Không kịp nấu cơm chiều cho em trai, tôi bật khóc khi về nhà thấy mẹ kế ném hết đồ đạc của mình xuống dòng nước xiết

Mẹ chì chiết tôi là con “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, đứa em trai bênh tôi cũng bị chửi theo.

Có lẽ cả đời này tôi sẽ không bao giờ quên được những ngày mưa bão tháng 9 năm nay. Từ khi sinh ra đến giờ, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh hỗn loạn và buồn đau đến thế. Tôi còn chẳng dám lên mạng xem tin tức từ hôm bão, bởi nghe mọi người xung quanh bàn tán thôi cũng biết hậu quả bão lũ quá tang thương.

Nhà tôi ở khu ven sông Hồng nên bây giờ cũng đang bị ngập. May mà nền nhà cao nên nước mới chỉ chảy vào xâm xấp đến mắt cá chân, chứ nhiều ngõ phố xung quanh nước tràn vào ngang đầu gối rồi. Đêm qua cả khu tôi đều không ai ngủ được, hò nhau gia cố lại nhà cửa và di tản để tránh lụt.

Bố tôi đang đi công tác ở Bình Định nên ở nhà chỉ có mỗi 3 mẹ con. Đúng ra là tôi, mẹ kế và con riêng của bà ấy.

Mẹ mất sớm năm tôi 9 tuổi. Bố tái hôn khi tôi học cấp 3. Chuyện mẹ kế và bố tôi quen nhau khá ly kỳ, mà tôi lại chính là nguyên do khiến họ gặp được nhau. Mẹ kế đi họp phụ huynh cho con riêng của bà ấy, bố đi họp phụ huynh cho tôi. Hôm ấy xe mẹ kế đỗ cạnh xe bố tôi, họp xong ra thấy xe bà ấy bị đổ nên bố dựng lên hộ. Sau đó thì kết cục như nào ai cũng biết. Bố đơn thân gặp mẹ đơn thân, nảy sinh tình cảm với nhau nên về chung một nhà.

Hồi đầu mẹ kế rất tích cực lấy lòng tôi. Bà đon đả chiều chuộng tôi hơn con ruột, mua đủ thứ đồ ngon váy đẹp cho tôi. Nhưng tính cách tôi vốn hướng nội nên tôi đối xử với bà ấy rất bình thường. Có lẽ vì thế mà mẹ kế lại tưởng tôi định kiến với bà ấy, thành ra mối quan hệ của chúng tôi bây giờ khá khó tả. Không tệ, cũng chẳng thân.

Dù gia đình có điều kiện và có cả giúp việc nhưng tôi vẫn là người nấu cơm chính. Ban ngày đi làm không tính, còn buổi tối thì hầu hết là tôi đứng bếp. Mẹ kế chính là người khen tôi nấu ngon, nhưng tôi biết thừa bà ấy cố tình kiếm việc để tôi phải xắn tay bận rộn. Nghe giống dì ghẻ bắt Tấm nhặt đỗ ghê.

Mẹ kế toàn đi tập yoga với hẹn hò nọ kia đúng giờ cơm tối nên bà ấy kiếm cớ để tôi phải nấu hộ. Bà ấy biết tôi cần nấu để mang cơm trưa đi làm hôm sau nên tiện thể bắt tôi nấu luôn cho thằng em trai nữa. Mẹ kế cưng chiều thằng Bảo nhưng mấy việc nội trợ thì bà ấy lại lười. Cho nó tiền đi ăn bên ngoài thường xuyên thì tốn kém. Thế nên mẹ kế mới nghĩ cách làm khó để tôi phải nấu bữa tối tử tế cho thằng em.

Thực ra chuyện cơm nước với tôi không hề phiền. Ngược lại tôi thích nấu ăn nên coi như để thằng Bảo nếm ké luôn. Chị em tôi chẳng có máu mủ ruột thịt gì, nhưng được cái Bảo rất ga lăng với chị, lại dễ tính trong khoản ăn uống nên tôi mới vui vẻ phục vụ nó mỗi ngày một bữa.

Không kịp nấu cơm chiều cho em trai, tôi bật khóc khi về nhà thấy mẹ kế ném hết đồ đạc của mình xuống dòng nước xiết-1


Dạo gần đây tôi thấy mẹ kế hay cáu kỉnh. Tôi mới hỏi thằng Bảo xem có chuyện gì xảy ra. Nó thì thầm dặn tôi đừng đụng đến mẹ, bởi hình như bà ấy mới thua lỗ đầu tư gì đó, mất một khoản tiền khá lớn do bị người ta lừa. Tôi gật gù coi như không biết, cứ vâng dạ như bình thường cho mẹ kế đỡ khó chịu.

Chẳng ngờ hôm nay lại xảy ra một chuyện ngoài ý muốn. Tôi được bạn bè gọi đi hỗ trợ đóng gói đồ dùng nhu yếu phẩm để gửi xe từ thiện đi lên vùng bão lũ ở Thái Nguyên. Việc tham gia thiện nguyện tôi đã làm từ nhiều năm rồi, nên bạn gọi là tôi vượt mưa gió đến chỗ tập kết ngay.

Hì hục từ đêm qua đến trưa nay mới xong mấy tấn hàng. Buổi chiều tôi lại tiếp tục tham gia nhóm cứu trợ khác để chuẩn bị đồ gửi lên Yên Bái - Lào Cai. 

Đang bận thì mẹ kế gọi mấy chục cuộc liền, tôi không rảnh tay nên một lúc sau mới thấy. Tôi gọi lại ngay vì tưởng có chuyện gì gấp. Ai ngờ mẹ kế vừa bốc máy đã quát mắng tôi xối xả: “Mày đi đâu giờ này chưa về? Mày không nấu cơm để thằng Bảo chết đói hả? Mày lo việc thiên hạ thì nhanh việc nhà mình thì quên”...

Còn một tràng chửi bới nữa nhưng tôi không muốn nghe nên xin phép cúp máy. Mẹ kế liền nhắn một đống tin khiến điện thoại rung đến phát nóng. Tôi liếc qua thấy toàn câu chữ nặng nề nên kệ không mở ra xem.

6h tối các đoàn xe cứu trợ lên đường hết thì tôi mới lết về. Vừa dắt xe vào cửa nhà thì thằng Bảo hớt hải chạy ra, nhăn nhó hỏi sao bây giờ chị mới xuất hiện.

- Chị nhanh lên không mẹ ném hết dép guốc của chị xuống mương rồi kia kìa!

Nó nói xong tôi chưa kịp dựng chân chống xe đã quăng vội để chạy lên tầng. Phía sau nhà tôi là một cái mương nhỏ, ban công phòng tôi quay ra hướng mương đó. Mấy hôm nay mưa bão khiến nước trong mương dâng cao, chảy xiết như suối vậy. Mẹ kế đang định ném cái quần đi thì tôi chặn kịp, hỏi tại sao bà lại làm thế. Nhìn quanh thì có vẻ bà đã ném được một ít đồ dùng của tôi đi mất rồi, nước cuốn chắc phải trôi tít ra sông.

Thấy mắt tôi đỏ ngầu lên thì mẹ kế càng tức. Bà bảo tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, khôn nhà dại chợ, là cái loại “không có tim gan” nên mới để em trai chết đói không có cơm.

Tôi tức không nói nổi nên lời, tháo cái mũ bảo hiểm ra đập xuống đất cho hả giận. Thằng Bảo thấy tình hình quá căng nên vội kéo mẹ nó ra ngoài, không quên nhắc mẹ xin lỗi chị. Dĩ nhiên là mẹ kế không làm vậy rồi, thấy con trai ruột bênh con gái riêng của chồng thì bà càng bực hơn. Bà chửi thằng Bảo vuốt mặt không kịp, kêu nó là loại “ăn cháo đá bát”, mẹ ruột không bênh lại đi bênh người ngoài.

Hóa ra trong lòng bà ấy thì tôi vẫn luôn là “người ngoài”. Thật sự tôi chưa từng ghét mẹ kế, chỉ là không thân thiết với bà ấy được thôi. Vậy mà bà nỡ lòng vứt hết đồ đạc của tôi đi vì tôi quên nấu một bữa cơm cho con trai của bà ấy. Tôi đã làm gì sai cơ chứ? Thằng Bảo không than phiền trách móc thì thôi, mẹ kế lấy quyền gì mà làm tôi tổn thương như vậy?...

Theo Phụ nữ Việt Nam

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/khong-kip-nau-com-chieu-cho-em-trai-toi-bat-khoc-khi-ve-nha-thay-me-ke-nem-het-do-dac-cua-minh-xuong-dong-nuoc-xiet-2024091119455987.htm

mẹ kế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.