Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc

Ngành “sản xuất thú cưng” rất khép kín, khách hàng khó biết được những gì đang xảy ra bên trong.

Khi quyết định mua một con mèo vào tháng 7/2022, Nguyên Tử - cô sinh viên mới tốt nghiệp đã không dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu kỹ càng. Cô chỉ sử dụng Taobao, ứng dụng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Sau một hồi đắn đo, cô gái 26 tuổi này đã chọn được một chú mèo con Ba Tư từ một cơ sở vật nuôi ở Thượng Hải. Nơi đây là một trong những nhà cung cấp thú cưng hàng đầu nổi tiếng, vì vậy Nguyên Tử nghĩ rằng vật nuôi cũng phải chất lượng. Thế là cô đã trả 8.500 NDT (28,9 triệu).

Thế nhưng chỉ mới vài ngày mang mèo về nhà nuôi, Nguyên Tử đã nhận ra có điều gì đó không ổn. Chú mèo con trông rất yếu ớt, bắt đầu nôn mửa và tiêu chảy. Trong vòng 3 ngày, nó phải nhập viện vì nhiễm virus gây bệnh giảm bạch cầu mèo - một căn bệnh rất dễ lây lan và nguy hiểm. 5 ngày sau, mèo con đã chết.

Nguyên Tử rất buồn, nhưng rất nhanh sau đó đã bắt đầu tìm kiếm lý do tại sao con mèo của mình lại mắc phải tình trạng đáng sợ như vậy.

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-1

Cô đã tìm thấy rất nhiều đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy những trường hợp vô nhân đạo trong ngành công nghiệp sản xuất vật nuôi Trung Quốc. 

Trong một đoạn clip, hàng chục con mèo, gần như tất cả chúng đều bị thương tích, đang lúc nhúc trong một chiếc lồng nhỏ và bẩn thỉu. 

Một trường hợp khác, người nuôi mổ bụng một con mèo Anh lông ngắn đang trải qua một ca sinh nở khó khăn. Không khử trùng, không gây mê. Tiếng kêu của mèo mẹ đã ám ảnh cô suốt mấy ngày sau đó.

Nguyên Tử vẫn không chắc liệu con mèo con của cô có được nuôi ở cơ sở đó hay không. Khi liên lạc với cơ sở nuôi và bán mèo, họ từ chối cho cô xem môi trường sống của vật nuôi. Thay vào đó, họ đề nghị gửi cho cô một con mèo con khác "khỏe mạnh 100%". Nhưng cô sợ điều tồi tệ nhất lại xảy ra.

Nguyên Tử cho biết: “Tôi đoán rằng mèo con mà tôi đã mua đến từ một cơ sở nuôi mèo phi pháp hoặc không có bằng cấp hẳn hoi”.

Nhiều chủ vật nuôi ở Trung Quốc đã trải qua trải nghiệm tương tự như Nguyên Tử. Các trung tâm nhân giống vật nuôi đang bùng nổ trong thời kỳ “thú cưng lên ngôi” ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì thiếu quy định và giám sát, những cơ sở này đã thu lợi nhuận cao hơn bằng cách nuôi nhốt động vật trong điều kiện tồi tệ.

Thị trường thú cưng của Trung Quốc đã và đang phát triển chóng mặt trong những năm gần đây. Điều này bị tác động bởi mức sống của người dân được nâng cao và 3 năm phong tỏa vì nạn dịch COVID-19. Số lượng mèo và chó làm vật nuôi của Trung Quốc lần lượt vượt quá 58 triệu và 54 triệu con vào năm 2021, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Hầu hết những người nuôi thú cưng mới nổi ở Trung Quốc đều coi mình là những người yêu động vật thật sự. Nhiều người tự nhận mình là "nô lệ mèo" ngu ngốc, cưng chiều "đứa con đầy lông" của họ bằng những thứ đồ chơi và dịch vụ thú y chất lượng. 

Theo nền tảng thông tin kinh doanh ITJuzi, một chủ vật nuôi của Trung Quốc chi 6.650 NDT (hơn 22,6 triệu đồng) mỗi năm cho các sản phẩm dành cho thú cưng, nhiều hơn mức chi tiêu trung bình cho thực phẩm, thuốc lá và rượu bia.

Tuy nhiên, ít ai biết được cách thức hoạt động của trung tâm sản xuất thú cưng. Điều này cho phép các cơ sở thực hiện hành vi tàn ác ở quy mô công nghiệp mà không bị người dân phát hiện. Việc thiếu luật bảo vệ động vật ở Trung Quốc khiến vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-2

"Nguồn hàng"

Cơ sở sản xuất vật nuôi phi pháp

Cơ sở sản xuất mèo con là hình thức nuôi phổ biến nhất với hàng trăm con mèo bị nhồi nhét trong lồng và buộc phải sinh nhiều lần trong năm.

Ông Tô, từng là chủ một cơ sở sản xuất mèo, cho biết ông từng nuôi 600 con mèo và chúng phải sinh sản 3 hoặc 4 lần một năm. Một số con mèo cái chỉ có thể ở trong lồng từ khi sinh ra đời. Ông Tô sử dụng thuốc kích dục được thiết kế cho động vật để kích thích động dục ở mèo và tăng năng suất sinh sản của chúng.

Ông Tô nói, cơ sở sản xuất mèo con là "nguồn hàng" của 80% cửa hàng thú cưng ở Trung Quốc. 

Theo một báo cáo năm 2019 của công ty nghiên cứu Trung Quốc Leadleo, các cửa hàng thú cưng là kênh bán hàng lớn nhất trong ngành công nghiệp vật nuôi của Trung Quốc, chiếm hơn 35% tổng doanh thu.

Cơ sở nhân giống xuất hiện để cung cấp thức ăn của thú cưng cho gần 5.000 người bán mèo đang hoạt động trên Taobao. Nhà cung cấp bán chạy nhất của nền tảng bán hơn 10.000 con mèo mỗi tháng chỉ tiết lộ họ có "hàng nghìn con mèo trong nhà kho" nhưng từ chối yêu cầu xem các điều kiện vật chất bên trong cơ sở vì "lượng hàng quá lớn".

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-3

Bên trong cơ sở sản xuất vật nuôi

Ngành “sản xuất thú cưng” rất khép kín, khách hàng khó biết được những gì đang xảy ra bên trong. 

Nhưng đoạn clip được người ủng hộ quyền động vật bí mật ghi lại bên trong các cơ sở sản xuất mèo con bóc trần những cảnh tượng tàn khốc, với nhiều con mèo trong tình trạng kích động và bị thương.

Ông Tô từ chối cung cấp chi tiết cụ thể về tình trạng trong cơ sở sản xuất mèo con trước đây của mình, nhưng thừa nhận rất giống với hình ảnh trong video.

Đối với ông Tô, sản xuất thú cưng không khác bất kỳ loại hình kinh doanh nào. Công việc này mang lại lợi nhuận cao: Giá gốc của một con mèo thường thấp, khoảng 20-30 NDT (68-100 nghìn đồng), trong khi chúng được bán với giá hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn NDT.

“Đó là một công việc kinh doanh ổn định và có lợi nhuận”, ông Tô cho biết thêm cơ sở sản xuất mèo con của ông kiếm được gần 1 triệu NDT mỗi năm (hơn 3,4 tỷ đồng).

Song, công việc tưởng chừng sinh lời này lại tồn tại rất nhiều vấn đề. Thái Xuân Hồng, một luật sư đã có 10 năm kinh nghiệm trong các trường hợp bảo vệ động vật, cho biết nhiều cơ sở sản xuất tiêm cho vật nuôi ốm bằng huyết thanh miễn dịch để chúng trông hoạt bát và khỏe mạnh.

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-4

Ông Tô xác nhận rằng đây là một cách làm phổ biến trong ngành. Những người kinh doanh khác cũng thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh để đảm bảo mèo con sống đủ lâu trong cửa hàng thú cưng.

Nhóm cứu hộ động vật lên tiếng cho biết khi những con vật không còn giá trị nữa, những chủ sản xuất sẽ bỏ mặc chúng.

Vào tháng 8/2021, nhóm bảo vệ động vật địa phương RHR Thượng Hải đã tìm thấy 33 con mèo Chartreux trên một công trường bỏ trống ở ngoại ô phía Tây Nam thành phố. Tất cả chúng đều bị bệnh, những con mèo trưởng thành chỉ nặng dưới 3kg. Các tình nguyện viên cũng tìm thấy xác của 15 con mèo tại nơi đó và dường như chết vì bị xe hơi tông và bệnh tật.

Theo RHR Thượng Hải, những con mèo này có khả năng thuộc sở hữu của một cơ sở sản xuất thú cưng phi pháp và bị bỏ rơi vì bệnh tật. Theo đó, các cơ sở này không muốn phải tốn thêm chi phí thú y chữa bệnh cho những con mèo yếu ớt.

Cùng tháng đó, một nhóm cứu hộ động vật khác, Live With the Cat, đã tìm thấy 30 con mèo trong một cơ sở sản xuất thú cưng phi pháp “đội lốt” một quán cà phê mèo ở thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên). Cảnh tượng xác chết thối rữa, phân, ruồi nhặng vây kín và thức ăn hôi thối khiến ngay cả những thành viên dày dạn kinh nghiệm trong nhóm cũng bị sốc.

Hoa Nguyên, một nhân viên cứu hộ của Live With the Cat, cho biết: “Hầu hết những chủ cơ sở sản xuất sẽ chuyển dời địa điểm khi số lượng mèo nuôi không thể sinh sản hoặc bệnh tật quá nhiều vì chúng không còn có giá trị nữa”.

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-5

Số lượng lớn mèo bị bỏ rơi bởi các cơ sở nhân giống đã tạo ra một vấn đề nhức nhối khác: Số lượng mèo hoang tăng vọt. Theo thống kê, số lượng mèo hoang ở Trung Quốc đang tăng trung bình khoảng 40 triệu con mỗi năm.

Live With the Cat cho biết, những con mèo từ các trung tâm nhân giống thường xuyên được nhìn thấy trên đường phố Thành Đô. Nhóm đã gặp và xử lý nhiều trường hợp bắt gặp mèo hoang trong năm 2022.

Những con mèo trong trại mèo trước đây của ông Tô cũng phải chịu một kết cục thảm khốc không kém. Khi Trung Quốc bắt đầu đóng cửa vì đại dịch COVID-19 năm 2020, nhiều loài thú cưng đã bị bỏ lại cơ sở nuôi trong vài tháng liền. Ông Tô quay trở lại cơ sở thì mới phát hiện tất cả những con mèo đã chết. Sau đó, ông quyết định nghỉ công việc này và chuyển sang ngành vật liệu xây dựng.

"Giọt nước trong đại dương" Chính phủ ra tay nhưng không thấy kết quả

Hiện tại, ở Trung Quốc có rất ít biện pháp hạn chế tình trạng việc sản xuất, nuôi nhốt và kinh doanh thú cưng. Theo luật sư Thái, vì không có kế hoạch rõ ràng, điều kiện cơ sở vật bên trong trung tâm sản xuất phụ thuộc gần như hoàn toàn vào “cái tâm” của chủ sở hữu.

Đạo đức khó có thể đánh bại cái lợi khổng lồ.

Các nhóm bảo vệ quyền lợi động vật đã kêu gọi chính phủ đưa ra các biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn cho vật nuôi trong nhiều năm qua, nhưng kết quả không khả quan. Các quy định hiện hành chỉ áp dụng cho động vật thí nghiệm và lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã được đưa vào trong thời kỳ dịch bệnh không ảnh hưởng đến việc sản xuất vật nuôi trong nhà.

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-6

Những năm qua, chính phủ Trung Quốc đã và đang chịu nhiều áp lực và cần phải đưa ra biện pháp triệt để hơn. 

Những vụ bê bối liên quan đến việc buôn bán thú cưng, chẳng hạn như trào lưu “gửi thú cưng trong hộp bí ẩn” năm 2021 (cơ sở kinh doanh thú cưng bán cho người mua chiếc hộp trong đó có loài vật nuôi ngẫu nhiên để tạo sự tò mò và kích thích), thường làm dấy lên những lời kêu gọi công khai thắt chặt quy định về quyền động vật.

Hàng năm kể từ 2015, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, đã đề xuất các biện pháp mới để tăng cường quyền động vật. Trong 3 năm qua, đã có đề xuất cấm nuôi và bán thú cưng vì lợi nhuận, phạt những người có hành vi bỏ rơi hoặc lạm dụng vật nuôi. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có đề xuất nào trở thành luật.

Quyền động vật dường như không phải là vấn đề cấp bách đối với chính phủ. Nhưng người thay đổi cuộc chơi thực sự không thể là ai khác ngoài chính phủ, vì chỉ có họ có quyền hạn chế việc buôn bán thú cưng và phá bỏ những cơ sở sản xuất vật nuôi phi pháp.

Cải thiện ý thức cộng đồng nhưng hoài công

Các nhóm bảo vệ động vật cũng đang hoạt động năng nổ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những gì đang diễn ra bên trong ngành sản xuất thú cưng, với hy vọng thuyết phục chủ sở hữu vật nuôi không mua động vật từ các cửa hàng không rõ nguồn gốc.

Nhiều nhóm bảo vệ động vật, bao gồm RHR Thượng Hải và Living With Cats, thường xuyên đăng tải lên mạng xã hội những đoạn video về sự tàn ác ở các cơ sở sản xuất thú cưng phi pháp. Các clip gây sốc thường được lan truyền rộng rãi, thu hút hơn 100.000 lượt xem và làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi.

Tuy nhiên, cả 2 nhóm này đều tỏ ra bi quan về hiệu quả của việc tuyên truyền. Ngành sản xuất và nuôi nhốt vật nuôi ở Trung Quốc quá lớn, nhận thức của đồng về mặt tối phía sau các cơ sở phi pháp này vẫn còn rất thấp.

Ở Trung Quốc, tình hình này đối mặt với tính thử thách cực kỳ cao. Hàng triệu người lần đầu tiên nhận nuôi một con mèo hoặc một con chó. Những người này thường không muốn tìm hiểu quá nhiều về điều kiện mua và nuôi một con vật, chỉ biết tìm cơ sở cung cấp vật nuôi giá phải chăng và đẹp theo sở thích nhất.

Công nghiệp thú cưng Trung Quốc bùng nổ, kèm theo đó là những mặt tối tàn khốc-7

Song, các chủ kinh doanh cơ sở sản xuất vật nuôi này lại không hề ý thức được hậu quả mà họ gây ra. Ông Tô cho biết ông không hiểu tại sao việc sản xuất những con thú cưng lại gây ra nhiều sự phẫn nộ như vậy. Ông cho rằng việc làm của mình không khác gì chăn nuôi gia súc gia cầm bình thường.

“Lợn, gà, vịt, ngan… cùng là động vật. Tại sao đến chó, mèo thì mọi chuyện lại khác?”, ông Tô khó hiểu nói.

Vào tháng 7/2022, Nguyên Tử tham gia một nhóm những người nuôi mèo trên ứng dụng xã hội WeChat. Nhiều thành viên cho biết họ cũng gặp phải vấn đề tương tự: Thú cưng của họ đổ bệnh ngay sau khi được mang về nhà. Một số mèo con đã hồi phục, những con khác được trả lại cho cửa hàng và nhiều con đã chết.

Nguyên Tử quyết tâm không mắc sai lầm tương tự. Vài ngày trước, cô nhận nuôi một con mèo hoang sống trên đường gần nhà. Cô tin rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng cô không tiếp tay cho những cơ sở sản xuất vật nuôi phi pháp.

Ở đâu có người mua thì sẽ có người bán và ở đâu có buôn bán thì sẽ có những bi kịch.

Theo Phụ nữ Việt Nam


thú cưng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.