Cuộc sống lay lắt của "thế hệ thua cuộc" ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp "ăn bám" bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình

Đánh mất cơ hội xin việc ở tuổi đôi mươi, nhiều người Nhật sống khép kín, phụ thuộc vào bố mẹ và tạo ra cái gọi là "thế hệ thua cuộc" ở xứ Phù Tang.

Mỗi cánh cửa chỉ mở duy nhất một lần

Đó là cách người ta thường mô tả về hệ thống tuyển dụng đầy khắt khe của Nhật Bản, trong đó sinh viên đại học chỉ có cơ hội tốt nhất để đạt được một vị trí với mức lương đáng mơ ước trong năm gần tốt nghiệp. 

Những người vượt qua "ải tuyển dụng" đầy gian nan của các công ty sẽ có được một vị trí ổn định, lương thưởng rủng rỉnh, thăng chức thăng hàm đều đều và chẳng còn gì mà phải bận tâm cả, cứ thế làm việc, kết hôn rồi sinh con là vẹn cả trăm bề! Tuy nhiên, nếu không vượt qua "cơn ác mộng" tuyển dụng thì sao? 

Thì buộc phải chấp nhận một công việc lương thấp, bấp bênh và cùng với đó là một tương lai mù mịt, đen kịt chứ sao...

Kể từ năm 2000, đã 1 thập kỷ kể từ khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ, các nhà tuyển dụng hạn chế tuyển dụng người mới để bảo vệ "những người lao động lớn tuổi" và từ đó đã vô tình tạo ra một "thế hệ thua cuộc" là những người trẻ học vấn có, trình độ có, năng lực có, cái gì cũng có chỉ trừ một công việc ổn định với mức lương xứng đáng. 

Cuộc sống lay lắt của thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp ăn bám bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình-1

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, thị trường lao động Nhật Bản đã bước vào “kỷ băng hà thất nghiệp”. 

Chứng kiến cảnh anh trai mình phải vật lộn để lập nghiệp, tôi đã chọn di cư sang Mỹ để theo đuổi sở thích làm báo. Trong những năm qua, tôi đã đọc những câu chuyện về cuộc đời của cái gọi là "thế hệ thua cuộc" ở Nhật Bản. Đối mặt với sự thất nghiệp kéo dài, nhiều người đã kết thúc cuộc sống trong cảnh độc thân và không con cái. Điều tra dân số năm 2015 của Nhật Bản cho thấy có 3,4 triệu người Nhật ở độ tuổi 40 và 50 chưa kết hôn và vẫn sống với cha mẹ của họ.

Điển hình phải kể đến vụ tấn công bằng dao tàn bạo vào tháng 5 năm 2019, trong đó thủ phạm là một người đàn ông khoảng 50 tuổi đã mất việc nhiều năm và sống với người thân. Cảnh sát tỉnh Kanagawa cho biết vụ tấn công làm thiệt mạng 2 người và làm bị thương 18 người khác, trong đó có hơn 10 học sinh ở độ tuổi 6-7 tuổi. 

Đại diện trường Caritas, nơi phần lớn các nạn nhân đang theo học, cho biết vụ tấn công trên xảy ra khi các em học sinh đang tập trung để chờ xe buýt của nhà trường đến đón. Kẻ tấn công đã tử vong sau đó, động cơ thì không được làm rõ nhưng người ta cũng hiểu được rằng cuộc sống thất nghiệp, thu mình trong vỏ bọc cô đơn nhiều năm ít nhiều đã ảnh hưởng đến hành vi của hắn.

Các kênh truyền thông đưa tin về sự việc lúc đó đã ám chỉ tới “vấn đề 8050”, có nghĩa là những người Nhật trung niên, sống ẩn dật cùng với cha mẹ già.

Một tháng sau vụ cuộc tấn công, chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch giúp người thất nghiệp ở độ tuổi 20 có những công việc toàn thời gian, với mục tiêu hỗ trợ 300.000 người trong 3 năm.

Theo khảo sát của Chính phủ Nhật Bản vào tháng 3 năm 2019, nước này ước tính có khoảng 613.000 Hikikomori ở độ tuổi trung niên. 

Hikikomori là một hiện tượng mới xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây ở Nhật Bản. Nó chỉ những người từ chối tham gia vào đời sống xã hội, tự giam mình trong nhà dài hơn 6 tháng.

Trong số những người ở độ tuổi ngoài 40, cứ 3 người thì có 1 người "ở ẩn" như vậy vì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc ổn định công việc sau khi học xong đại học.

Việc xác định đối tượng phỏng vấn không khó bằng việc khiến họ mở lòng với một nhà báo. Một lợi thế là chúng tôi ở cùng một thế hệ. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy xấu hổ khi họ đã thất bại trong việc trở thành một người thành công theo khuôn mẫu của cha mẹ họ. Vì thế, cuộc trò chuyện của chúng tôi rất khó xử và đau buồn.

Tôi đã rất vui khi một nhân viên xã hội giới thiệu cho một người đang phục hồi tâm lý để tái hoà nhập thế giới. Đó cũng là lúc tôi gặp được một hikikomori, người đã vượt qua sự cô lập của chính mình và đang giúp những người khác làm điều tương tự. Những cuộc gặp gỡ đó khiến tôi hy vọng rằng với một số ít nào đó, cánh cửa có thể mở ra một lần nữa...

Bài toán mang tên "8050"

Khái niệm này đề cập đến một nhóm cha mẹ ở độ tuổi 80 phải chăm sóc con cái đã ngoài 50. Trường hợp của Michinao Kono (tên đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư) là ví dụ rõ ràng cho vấn đề này.

Kono 45 tuổi, thất nghiệp và chưa bao giờ rời khỏi nhà cha mẹ ở tỉnh Nara. Anh cảm thấy bối rối khi nghĩ rằng xã hội Nhật coi những người như anh là "quả bom hẹn giờ". 

Cuộc sống lay lắt của thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp ăn bám bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình-2

"Tôi sẽ không thành kẻ phạm tội, nhưng tôi nghĩ bản thân phải chấm dứt việc ở trong nhà vì tình hình kinh tế của tôi đang dần đi vào ngõ cụt", anh nói.

Kono được định sẵn từ khi sinh ra là có một tương lai "đầy hứa hẹn". Cha anh làm việc cho một trong những tập đoàn kinh tế lớn, nòng cốt của Nhật Bản. Ông đã có xe, có một ngôi nhà khang trang và mảnh sân trước và như vậy, gia đình Kono được xếp vào hàng trung lưu. 

Bản thân Kono đã từng đậu trường Đại học Kyoto, trường đại học lâu đời thứ hai xứ Phù Tang và là một trong những trường được chọn lọc nhiều nhất, nhưng việc thiếu các kỹ năng xã hội khiến anh trở thành kẻ cô độc. Anh nói đó là hậu quả của việc anh bị bắt nạt ở trường cấp 2.

Cuộc sống lay lắt của thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp ăn bám bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình-3

Trong năm thứ 3 và thứ 4 ở trường đại học, hộp thư của Kono bắt đầu tràn ngập lời mời tham gia tuyển dụng, giống như các bạn cùng lớp còn lại. (Ngay cả đang trong thời kỳ kinh tế bất ổn của những năm 1990, sinh viên Đại học Kyoto vẫn "đắt giá"). Tuy nhiên, anh vẫn không tham gia nghi lễ được gọi là shushoku katsudo - hoạt động tuyển dụng mà tại đó các sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ mặc những bộ vest trịnh trọng để tham dự các ngày hội tuyển dụng được tổ chức ngay tại trường.

Kono thường xuyên trốn học, đến nỗi sau 8 năm đại học vẫn chưa thể tốt nghiệp. Bị buộc rời khỏi trường, anh cũng không cố gắng tìm việc. "Đó là kỷ băng hà việc làm. Tôi đã nghĩ rằng ngay cả khi mình cố gắng, sẽ chỉ vô ích thôi", anh giải thích.

Anh tự nhốt mình trong căn phòng trong ngôi nhà của cha mẹ. Ngày trở thành tuần, thành tháng, thành năm. Khi cảm thấy thích thú, anh sẽ tham dự các buổi hòa nhạc của nhóm nhạc pop nữ Morning Musume. Anh tự đặt vé máy bay giá rẻ đến Đông Á và Đông Nam Á. “Trong tâm trí, tôi biết mình sẽ chẳng đi đến đâu và tốt hơn hết là tôi nên từ bỏ", anh nhớ lại. 

Kono được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hàng ngày, còn những món đồ đắt đỏ hơn thì mua bằng thẻ tín dụng và đã nợ khoảng 3 triệu yên trước khi vỡ nợ. Giờ thì Kono và bố mẹ đang sống dựa vào tiền lương hưu của người bố. "Tôi đã tự đào hố chôn mình, trốn tránh thực tế. Cuộc sống của tôi đã chệch hướng rất nhiều".

Khi chiếc thuyền dường như đã gần chìm, Kono tình cờ gặp Takaaki Yamada, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận ở Kyoto, Kono như sắp chết đuối vớ được phao cứu sinh. Nhóm tiếp cận những người ở tuổi trung niên, mục đích kết nối họ lại với xã hội trước khi cha mẹ già qua đời.

Mùa hè năm 2019, Kono đã nộp đơn cho 3 công việc văn thư, anh không biết mình sẽ phải cạnh tranh với 1.815 ứng viên khác. Đến tháng 11, anh nhận công việc rửa bát tại một nhà hàng ramen, kiếm được khoảng 150.000 yên/tháng, chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút. Kono ý thức được bố mẹ sẽ không sống được lâu nữa. Bố anh không còn lái được xe và mẹ bị cong cột sống. "Tôi muốn đứng dậy và để họ yên tâm về tôi khi họ còn sống", anh nói.

Cuộc sống lay lắt của thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp ăn bám bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình-4

Ảnh: Maika Elan.

Thị trưởng của Takarazuka, Tomoko Nakagawa, 73 tuổi, nói rằng bà hối tiếc vì đã không làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề thất nghiệp cho thế hệ này khi bà là một nhà lập pháp quốc gia từ năm 1996 đến năm 2003, ngay cả sau khi chứng kiến con trai và con gái của mình, hiện đã 40 tuổi, chật vật tìm việc làm. “Tôi đã không thấy bản chất của vấn đề này. Đây là thế hệ buộc phải bơi trong làn nước âm u, mịt mù".

Theo lời mời của Kono, tôi đến Nara vào giữa tháng 1 để tham dự một hội thảo mà anh ấy tự tổ chức vào tháng 7 năm 2019. Không có đồng thù lao nào cả nhưng Kono vẫn cố gắng để có thêm dòng mô tả kỹ năng trong sơ yếu lý lịch để tìm việc.

Khi tôi đến địa chỉ anh ấy đưa, tôi leo lên cầu thang và nhìn thấy một tấm biển có nội dung “Phòng họp 3: Nhóm công dân để xem xét vấn đề 8050”. Ngoài Kono, căn phòng còn có 10 người khác. Anh ấy bắt đầu buổi giao lưu bằng cách kể lại câu chuyện cá nhân của mình. Một người đàn ông 33 tuổi sau đó cho biết anh ta đã về quê được vài năm kể từ khi bỏ học sau đại học. Một người phụ nữ 46 tuổi sống với mẹ cho biết không còn đủ sức khỏe để làm việc sau nhiều năm sống khép kín. Một người đàn ông 44 tuổi có bằng đại học tự hỏi anh ta có thể chịu đựng được bao lâu khi làm công việc nặng nhọc, lao động chân tay, chẳng hạn như phát tờ rơi.

Một người đàn ông ở độ tuổi U70 kể về cậu con trai của mình, kể từ khi thi trượt đại học cách đây hai thập kỷ, cậu ấy đã dành cả ngày trong phòng, hầu như là xem TV và lướt Internet. "Ông có nói chuyện với con trai về những gì anh ấy muốn làm trong tương lai không?", Kono hỏi, khoanh tay ngồi vào bàn. Người cha nói rằng đã có một lần, nhưng chẳng có thêm lần nào nữa. 

Khi Kono hỏi liệu thanh niên ấy có bạn bè nào không, người đàn ông lớn tuổi trả lời: "Không có".

Cuộc hội thoại làm tôi nhớ tới chuyện Kono kể về việc bố anh từng làm phiền anh bằng cách nói tới việc làm và sau đó 2 người không còn nói về tương lai nữa. Sau đó, anh ấy ý thức hơn về việc bố mẹ mình sắp đi hết cuộc đời: bố anh không còn lái xe được nữa, còn lưng của mẹ anh thì ngày càng gù theo tuổi tác.

Sau khi dừng công việc rửa bát, Kono đã nộp đơn xin làm một số công việc văn thư trong cơ quan nhà nước. Anh bị từ chối 3 lần và đang chờ phản hồi từ những nơi khác. Các công ty tư nhân đang cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của Covid-19, vì thế đây có lẽ là lựa chọn duy nhất của anh. “Đây là cơ hội cuối cùng để tôi tái hòa nhập xã hội”.

Phụ nữ và những công việc tạm bợ, không có tương lai

Trên giấy tờ, Yu Takekawa (38 tuổi) là hiện thân của người phụ nữ Nhật Bản tự do. Cô có bằng thạc sĩ, làm việc toàn thời gian tại 4 công ty và đã xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết.

Nhưng thực tế thì Takekawa đã thất nghiệp từ tháng 3 và phải sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền tiết kiệm. Cô thường xuyên nhịn bữa tối để tiết kiệm tiền, và cô ấy không thể nhớ lần cuối cùng mình đi nghỉ là khi nào. 

Một điều an ủi của cô là đại dịch đã cho phép cô có thời gian để viết xong cuốn sách thứ 3 của mình, cuốn sách này sẽ mang lại cho cô một khoản tiền khiêm tốn khi xuất bản xong. “Nếu không có cuốn tiểu thuyết, tôi thực sự nghĩ rằng cuộc đời mình đã trôi tuột khỏi bờ vực", Takekawa nói khi tôi nói chuyện với cô qua điện thoại.

Cuộc sống lay lắt của thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp ăn bám bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình-5

Takekawa đã thất nghiệp từ tháng 3 và phải sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền tiết kiệm.

Giống như nhiều người trong thế hệ của mình, Takekawa đã phải vật lộn để tìm được chỗ đứng của mình trong thế giới việc làm. Cô theo học Đại học Rikkyo, một trường nghệ thuật tự do được đánh giá cao ở Tokyo, và bắt đầu tìm việc khi vẫn còn là học sinh trung học, theo truyền thống ở Nhật Bản. 

Mặc dù đã chọn chuyên ngành văn học Đức, nhưng cô đã đưa ra quyết định mang tính chiến lược là tìm việc làm tại một công ty phân phối vì nhận thấy loại công việc này có thể giúp cô dễ dàng tồn tại hơn trong cuộc suy thoái tái diễn ở Nhật Bản.

Sau khi có bằng thạc sĩ, Takekawa được nhận vào làm trong một công ty xây dựng lớn ở Tokyo. Cha cô đã dành cả cuộc đời để làm nhân viên kinh doanh ở đây, và cô con gái 24 tuổi cho rằng mình cũng có thể làm như vậy nếu cô muốn. 

Thế nhưng, vị trí biên tập catalog chẳng mang đến tương lai. Hầu như tất cả các nhân viên từng làm ở vị trí này đều là nữ độc thân và vẫn sống với bố mẹ. Thu nhập của họ thấp hơn 30% so với những đồng nghiệp nam làm công việc tương tự. Thông lệ là họ sẽ nghỉ việc sau khi kết hôn. Cảm thấy tương lai quá bấp bênh, Takekawa quyết định nghỉ việc sau 2,5 năm.

Công việc tiếp theo là phóng viên tại 1 tờ báo về thương nghiệp. Lương cao hơn và cô cũng không phải rót nước pha trà cho các đồng nghiệp nam như trước. Nhưng thỉnh thoảng Takekawa phải làm việc quá sức, khiến cô phải uống thuốc chống suy nhược. Cuối cùng cô phải nghỉ việc và quay trở về sống cùng cha mẹ.

Sự thất vọng của một người cha

Tadakatsu Kinjo là con út trong gia đình 5 con, ông rời Okinawa năm 18 tuổi và tới Tokyo với mong muốn trở thành người viết kịch bản phim nhưng số phận đưa đẩy khiến nó mãi mãi chỉ là giấc mơ. 

Ông sinh ra ở thời kỳ "bùng nổ dân số", việc tìm kiếm việc làm khá dễ dàng, đặc biệt trong nhà máy – nơi các kỹ năng tương tác cá nhân không quan trọng bằng bây giờ. Sau nhiều lần thay đổi, ông gắn bó với nghề kỹ sư điện và làm công việc bảo trì các tòa nhà, thu nhập tốt. Tuy nhiên con trai khiến ông xấu hổ, vì cứ tự nhốt mình trong nhà để... chơi điện tử.

Cuộc sống lay lắt của thế hệ thua cuộc ở Nhật Bản: Nửa cuối đời vẫn thất nghiệp ăn bám bố mẹ, trở thành nỗi xấu hổ của gia đình-6

Cậu con trai "ăn không ngồi rồi" khiến ông Tadakatsu Kinjo không thể yên tâm.

Khi con trai tốt nghiệp trung học mà không có chút định hướng nghề nghiệp nào, ông giúp con tìm đủ công việc từ bảo vệ, tạp vụ đến cả công việc bảo dưỡng tòa nhà như ông đang làm. Nhưng chàng trai trẻ thường xuyên đi muộn, ăn trưa một mình, không nói chuyện với ai và thậm chí không tham gia các bữa tiệc vốn là phần tất yếu trong văn hóa công sở Nhật Bản. Cậu ấy thường bỏ việc khi chưa đến 1 năm. Và trong quãng thời gian không có việc làm, cậu sẽ nhốt mình trong phòng.

Kinjo từng tin tưởng rằng con trai mình chắc chắn sẽ có được cuộc sống tốt hơn bản thân ông. Tuy nhiên, giờ đã 75 tuổi, ông đã hết hy vọng.

Người Nhật vốn điển hình bởi thái độ sống tự lập tự cường. Mọi trẻ em Nhật Bản đều được giáo dục lối sống nỗ lực, kiên nhẫn vượt mọi trở ngại từ thuở nhỏ.

Thanh thiếu niên Nhật vừa bước sang tuổi lao động (15 tuổi) là đã lo kiếm việc làm thêm. Thay vì xin tiền người lớn, giới trẻ Nhật thích tự kiếm và hạnh phúc với việc chi trả cho sở thích riêng bằng chính tiền của mình.

Ít ai biết rằng, thực tế, có tới 2 kiểu Hikikomori cơ bản ở Nhật Bản. 

- Kiểu thứ nhất là sợ tiếp xúc xã hội, không dám ra ngoài, đi làm. 

- Kiểu thứ hai là quá mê thế giới ảo, bao gồm từ truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime), trò chơi điện tử (game)… cố ý "chết dí trong phòng", xem-đọc-nghe-chơi cho thỏa thích. 

Trong hai kiểu này, kiểu thứ 2 hay được gọi bằng cái tên khác: otaku. Cả 2 kiểu Hikikomori đều chung một đặc điểm: "sống ký sinh". Với nền văn hóa coi trọng sự tự lập, đó là cách tồn tại đáng chê trách nhất. Người Nhật rất khinh thị những ai "sức dài vai rộng" mà lại không "tự kiếm nổi miếng ăn". 

Thế nên, các bậc sinh thành có con cái Hikikomori thường không dám để lộ cho bên ngoài biết và tất nhiên, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ với những đứa con "ăn bám" của mình.

*Bài viết dựa theo quan điểm của tác giả Yoshiaki Nohara đăng trên tờ Bloomberg ngày 1/10/2020*

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://afamily.vn/cuoc-song-lay-lat-cua-the-he-thua-cuoc-o-nhat-ban-nua-cuoi-doi-van-that-nghiep-an-bam-bo-me-tro-thanh-noi-xau-ho-cua-gia-dinh-20201027155010392.chn?fbclid=IwAR2EOnEUZB81pllVHUX4XLLtDw6pQA3Cw1pfKdQIElo8YNUpxq5oPKqgdNc

Nhật Bản


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.