Báo nước ngoài nói gì về những người trẻ Việt thích đi phượt hơn tiết kiệm và mua sắm tài sản

Những người trẻ trên thế giới đang có xu hướng ưu tiên các chuyến hành trình, trải nghiệm hơn là mua sắm cho bản thân hay tiết kiệm cho...

Những người trẻ trên thế giới đang có xu hướng ưu tiên các chuyến hành trình, trải nghiệm hơn là mua sắm cho bản thân hay tiết kiệm cho tương lai. Và tại Việt Nam, nhiều người trẻ cũng không nằm ngoài xu thế này.

Nhìn vào tốc độ tăng GDP 6,2% và số dân hơn 90 triệu người, nhiều công ty đa quốc gia tỏ rõ sự thèm khát thị trường Việt Nam. Họ cho rằng chỉ cần xây dựng thêm cơ sở vật chất ở đây nữa thôi là sẽ hưởng lợi lâu dài, khi thị trường tiêu dùng rất đông đúc và quả ngọt tương tự đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên tác giả Karim Salan của tờ South China Morning Post đặt câu hỏi: liệu mọi chuyện có đơn giản như thế, khi một bộ phận lớn người trẻ Việt hiện nay dành tiền đi du lịch nhiều hơn là chi cho tiêu dùng và tiết kiệm.

Báo nước ngoài nói gì về những người trẻ Việt thích đi phượt hơn tiết kiệm và mua sắm tài sản - Ảnh 1.

 Hậu, 23 tuổi, vừa được nhận vào vị trí nhân viên quản lý chất lượng cho một công ty ở TPHCM. Tuy nhiên, những dự định đã vạch ra của cậu có thể không bao giờ thực hiện được bởi niềm đam mê bất tận, đó là đi phượt.

Giống như những người trẻ khác, Hậu chẳng tiết kiệm xu nào cho tương lai. Cậu cũng không hề nghĩ đến việc mua nhà hay kết hôn.

“Tôi không dành tiền để mua sắm quần áo. Tôi không thích các đôi giày của Nike hay Adidas, chúng quá đắt. Tôi cũng không thích đi bar. Chỉ là đôi khi tôi uống cà phê nhiều hơn uống bia”, Hậu cho biết.

Thay vào đó, chàng thanh niên 23 tuổi tìm thấy niềm vui trên các cung đường. “Tôi dồn toàn bộ tiền tiết kiệm cho những chuyến đi. Một ngày nào đó khi công việc ổn định hơn, tôi sẽ nghỉ hẳn 1 năm để khám phá thế giới, sang thăm Paris, London, Singapore và Mỹ”.

“Tôi đã đi khắp Việt Nam, tự lái xe máy từ Đà Lạt tới Nha Trang. Tôi thậm chí còn đi sang Campuchia”, Hậu chia sẻ đầy hào hứng.

Với mức lương khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng, thu nhập của Hậu gần bằng với tổng thu nhập cả gia đình cậu dưới Đồng Tháp, vốn chỉ khoảng 10 triệu đồng. Cha mẹ Hậu có một trang trại nhỏ khoảng 2 ha, trồng dừa và chanh. Nếu tính thêm chi phí phân bón và thuốc trừ sâu thì lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Vì vậy cha Hậu còn làm thêm nghề lái xe tải, 2 tuần một lần ông sẽ chở hàng từ Cần Thơ đến Đà Lạt.

Dù cuộc sống khó khăn, cha mẹ Hậu luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ con trai trong suốt chặng đường 4 năm đại học, từ khi rời nhà lên TPHCM đến lúc cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Công nghiệp tại Đại học Bách khoa TPHCM. Mỗi tháng họ đều gửi cho cậu hơn 2 triệu đồng tiền sinh hoạt, và sắm cho Hậu một chiếc xe máy để tiện việc đi lại.

Để giúp đỡ gia đình, chàng trai 9x cũng làm thêm nghề pha chế và gia sư. Hàng tháng, Hậu về thăm gia đình ít nhất một lần.

Báo nước ngoài nói gì về những người trẻ Việt thích đi phượt hơn tiết kiệm và mua sắm tài sản - Ảnh 2.

Hậu bên gia đình ở Đồng Tháp. Ảnh: Karim Salan

Tuy nhiên khi được phóng viên Karim Salan hỏi về việc gửi tiền hỗ trợ bố mẹ, Hậu trả lời khá ngượng ngùng: “Tôi dành tiền để đi phượt và ra ngoài chơi với bạn bè nên chẳng còn là bao để gửi về. Nhưng tôi định khi công việc ổn định hơn, tôi sẽ gửi cho bố mẹ mỗi tháng 1 triệu”.

Lý giải cụ thể hơn về cách tiêu dùng của mình, Hậu cho biết chi phí sinh hoạt ở TPHCM không hề rẻ. Cậu thuê 1 căn nhà 3 phòng ngủ ở quận 4, sau đó cùng chia sẻ với 8 người khác nên mỗi người mất 150.000/tháng tiền nhà. Tiền ăn cũng tốn ít nhất là 2,3 triệu đồng, tiền xăng xe 200 ngàn đồng, tiền cho các hoạt động giải trí như đi xem phim, đi cà phê hết khoảng 800 ngàn đồng, cộng thêm 200 ngàn đồng tiền điền thoại.

Số còn lại Hậu dành cho các khoản phát sinh và cho các chuyến đi. Giữa đất Sài Gòn hoa lệ với hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu luôn luôn tìm cách khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều hơn, Hậu là minh chứng cho một xu hướng tiêu dùng khá trái ngược.

Thay vì đổ tiền vào chủ nghĩa mua sắm, vốn từ lâu được gắn chặt với các thị trường mới nổi như Việt Nam, chàng thanh niên này lại dành sự ưu tiên cho các trải nghiệm hơn là sở hữu tài sản. Về điểm này, Hậu khá giống với những thanh niên 23 tuổi ở Berlin, San Francisco hay Fukuoka.

Một nghiên cứu gần đây của tổ chức Harris Group cho thấy hơn 3/4 người trẻ toàn cầu (78%) muốn dành tiền để trải nghiệm hơn là mua sắm các món đồ vật chất. 55% còn thừa nhận họ đang đổ nhiều tiền hơn để “tạo ra các trải nghiệm mới” và không hề có ý định dừng lại.

Ở thời điểm hiện tại, dù đã có một công việc toàn thời gian, Hậu vẫn đặt mục tiêu đi phượt là ưu tiên hàng đầu. Chàng trai 9x muốn được đi đâu đó 2-3 lần mỗi tháng.

“Nếu có thể, tôi cũng muốn ra nước ngoài làm việc, Bangkok hay Singapore chẳng hạn. Nhưng khi nghỉ hưu, tôi sẽ quay về”.

Tác giả nhận định thế hệ trẻ như Hậu coi đi phượt là một phần quan trọng của đời sống, giúp họ cảm thấy mình vẫn còn trẻ và còn “sống”. Như Hậu đã từng thừa nhận: “Nếu không được dịch chuyển nữa, tôi sẽ chẳng có gì”, dù đôi khi niềm đam mê này phủ bóng lên những trách nhiệm cốt lõi mà người trẻ cần thực hiện với gia đình.

Theo Trí Thức Trẻ


đi phượt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.