Sự thật sau việc anh tôi đếm từng cọng rau, miếng thịt để chia tiền với bố giữa nhà hàng

Khách khứa có mặt xung quanh đều mắng anh tôi là đứa bất hiếu nhưng khi biết sự thật thì mọi người đều lặng im.


Đã có ai từng ước rằng “Muốn một lần được bất hiếu với bố” chưa? Nghe có vẻ kỳ quặc và đáng trách, nhưng phải là người trong cuộc thì mới hiểu nguyên do tại sao lại thế.

Bố bỏ mẹ con tôi theo tình trẻ khi tôi chưa kịp chào đời. Anh tôi lúc ấy mới 3 tuổi, những ký ức về bố hầu như chẳng có gì. Anh chỉ hình dung mang máng gương mặt bố qua bức ảnh cưới cũ nát mẹ cất sâu trong gầm tủ. Mẹ giữ lại khá nhiều ảnh chụp của bố, song anh tôi đã đốt gần hết với lý do “người này chẳng liên quan gì đến mẹ con mình”.

Chứng kiến mẹ vất vả gồng gánh nuôi con lớn khôn nên anh tôi già dặn hơn tuổi rất nhiều. Lúc bạn bè xung quanh còn bận chơi khăng đánh đáo, đào dế đào giun thì anh tôi bận thái rau lợn đến chai cả tay. Hết giờ học anh đi nhặt ve chai, đổi miếng dép lấy vài chiếc bánh quế cho tôi ăn đỡ đói. Sáng tinh mơ anh phụ mẹ hái rau đem ra chợ, dù mưa hay nắng anh cũng không để mẹ phải làm một mình.

Biết mình học không giỏi nên anh tôi quyết không thi đại học. Anh xin mẹ đi theo chú hàng xóm sang tỉnh khác học nghề. Hết làm phụ hồ, lơ xe, anh tôi lại chuyển sang thợ hàn, thợ mộc. Việc gì anh tôi cũng không ngại, về làng bị mấy chị con gái chê cười anh cũng chẳng bận tâm. Anh bảo nghèo không lấy được vợ thì thôi, miễn sao mẹ không phải cực nhọc chạy ăn từng bữa nữa.

Sự thật sau việc anh tôi đếm từng cọng rau, miếng thịt để chia tiền với bố giữa nhà hàng-1

Rồi cuối cùng cơ may cũng tới, anh tôi đổi đời nhờ quen một ông chủ thầu xây dựng. Người này rất tốt bụng, thấy anh tôi chăm chỉ nên đã gợi ý cho anh theo học làm nội thất. Chỉ 1 năm anh tôi đã ra nghề thành thạo, mở được xưởng riêng và thu nhập cũng ngày càng tốt hơn.

2 năm sau anh xây nhà mới cho mẹ ở. Tôi đỗ đại học được anh thưởng cho chiếc xe máy, còn mua cả laptop cho nữa. Anh đã trở thành trụ cột gia đình từ bao giờ không biết. Nhiều lúc tôi thấy anh còn hơn cả một người cha, bởi anh hy sinh vì em gái rất nhiều và chưa từng để tôi thiếu thốn. Dù phải nhịn đói gửi tiền về cho tôi đóng học, xin cơm thừa của người khác để cầm cự qua ngày thì anh cũng không để tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Hơn 20 năm qua ba mẹ con tôi nương tựa vào nhau để sống. Lúc nghèo khó tuyệt vọng thì nhà nội cũng quay lưng, cứ như mẹ tôi chưa từng làm dâu nhà họ vậy. Tôi được nghe kể rằng bố ham tiền nên chạy theo một người phụ nữ trẻ đẹp. Ông cưới mẹ tôi vì mai mối nên chẳng có tình cảm gì hết, biết mẹ tôi bụng mang dạ chửa, chẳng có xu nào trong người nhưng bố vẫn dửng dưng mặc kệ để chạy theo tiếng gọi vật chất.

Mỗi lúc mẹ ngồi lặng lẽ ở thềm nhà, anh trai tôi luôn bảo mẹ dẹp hết quá khứ sang một bên đi. Xưa mẹ thiệt thòi bao nhiêu thì giờ anh em tôi sẽ bù đắp lại bấy nhiêu. Anh còn bảo mẹ hợp ý ai thì cứ tái hôn với người đó, chứ thấy mẹ lẻ bóng mãi ai cũng thương.

Có lẽ vì sống thiện lành tích phước cho con nên bây giờ mẹ tôi cũng được hưởng an nhàn vui vẻ hơn hẳn lúc trước. Anh tôi kiếm được bao nhiêu tiền đều đưa cho mẹ cả. Bà đem mua vàng, mở sổ tiết kiệm giữ hộ con trai. Mẹ bảo giờ ước mong lớn nhất của bà là 2 đứa con cùng yên bề gia thất.

Cuộc sống của chúng tôi đang ổn định và êm đềm thì tự dưng bố ruột xuất hiện. Ông nhờ người quen liên lạc với anh em tôi, rủ đi ăn nhà hàng để nói chuyện.

Anh tôi hỏi ý kiến mẹ xem có nên gặp bố hay không. Mẹ nói cứ gặp bình thường thôi chẳng có gì phải lo nghĩ. Giờ anh em tôi lớn cả rồi, quyết định ra sao thì mẹ cũng tôn trọng hết.

Tối hôm qua anh lái xe chở tôi đến chỗ hẹn gặp bố. Tôi vừa hồi hộp vừa thấy xa lạ, cảm giác đó là một cuộc gặp gỡ không cần thiết. Bao năm thiếu sự quan tâm của bố khiến tôi chẳng có sợi dây liên kết tình cảm nào với ông. Chưa kể tôi còn không biết mặt ông ấy như thế nào nữa.

Đến nơi thấy người đàn ông tóc muối tiêu ngồi một góc giữa chốn ồn ào, tôi kéo tay anh đòi đi về không gặp nữa. Anh vỗ vai an ủi tôi rồi im lặng ngồi xuống đối diện với bố.

Hóa ra anh tôi có gương mặt giống hệt ông ấy. Chúng tôi không thể thốt ra tiếng “bố” được, đành kệ cho ông ấy mở lời trước. Ông không hề ngượng nghịu chút nào, tự gọi một bàn đồ ăn ngon rồi gắp cho hai đứa con.

Chúng tôi không đụng đũa miếng nào cả. Chỉ có bố ngồi ăn ngấu nghiến như thể bị đói lâu ngày vậy. Vừa ăn ông ấy vừa hỏi mẹ tôi sống thế nào, khen mẹ tôi chụp ảnh đăng lên mạng nhìn khá xinh.

Anh tôi hỏi thẳng bố đòi gặp có chuyện gì. Ông ấy nói muốn nhận lại 2 đứa con, cuộc sống ông không hạnh phúc nên giờ ông ngỏ lời muốn quay về sống chung với vợ cũ. Ông than nghèo kể khổ, nói xấu người phụ nữ mà ông bỏ vợ con để chạy theo, chê cô ta là người ích kỷ tham lam, giàu nhưng không cho ông tiền bạc tiêu xài thoải mái. Từ lúc ông sang tuổi trung niên là cô ta không thèm ngó ngàng nữa, còn công khai bao nuôi trai trẻ khiến ông phải đi “đánh ghen” vô số lần.

Ngồi nghe thấy khó chịu nên anh tôi đứng dậy đập bàn, gằn từng tiếng nói với bố rằng ông chưa nuôi vợ con nổi ngày nào nên không có quyền than vãn gì hết. Ngày bé đã bao lần anh bị người ta mắng chửi là "thằng có mẹ sinh nhưng không có bố dạy", chê anh nghèo hèn đủ kiểu. Mỗi lúc như vậy anh đã khát khao mong bố quay về biết bao.

Bố dửng dưng với mẹ con tôi suốt bao năm, giờ gặp quả báo bị bỏ rơi thì lại đòi quay lại dựa dẫm. Ông mặt dày bắt anh em tôi phụng dưỡng dù chân tay ông vẫn lành lặn khỏe mạnh. Chúng tôi từ chối thì bị bố mắng chửi, ông bảo phí công đẻ ra 2 đứa con bất hiếu.

Anh tôi cười chua chát đáp lại rằng giá như ông xứng đáng làm bố để anh được bất hiếu một lần thôi cũng được. Nhưng ông đã chọn vứt bỏ lương tâm, vứt bỏ tình phụ tử, bạc bẽo với vợ cũ. Thế nên ông xứng đáng sống cô đơn đến cuối đời.

Trong lúc bố với anh trai to tiếng cãi cọ thì mọi người xung quanh đều tò mò ngó sang. Anh tôi không thích thị phi nên gọi nhân viên đến thanh toán, dặn họ đếm kỹ từng miếng thịt, từng cọng rau bố tôi đã ăn để chia tiền. Anh chỉ nhận trả những thứ mà bố chưa ăn thôi.

Chỗ đó là nhà hàng cao cấp nên giá không hề rẻ. Nhìn số tiền phải trả cho bát rau thịt vừa ăn mà bố hoảng hốt. Ông giãy lên ăn vạ kêu không có tiền, bắt anh em tôi thanh toán hết.

Mấy bàn ngồi cạnh tôi chỉ trỏ nói “con cái gì mà mất dạy”, “con cái gì mà tính toán từng xu với bố”. Tôi nhịn không nổi quay sang nhắc họ khỏi lo chuyện bao đồng. Anh tôi cũng đứng lên bảo người đàn ông mà mọi người bênh chỉ là một gã cha tồi, bỏ rơi con từ khi chưa đẻ, thích ăn bám người khác chứ chả có gì tốt đẹp. Các vị khách xung quanh liền xấu hổ quay đi, còn nói chữa thẹn rằng "bố vậy thì bỏ đi là đúng".

Trả tiền xong anh kéo tôi đi về, không quên để lại một câu nhắc nhở bố không được làm phiền đến cuộc sống của ba mẹ con nữa. Anh em tôi không tha thứ được cho ông nên không muốn gặp lại thêm lần nào nữa.

Thực sự tôi không có chút cảm xúc hay nuối tiếc gì cả. Ông ấy không xứng là người đã sinh ra anh em tôi...

 

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/anh-toi-dem-tung-cong-rau-mieng-thit-de-chia-tien-voi-bo-giua-nha-hang-ai-cung-gat-gu-khen-lam-vay-la-dung-20240704212131969.htm

người cha


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.