Trả nợ cho nhà bạn gái suốt 3 năm, tôi suy sụp sau câu nói của cô ấy

Sau khi số tiền nợ được trả hết, bạn gái tôi có những băn khoăn về tương lai của hai đứa và không còn quan tâm đến chuyện kết hôn.

Khi đã gần 30 tuổi, tôi gần như "trắng tay", không còn tình yêu hay tài sản tích lũy. Nhìn bạn bè bắt đầu ổn định với gia đình và con cái, có khoản dư dả, lòng tôi lại thêm nỗi bất an.

Tôi vừa chia tay bạn gái yêu 5 năm. Tôi từng mơ mộng rất nhiều về cuộc sống hạnh phúc nhưng cuộc đời không như mình nghĩ. Tôi quen cô ấy từ khi mới ra trường trong một lần đi sinh nhật bạn. Chúng tôi khá hợp nhau trong cách nói chuyện, suy nghĩ nên dễ dàng đi tới tình yêu.

Tôi tự hào về bạn gái - một cô gái xinh đẹp, tháo vát, biết cách ăn nói và có công việc ổn định. Lúc mới yêu được 6 tháng, tôi muốn cưới ngay nhưng hai đứa còn quá trẻ. Bạn gái nói chờ thêm một năm, lúc đó kết hôn cũng chưa muộn.

Trả nợ cho nhà bạn gái suốt 3 năm, tôi suy sụp sau câu nói của cô ấy-1

Chúng tôi từng chung chí hướng trả nợ và bây giờ chia tay nhau (Ảnh minh họa: Adobe).

Khi yêu được gần 2 năm, bố mẹ tôi sốt sắng giục cưới vì thấy bạn gái đẹp người đẹp nết, gia đình cơ bản. Tôi nói chuyện với bạn gái về chuyện trăm năm nhưng cô ấy tỏ ra chưa sẵn sàng.

Thời điểm đó, cô ấy bỗng dưng thay đổi tính nết, hay cáu gắt hơn, có những khi tỏ ra buồn bã rồi tựa vào vai tôi khóc nức nở. Tôi gặng hỏi nhiều lần nhưng bạn gái không nói ra. Sau nhiều lần bị thuyết phục, cô ấy kể, gia đình mắc nợ 500 triệu đồng do bố vay người ta để làm ăn rồi bị lừa.

Vì lý do này nên cô ấy muốn dừng đám cưới để tập trung kiếm tiền trả nợ. Bạn gái bày tỏ lo lắng, vì với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng, ăn uống còn phải tiết kiệm chứ đừng nói giúp người nhà trả nợ. Cô ấy tính đến chuyện chuyển việc nhưng tiền lương cũng không đủ trả cả gốc lẫn lãi trong thời gian ngắn.

Nghe câu chuyện của bạn gái, tôi có về tận nhà tìm hiểu và biết đó là sự thật. Nhìn cô ấy buồn bã, tôi không thể không hỗ trợ lúc khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định sẽ dồn một nửa tiền lương để cùng trả nợ với bạn gái.

Gia đình cô ấy biết việc làm của tôi tỏ ra vô cùng xúc động. Chuyện giúp nhà bạn gái trả nợ được tôi giấu kín với bố mẹ đẻ. Từ chỗ có đồng lương dư dả, tôi phải chắt bóp, tiết kiệm hơn.

Ròng rã 3 năm trôi qua như vậy, tiền lương vừa về tài khoản, tôi chuyển ngay cho bạn gái trả nợ. Khó khăn nào rồi cũng dần vượt qua, khoản nợ vơi dần. Số tiền nợ 500 triệu đồng được trả trong 3 năm.

Lúc gia đình bạn gái hết nợ, tôi chẳng còn nhiều tiền để làm vốn lo cho cuộc sống sau này. Bởi với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, tôi đã chuyển một nửa, còn một nửa chỉ đủ tiêu chứ không có khoản nào tiết kiệm. Số tiền tôi để dành được từ trước đây cũng phải sử dụng vì có nhiều thứ phát sinh.

Khi khoản nợ đã được trả hết, tôi nói chuyện cưới xin, bạn gái vẫn chưa tỏ ra hào hứng. Cô ấy băn khoăn về tương lai và muốn kiếm thêm tiền. Tôi nói, chuyện tiền nong có thể kiếm sau. Hai đứa nỗ lực từng ngày, cuộc sống sẽ dần tốt hơn.

Tôi kiên trì thuyết phục về chuyện đám cưới nhưng cô ấy dường như không còn để tâm. Cô ấy nhiều lần bày tỏ: "Anh trả hết nợ cho nhà em rồi, bây giờ anh không có khoản tiền nào dư dả và em cũng tay trắng. Vậy chúng ta bước vào cuộc sống như thế nào đây?".

Càng ngày, tôi càng thấy tình cảm phai nhạt, dù hai đứa không chia tay. Tuy nhiên, tôi không thấy ở bạn gái sự quan tâm đến chuyện kết hôn. Cô ấy muốn kiếm tiền để bù đắp lại những gì đã trả nợ cho bố mẹ.

Bố mẹ tôi tỏ ra sốt ruột và khuyên nên yêu người khác chứ không nên chờ đợi một người vô tâm. Cuối cùng, tôi chọn giải pháp chia tay vì bạn gái ngày càng thờ ơ và lạnh nhạt.

Cho đến nay, tôi vẫn không dám kể chuyện giúp nhà bạn gái trả nợ với bố mẹ. Trong khi đó, bạn bè bảo tôi dại dột, chưa cưới nhau, không phải có trách nhiệm với nhà vợ. Bây giờ, tiền đã giúp rồi, làm sao đòi lại được. Tôi coi đó là bài học lớn cho cuộc đời.

 

 

Theo Dan Tri 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/tra-no-cho-nha-ban-gai-suot-3-nam-toi-suy-sup-sau-cau-noi-cua-co-ay-20240303104801023.htm

bạn gái


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.