Covid-19 đánh trúng mắt xích yếu nhất, ca nhiễm tăng vọt ở Singapore

Nhiều nước trên thế giới có thể rút ra bài học quan trọng từ tình trạng ca nhiễm virus corona đang tăng vọt trong cộng đồng lao động nhập cư ở Singapore.

Trong giai đoạn đầu bùng phát đại dịch Covid-19, Singapore nhận được nhiều lời khen về các biện pháp khống chế quyết liệt.

Tuy nhiên, riêng trong ngày 18/4, nước này ghi nhận đến 942 ca nhiễm mới - số ca nhiễm/ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát và tương đương với Hàn Quốc trong thời điểm đỉnh dịch của nước này.

Chỉ một ngày sau, Singapore có thêm 596 ca bệnh, nâng tổng số người nhiễm virus corona lên 6.588 trường hợp trên tổng dân số 5,7 triệu người, đưa đảo quốc này vượt qua Indonesia (6.575 ca) và Philippines (6.259) thành quốc gia có số ca nhiễm virus corona lớn nhất Đông Nam Á.

Covid-19 đánh trúng mắt xích yếu nhất, ca nhiễm tăng vọt ở Singapore-1Người lao động thu nhập thấp, trong đó có cộng đồng lao động nhập cư giá rẻ, là nhóm có nguy cơ cao trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty.

Khoảng 95% số ca bệnh mà giới chức y tế Singapore phát hiện trong 2 ngày cuối tuần qua là lao động nhập cư, sống chen chúc trong những khu tập thể với mật độ khoảng 10 người/phòng.

Họ chủ yếu đến từ những quốc gia thu nhập thấp như Bangladesh hoặc Ấn Độ, làm việc cho các công trình xây dựng và bến cảng ở Singapore. Một số cơ sở có lao động nước ngoài cũng xuất hiện ổ dịch, theo Nikkei Asian Review.

Tình trạng dịch Covid-19 lan rộng trong cộng đồng lao động nhập cư đã hé lộ hạn chế trong chiến thuật chống dịch đa diện, bao gồm truy tìm mối liên hệ ca nhiễm và giãn cách giao tiếp xã hội, vốn đã tạo nên tiếng tăm cho nỗ lực ứng phó ở Singapore thời gian qua.

Mắt xích yếu nhất
Bài học rút ra từ trường hợp của Singapore là dịch bệnh vẫn có thể "rình rập" và đánh vào những mắt xích yếu trong chiến lược phòng chống, bất kể xã hội được tổ chức tốt và kỷ luật đến mức nào.

Theo chuyên gia Gary Rodan, Đại học Murdoch (Australia), các nước khác cần nhận thức rõ "những nhóm ngành kinh tế khác nhau đi cùng với sự khác biệt về môi trường xã hội". Nhiều nước đang phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư như Singapore. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 164 triệu người thuộc diện này trên toàn thế giới vào năm 2017.

"Những nước có lượng lao động giá rẻ đến từ nước ngoài cần hết sức chú ý đến cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống và làm việc của họ", Rodan chia sẻ.

Một số tổ chức vận động nhân quyền đã cảnh báo những quốc gia giàu có ở Vùng Vịnh, như Qatar và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), về nguy cơ lây nhiễm virus corona bùng phát trong cộng đồng lao động nhập cư đến từ Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi.

"Lao động nhập cư giá rẻ vẫn là nhóm có nguy cơ cao trước những hành vi xâm phạm nhân quyền, làm gia tăng rủi ro nhiễm Covid-19", một kiến nghị chung của các tổ chức vận động nhân quyền, gửi đến chính phủ UAE vào ngày 10/4, nhấn mạnh.

"Những nguy cơ đó bao gồm các khu tập thể đông đúc và hạn chế trong tiếp cận chăm sóc và bảo hiểm y tế; những trung tâm tạm giữ người nhập cư và nhà giam từng bị phát hiện nhốt tù nhân trong điều kiện kém vệ sinh, chật chội và không thể chấp nhận", các tổ chức cảnh báo.

Nhật Bản cũng có hàng chục nghìn "thực tập sinh kỹ thuật" từ nhiều nước khác. Tương tự, Thái Lan đang có gần 1 triệu người lao động đến từ các nước như Myanmar, Lào và Campuchia. Dù điều kiện sinh sống có sự khác biệt giữa các nước, lao động nhập cư thường là nhóm yếu thế trong xã hội đó.

Một nghiên cứu tại Mỹ nhận thấy người có thu nhập thấp nhìn chung đang chiếm đa số ca nhiễm Covid-19. Phân tích của tạp chí Time về tình hình ở thành phố New York ghi nhận nhóm thu nhập thấp hơn mức trung bình 25% đang chiếm khoảng 36% tổng ca nhiễm địa phương, còn nhóm giàu hơn trung bình 25% chỉ chiếm 10%.

Nhóm nghề phổ thông hiếm có cơ hội để làm việc từ xa. Người lao động trong nhóm này đối diện nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, trừ khi nơi họ làm việc phải đóng cửa. Trong một số trường hợp, người lao động mắc bệnh không có khả năng tiếp cận chăm sóc y tế.

Covid-19 đánh trúng mắt xích yếu nhất, ca nhiễm tăng vọt ở Singapore-2Chất lượng đời sống thấp và mật độ dân cư cao ở các khu tập thể dành cho người lao động nhập cư làm gia tăng nguy cơ bùng phát lây nhiễm. Ảnh: Getty.

Thay đổi cần duy trì sau đại dịch
Singapore đang chật vật tìm cách khống chế đợt bùng phát lây nhiễm trong các khu tập thể của người lao động nhập cư. Những gì đang diễn ra tại "đảo quốc sư tử" cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các nước khác cần quan tâm đến nhóm yếu thế trong xã hội.

Các bộ trưởng Singapore thời gian qua liên tục khẳng định họ có trách nhiệm bảo vệ người lao động nhập cư. Trong vòng hai tuần, chính phủ đã đóng cửa một số khu tập thể, làm việc với các ban quản lý để cải thiện tình trạng vệ sinh dịch tễ và đưa ra những biện pháp hỗ trợ thu nhập.

Ngày 18/4, Bộ Nguồn nhân lực Singapore ra lệnh "ở yên trong nhà" đối với mọi trường hợp người nhập cư có visa lao động và visa lao động tay nghề trung bình (S Pass) trong nhóm ngành xây dựng. Lệnh chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4 đến 4/5, yêu cầu đơn vị tuyển dụng phải theo dõi tình hình sức khỏe, đảm bảo thực phẩm và chăm lo đời sống người lao động.

Trong khi đó, một số chính trị gia đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính phủ hành động quá chậm. Ca bệnh Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng này đã được ghi nhận từ tháng 2. Giới vận động quyền lợi của người lao động nhập cư cũng lên tiếng về nguy cơ từ tháng 3.

"Có rất nhiều tín hiệu cảnh báo", Chee Soon Juan, tổng thư ký đảng Dân chủ Singapore, nhấn mạnh.

Theo Rodan, đại dịch Covid-19 có thể sẽ nâng cao nhận thức tại khu vực và trên thế giới về điều kiện sinh sống của cộng đồng người lao động nhập cư, cũng như những khó khăn mà nhóm này đang phải đối diện.

Ông nhận định chính phủ Singapore có thể "hạn chế thiệt hại tiềm năng về khía cạnh ngoại giao và tiếng tăm của mình" tùy vào cách họ ứng phó, "không chỉ trong giai đoạn khủng hoàng mà cả giai đoạn sau đó".

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/covid-19-danh-trung-mat-xich-yeu-nhat-ca-nhiem-tang-vot-o-singapore-post1075191.html

Covid- 19

virus corona

dịch bệnh

Singapore


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.