Vợ nổi giận mỗi khi nghe tôi nhắc tới chị hàng xóm

Thú thật mỗi lần nhìn vợ, quay sang chị hàng xóm cạnh nhà, tôi thấy cũng là phụ nữ mà sao khác nhau một trời một vực.

Vợ chồng tôi cưới nhau 4 năm, có một con gái hơn 2 tuổi. Công việc của tôi không quá bận rộn nhưng lại áp lực. Ở cơ quan, lúc nào cũng ở tình trạng "trên đe dưới búa", khi về nhà, tôi còn chán nản hơn.

Vợ tôi vốn là con gái út trong gia đình khá giả nên được cưng chiều. Từ bé đến lớn, cô ấy chỉ biết ăn, biết chơi, biết học, đi làm vài năm thì lấy chồng.

Từ ngày cưới nhau, kinh tế trong nhà, vợ mặc định là trọng trách của chồng. Một người chồng tốt trong suy nghĩ của vợ tôi chính là biết kiếm tiền, lo cho vợ con cuộc sống đầy đủ.

Vài lần tôi bảo vợ, công việc văn phòng của cô ấy nhàn hạ như vậy, sao không kiếm việc gì làm thêm. Nhìn người ta, làm việc nọ việc kia, chân trong chân ngoài, vừa có thu nhập, vừa năng động. Nhưng cô ấy bảo, nhà chỉ cần một người lo kiếm tiền là được.

Vợ nổi giận mỗi khi nghe tôi nhắc tới chị hàng xóm-1
Vợ cho rằng, việc tôi đòi hỏi cô ấy phải sống như bà mẹ đơn thân là quá đáng (Ảnh minh họa: iStock).

Đi làm về, cô ấy chỉ dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, tắm rửa cho con. Còn những việc đụng đến kìm, đến kéo, cô ấy cho là việc của đàn ông. Bóng đèn hư, đợi chồng thay. Vòi nước tắc, đợi chồng sửa. Cái quạt bẩn, đợi chồng lau. Nếu tôi chưa kịp làm, cô ấy sẽ cằn nhằn cho rằng, tôi lười biếng và vô trách nhiệm.

Cô ấy hay sợ hãi, lo lắng và thích dựa dẫm vào chồng. Con chỉ ho sốt một chút đã cuống lên. Con tập đi xe đạp ngã trầy da chảy máu cũng khóc mất nửa ngày. Có nhiều khi con bị đau chưa khóc, mẹ khóc trước làm con sợ khóc theo.

Thú thật, mỗi lần nhìn vợ tôi, nhìn sang chị hàng xóm cạnh nhà, tôi thấy cũng là phụ nữ mà sao khác nhau một trời một vực.

Chúng tôi chẳng thân thiết với chị hàng xóm, dù nhà ở sát cạnh nhau. Bởi chị sống khá khép kín. Tôi chỉ nghe vợ tôi kể, chị ấy không có chồng, làm mẹ đơn thân nuôi một cậu con trai nhỏ.

Có lần, thấy chị vật xe đạp của con trai ra giữa sân ngồi sửa. Tôi nói để tôi xem giúp cho, chị xua tay cười: "Cảm ơn anh, việc vặt ấy mà, tôi làm được". Làm hàng xóm mấy năm, từ việc nhỏ đến việc lớn trong nhà, chị ấy đều tự mình làm hết, chẳng thấy nhờ cậy ai bao giờ.

Một chiều cuối tuần, tôi đi đá bóng với đội trong cơ quan. Đến khi tan cuộc, thấy điện thoại báo 8 cuộc gọi nhỡ của vợ. Tôi gọi lại, nghe giọng vợ hờn dỗi: "Anh đi luôn đi, đừng về nữa".

Tôi chẳng hiểu chuyện gì, về nhà mới biết con gái bị sốt cao, cô ấy gọi tôi về đưa con đi khám. Trong lúc gọi chờ tôi, con gái bị co giật, chị hàng xóm nghe tiếng vợ kêu khóc, chạy sang đưa con tôi đi viện. Cũng may, sau khi bác sĩ cho uống hạ sốt, con đã tỉnh và được về nhà.

Nghe vợ kể, nỗi tức giận trong tôi bùng lên: "Con sốt như thế, chồng không có nhà thì gọi taxi mà đi. Em phải mạnh mẽ lên, chủ động mọi việc đi. Cái gì cũng đợi chồng, lỡ sau này anh có mệnh hệ gì, làm sao em có thể là chỗ dựa cho con được. Hãy nhìn sang chị hàng xóm mà học tập đi".

Tôi bỏ lên tầng đi tắm. Trước khi đi, tôi nhìn thấy ánh mắt vợ tỏ ra kinh ngạc vì sự tức giận của tôi. Phải giận lắm, tôi mới to tiếng như vậy. Bình thường, tôi rất hạn chế cáu gắt vì biết tính vợ hay giận hờn.

Tắm rửa xong, tôi xuống nhà xem đã chuẩn bị ăn tối chưa. Vợ tôi vẫn ngồi bấm điện thoại ở bàn, bếp núc lạnh tanh. Tôi hỏi vợ muộn rồi sao còn chưa nấu cơm. Cô ấy không thèm ngẩng mặt lên, bảo rằng đang bận tìm mẫu đơn ly hôn xem viết như thế nào.

Tôi bảo cô ấy đừng đùa, nấu cơm tối đi, tôi đói rồi. Vợ nhìn tôi, giọng dứt khoát bảo rằng, cô ấy không đùa. Lúc nào tôi cũng bảo cô ấy sang học tập chị hàng xóm, tôi muốn cô ấy sống như bà mẹ đơn thân phải không?

"Em nói cho anh biết, nếu em phải bon chen ra ngoài kiếm nhiều tiền, phải thay bóng điện cháy, sửa vòi nước hư, phải một mình ôm con đi viện lúc ốm đau, phải làm hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà, vậy em còn cần anh làm gì nữa?", cô ấy nói, mặt đỏ gay lên vì giận.

Lần này mức độ giận của vợ có vẻ cao hơn. Nhưng tôi đã nói gì sai? Tôi muốn vợ mình trở nên mạnh mẽ hơn, tự chủ hơn là sai sao?

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/vo-noi-gian-moi-khi-nghe-toi-nhac-toi-chi-hang-xom-20230915113201592.htm?fbclid=IwAR2fNoCJe_Z9tL9aPxMCajqXKRb5Yjdu_jvgxhOrWUhEYi4iN11UCksku6k

mâu thuẫn gia đình


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.