Ác mộng bị chuốc thuốc ngủ để hiếp dâm ở Nhật Bản

Chuốc thuốc để hiếp dâm là vấn nạn nhức nhối tại Nhật Bản, khi nạn nhân bị người quen hoặc bạn hẹn hò pha thuốc ngủ để thực hiện hành vi cưỡng hiếp.

Ngày 26/4, cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) đã bắt giữ người đàn ông 34 tuổi vì nghi ngờ người này đưa đồ uống có pha thuốc ngủ cho một nữ sinh viên, sau đó có hành vi khiếm nhã với cô gái, Japan Times đưa tin.

Vụ bắt giữ diễn ra nhanh chóng khi cảnh sát sử dụng bộ công cụ test nhanh mới được phát triển, để biết liệu nạn nhân có bị tấn công tình dục sau khi chuốc "thuốc hiếp dâm" hay không.

"Thuốc hiếp dâm" bao gồm các chất gây ngủ và các loại thuốc khác khiến nạn nhân bất tỉnh hoặc không thể chống cự. Thủ phạm tấn công tình dục thường bỏ những loại thuốc đó vào đồ uống.

Cảnh sát đã sử dụng bộ xét nghiệm khi nữ sinh viên liên lạc báo án một ngày sau vụ việc và phát hiện thành phần thuốc ngủ trong nước tiểu của cô.

Người đàn ông bị cáo buộc cho nữ sinh uống nước chứa thuốc ngủ tại nhà của anh ta ở Ikebukuro vào ngày 8/3, sau đó có hành vi khiếm nhã với cô. Thủ phạm đã thừa nhận cáo buộc, nói rằng vì muốn thỏa mãn ham muốn tình dục của mình.

Vấn nạn chuốc thuốc để hiếp dâm
Chuốc thuốc để hiếp dâm, thường gọi là "thuốc hiếp dâm hẹn hò", là vấn nạn nhức nhối tại Nhật Bản.

Hiếp dâm khi hẹn hò là khi nạn nhân bị người quen hoặc người mà họ biết qua mạng xã hội tấn công tình dục hay có hành vi khiếm nhã, khiến họ không thể chống cự, chẳng hạn bị ép uống rượu có pha thuốc ngủ, thuốc an thần hoặc các loại thuốc khác, theo Mainichi.

Có khoảng 20 trường hợp tội phạm tình dục sử dụng các loại thuốc hiếp dâm được báo cáo ở Tokyo mỗi năm.


Ác mộng bị chuốc thuốc ngủ để hiếp dâm ở Nhật Bản-1Số nạn nhân bị chuốc thuốc mê để tấn công tình dục ngày càng tăng cao ở Nhật Bản. Ảnh: BBC.

Sở cảnh sát Tokyo (MPD) đã phân phát bộ xét nghiệm nhanh cho tất cả đồn cảnh sát của mình, ngoại trừ những đồn trên các hòn đảo xa xôi.

Một quan chức cấp cao của MPD cho biết: "Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ổn định tinh thần của các nạn nhân và đẩy nhanh quá trình điều tra".

Theo MPD, trước đây, các xét nghiệm nước tiểu hiện có đối với các loại thuốc này phải mất khoảng một tháng mới có kết quả. Sáng kiến mới đã rút ngắn thời gian xét nghiệm xuống còn vài phút.

Sở cảnh sát giới thiệu bộ test nhanh trên cơ sở thử nghiệm vào tháng 12/2022. Bộ dụng cụ này có thể phát hiện bất kỳ dấu vết nào của thuốc gây ngủ trong nước tiểu của nạn nhân bằng cách trộn mẫu nước tiểu với thuốc thử.

Bộ công cụ kiểm tra mới cho phép cảnh sát xác định các vụ tấn công tình dục ngay khi nạn nhân nộp đơn khiếu nại, sau đó nhanh chóng thực hiện hành động ban đầu, chẳng hạn như tìm hình ảnh bằng chứng qua camera an ninh.

Bộ công cụ được phát triển với sự cộng tác của một công ty tư nhân theo gợi ý của một nữ sĩ quan trong Ban Điều tra Tội phạm Thứ nhất của MPD.

Viên chức này cho biết từng có trường hợp nạn nhân từ chối hợp tác điều tra, do thời gian chờ kết quả xét nghiệm quá lâu khiến họ đổi ý, họ cho rằng có thể mình đã say rượu hoặc muốn rút đơn để tránh phiền phức.

"Tôi nghĩ rằng nếu có thể nhanh chóng phát hiện ra các nạn nhân đã bị đánh thuốc mê, chúng tôi sẽ có khả năng cung cấp hỗ trợ thích hợp cho họ", viên chức này nói.

Tsuyoshi Koda, người đứng đầu Ban Điều tra Tội phạm, cho biết việc xét nghiệm nhanh chóng sẽ giúp các nạn nhân yên tâm hơn. "Chúng tôi sẽ làm việc để giảm số lượng nạn nhân của các loại thuốc hiếp dâm càng nhiều càng tốt", Koda cho biết.

Chiêu trò của tội phạm tình dục
Nhiều vụ án liên quan đến dùng thuốc để hiếp dâm đã khiến công chúng Nhật Bản bức xúc.

Japan Today đưa tin hôm 7/2, cảnh sát Tokyo đã bắt giữ một người đàn ông 45 tuổi vì tình nghi tấn công tình dục sau khi chuốc thuốc ngủ một phụ nữ ở độ tuổi 30 vào tháng 11/2022.

Theo cảnh sát, thủ phạm Hiroshi Kawai, một nhân viên công ty sống ở Tsukuba, tỉnh Ibaraki, bị buộc tội trộn thuốc ngủ vào đồ uống có cồn khi đi ăn cùng cô gái quen qua app hẹn hò ở nhà hàng.

Sau khi người phụ nữ buồn ngủ, Kawai đã hôn cô và thực hiện hành vi khiếm nhã với cô trong nhà hàng.

Theo Sở cảnh sát Tsukiji, người phụ nữ đã trình báo về vụ việc vài ngày sau đó. Cảnh sát theo dõi Kawai và phát hiện vào ngày 4/2, anh ta đã cố gắng tấn công tình dục một phụ nữ khác bằng cách trộn thuốc ngủ vào thức ăn và đồ uống tại một nhà hàng.

Một điều tra viên đã quan sát hành động của Kawai và yêu cầu anh ta đến đồn cảnh sát để tự nguyện thẩm vấn. Cảnh sát cho biết họ tìm thấy một số bức ảnh phụ nữ khỏa thân trên điện thoại thông minh của Kawai.


Ác mộng bị chuốc thuốc ngủ để hiếp dâm ở Nhật Bản-2Shiori Ito đã đấu tranh để tố cáo kẻ cưỡng hiếp mình vào năm 2015. Ảnh: EPA.

Năm 2019, Shiori Ito, nữ phóng viên truyền hình, đã trở thành biểu tượng của phong trào #MeeToo ở Nhật Bản khi công khai cáo buộc Noriyuki Yamaguchi, cựu giám đốc văn phòng của mạng TBS ở Washington, cưỡng hiếp cô.

Ito tố cáo Yamaguchi đã cưỡng hiếp cô vào năm 2015, khi gặp nhau trong một bữa ăn vì công việc. Giữa bữa ăn, Ito đột nhiên bất tỉnh, ông ta đã kéo cô vào phòng khách sạn và tấn công tình dục cô.

Trong Black Box, cuốn sách của Ito về vụ việc, cô cho rằng mình đã bị chuốc "thuốc hiếp dâm" nhưng cô không có cách nào biết được, vì cảnh sát đã không kiểm tra chất kích thích sau khi cô ấy nộp đơn khiếu nại ban đầu.

Tòa án quận Tokyo đã yêu cầu Yamaguchi, người liên tục phủ nhận các cáo buộc, phải bồi thường thiệt hại cho Ito và bác bỏ vụ kiện trị giá 130 triệu yên của anh ta đối với cô.

Tháng 2/2019, cảnh sát Tokyo đã bắt giữ hai nam bác sĩ vì nghi ngờ họ cưỡng hiếp một cô gái sau khi chuốc thuốc ngủ vào rượu của cô. Ba người đã cùng tham gia một bữa tiệc rượu vào tối 18/1/2019.

Ác mộng bị chuốc thuốc ngủ để hiếp dâm ở Nhật Bản-3Masataka Kaneko (trái) và Hisaaki Obayashi bị bắt giữ vì cáo buộc chuốc thuốc và hiếp dâm một phụ nữ.

Người phụ nữ đã báo cáo với cảnh sát ngay sau khi vụ việc xảy ra. Cảnh sát phát hiện dấu hiệu của một loại thuốc ngủ trong cơ thể nạn nhân.

Masataka Kaneko (28 tuổi), bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Showa ở Tokyo, đã phủ nhận các cáo buộc, nói với cảnh sát rằng: "Tôi đã quan hệ tình dục (với người phụ nữ) dựa trên sự đồng ý của cả hai bên".

Hisaaki Obayashi, bác sĩ thực tập 26 tuổi tại một bệnh viện trực thuộc, phủ nhận việc pha bất kỳ loại thuốc nào vào đồ uống của người phụ nữ.

Tuy nhiên, cảnh quay từ một camera an ninh được lắp đặt tại căn hộ chung cư của Kaneko cho thấy hai nghi phạm đang bế người phụ nữ không thể tự đi lại.

Theo các cơ quan điều tra, nhiều nạn nhân bị cưỡng hiếp thường cảm thấy có điều gì đó không ổn, chẳng hạn "Đột nhiên cảm thấy buồn ngủ" hoặc "Khi tỉnh dậy, không nhớ gì về những điều đã xảy ra, và quần áo bị xộc xệch", nhưng ngại hỏi ý kiến ​​của cơ quan điều tra. Ký ức không rõ ràng khiến nạn nhân cho rằng đã say rượu và phạm sai lầm.

Ngay cả sau khi tham khảo ý kiến ​​​​của cảnh sát, có thể mất đến một tháng để có kết quả giám định chứng minh nạn nhân bị đánh thuốc mê, và nhiều người trong số họ quá đau khổ trong thời gian này nên quyết định hủy bỏ vụ án.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản báo cáo số tội phạm tình dục liên quan đến việc sử dụng thuốc ngủ được phát hiện đã tăng gấp 5 lần, từ 17 vụ năm 2012 lên 85 vụ vào năm 2017. Kể từ năm 2018, tỷ lệ này vẫn ở mức cao từ 43 đến 60, chưa kể nhiều vụ việc không được báo cáo.

Theo Zing
 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/ac-mong-bi-chuoc-thuoc-ngu-de-hiep-dam-o-nhat-ban-post1425778.html

tội phạm tình dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.