Câu chuyện xé lòng về 3 gia đình có con tự tử: Những dấu hiệu "tử thần" không ai để ý và cách thức để sửa chữa tất cả

Tự tử đã trở thành "bóng ma" ám ảnh những người ở lại với nỗi đau không phải ai cũng thấu.

Giống như phải trải qua một cơn động đất đột ngột, tất cả mọi thứ đều bị "xé toạc", những gia đình có người thân tự tử cũng phải gánh chịu cảm giác tương tự như vậy. Sau cơn "động đất", những dư chấn về mặt cảm xúc liên tục xuất hiện từ cảm giác tội lỗi đến xấu hổ; từ kinh hoàng đến nỗi buồn khôn nguôi, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể "chữa lành" sau chấn thương đột ngột ấy.

Các chuyên gia sức khỏe tinh thần cho hay, những người thân chứng kiến các vụ tự tử thường trải qua loại đau buồn phức tạp, chồng chéo. Walker, một cựu điều hành của nhóm hỗ trợ Survivors of Suicide (SOS) ở Fort Worth cho biết: "Cái chết có thể rất bi thảm giống như một vụ giết người hay một vụ tai nạn xe hơi nhưng sự kỳ thị xung quanh việc tự tử vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình cũng phải đối mặt với điều đó. Nó làm cho nỗi đau của họ ngày càng nặng nề hơn".

Vào tháng 4/2020, Tổ chức Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết tự tử là nguyên nhân tử vong thứ 2 của người Mỹ trong độ tuổi từ 10 - 34 và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ tư đối với lứa tuổi 35 - 54. Sau đây là 3 câu chuyện của những gia đình có con em tự tử để giúp xã hội có cái nhìn rõ hơn về nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu mỗi ngày.

Câu chuyện xé lòng về 3 gia đình có con tự tử: Những dấu hiệu tử thần không ai để ý và cách thức để sửa chữa tất cả-1


Hãy giúp đỡ các con

Brad Hunstable, Giám đốc điều hành của công ty động cơ điện Linear Labs ở Fort Worth và là một cựu quân nhân, hiểu rõ nỗi đau mà các gia đình phải trải qua khi có con em tự tử.

17/4/2020 là một ngày Brad Hunstable không thể nào quên trong cuộc đời mình, nó đã khiến thế giới của người đàn ông này thay đổi mãi mãi. Sau khi vừa kết thúc một cuộc gọi thì con gái 8 tuổi của Brad Hunstable, chạy đến bên anh và nói rằng anh trai Hayden, 12 tuổi đang có chuyện gì đó không ổn.

Cậu bé 12 tuổi thường ngồi chơi điện tử trong phòng ngủ lúc cha mẹ bận làm việc. Anh Brad Hunstable vội vã chạy lên phòng ngủ của con trai thì thấy Hayden đã bất tỉnh trong tủ quần áo, không có phản ứng nào. Người cha đã gọi 911 và cố gắng để con trai hồi tỉnh nhưng đã quá muộn rồi.

Brad Hunstable chia sẻ rằng, con trai anh không bị trầm cảm hay có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Không ai có thể biết vì sao một câu bé 12 tuổi lại tự kết liễu đời mình. Anh Hunstable tin rằng sự cô lập trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành là nguyên nhân dẫn đến điều này.

Câu chuyện xé lòng về 3 gia đình có con tự tử: Những dấu hiệu tử thần không ai để ý và cách thức để sửa chữa tất cả-2


Con trai anh phải làm bạn với 4 bức tường, ngồi học trực tuyến trong nhà, không được giao lưu với bạn bè. Chính vì hoàn cảnh bí bách ấy đã khiến con trai anh có quyết định bốc đồng để kết thúc cuộc sống của chính mình.

Sau đó, người ta cũng phát hiện ra rằng Hayden đã vô tình làm hỏng màn hình lớn để chơi game ngay trước khi tự tử. Cậu bé 12 tuổi đã rất hào hứng với dự định sẽ mời bạn bè của mình đến chơi game cùng trong bữa tiệc sinh nhật sắp tới. Tuy nhiên mọi thứ đã vỡ tan.

Hunstable - người cũng đã sản xuất một bộ phim tài liệu ngắn về cái chết của con trai - đã nói chuyện với nhiều chuyên gia sức khỏe tinh thần khác nhau để tìm hiểu về hành vi tự tử của thanh thiếu niên ngày nay và tin rằng sự bốc đồng, nông nổi đóng một vai trò rất lớn.

Người đàn ông này cho biết: "Khi bạn nhìn vào những vụ tự tử của giới trẻ có thể thấy 55% trong số đó là bốc đồng và 50% không có chẩn đoán về sức khỏe tinh thần trước đó.

Những đứa trẻ có thể có cái gì đó bất ổn mà chúng ta không thể nào nhìn ra hay chẩn đoán được. Tự tử do bốc đồng có thể chỉ vì chia tay người yêu, cãi nhau với cha mẹ hay bản thân bị bắt nạt. Trong trường hợp của Hayden, thằng bé đã làm vỡ màn hình chơi game của mình ngay trước ngày sinh nhật, giữa đại dịch Covid-19".

Hunstable tin rằng việc phát triển khả năng tự phục hồi là chìa khóa để giải quyết vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên. "Nó luôn phức tạp. Nó không bao giờ đơn giản. Khi đứng trước một cơn bão phức tạp, trẻ em chưa phát triển được khả năng tự phục hồi. Cha mẹ chưa dạy chúng hay đối thoại cởi mở về những điều này", Hunstable cho biết thêm.

Hunstable tin rằng các bậc cha mẹ cần phải có những "cuộc trò chuyện có lẽ sẽ không thoải mái" với các con về việc tự tử để chúng biết cách đối phó. Nghiên cứu cho thấy rằng việc đưa ra chủ đề tự tử theo cách phù hợp với lứa tuổi không làm nảy sinh ý tưởng trong tâm trí trẻ em.

"Hãy tìm cách giúp các con đối mặt với cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn dạy các con tập thở, ngồi thiền, chơi đàn. Hãy dạy cho các con tìm gặp một người lớn đáng tin cậy để chia sẻ nếu như cha mẹ vắng nhà", Hunstable chia sẻ.

Hunstable nói thêm rằng: "Con trai tôi đã biến mất khỏi trái đất. Nó gần như khiến tôi bị bóp nát và gia đình gần như tan vỡ. Điều đó cũng có thể xảy ra với con bạn".

Học cách vượt qua nỗi đau

Jamye Coffman, Giám đốc y tế của Trung tâm Phòng chống Ngược đãi và Bỏ rơi Trẻ em tại Cook Children, biết rõ tự tử có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Chính bản thân bà cũng đã mất đi người con trai Aaron, 20 tuổi, tự tử vào ngày 10/10/2010.

"Tôi đã không che giấu việc con mình bị tự tử. Tôi cởi bỏ nỗi lòng của mình và tôi nhận ra có rất nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự giống như tôi. Tôi muốn nói rằng tự tử có thể ảnh hưởng đến bất kỳ một ai. Giàu, nghèo, tốt, xấu đều không có ý nghĩa gì ở đây", bà Jamye Coffman cho hay.

Bà Coffman vẫn nhớ như in ngày mình nhận cuộc gọi thông báo tin dữ khi bà cùng con gái và chồng mới đang trong kỳ nghỉ dưỡng. Tin tức ập đến khiến bà và gia đình suy sụp.

Chưa đầy 1 tuần trước đó, bà Coffman đã nói chuyện qua điện thoại với con trai. Anh đang sống với bố đẻ, chồng cũ của bà Coffman. Chàng thanh niên tâm sự với mẹ về nơi anh muốn theo học lên cao. Cả hai mẹ con đã bàn bạc rất lâu về chuyện này.

Câu chuyện xé lòng về 3 gia đình có con tự tử: Những dấu hiệu tử thần không ai để ý và cách thức để sửa chữa tất cả-3


Người phụ nữ không ngờ rằng con trai mình đã bị bạn gái đòi chia tay ngay trước khi Aaron tự sát. Vào thời điểm đó, Aaron uống rất nhiều rượu và anh có gọi cho một người bạn. Người này khuyên Aaron nên gọi điện cho mẹ để tâm sự nhưng chàng thanh niên này đã không thực hiện điều đó.

Bà Coffman đã đeo chiếc vòng cổ gắn chữ "A" để tưởng nhớ đến con trai mình. Bà cho hay, Aaron là một chàng trai "siêu đáng yêu", thích khám phá và tham gia những trò chơi mạo hiểm. Sau khi Aaron qua đời, bà Coffman đã phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp trong thời gian dài. Bà thường xuyên ngồi trong tủ quần áo để bật khóc.

"Khi sự việc xảy ra, ban đầu bạn không nghĩ rằng mình sẽ sống sót mà vượt qua nó. Những khoảnh khắc thực sự tồi tệ cứ ập đến liên tục. Tuy nhiên, bạn phải nỗ lực vượt qua nó và kiểm soát nó. Theo thời gian, nỗi đau sẽ vơi đi. Tôi đã mất 5 năm để nhận ra mình cần phải tiếp tục tồn tại", bà Coffman khuyên nhủ mọi người.

Giống như nhiều bậc cha mẹ mất con vì tự tử, bà Coffman cũng phải vật lộn với sự tự trách bản thân và cảm giác tội lỗi sau cái chết của con trai. Bà cũng thường xuyên dằn vặt mình và nói hai từ "giá như". Cái chết của Aaron đã ảnh hưởng lâu dài đến bà Coffman và gia đình.

Sau sự ra đi của con trai, người phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn về cách nuôi dạy con cái. Người phụ nữ đã tập mở lòng với những người khác và chia sẻ nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn. Bà Coffman cho hay: "Ngay cả khi Aaron có cuộc đời ngắn ngủi, thằng bé vẫn tạo ra sự khác biệt bởi vì con trai đã thay đổi tôi, thay đổi chồng tôi và con gái tôi, giúp chúng tôi trở thành những người tốt hơn".

Xóa bỏ sự kỳ thị

Ellen Harris hiểu rõ nỗi đau của những cha mẹ mất con. Người phụ nữ này đã mất đi đứa con gái 22 tuổi khi cô tự tử vào ngày 27/3/2012. Con gái cô, Jordan, từng là cựu thủ khoa và được vinh danh tại Đại học Michigan. Cô gái đã được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm trong 6 tháng cuối đời, điều này khiến gia đình Harris bất ngờ.

Không ai nghĩ rằng Jordan là một người trầm cảm bởi trong mắt bạn bè và gia đình, Jordan là một cô gái vui tươi, thông minh và tràn đầy sức sống. Cô gái cũng thích đi du lịch và giúp đỡ người khác.

"Con bé không muốn làm chúng tôi phải lo lắng. Chẳng ai biết ẩn sâu bên trong, con bé đang phải vật lộn mỗi ngày. Không ai trong chúng tôi biết được sự thật ấy", Harris cho hay.

Jordan đã học rất tốt tại trường đại học nhưng cô gái không chắc về việc mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Jordan có những người bạn cùng phòng rất giỏi, họ luôn có thành tích cao và biết rõ họ muốn làm gì sau này. Chính điều đó đã khiến Jordan cảm thấy áp lực, cho rằng mình chỉ là một kẻ thất bại.

Jordan từng nói với mẹ rằng cô ấy chính là một nỗi thất vọng đối với gia đình và đã không làm được nhiều điều đúng đắn trong cuộc sống. Theo Harris, con gái cô đã không đủ kiên cường để đối mặt với những áp lực trong cuộc sống.

Câu chuyện xé lòng về 3 gia đình có con tự tử: Những dấu hiệu tử thần không ai để ý và cách thức để sửa chữa tất cả-4

"Tôi nghĩ việc con bé thiếu khả năng đối mặt với áp lực là lý do rất lớn để nó tự sát. Jordan chưa có đủ khả năng để đối mặt với những nghịch cảnh. Đây là điều rất quan trọng. Tôi nghĩ bạn cần để con mình thất bại và tìm ra cách để thành công trở lại. Đó là cách bạn giúp con vững vàng hơn trên đường đời", Harris chia sẻ.

Người mẹ nói rằng cái chết của Jordan đã để lại một "khoảng trống rất lớn" trong trái tim cô. Phải mất hơn một năm, Harris mới cảm thấy thoải mái với mọi người sau khi phải đối mặt với sự kỳ thị từ những người khác. Harris cũng đã tận mắt chứng kiến sự kỳ thị của xã hội gắn liền với việc tự tử. Cô và chồng đã thành lập Quỹ Jordan Elizabeth Harris để tập trung nâng cao nhận thức về phòng ngừa tự tử cũng như tài trợ cho các nỗ lực nghiên cứu về bệnh trầm cảm.

Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng thường tổ chức những cuộc thảo luận với công chúng để xóa bỏ sự kỳ thị và mở ra sự hiểu biết về những vấn đề xung quanh việc tự tử. Bởi lẽ, một số người vẫn quan niệm rằng tự tử là hành động rất ích kỷ.

"Họ không muốn chết. Họ chỉ thấy không còn bất kỳ lối thoát nào khác", Harris nhấn mạnh.

Nguồn: Checkupnewsroom

Theo Pháp luật và bạn đọc 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/

tự tử


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.