Cuộc đua thừa kế trong những gia đình giàu nhất thế giới

Tỷ phú Bernard Arnault hay Rupert Murdoch đã mất nhiều năm để chuẩn bị, đào tạo những người thừa kế, nhưng vẫn chưa thể ra quyết định ai sẽ thay mình ngồi vào vị trí cao nhất.

Năm 2015, khi được hỏi về động lực cuộc sống, tỷ phú người Pháp Bernard Arnault khẳng định rằng đó không phải thứ liên quan đến tiền bạc.

Người đàn ông giàu nhất thế giới cho biết sự giàu có của ông "chỉ là kết quả của những việc tôi làm".

"Thực tế là phần lớn tiền bạc nằm trong công ty. Đó chắc chắn không phải là loại tiền mà ngày mai tôi có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn hoặc tiêu pha điên cuồng ở sòng bạc", ông chủ LVMH nói với The Telegraph.

Thay vào đó, Arnault nói rằng động lực nằm ở việc có thể đưa ra quyết định. "Có quyền tự do lựa chọn. Điều duy nhất thúc đẩy tôi một cách chuyên nghiệp là tầm nhìn dài hạn của riêng tôi về mọi thứ".

Nhưng giờ đây, ở tuổi 74, vị tỷ phú có thể đang gặp khó khăn với những lựa chọn.

Mặc dù Arnault đã lên kế hoạch tìm kiếm người kế nhiệm trong nhiều thập kỷ, câu hỏi ai sẽ tiếp quản ông tại LVMH đang trở nên phức tạp. Luca Solca, nhà phân tích tại Bernstein, cho biết: "Ngay cả tỷ phú cũng không phải là vĩnh cửu. Thời gian càng trôi qua, điều này sẽ càng trở nên quan trọng".

Câu chuyện của LVMH

LVMH là gã khổng lồ mà ít doanh nghiệp có thể sánh bằng. Đây là công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường là 490 tỷ USD. Danh mục các công ty con bao gồm những hãng thời trang xa xỉ Louis Vuitton, Christian Dior, thương hiệu trang sức Tiffany & Co., dòng vali Rimowa và nhà sản xuất champagne Moet & Chandon.

"LVMH là công ty thống trị trong ngành công nghiệp xa xỉ hiện đại", Solca nói.

Từ lâu, cả 5 người con của Arnault đều đã được huấn luyện như nhau và đưa vào các vị trí cấp cao trong LVMH. Nhưng quyết định ai sẽ thăng tiến lên vị trí cao nhất vẫn chưa rõ.

Cuộc đua thừa kế trong những gia đình giàu nhất thế giới-1

Bernard Arnault (giữa) và vợ Helene (trái) cùng vợ chồng con trai Antoine Arnault (phải). Ảnh: Gabriel Bouys.

Delphine, con cả của Arnault, được cho là ứng cử viên có khả năng lớn tiếp quản vị trí lãnh đạo. Cô được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Christian Dior - thương hiệu lớn thứ hai của LVMH sau Louis Vuitton - vào đầu năm nay.

Nhưng ngoài Delphine, còn có Antoine, người lãnh đạo công ty niêm yết nắm giữ cổ phần của gia đình trong LVMH; Alexandre, người đứng đầu bộ phận sản phẩm và truyền thông tại Tiffany & Co; Frédéric, Giám đốc điều hành của Tag Heuer; và Jean, Giám đốc tiếp thị và phát triển bộ phận đồng hồ của Louis Vuitton.

Nhà phân tích Flavio Cereda của Jefferies cho biết Arnault "đã giao những công việc và trách nhiệm khác nhau cho từng đứa trẻ tùy theo độ tuổi và kinh nghiệm".

"Tôi chắc rằng ông ấy biết chính xác giai đoạn tiếp theo sẽ như thế nào".

Tuy nhiên, Toledano nói thêm bất kỳ quyết định cuối cùng nào về vị trí giám đốc điều hành có thể không được đưa ra cho đến tận phút cuối. Arnault "trên hết là một người thực dụng", ông nói với tờ Wall Street Journal.

"Ông ấy chọn người giỏi nhất tại một thời điểm nhất định khi xem xét các thử thách. Đó là điều vị tỷ phú này đã làm với các quản lý, cố vấn. Tôi nghĩ ông cũng sẽ làm như vậy với các con của mình", Teldano cho biết.

Những cú twist trong gia tộc Murdoch

Khi được hỏi về kế hoạch tìm người kế nhiệm, tỷ phú Rupert Murdoch (92 tuổi) từng có câu nói châm biếm nổi tiếng rằng ông dự định "sống mãi mãi".

Murdoch đã kết hôn 4 lần và có 6 người con. Ông trùm truyền thông có một con gái - Prudence (65 tuổi) - với người vợ đầu tiên Patricia, hiện đã qua đời, 3 người con - Elisabeth (54 tuổi), Lachlan (51 tuổi), James (50 tuổi) - với người vợ thứ hai Anna Torv, và 2 con gái - Grace (22 tuổi) và Chloe (20 tuổi) - với người vợ thứ ba Wendy Deng.

6 người con đều được chia 2 tỷ USD khi Murdoch bán 21st Century Fox cho Walt Disney vào năm 2019.

8 năm trước sinh nhật lần thứ 100 của mình, Murdoch được cho là đang tìm kiếm "một thỏa thuận cuối cùng" để đảm bảo di sản được truyền lại hợp lý.

Cuộc đua thừa kế trong những gia đình giàu nhất thế giới-2

Gia đình tỷ phú Rupert Murdoch. Ảnh: verdict.

Nhưng 4 người con cả của ông đều có quyền phủ quyết đối với những thay đổi cơ bản về quỹ tín thác của gia đình. Grace và Chloe đã trở thành những người thụ hưởng vào năm 2006 nhưng họ không có bất kỳ quyền biểu quyết nào, cũng như không có tiếng nói về cách quản lý quỹ tín thác trong một thập kỷ nữa.

Mọi chuyện vốn đã rắc rối lại càng trở nên phức tạp hơn khi Murdoch tuyên bố làm đám cưới thứ 5 với Ann Lesley Smith (66 tuổi) hồi giữa tháng 3.

Nhưng chỉ 2 tuần sau, các con của tỷ phú đã có thể thở phào khi ông tuyên bố hủy hôn.

Smith được cho có quá khứ phức tạp với những người chồng cũ. Tranh chấp thừa kế trong quá khứ của bà có thể đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với gia tộc Murdoch.

"Đây chính xác là những rắc rối mà con cái ông Murdoch không muốn dính vào và bản thân tỷ phú cũng không muốn xảy ra", Folkenflik, tác giả cuốn sách Murdoch's World (2013), nói.

Chuyển giao thế hệ

Hồi tháng 4/2021, con gái của người sáng lập tập đoàn bán lẻ khổng lồ Inditex của Tây Ban Nha, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Zara, Massimo Dutti, đã được bổ nhiệm làm chủ tịch tiếp theo của công ty trong bước quan trọng nhất của "quy trình chuyển giao thế hệ".

Marta Ortega (39 tuổi), con gái của Amancio Ortega (87 tuổi), người giàu nhất Tây Ban Nha với khối tài sản ước tính 65 tỷ USD, được bổ nhiệm làm người đứng đầu hội đồng quản trị.

Tỷ phú Amancio được cho đã chuẩn bị trước cho quá trình chuyển giao này từ lâu, thay vì để đến phút cuối cùng. Marta có kinh nghiệm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại Zara, công ty chiếm gần 70% doanh thu của Inditex.

Tuy nhiên, vẫn có một số nghi ngờ về năng lực của Marta. Cổ phiếu của công ty đã giảm 6% sau tin tức này.

Cuộc đua thừa kế trong những gia đình giàu nhất thế giới-3

Tỷ phú Amancio Ortega và con gái Marta Ortega. Ảnh: tatler.

Theo nghiên cứu của Đại học Lancaster được công bố trên The Conversation, khi các gia đình giàu có và quyền lực nhất thế giới đối phó với nhiệm vụ khó khăn trong việc lập kế hoạch thừa kế, nó có thể thu hút rất nhiều sự quan tâm.

Trong khi một số doanh nghiệp gia đình phải vật lộn với cuộc tranh giành nội bộ để tìm ra thành viên trẻ hơn trong gia đình nắm quyền kiểm soát, thì những doanh nghiệp khác lại xoay sở để truyền lại tài sản mà không gặp vấn đề gì.

Các công ty gia đình có những hoạt động khác nhau và cân bằng mục tiêu khác nhau. Nhưng có một số mô hình dường như góp phần duy trì hoạt động kinh doanh của những gia đình qua nhiều thế hệ.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 3 giai đoạn chính mà các thành viên trong gia đình phải trải qua để có được quá trình chuyển giao thành công: Đặt ra các quy tắc, chuẩn bị cho người kế nhiệm và truyền lại quyền lực. Bất kỳ trục trặc nào trong những bước này cũng có thể gây ra hậu quả khủng khiếp và người đứng đầu gia tộc luôn cố gắng tránh xa điều này", những người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cuoc-dua-thua-ke-trong-nhung-gia-dinh-giau-nhat-the-gioi-post1424508.html?fbclid=IwAR1pbe3sI0N_ozZRMMrbntzP0WPXA3zQ9zftyC8rWj26xMgUlGXKq90tv5E

thừa kế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.