ngó vào trong được. Bố bảo cao như thế cho chuột đỡ trèo lên phá phách lũ thỏ.

Bọn trẻ trong xóm ghen tị với tôi lắm, vì cách đây hơn 20 năm được sở hữu pet thỏ là vừa xịn vừa "oách" rồi! Nhiều đứa còn "hối lộ" kẹo bánh trái cây hoặc đồ chơi để xin tôi cho đi ngắm chuồng thỏ. Cảm giác đứng "thu vé" từng đứa nhóc vào chơi, coi chúng tròn mắt há mồm khen thỏ đẹp khiến tôi vô cùng khoái chí.

Những chiều hè vặt lá sắn dây về nuôi thỏ và cú sốc đầu đời của doanh nhân nhí-2

Tôi thích nhất những buổi chiều được mẹ lên trường đón, bởi gần trường có một khu đất hoang mọc rất nhiều sắn dây. Lá sắn um tùm đầy mặt đất, bám cả vào tường nhà người ta. Dây sắn trèo qua giàn mướp hương sang tận chỗ sân bóng.

Không biết tại sao nhưng đôi thỏ của tôi ăn lá sắn dây rất ngon miệng. Chúng nhai rau ráu cả ngày như máy khâu ấy! Dù không mất xu nào để nuôi nhưng công hái lá sắn ôm về cho thỏ cũng nhọc. Mẹ đạp xe chở tôi đằng sau mà chẳng ai biết, bởi mớ sắn dây to uỵch trùm hết cả lên đầu!

Mỗi bữa mẹ con tôi vác về hẳn mấy cân lá mà 2 con thỏ gặm hơn 1 ngày là hết. Chừng 2-3 tháng sau thì con thỏ cái có bầu. Bụng nó tròn xoe như quả bóng, ôm trên tay mà thương vô cùng. Tôi cho nó gặm thêm mía, bắp cải, táo xanh, thủ thỉ tâm tình như bạn thân. Đúng hôm nó đẻ thì tôi sang bà ngoại. Khi trở về đã thấy một đàn thỏ con lúc nhúc trong chuồng.

Cơ mà mọi người biết chuyện gì không? Lúc háo hức chờ thỏ con ra đời tôi đã nghĩ chúng nhỏ xíu như cục bông, kiểu gì cũng xinh đẹp cưng xỉu. Nhưng tới khi tận mắt trông thấy thì tôi khóc ré lên khiến cả xóm giật mình! Eo ôi sao mà thỏ con xấu thế! Da nhăn nheo đỏ hồng, có chỗ còn trong veo như nhìn thấu được xương thịt.

Những chiều hè vặt lá sắn dây về nuôi thỏ và cú sốc đầu đời của doanh nhân nhí-3

Tôi đã từng bị bọn trẻ con trong xóm trêu đẩy ngã vào ổ chuột nên nhớ mãi cảm giác sợ hãi khi thấy lũ chuột con bé tí hồng hồng. Y xì như đàn thỏ con mới đẻ vậy. Thế là tôi quay lưng chạy mất, suốt 1 tuần không dám quay lại cho thỏ ăn nữa. Đam mê vặt lá sắn dây cũng không còn. Đi học về tôi tiu nghỉu đứng đợi mẹ hái đầy rổ thức ăn cho gia đình nhà thỏ.

Bố bảo khi nào thỏ con mở mắt tôi có thể vào xem. Chúng sẽ mọc thêm lông để che đi lớp da trần trụi, vẻ đáng sợ sẽ biến mất hoàn toàn. Thế là tôi kiên nhẫn chờ thêm, ngày nào cũng thập thò ở cửa bếp ngó sang chuồng thỏ.

Tuy đám thỏ có mùi hôi lẫn với mùi cỏ, nhưng tôi lại rất thích cái mùi ngai ngái ấy. Đến lúc lũ thỏ con mọc lông, mẹ đặt cả gia đình chúng vào chiếc rổ lót chăn bông rồi mang ra sân cho chúng phơi nắng. Tôi hú hét ầm ĩ, lăn vào ôm bầy thỏ vuốt ve, thơm thít mê say. Lũ thỏ con ngoan lắm, nhảy tưng tưng trên mặt đất, hít ngửi cây cối xung quanh.

Vài hôm sau có người hỏi mua thỏ, mẹ sốt sắng bán luôn mấy con non. Tôi đi học về phát hiện ra "kho báu" mất tích nên khóc lóc bỏ ăn. Mãi sau bố dỗ dành bảo lũ thỏ sẽ đẻ thêm nhiều con nữa tôi mới nín. Và đúng là đàn thỏ ngày càng đông đúc hơn, bố phải cơi nới cái chuồng thành 2 tầng mới đủ chỗ chứa.

Những chiều hè vặt lá sắn dây về nuôi thỏ và cú sốc đầu đời của doanh nhân nhí-4

Mẹ đùa bảo "Bông sắp thành đại gia rồi". Từ khoản đầu tư nhỏ trong chú lợn đất, tôi đã có nhiều thứ hơn mình nghĩ. Chẳng nhớ tiền bán thỏ được bao nhiêu nhưng có vẻ cũng khá, vì mẹ cho tôi ăn rất nhiều món ngon và sắm cả quần áo mới. Tôi hào phóng nói rằng khi nào có một trang trại thỏ thì tôi sẽ xây cho bố mẹ hẳn ngôi nhà mới, to như lâu đài của Bạch Tuyết luôn!

Chưa được bao lâu thì giấc mơ xây lâu đài của tôi đổ sụp. Đợt ấy là mùa đông, mưa bão bất ngờ đổ về khiến bố tôi chật vật đi che chuồng thỏ. Hôm sau tạnh mưa xuống xem thì ôi thôi đàn thỏ con đã bị chuột tha gần hết! Những con thỏ lớn cũng bị cắn chảy máu. Bố mẹ tôi đành dọn dẹp rồi quyết định không nuôi thỏ nữa. Tôi vẫn nhớ trưa ngủ dậy định chạy ra chuồng thỏ chơi, mẹ đã ngăn lại và bảo tôi sẽ không bao giờ gặp lại lũ thỏ con nữa.

Ngày hôm ấy cả xóm ngập nước mưa, riêng nhà tôi ngập gấp đôi vì tôi khóc như xả lũ! Thế là sự nghiệp "doanh nhân" của tôi kết thúc trong bi đát. Đến tận bây giờ tôi vẫn chả dám nuôi con gì nữa, vì sợ chuyện đau lòng như thế sẽ lại xảy ra. Ôi các em thỏ "kho báu" của tôi ơi...

 

 

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/nhung-chieu-he-vat-la-san-day-ve-nuoi-tho-va-cu-soc-dau-doi-cua-doanh-nhan-nhi-222022861053253.htm


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.