Bi kịch của người già Nhật Bản

"Bà ấy luôn cáu kỉnh", Yu Inoue tự thú đã giết chính mẹ ruột của mình vào khuya 23/12/2021 tại đồn cảnh sát ở Kita, Sapporo, miền Bắc Nhật Bản, theo South China Morning Post.

Người phụ nữ 57 tuổi thú nhận liên tục đánh đập người mẹ 82 tuổi của mình cho đến khi bà nằm bất động trên sàn nhà.

Vụ hành hung bắt đầu khi hai người cãi nhau về con chó của họ và đã kéo dài trong hơn 4 tiếng đồng hồ, từ 18h20 đến 22h30.

"Tôi đã mất bình tĩnh trước cách nói chuyện của mẹ", Yu khai với cảnh sát.


Bi kịch của người già Nhật Bản-1Tình trạng bạo hành người cao tuổi gia tăng trong đại dịch. Ảnh: Reuters.

Mặc dù đáng buồn, trường hợp kể trên không phải là ví dụ duy nhất về tình trạng lạm dụng người cao tuổi ở Nhật Bản.

Cuộc khảo sát được công bố vào cuối tháng 12/2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy 17.281 trường hợp người cao tuổi bị chính các thành viên trong gia đình hành hung vào năm 2020 - mức cao kỷ lục - với 25 trường hợp tử vong.

Theo các nhà quan sát, bạo lực đối với người già đang gia tăng ở nhiều nước châu Á. Điều này có liên quan đến già hóa dân số và các vấn đề nảy sinh trong đại dịch, tương tự như vấn nạn bạo hành gia đình, lạm dụng trẻ em.

Bị chính người thân bạo hành
Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 là 127,32 triệu người và kể từ đó liên tục giảm. Các nhà thống kê ước tính đến năm 2100 khoảng một phần ba trong số 83 triệu người Nhật sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Đây là xu hướng già hóa dân số mà nhiều nước châu Á bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng phải đối mặt. Do đó, tình trạng ngược đãi người cao tuổi ngày càng gia tăng là mối quan tâm của nhiều quốc gia, không riêng Nhật Bản.

Ngày 22/12/2021, Hiroshi Usui bị bắt vì tình nghi dùng dao đâm vào ngực và bụng người cha 79 tuổi, ông Kensuke Usui, tại nhà riêng của họ ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki.

Ông Kensuke được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng đã qua đời hai giờ sau đó. Con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát.


Bi kịch của người già Nhật Bản-2Đại dịch và già hóa dân số có liên quan đến tình trạng gia tăng bạo lực với người cao tuổi. Ảnh: Yuriko Nakao/Bloomberg.

Trước đó 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì sát hại mẹ già 88 tuổi tại nhà riêng. Nghi phạm, người bị tạm giữ một ngày sau vụ giết người, nói với cảnh sát rằng anh ta "không nhớ" bất cứ điều gì về cái chết của mẹ mình.

Một ngày trước đó, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã gọi điện cho cảnh sát phường Ota, Tokyo và nói rằng anh ta sẽ tự sát sau khi siết cổ mẹ mình.

Sau đó, cảnh sát tìm thấy người mẹ, ngoài 90 tuổi, đang bị thương tại căn hộ của bà. Thi thể của người con trai được phát hiện gần đường sắt.

Nguyên nhân
Vickie Skorji, Giám đốc dịch vụ tư vấn TELL ở Tokyo, cho biết: "Chúng tôi đang nhận thấy xu hướng tương tự các vụ tự tử, bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em. Mọi người đã quá căng thẳng, kiệt sức sau hai năm đại dịch.

Thêm vào đó là sự cô lập bắt buộc. Mọi người không thể làm những việc bình thường như gặp bạn bè hoặc gia đình hay thậm chí chỉ nói chuyện với đồng nghiệp tại văn phòng. Vì vậy, sự khoan dung của nhiều người đã biến mất".

Để đối phó với thực trạng này, Skorji cho biết TELL đang chuyển trọng tâm hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi và quản lý mức độ căng thẳng tăng cao ở những người cảm thấy bế tắc trong các mối quan hệ.


Bi kịch của người già Nhật Bản-3Làn sóng bạo lực gia tăng đối với những người yếu và dễ bị tổn thương cho thấy mặt tối của xã hội Nhật Bản. Ảnh: Franck Robichon/EPA.

Đối với Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, làn sóng bạo lực gia tăng đối với những người yếu và dễ bị tổn thương ở Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy những thay đổi tiêu cực trong xã hội Nhật Bản những năm gần đây.

"Trước đây, người già là cốt lõi của mọi cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn của Nhật Bản, do họ được tôn trọng vì hiểu biết về mùa màng và khu vực sinh sống.

Nhưng giờ đây, cuộc sống đã thay đổi và bất kỳ ai cũng có thể tự tìm kiếm thông tin mình cần. Giá trị của người già đối với cộng đồng đã giảm sút".

Watanabe nói rằng đại dịch chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. "Mọi người căng thẳng và lo sợ mất việc làm, không đủ tiền trả các hóa đơn và bị bệnh tật. Trước đây, chúng ta đều có những lo lắng, nhưng giờ thậm chí không thể ra ngoài nói chuyện với bạn bè, tìm kiếm lời khuyên, giải pháp cho chính mình".

Sự thất vọng cũng sinh ra từ quan niệm về lòng hiếu thảo hay tôn trọng dành cho người lớn tuổi đã ăn sâu vào các nền văn hóa Á Đông như Nhật Bản.

"Tôi sợ rằng xã hội đã đạt được rất nhiều điều nhờ công nghệ, nhưng chúng ta dường như cũng đánh mất sự đồng cảm của chính mình", Watanabe nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bi-kich-cua-nguoi-gia-nhat-ban-post1290126.html

bạo lực gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.