Sau khi bố ra đi trong một vụ tai nạn, nghe thấy những gì mẹ kế nói với con riêng, ngay lập tức tôi gọi bà ấy là mẹ

Cho đến một buổi chiều được nghỉ học, khi trở về nhà, nghe thấy mẹ kế nói chuyện với con riêng mà nước mắt tôi giàn giụa.

Năm tôi mười tuổi thì bố mẹ ly hôn. Dù lúc đó còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ như in những trận cãi nhau của bố mẹ vì dường như ngày nào điều đó cũng diễn ra. Nhưng rồi một ngày, tôi không còn nghe tiếng bố mẹ to tiếng, chửi bới nhau nữa và đó cũng là ngày mẹ bỏ đi mà không bao giờ quay trở lại.

Sau khi mẹ đi, căn nhà bỗng trở lên yên ắng và trống trải vô cùng. Bố cũng không còn muốn ở nhà nữa nên đã gửi tôi cho ông bà nội chăm nom để đi nơi khác làm ăn. Bà nội thương tôi sớm phải xa bố mẹ nên rất cưng chiều. Từ ngày bố đi làm ăn xa, thỉnh thoảng bố mới gọi điện về hỏi thăm tôi. Cuộc sống thiếu thốn tình thương của bố mẹ buộc tôi phải trở nên mạnh mẽ, nhiều lúc nhớ mẹ tôi cũng chỉ lén khóc rồi vội lau nước mắt vì sợ người khác sẽ nhìn thấy vẻ yếu đuối của mình.

Tôi sống cũng bà nội 2 năm thì bố dẫn một người phụ nữ về và nói sẽ lấy cô ấy. Tôi biết mình không thể ngăn cản và cũng không thể thay đổi chuyện bố lấy vợ khác được nên chỉ lặng lẽ nghe theo. Nhưng mẹ kế còn có một cô con gái ít hơn tôi 2 tuổi, điều đó khiến tôi khá lo lắng. Vốn dĩ cuộc sống của bố con tôi đã chẳng khá khẩm gì, giờ có thêm hai mẹ con cô ấy đến ở cùng nữa có lẽ sau này sẽ càng khó khăn hơn.

Sau khi bố và mẹ kế kết hôn, tôi trở về nhà sống cùng với bố. Tôi đã nghĩ rằng mẹ kế sẽ đối xử rất tệ với tôi, giống như những bộ phim truyền hình mà mình đã xem. Nhưng trái lại, mẹ kế không làm vậy. Bà tỏ ra là một người phụ nữ thật dịu dàng và rất quan tâm đến con riêng của chồng.

Dần dà, tôi cũng cố gắng chấp nhận cô ấy, dù gì thì so với mẹ ruột, một người chỉ suốt ngày chơi trò đỏ đen, chưa bao giờ quan tâm đến tôi thì mẹ kế còn tâm lý hơn bà nhiều. Tuy nhiên, con gái cô ấy thì không như vậy, đúng hơn là nó có vẻ ác cảm và luôn chống đối tôi nhưng vì bố thường tâm sự, dặn tôi phải coi con bé như em gái mình nên tôi cũng không chấp nhặt nó.

Sáu tháng sau ngày cưới, công việc ở quê khó khăn nên bố tôi phải đi làm xa kiếm tiền, trong nhà chỉ còn hai mẹ con mẹ kế và tôi. Sau khi bố đi làm, bà nội sợ tôi bị ức hiếp nên thỉnh thoảng lại đến gặp và hỏi thăm nhưng tôi thấy mọi chuyện vẫn khá ổn, không có gì thay đổi so với khi bố còn ở nhà. Nhờ vậy mà bà nội cũng yên tâm hơn.

Sau khi bố ra đi trong một vụ tai nạn, nghe thấy những gì mẹ kế nói với con riêng, ngay lập tức tôi gọi bà ấy là mẹ-1

Một ngày nọ, khi đi học về tôi thấy nhà không có ai. Tôi thấy lạ vì thường vào giờ này mẹ kế phải đang nấu cơm rồi. Đột nhiên bác hàng xóm sang nói chuyện bố tôi bị tai nạn trên công trường, giờ đang ở bệnh viện. Vừa nghe dứt câu, tôi đã vứt bỏ cặp sách mà chạy đến bệnh viện ngay. Khi đến nơi tôi thấy ông nội đang chờ phía ngoài, gặp tôi, ông đưa luôn lên phòng chờ cấp cứu. Chúng tôi đợi ở cửa hơn một tiếng đồng hồ, nhưng chỉ nhận được câu "Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức" của bác sĩ. Bố đã bỏ tôi đi mà chẳng một câu trăng trối hay để tôi nhìn mặt lần cuối.

Sau này, mẹ kế được lấy tiền bồi thường của bố, tôi cứ nghĩ bà sẽ ôm tiền bỏ đi, giống mẹ tôi ngày trước nhưng bà không làm vậy mà lặng lẽ sống, làm việc nuôi chúng tôi. Thấy mẹ kế đã vì gia đình này mà hi sinh quá nhiều, tôi cảm thấy biết ơn bà nhiều lắm, trong lòng tôi đã dần coi bà như mẹ ruột của mình từ lâu, nhưng tôi vẫn không đủ dũng khí để nói một câu thể hiện tình cảm của mình dành cho bà.

Cho đến một buổi chiều nọ được nghỉ học, khi trở về nhà, tôi nghe thấy hai mẹ con họ nói chuyện với nhau: "Mẹ ơi, sao mẹ phải ôm đồm nhiều việc như này để làm gì, chị Linh có phải con ruột của mẹ đâu sao lúc nào mẹ cũng thiên vị chị ấy hơn con thế? Giờ chú Quân mất rồi, mẹ con mình phải ở đây vất vả làm gì, sao không bỏ đi nơi khác sống, hai mẹ con mình sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn". Nhưng mẹ kế chỉ từ tốn đáp lại:

"Nếu giờ mẹ bỏ đi thì chị Linh sẽ ra sao? Ai sẽ chăm sóc ông bà nội? Còn gia đình này thì sao? Tuy chúng ta với chú Quân sống với nhau chưa lâu nhưng chú ấy rất thương mẹ con mình. Giờ chú Quân không còn nữa, mẹ phải thay chú ấy làm tròn trách nhiệm với gia đình để báo đáp ân tình mà trước đây chú đã cưu mang mình chứ con". Khi nghe mẹ kế nói điều này, tôi xúc động lắm, nước mắt chảy giàn giụa.

Tôi chợt nhận ra, người mẹ kế của tôi thật tốt, thật bao dung và có trách nhiệm với gia đình tôi. Mẹ kế sẵn sàng từ bỏ cơ hội có cuộc sống an nhàn, sung sướng hơn để ở lại lo lắng cho gia đình tôi, những người mới gắn bó với bà chỉ vài năm.

Ngay cả khi bố tôi, người gắn kết giữa bà với gia đình tôi đã không còn nữa, mẹ kế vẫn can tâm tình nguyện ở lại làm tròn trách nhiệm của mình. Có lẽ so với mẹ đẻ của tôi, bà còn có trách nhiệm với tôi nhiều hơn. Tôi thầm hứa, sau này khi lớn lên sẽ đối xử thật tốt và coi bà như mẹ ruột của mình để bù đắp cho những tháng ngày vất vả bà đã từng nếm chịu. Và cũng trong buổi chiều hôm ấy, tôi chính thức gọi mẹ kế là "Mẹ".

(khanhlinh...@gmail.com)

Theo Vietnamnet


mẹ kế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.