Vàng thau lẫn lộn
Vừa
qua, chị Ánh Ngọc ở quận 6, TP.HCM trong một lần đi du lịch biển thấy
khô cá dứa chỉ 180.000 đồng/kg, rẻ gần nửa giá chị mua ở siêu thị đặc
sản, bèn mua luôn 5 ký. Tuy nhiên, khi ăn thử thì chị phát hiện khô
không có mùi thơm, thịt bở, không ngon bằng mấy lần mua trước. Tương tự,
chị Thuỳ Vân ở quận Thủ Đức và gia đình trên đường đi Vũng Tàu về cũng
ghé chợ mua khô cá dứa, giá 150.000 đồng/kg. Không ngờ, khi ngồi uống
nước trước cổng chợ, chị tá hoả nghe người bán nước mách: “Đây là cá tra
bị tẩy trắng bằng hoá chất chứ không phải cá dứa!”
Trong
vai người cần mua chất tẩy trắng cá, chúng tôi liên hệ trang mạng của
một công ty phân phối hoá chất. Nhân viên tư vấn rằng nên mua hoá chất
tẩy đường có tên là sodium hydrosulfite, công thức hoá học là Na2S2O4,
xuất xứ Đức, Trung Quốc. Sodium hydrosulfite được miêu tả có dạng bột
tinh thể trắng, không mùi hoặc có mùi khí SO2 nhẹ, được sử dụng rộng rãi
trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy, đất sét cao lanh và thực
phẩm, là chất khử trong tổng hợp hữu cơ. Ngoài ra có thể dùng ôxy già
tức hydrogen peroxide (H2O2) là chất lỏng, có công dụng oxy hoá mạnh,
diệt khuẩn, ứng dụng trong ngành thuỷ sản, thú y, ngành giấy, dệt, xử lý
nước…
Về phía nhà sản xuất, anh Lý Trường Huy, giám đốc công ty
TNHH thương mại dịch vụ thực phẩm Yến Tiệc, cho biết cá dứa chủ yếu đánh
bắt từ tự nhiên, khan hiếm nên thường có giá cao, do vậy thị trường
hiện nay thường sử dụng khô cá hú, cá tra và cá basa để giả khô cá dứa,
trong đó tỷ lệ sử dụng cá basa làm giả chiếm tới 90%. Anh Huy khẳng
định: “Hiện nay, tuỳ kích cỡ, khô cá dứa có giá 320.000 – 390.000
đồng/kg, dưới 300.000 đồng/kg là cá giả”. Điều mà những doanh nghiệp như
anh Huy lo ngại, không chỉ là chuyện khó có thể cạnh tranh trong thời
buổi “vàng thau lẫn lộn”, cũng không phải là chất lượng thịt cá ngon dở,
mà là sức khoẻ người dùng sẽ ra sao khi ăn phải cá đã bị tắm hoá chất?
Nguy cơ khó lường
ThS
Trần Trọng Vũ, giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm đại học Công nghệ
Sài Gòn, cho biết theo danh mục phụ gia cho phép sử dụng của bộ Y tế
(quyết định 3742/2001/QĐ-BYT) thì không có ôxy già. “Tuy nhiên, đó là về
mặt lý thuyết, còn trên thực tế một số cơ sở sản xuất thuỷ sản vẫn sử
dụng một số chất tẩy trắng có chứa thành phần ôxy già để làm trắng mực,
tôm… Điều quan trọng là nó hoà tan rất tốt trong nước, dễ bị rửa trôi và
sau khi tham gia phản ứng oxy hoá khử nó tạo thành nước và hầu như
không còn tồn dư trong sản phẩm”, ông Vũ khẳng định.
Ông Vũ cho
biết thêm, theo IARC (cơ quan Nghiên cứu về ung thư quốc tế), ôxy già
được xếp vào nhóm 3, nhóm các chất không có khả năng gây ung thư cho
người. Ôxy già chỉ gây tổn thương nếu chúng ta tiếp xúc với dung dịch
nồng độ cao, khi đó có thể nó sẽ gây cháy da, tổn thương niêm mạc… chứ
chưa thấy có báo cáo xác nhận sản phẩm qua xử lý bằng ôxy già và không
còn tồn dư có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Trong khi đó,
sodium hydrosulfite là loại phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm,
là một tác nhân chống hoá nâu, có tính sát khuẩn, đối với các sản phẩm
thuỷ sản thì hàm lượng sulfite tối đa cho phép tồn dư là 450mg/kg. Ngoài
mối nguy nếu sử dụng quá hàm lượng cho phép, ThS Vũ lưu ý: “Trường hợp
cá bị tẩy trắng không phải bởi hai chất trên mà bằng các loại hoá chất
công nghiệp thì còn có nhiều nguy cơ khác”.
Để phân biệt khô cá
dứa với cá tra, basa, đại diện công ty Yến Tiệc cho rằng ngoài độ chênh
về giá cả, người tiêu dùng có thể căn cứ vào đặc trưng bên ngoài như
chiều dài, màu sắc, mùi vị.
Theo SGTT