Biến chủng Omicron sẽ xoay chiều tương lai đại dịch như thế nào?

Chuyên gia cảnh báo không nên vội lạc quan về dữ liệu Omicron gây triệu chứng nhẹ, đồng thời dự đoán 2 kịch bản mà biến chủng mới sẽ ảnh hưởng tới diễn biến dịch.

Ảnh hưởng của Omicron đối với diễn biến của đại dịch sẽ được xác định bởi 3 yếu tố: Khả năng lây lan, khả năng né tránh hệ thống miễn dịch từ vaccine hoặc khi mắc bệnh trước đó, độc lực hay mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trao đổi với Zing, phó giáo sư Natasha Howard tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), dự đoán sẽ có hai kịch bản xảy ra trong những tuần sắp tới.

Kịch bản xấu nhất là Omicron rất dễ lây lan, có thể né tránh khả năng miễn dịch và dẫn đến bệnh nặng ở đối tượng trẻ hơn so với các biến chủng trước đó.

Theo dữ liệu ban đầu về các ca nhập viện ở khu phức hợp Bệnh viện (cấp quận) Tshwane và Steve Biko thuộc Pretoria, Nam Phi giai đoạn 14-29/11, 80% trong số 166 bệnh nhân dưới 50 tuổi.

Số liệu tương tự cũng được báo cáo trên khắp tỉnh Gauteng, cho thấy một sự tương phản rõ rệt so với nhóm bệnh nhân Covid-19 nhập viện vào các đợt dịch trước - những người thường lớn tuổi hơn.

“Đây là điều chúng tôi lo lắng, đặc biệt là năng lực đáp ứng của hệ thống y tế ở các nước có thu nhập thấp”, bà Howard nói với Zing.

Kịch bản lý tưởng nhất là Omicron được chứng minh chắc chắn gây bệnh nhẹ hơn. Khi đó, Omicron sẽ dần dần thành chủng thống trị mà không bị thay thế bởi một biến chủng khác có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Điều này sẽ biến Covid-19 thành một căn bệnh có thể điều trị tại nhà hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để hy vọng virus SARS-CoV-2 sẽ giảm độc lực trong tương lai chỉ với bằng chứng ban đầu cho thấy bệnh nhân nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ.

“Chúng ta không thể biết được biến chủng tiếp theo sẽ như thế nào. Do đó, chúng ta vẫn nên lạc quan một cách thận trọng trước khi kết luận Omicron có phải lối thoát cho đại dịch hay không”, bà cho hay.

Không nên coi nhẹ Omicron

Bà Natasha Howard nói một số báo cáo ban đầu cho thấy biến chủng mới có thể gây bệnh nhẹ hơn, nhưng vẫn chưa đủ dữ liệu để xác nhận hay khẳng định điều này.

Vị chuyên gia nhắc đến báo cáo của Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) về số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 của Tshwane, khu vực đô thị bao gồm Pretoria - nơi xảy ra đợt bùng phát biến chủng Omicron đầu tiên ở Nam Phi. Dữ liệu ghi nhận giai đoạn 14/11-8/12.

Trong khoảng thời gian này, khoảng 1.633 trường hợp phải chữa trị trong các bệnh viện công và tư. Trong số đó, 31% là các trường hợp nặng - bệnh nhân cần thở oxy hoặc thở máy - so với 66% ở làn sóng dịch thứ 2 và 67% của đợt bùng dịch thứ nhất cùng thời điểm.

“Về lâu dài về dài, nếu một biến chủng gây bệnh nhẹ chiếm ưu thế, đó sẽ là dấu hiệu tích cực”, bà Howard nói. Nhưng đồng thời, bà cũng lưu ý rằng so với chủng Delta, Omicron có vẻ dễ lây truyền hơn và có khả năng tránh được miễn dịch tạo ra từ vaccine hoặc do từng mắc Covid-19.

Do đó, vị chuyên gia cảnh báo các ca nhiễm tăng theo cấp số nhân vẫn có thể làm tăng số ca nhập viện, gây áp lực lên hệ thống y tế và sự phục hồi kinh tế, dù tỷ lệ người có triệu chứng nặng và tử vong thấp hơn nhiều.

“Ngay cả khi Omicron được chứng minh là ít có triệu chứng nghiêm trọng hơn, tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân vẫn có thể áp đảo, làm mất ưu thế việc giảm độc lực, vì bệnh tật và tử vong có mối quan hệ tuyến tính”, bà chia sẻ.

Vì vậy, theo phó giáo sư Howard, điều quan trọng hiện nay là phải tìm hiểu thêm về biến chủng này càng nhanh càng tốt, duy trì hoặc tăng cường các biện pháp y tế công cộng để giảm lây lan trong thời gian chờ đợi.

“Do chúng ta chưa có đủ dữ liệu để đánh giá, chính phủ cần xem xét và chuẩn bị cho yếu tố rủi ro có khả năng xảy ra cao nhất.”, bà nhấn mạnh. “Cho đến khi chúng ta có nhiều thông tin hơn về Omicron, điều quan trọng là phải duy trì các biện pháp phòng ngừa hiện có, như giãn cách và xét nghiệm thường xuyên, đặc biệt là tại biên giới và cửa khẩu”.

Biến chủng Omicron sẽ xoay chiều tương lai đại dịch như thế nào?-1

Người dân đứng trước trung tâm xét nghiệm PCR hôm 30/11 - ngày đầu tiên Nhật Bản đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters.

Vị chuyên gia đề xuất cần nhanh chóng xem xét và tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và giãn cách nếu cần, như làm việc tại nhà, đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh tụ tập đông người.

Bà cũng khuyến nghị các chính phủ nên trong tư thế sẵn sàng bằng cách đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất có thể, bao gồm cả việc tiêm vaccine cho trẻ em và mũi tăng cường.

Bằng chứng ban đầu chỉ ra rằng với Omicron, ba mũi vaccine có hiệu quả tốt hơn so với hai mũi. Với sự xuất hiện của biến chủng mới có thêm nhiều đột biến, dù chưa được đánh giá đầy đủ, liều vaccine tăng cường quan trọng hơn bao giờ hết, theo New York Times.

Tiến sĩ Anthony S. Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, chỉ ra liều vaccine mRNA thứ 3 của Pfizer và Moderna rõ ràng làm tăng mức độ kháng thể, tế bào ghi nhớ B và T. Cả ba đều là những chỉ số quan trọng cho thấy hệ thống miễn dịch được bảo vệ tốt chống lại Covid-19.

“Điều này có vẻ đúng cho dù người đó tiêm ba mũi vaccine hay tiêm hai mũi cộng với việc hồi phục sau khi mắc Covid-19. Do đó, tiêm phòng mang lại tấm chắn bảo vệ, giúp thế giới không phải quay trở lại thời kỳ đầu của đại dịch và tiêm chủng lại từ đầu”, bà Howard nói với Zing.

Bà cũng nêu rõ chính phủ cần phải đảm bảo bệnh viện và nhân viên y tế sẵn sàng cho tình huống gia tăng số ca mắc nhập viện và khả năng tiếp nhận nhiều ca bệnh trẻ hơn.

Ngay sau khi có thông báo về biến chủng Omicron, nhiều nước trên thế giới có xu hướng siết chặt nhập cảnh và các biện pháp kiểm soát biên giới để trì hoãn quá trình virus xâm nhập, đồng thời câu giờ giữa lúc chạy đua giải mã biến chủng Omicron.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Howard, các lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không có xu hướng gây thiệt hại cho kinh tế xã hội nhiều hơn so với ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cộng đồng. ”Đây là biện pháp cần hạn chế áp đặt”, bà nhấn mạnh.

Viện trợ vaccine là không đủ để chấm dứt đại dịch

Sự phân bổ bất bình đẳng vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới là vấn đề nan giải. Việc biến chủng Omicron lây lan nhanh ở châu Phi - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp - được cho là kết quả của việc các nước giàu không chia sẻ đủ vaccine với các quốc gia đang phát triển.

Sau hai năm, tính tới đầu tháng 12, gần 65% dân số ở các nước thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng con số này ở nước thu nhập thấp chỉ là 8,06%.

Theo bà Natasha Howard, dù nhìn từ góc độ đạo đức hay an ninh y tế toàn cầu, các quốc gia có thu nhập cao phải dành nhiều kinh phí và nỗ lực hơn nữa để tiêm chủng cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp.

"Chúng ta phải mở rộng quy mô triển khai liều đầu tiên và liều thứ hai cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới. Cụm từ ‘không ai an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn’ tới giờ vẫn đúng với Covid-19", bà cho biết.

Biến chủng Omicron sẽ xoay chiều tương lai đại dịch như thế nào?-2

Người dân ở Kenya xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

Nhiều chuyên gia cảnh báo thế giới có nguy cơ tiếp tục bị kéo vào một vòng lẩn quẩn nguy hiểm, trong đó các biến chủng mới đáng lo ngại trỗi dậy ở những nơi chưa được tiêm vaccine. Sau đó, biến chủng lại thúc đẩy các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đặt hàng liều tăng cường, khiến "cơn khát vaccine" ở những nước nghèo thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, bà Howard cho rằng thế giới vẫn có thể cân bằng nhu cầu tiêm vaccine và mở rộng tiêm chủng cho trẻ em, trong khi tăng nhanh tỷ lệ bao phủ chủng ngừa ở các nước có thu nhập thấp bằng cách tăng cam kết tài trợ vaccine (song phương hoặc thông qua COVAX).

Bên cạnh đó, các nước cũng cần giảm rào cản xuất khẩu đối với vaccine và các thành phần tạo ra vaccine từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ.

"Từ khóa ở đây là ‘tính bền vững và công bằng’", bà Howard nói. “(Các nhà sản xuất) nên cho phép sản xuất vaccine Covid-19 chất lượng cao ở nước thu nhập thấp bằng cách chia sẻ kiến thức và công nghệ đã được cấp bằng sáng chế. Các khoản viện trợ vaccine là không đủ để chấm dứt đại dịch này”.

Đại dịch Covid-19 có thể kết thúc khi phần lớn người dân trên thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ, hoặc do sự xuất hiện và thống trị của một biến chủng mới gây triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các biến chủng hiện tại, theo vị chuyên gia từ NUS.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bien-chung-omicron-se-xoay-chieu-tuong-lai-dai-dich-nhu-the-nao-post1282571.html?fbclid=IwAR3vXE2cipMnj9ttQvKPLapbZsQeyRglrepFpOZG7orIfKpt44av3h2X3IE

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.