Cái cúi đầu của huấn luyện viên Nhật Bản

Dừng bước trước ngưỡng cửa tứ kết World Cup 2022, nhưng đội tuyển Nhật Bản đã để lại vô vàn hình ảnh đẹp, từ trong sân đến khán đài và phòng thay đồ. Một kỷ nguyên mới cũng sẽ mở ra với bóng đá xứ mặt trời mọc.

Sau khi thua Croatia ở loạt sút luân lưu trên sân Al Janoub đêm qua, HLV Hajime Moriyasu bước đến khu vực khán đài dành cho cổ động viên Nhật Bản và cúi gập người 90 độ một lúc. Trong văn hóa Nhật Bản, đây là hình thức thể hiện sự cảm ơn chân thành, cũng biểu thị lời xin lỗi sâu sắc nhất.

Cái cúi đầu của huấn luyện viên Nhật Bản-1
Hình ảnh xúc động của HLV Nhật Bản khi cúi đầu cảm ơn và xin lỗi người hâm mộ. Ảnh: Getty.

HLV Hajime Moriyasu đã làm tất cả những gì có thể ở trận gặp Croatia cũng như giải đấu trên đất Qatar. Ông đặt dấu ấn rõ nét với những lần thay người, trong đó phải kể đến “siêu dự bị” Ritsu Doan, ghi 2 bàn vào lưới Đức, Tây Ban Nha. Chiến thuật bùng nổ trong hiệp hai của HLV Hajime Moriyasu giúp Nhật Bản lội ngược dòng “chấn động” trước hai nhà vô địch thế giới.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã phải dừng bước trước Croatia - bậc thầy chơi hiệp phụ và sút luân lưu - ở vòng 1/8. Trong 8 trận đấu loại trực tiếp ở Euro và World Cup gần đây của đại diện châu Âu, có tới 7 trận phải đá thêm hiệp phụ. Loạt sút luân lưu 11m trước Nhật Bản cũng là chiến thắng thứ 3 liên tiếp của họ khi thực hiện loạt sút cân não.

Chạm trán đối thủ quá kinh nghiệm và bản lĩnh như vậy, Nhật Bản đã khép lại World Cup 2022. HLV Hajime Moriyasu thừa nhận, trong loạt sút luân lưu, ông để các cầu thủ tự quyết định thứ tự thực hiện. Ai tự tin sẽ đá trước. Kết quả, Minamino, Mitoma và Yoshida không thể chiến thắng thủ thành Dominik Livakovic. Đây cũng là một trong những nguyên nhân HLV Hajime Moriyasu muốn nói lời xin lỗi tới người hâm mộ “Samurai xanh”.

Trước thềm World Cup khởi tranh, HLV 54 tuổi đặt mục tiêu được cho là phi thực tế, đưa Nhật Bản có mặt ở bán kết. Sự “bá đạo” của ông làm dấy lên sự khinh thường của rất nhiều cổ động viên. Họ cho rằng, ở cùng bảng tử thần với Tây Ban Nha và Đức, Nhật Bản làm sao vượt qua vòng bảng?

Cái cúi đầu của huấn luyện viên Nhật Bản-2
Cầu thủ Nhật Bản xếp hàng, cúi đầu một lúc cảm ơn và xin lỗi cổ động viên. Ảnh: Getty.

Nhưng chỉ sau trận đấu đầu tiên, nhiều người hâm mộ chỉ trích ông đã phải im lặng. Sau trận đấu thứ ba, tất cả câm nín. Nhật Bản rộ lên phong trào xin lỗi HLV Moriyasu. Hai lần đánh bại các nhà vô địch thế giới Đức (vô địch World Cup 2014), Tây Ban Nha (2010) và suýt nữa làm nên chuyện trước á quân Croatia (2018), Moriyasu khiến các đội bóng mạnh ở châu Âu phải nhìn ông cùng đội tuyển Nhật Bản với con mắt hoàn toàn khác.

Một đội tuyển Nhật Bản thi đấu đầy kỹ thuật, tấn công không biết mệt mỏi, nắm bắt cơ hội triệt để trước khung thành đối thủ… đã làm người hâm mộ châu Á yêu thích và tự hào. Chưa bao giờ, một đội bóng châu Á có thể chơi sòng phẳng như vậy, thậm chí trên cơ các đối thủ hàng đầu châu Âu. Thiếu chút may mắn và bản lĩnh, Nhật Bản đã không thể ghi hat-trick chiến thắng trước các đội bóng lục địa già.

Dù không thể lọt vào tứ kết, nhưng đội tuyển Nhật Bản vẫn gặt hái được rất nhiều ở World Cup lần này. “Với khả năng kiểm soát, chuyền bóng phối hợp kiểu Tây Ban Nha, phản công kiểu Italy, lối chơi khoa học và tinh thần thép của Đức, cộng với thể lực dồi dào và tinh thần chiến đấu ngoan cường, đây gần như là đội bóng châu Á xuất sắc nhất mà chúng ta có thể thấy ở World Cup”, chuyên trang thể thao Titan của Trung Quốc đã ca ngợi Nhật Bản.

Không chỉ thành công chinh phục người hâm mộ bằng chuyên môn, hình ảnh cầu thủ Nhật Bản dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ, để lại thư cảm ơn bằng tiếng Nhật và tiếng Ả-Rập cùng hạc giấy cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Trên khán đài, sau mỗi trận đấu, cổ động viên Nhật đều ở lại thu gom rác thải. Người Nhật xứng đáng là bậc thầy quảng bá văn hóa, khi cả thế giới quan tâm đến World Cup 2022.

Cái cúi đầu của huấn luyện viên Nhật Bản-3
Cầu thủ Nhật cũng dọn dẹp phòng thay đồ, để lại thư cảm ơn chủ nhà Qatar.

Kỷ nguyên mới của bóng đá Nhật Bản

Sau World Cup 2022, hàng loạt các trụ cột của tuyển Nhật Bản có thể nói lời giã từ đội tuyển quốc gia, mở ra kỷ nguyên mới hứa hẹn hơn với bóng đá xứ mặt trời mọc.

“Tôi đã thấy được một kỷ nguyên mới của bóng đá Nhật”, HLV Hajime Moriyasu tự tin nói. "Các cầu thủ đã cho thấy tương lai tươi sáng của bóng đá Nhật Bản. Chúng tôi đánh bại Đức và Tây Ban Nha. Điều đó có nghĩa, Nhật Bản có thể thắng họ thay vì chỉ bắt kịp trình độ của họ".

Các cổ động viên cũng đang rất hài lòng với màn trình diễn của đội nhà. Dù 3 cầu thủ sút hỏng phạt đền, khiến Nhật Bản không thể giành vé tứ kết, nhưng người hâm mộ không hề trách móc, đồng thời động viên.

“Cảm ơn các bạn vì đã nỗ lực. Dù tiếc nuối nhưng tâm trạng của tôi lúc này rất tốt. HLV và cầu thủ đã chứng tỏ bản thân, họ sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai”, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đăng tải hàng loạt lời bình luận với nội dung tương tự trên mạng xã hội.

Cái cúi đầu của huấn luyện viên Nhật Bản-4
Ritsu Doan là một trong những đầu tàu sắp tới của bóng đá Nhật Bản.

Sau trận thua Croatia, rất nhiều cầu thủ Nhật Bản đổ gục xuống sân và khóc nức nở. Họ hiểu rằng đây là kỳ World Cup cuối cùng được góp mặt, bởi 4 năm sau sẽ là sân chơi dành cho các cầu thủ trẻ hơn.

Nhật Bản tham dự World Cup 2022 với đội hình có độ tuổi trung bình là 27,8 (nằm trong top 10 đội bóng “già” nhất). Thủ môn Kawashima (39 tuổi), Gonda (33), Schmidt (30), hậu vệ Taniguchi (31), Nagatomo (36), Yoshida (34), tiền vệ Shibasaki (30)… nhiều khả năng sẽ từ giã đội tuyển quốc gia trước vòng loại World Cup 2026.

Tiếp nối họ sẽ là những tài năng trẻ hơn, đưa bóng đá Nhật Bản sang một kỷ nguyên mới.

 

 

Theo Đại đoàn kết

Xem link gốc Ẩn link gốc http://daidoanket.vn/cai-cui-dau-cua-huan-luyen-vien-nhat-ban-5704070.html

Nhật Bản


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.