'Chợ đen bán trẻ sơ sinh' tại Trung Quốc

Các nhóm nhận con nuôi phi pháp đã hoạt động âm thầm trên mạng xã hội tại Trung Quốc trong nhiều năm, bất chấp quy định của luật pháp.

“Bé gái, 90.000” - đây là tin nhắn riêng của một người cha khi ngã giá bán con. Theo tin nhắn này, đứa trẻ có giá 90.000 nhân dân tệ (gần 13.000 USD). Đi kèm với đó là đoạn video ngắn quay cảnh đứa trẻ sơ sinh trong xe đẩy.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, hàng triệu người dùng âm thầm tiếp tay cho dịch vụ rao bán trẻ sơ sinh để lấy tiền mặt. Thậm chí, nhiều cha mẹ không đủ điều kiện cũng đăng tin bán con trên mạng.

Mạng lưới “chợ đen sơ sinh” lợi dụng kẽ hở của luật nhận con nuôi tại Trung Quốc và ngang nhiên thực hiện hàng nghìn giao dịch mua bán trẻ em.

Buôn bán trẻ em đội lốt các nhóm chat nhận con nuôi

Đầu năm nay, cựu giám đốc Công ty Viễn thông ZTE, Bao Yuming, vướng vào bê bối hãm hiếp con gái nuôi Xingxing (biệt danh) kể từ năm cô 14 tuổi. Bao bị cáo buộc thêm tội “mua” con nuôi qua QQ. Vụ việc dấy lên tranh cãi, sự quan tâm tới các hoạt động nhận con nuôi và đưa một số đường dây “chợ đen trẻ sơ sinh” ra ánh sáng.

Các từ khóa “nhận con nuôi”, “cho trẻ em” bị xóa trên các nền tảng mạng xã hội như QQ, Baidu Tieba, Zhihu nhưng cụm “giấy khai sinh” xuất hiện, làm vỏ bọc cho những hoạt động bán trẻ em phi pháp.

Các phóng viên của Sixth Tone đóng giả khách hàng và liên hệ người bán giấy khai sinh. Nơi cung cấp đưa mức giá 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.500 USD) cho dịch vụ tạo giấy khai sinh mới cho một đứa trẻ và tên khách hàng là cha mẹ ruột. Nơi khác cung cấp dịch vụ trên nhưng với giá 25.000 nhân dân tệ (khoảng 37.300 USD).

Chợ đen bán trẻ sơ sinh tại Trung Quốc-1
Những tờ giấy khai sinh giả làm ngụy trang cho hình thức buôn bán trẻ em tại chợ đen Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.


Nhóm người này cũng trấn an khách hàng rằng họ sẽ không vướng vào bất kỳ cáo buộc pháp lý nào. Nếu đồng ý, người tìm con nuôi sẽ được thêm vào nhóm chat có tên Fate Has Arrived (tạm dịch: Định mệnh). Nhóm này gồm 390 thành viên, mỗi người đều có một bí danh.

Những nhóm chat như Định mệnh tồn tại nhiều và công khai trên mạng xã hội Trung Quốc. Nghiên cứu năm 2013 của Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc cho thấy hoạt động buôn bán trẻ em tại quốc gia này “tràn lan” và ảnh hưởng tới “hàng chục nghìn gia đình”. 50% trong số các ca buôn bán trẻ em là do bố mẹ đẻ cho đi.

Năm 2017, giới chức tỉnh Hải Nam ước tính “phần lớn trường hợp con nuôi ở Trung Quốc là bất hợp pháp”. Theo Li Ying, luật sư về quyền phụ nữ, tư vấn pháp lý cho Xingxing, quy định nhận con nuôi tại Trung Quốc có nhiều điểm khắt khe.

Các cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi phải trên 35 tuổi và họ chỉ được nhận nuôi một đứa trẻ. Với những cặp vợ chồng không đáp ứng điều kiện này, mạng lưới “chợ đen trẻ sơ sinh” là biện pháp duy nhất. Nhưng hình thức này ngày càng biến tướng và trở thành tội ác khiến nhiều trẻ em bị xâm hại vì chính người nhận nuôi.

Chợ đen bán trẻ sơ sinh tại Trung Quốc-2

Đoạn tin nhắn giao dịch, ngã giá giữa một người tự xưng là cha đứa trẻ, bán con vì điều kiện kinh tế. Nguồn ảnh: Sixth Tone.Từ bắt cóc đến đem bán trẻ sơ sinh phục vụ chợ đen


Liu Liqin trải qua ngày tồi tệ nhất cuộc đời. Anh vừa nghỉ tay ăn trưa giữa đống gạch vữa, xi măng của công trường thì điện thoại reo. Vợ Liu báo tin con trai 2 tuổi của họ vừa mất tích. Người cha bỏ dở bữa cơm, chạy đi tìm nhưng không có kết quả. Liu và vợ báo cảnh sát, tỏa ra các khu vực lân cận để tìm kiếm.

Tối muộn, ông bố phát hiện camera của tòa nhà gần nơi gia đình sống ghi lại hình ảnh của tên bắt cóc. Hắn che mặt và bế con trai Liu đi khi đứa trẻ đang chơi gần nhà.

“Không có từ ngữ nào diễn tả được tâm trạng và cảm xúc của tôi khi đó”, The Atlantic dẫn lời ông bố trong một phóng sự. Vợ chồng Liu dành nhiều năm để tìm kiếm con trai. Nhưng tuyệt nhiên, họ không nhận được tin tức gì.

Năm 2015, một cuộc điều tra của BBC đã tiết lộ những trẻ em, trong đó có nhiều trường hợp là nạn nhân của các vụ bắt cóc, bị rao bán công khai trên mạng tại Trung Quốc. Những tay "ma cô" ngày càng sành sỏi và tìm cách che đậy hình thức phi pháp này.

Chúng tuyển chọn các thành viên, khách hàng và che giấu thân phận thật của các "cò mồi" rất kỹ. Một bé trai có thể được bán với giá gần 92.000 nhân dân tệ (khoảng 13.600 USD). Con số này gấp đôi giá của các bé gái vì trẻ em nam được đánh giá cao tại Trung Quốc.

Chợ đen bán trẻ sơ sinh tại Trung Quốc-3


Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính mỗi năm, 20.000 trẻ em tại Trung Quốc bị bắt cóc. Phóng viên Martin Patience của BBC tường thuật: “Một khi bị bắt cóc, hầu hết trẻ em thường bị bán để làm con nuôi. Số khác bị ép phải làm nghề ăn xin cho các băng nhóm tội phạm. Phần lớn những nạn nhân không có cách nào thoát khỏi tay kẻ buôn người và tìm về gia đình của mình".

Thị trường chợ đen trẻ em ở Trung Quốc lần đầu tiên được thế giới chú ý cách đây khoảng 15 năm. Khi đó, cảnh sát tỉnh Quảng Tây phát hiện 28 trẻ sơ sinh giấu ở phía sau một xe buýt.

"Các nạn nhân bị đánh thuốc mê để không khóc. Bọn buôn người nhét các em vào túi nylon. Một trong số 28 trẻ sơ sinh đã bị chết ngạt", Patience viết. Vụ án này sau khi bị phanh phui đã gây rúng động toàn Trung Quốc và thế giới. Nhóm buôn người bị bắt, những kẻ cầm đầu nhận mức án tử hình.

Năm 2014, Trung Quốc phanh phui 4 đường dây buôn bán trẻ em. Hơn 1.000 người liên quan bị điều tra. Hàng loạt website, nhóm chat đội lốt nhận con nuôi, cho trẻ em bị đưa ra ánh sáng gây nên sự phẫn nộ trong cộng đồng.

CNN đưa tin đầu năm 2015, cảnh sát Trung Quốc phá thành công đường dây buôn bán trẻ em và giải cứu 37 trẻ sơ sinh, một bé gái 3 tuổi ở Sơn Đông. Những đứa trẻ bị đưa đến cho người mua trong các vali và túi xách lớn. Đa phần các em đều bị ốm và suy dinh dưỡng nặng.

Sự phát triển của Internet và công nghệ, các "chợ đen trẻ em" tại Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp luật pháp.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cho-den-ban-tre-so-sinh-tai-trung-quoc-post1147076.html

Trẻ sơ sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.