Tôi rất đau lòng khi nghe bố nói: "Mày không phải con tao"

Bố ơi, bố có biết con đã đau đớn thế nào khi nghe bố thốt ra câu nói đó không?

Buổi sáng quê nội, nắng chói chang, không gian vắng lặng, bình yên nhưng lòng con không yên bình nổi. Trong con như có ngàn con sóng vỗ khiến lòng chao đảo. Chưa bao giờ con có thời gian để nhìn lại mình rõ ràng đến thế.

Con biết, mình may mắn được sinh ra và lớn lên trong đủ đầy. Từ nhỏ, mỗi lần về quê, những bộ quần áo đẹp, những túi kẹo ngon của con luôn khiến anh em con các chú ghen tỵ.

Nhưng con lại thích được như các em, có thể đầu trần, chân đất chạy giữa cánh đồng; có thể nghịch áo quần lấm bẩn mà không bị quát mắng; thỉnh thoảng học hành chểnh mảng điểm kém cũng không bị đòn roi.

Từ nhỏ, con đã được cho vào khuôn phép học hành. Ngoài giờ học ở trường, mẹ đưa con đi học thêm cô này, thầy nọ. Con gần như không có ngày nghỉ, không có cả những mùa hè.

Tôi rất đau lòng khi nghe bố nói: Mày không phải con tao-1

Câu nói lúc bố tức giận đã làm tổn thương con rất nhiều (Ảnh minh họa: Getty).

Mỗi tối chở con đi học thêm, bất kể dù mưa hay nắng, mẹ vẫn thường thủ thỉ: "Bố mẹ vất vả vì con thế này, phải chịu khó học cho giỏi nhé".

Còn bố luôn nói với mẹ giọng tự hào: "Con nhà tông, không giống lông cũng phải giống cánh".

Bố mẹ đều là những người thành đạt, có vị trí trong xã hội. Ngoài 30 tuổi, bố đã là tiến sĩ. Ở tuổi ngoài 40, bố vẫn chưa bao giờ ngừng học hành.

Bố muốn con nhìn bố mà noi gương. Con cũng luôn cố gắng để bố mẹ tự hào.

Con thi lên lớp 10, muốn học một trường bình thường vì biết rõ sức học của mình. Bố bắt con phải đăng ký thi trường chuyên. Bố nói chắc chắn con làm được.

Và rồi kết quả không được như mong đợi của bố. Khi con biết kết quả, con không buồn, con chỉ sợ hãi.

Chiều hôm đó về nhà, nhìn thấy con, bố đã ném cặp lên bàn tức giận: "Mày không phải con tao. Tao không có đứa con nào dốt nát như thế. Thật xấu hổ!".

Bố mắng con từ chiều đến tận giờ cơm tối khiến con không ăn nổi, đến mức mẹ phải gọi điện cho ông bà. Ông nội biết chuyện, sáng hôm sau bắt xe lên để đón con về quê.

Con vẫn nhớ từng lời ông nói với bố hôm đó: "Con chỉ thấy nó bị điểm thấp, không hề thấy nó đã cố gắng thế nào. Nếu nó thực sự là vàng, ở đâu cũng sẽ lấp lánh. Còn nếu nó chỉ là viên sỏi, có mài mòn đi cũng thế thôi".

Bố không nói gì, chỉ im lặng. Sự im lặng của bố còn đáng sợ hơn cả lời chửi mắng.

Con nhận ra từ nhỏ đến lớn, con cứ phải chạy theo những mong muốn, những mục tiêu của bố đặt ra. Con chưa bao giờ tự hỏi thật ra con thích gì, con muốn gì.

Con chẳng có ước mơ nào ngoài ước mơ làm bố vui. Vậy nên dù không có tư chất thông minh, con vẫn chăm chỉ như con ong thợ.

Có những thời điểm nhìn bạn bè nói về ước mơ của mình, con ước gì bố mẹ một lần hỏi con ước mơ sau này sẽ làm gì. Rồi con tự trách mình ích kỷ. Bố mẹ đã dành cho con những gì tốt nhất, tạo mọi điều kiện cho con được học hành, con còn đòi hỏi gì nữa.

Khi nghe bố hét lên "Mày không phải con tao", nỗi đau trào dâng không thốt nổi thành lời. Lúc đó, con ước gì không phải là con gái của bố. Như vậy, bố không buồn mà con cũng không buồn.

Là vì con quá kém cỏi, hay tại bố kỳ vọng vào con quá nhiều? Là con làm bố buồn, hay bố làm con buồn hả bố?

Ông nội nói với con: "Không có cha mẹ nào không thương con, chỉ là cách thể hiện mỗi người mỗi khác. Có thể bố đã chọn nhầm cách thể hiện".

Con chỉ nghĩ rất nhiều vì câu bố đã nói với con. Là bố mẹ đã đưa con đến cuộc đời này, sao bây giờ bố lại nói con không phải là con của bố?

Nhưng con chỉ buồn vài ngày thôi. Khi trở lại thành phố, con sẽ nói với bố mẹ con thực sự thích gì và muốn gì.

Con muốn bố một lần lắng nghe tâm tư của con để biết con gái bố đã lớn rồi.

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/toi-rat-dau-long-khi-nghe-bo-noi-may-khong-phai-con-tao-20230709005559340.htm

người cha


Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.