Trải qua nỗi đau mất chồng, em trai đề nghị điều này khiến tôi tức giận

Tôi không nghĩ nhà chồng lại trở mặt nhanh đến vậy, trong khi nỗi đau của tôi vẫn còn chưa nguôi ngoai.

Với tôi, 3 tháng qua, cuộc sống dường như không có ý nghĩa. Cú sốc chồng ra đi khi tuổi đời còn trẻ khiến tôi chẳng còn là chính mình. Từ người thường xuyên nói cười vui vẻ, tôi rơi vào cảnh sống trầm lặng.

Giá như anh ra đi để lại một đứa con chung, mọi chuyện sẽ khác. Chúng tôi cưới nhau 6 năm nhưng chưa có con.

Nhiều cặp đôi khác có thể đã ly hôn vì không có con, nhưng anh thì khác. Dẫu lý do khó con là từ tôi, anh vẫn đồng hành chạy chữa, không một lời phàn nàn.

Khi anh còn sống, vợ chồng tôi đối diện với vô số áp lực xung quanh chuyện có con. Gia đình chồng không muốn anh lãng phí thời gian cho tôi. Trong khi đó, anh không bỏ rơi vợ trong hành trình khó khăn để được làm cha, làm mẹ.

Trải qua nỗi đau mất chồng, em trai đề nghị điều này khiến tôi tức giận-1

Tôi không muốn làm theo lời khuyên của em trai chồng vì ý đồ không tốt đằng sau (Ảnh minh họa: IT).

Từ ngày chúng tôi cưới nhau, cuộc sống nhà chồng có nhiều thay đổi. Dù thu nhập không quá cao, do biết vun vén nên tôi mua sắm được thêm nhiều đồ đạc. Khi gia đình chồng muốn xây nhà mới, vợ chồng tôi góp 300 triệu đồng - chủ yếu là tiền mừng cưới tiết kiệm được.

Mang tiếng đóng góp gần nửa số tiền xây dựng nhưng căn nhà do bố mẹ chồng tôi đứng tên. Các cụ nói sau này để lại cho vợ chồng tôi và sẽ mua cho em trai một mảnh đất khác. Tôi an tâm khi nghe bố mẹ chồng nói vậy.

Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của chồng khiến tôi không khỏi lo lắng về chuyện nhà cửa. Liệu nhà chồng còn nhớ đến chuyện chúng tôi đã đóng góp để xây nhà, trong khi chẳng có giấy tờ gì để chứng minh.

Tôi tự dặn lòng, dù có chuyện gì xảy ra, tình nghĩa là thứ vẫn còn lại trong gia đình. Chẳng nhẽ nhà chồng lại đuổi tôi ra khỏi nhà?

Em trai chồng tôi sắp cưới vợ nhưng bố mẹ chồng chưa có tiền mua đất riêng cho hai em. Trước mắt, vợ chồng em trai sẽ ở chung với tôi và bố mẹ chồng. Tôi đồng ý, vì dù sao bố mẹ chồng vẫn là những người có tiếng nói cao nhất. 

Thế nhưng, em chồng tôi hẹn gặp để nói chuyện và khuyên tôi nên dọn về nhà ngoại sống. Quan điểm của em chồng là muốn chị dâu có giây phút thảnh thơi. Nếu ở nhà chồng, nhìn vợ chồng em ấy quấn quýt, nói cười, sợ tôi sẽ chạnh lòng.

Qua cách nói chuyện, tôi nhận thấy trong lời khuyên của em chồng không có sự thật lòng hay muốn tốt cho chị dâu. Dường như đó là lời đuổi khéo của chú ấy.

Khi thấy tôi không đồng ý vì mong muốn phụng dưỡng bố mẹ, em chồng tôi mới nói thẳng rằng, chị không có quyền lợi ở nhà chồng, giấy tờ nhà đất cũng không có tên tôi. Tôi không chấp nhận lời đề nghị của em chồng, đem chuyện này nói với bố mẹ chồng.

Trái với suy nghĩ của tôi, ông bà tỏ ra thờ ơ, còn khuyên chị em tự giải quyết, bố mẹ không liên quan.

Tôi ngớ người khi nghe quan điểm của bố mẹ chồng. Đành rằng nhà cửa do bố mẹ chồng đứng tên, nhưng vợ chồng tôi có đóng góp lớn.

Có vẻ như tôi đang ở thế bị cô lập sau khi chồng qua đời. Nhà chồng muốn đẩy con dâu ra đường để sau này, căn nhà đó thuộc về em trai. 

Tôi muốn ở lại nhưng lâu dài chắc chắn không có quyền lợi, nếu nhà chồng đã có ý đồ không tốt đẹp như vậy. Có lẽ, tôi sai lầm khi góp tiền cho nhà chồng để giờ đây nhà không có, của cải cũng mất.

Tôi hối hận vô cùng!

 

Theo Dân trí



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.