Cuộc sống trên tàu cá Trung Quốc: Làm 24 giờ không ngủ, thi thể bị đẩy xuống biển

Một ngư dân Indonesia đã nhảy khỏi tàu cá Trung Quốc xuống vùng biển Somali trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm trốn thoát khỏi điều kiện làm việc kinh hoàng.

NGƯ DÂN THIỆT MẠNG BỊ VỨT XUỐNG BIỂN
Brando Brayend Tewuh, 29 tuổi, vào tháng 8 vừa qua đã nhảy khỏi tàu cá cùng với 3 người đồng hương khác rồi sau đó bơi vào bờ biển Somali. Tuy nhiên, nỗ lực của họ không thành, bởi sau vài giờ bơi dưới biển, 3 trong số 4 người đã được chính chiếc tàu đó vớt lên, còn người thứ 4 được cho đã thiệt mạng dưới biển.

Cuộc sống trên tàu cá Trung Quốc: Làm 24 giờ không ngủ, thi thể bị đẩy xuống biển-1Aji Proyogo (hàng trước, tóc dài) thiệt mạng sau khi nhảy xuống biển trong nỗ lực trốn thoát. Ảnh: SCMP.

"Tôi sẽ không bao giờ làm việc trên con tàu đó một lần nữa", Tewuh kể lại câu chuyện của mình, sau khi anh được giải thoát nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng Indonesia và Somali.

Tewuh nhớ lại quãng thời gian làm việc trong nhiều tháng liền mà không được trả lương, "chúng tôi làm liên tục trong 24h đồng hồ mà không ngủ và với chỉ một ít thức ăn", sau khi kí hợp đồng làm việc một năm trên con tàu thuộc đội tàu Liao Dong Yu.

Sự kiện chết người đầu tiên mà anh chứng kiến là vào tháng 7/2020, khi anh cùng các đồng nghiệp vừa kết thúc ca làm việc 24h mà không ngủ. Khi đang ăn trưa, tiếng chuông reo gọi tất cả lên boong tàu để kéo lưới.

"Lưới đánh cá lúc đó rất nặng. Khi kéo lên, dây buộc bị đứt và tấm lưới rơi trúng một thuyền viên người Trung Quốc tên Zhou Hsun Wei", Tewuh nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ phía Bắc Sulawesi, Indonesia.

Vụ va chạm đã khiến Zhou rơi xuống biển, và thi thể của người này chỉ được phát hiện 5 tiếng sau đó, khi các thuỷ thủ kéo một tấm lưới đánh cá khác.

"Tại sao một người tốt như Zhou Hsun Wei phải chết theo cách này", Tewuh nói trong nước mắt.

"Anh ấy là một trong số những thuỷ thủ Trung Quốc tôta bụng, chia sẻ nước uống và thức ăn với chúng tôi".

Thi thể của Zhou, 35 tuổi, ban đầu được giữ trong tủ đông lạnh nhưng sau đó bị đẩy xuống biển, Tewuh nói và cho rằng gia đình của Zhou "đáng ra nên có cơ hội để nhìn lại thi thể của người thân mình".

Một năm sau, một tai nạn tương tự đã xảy ra trên một con tàu khác cũng thuộc đội tàu Liao Dong Yu.

Lần này, đoạn dây buộc lưới cũng bị đứt và va vào hai thuyền viên người Indonesia. Một người chết trên tàu, và người còn lại thì rơi xuống biển, và có lẽ thi thể sẽ không bao giờ tìm được.

"Sau vụ việc, tôi và các bạn mình lo rằng điều tương tự rồi sẽ xảy ra với chúng tôi", Tewuh nói.

Hành trình trốn thoát
Anh nói rằng thuyền trưởng con tàu là "người xấu" và thường xuyên đánh đập các thuyền viên Trung Quốc và Indonesia cho tới khi "họ chảy máu" chỉ vì những sai phạm nhỏ nhất.

Kể cả khi hợp đồng của Tewuh kết thúc vào tháng 12/2020, những trải nghiệm kinh hoàng của anh vẫn không kết thúc, khi con tàu mà Tewuh đang làm việc từ chối cho anh rời thuyền. Không còn cách nào khác, Tewuh phải tiếp tục làm việc để đổi lấy thức ăn, nhưng không có tiền lương.

Nhưng đến tháng 5, anh từ chối làm việc tiếp. Vào giữa tháng 6, Tewuh đã liên lạc được với cha mẹ mình bằng điện thoại và nói về tình hình trên tàu. Anh cũng gửi các hình ảnh lên Facebook. Đoạn video sau đó đã nhận được sự chú ý từ Tổ chức giám sát đánh cá tận diệt Indonesia (DFW), nhưng điều này chỉ diễn ra sau khi Tewuh và 3 người khác quyết định nhảy xuống biển vào buổi đêm ngày 15/8.

"Chúng tôi không biết mình đang ở đâu và bờ thì rất xa. Tất cả cố gắng ở gần nhau nhưng các đợt sóng lớn khiến tôi và 2 người khác bị trôi ra xa", Tewuh nhớ lại.

Anh và bạn mình là Aji Proyogo giữ chặt tay nhau nhưng rồi bị tách ra nhiều giờ sau đó khi bị con tàu họ cố gắng trốn thoát phát hiện.

"Con tàu thấy chúng tôi và quăng dây xuống. Tôi tiến tới và nắm lấy sợi dây, Aji thì trượt tay khỏi tôi và biến mất. Đến nay vẫn chưa thể tìm thấy thi thể của anh ấy". 2 người khác sau đó cũng được con tàu tìm thấy.

Dù việc trốn thoát không thành công, Tewuh và 11 người Indonesia đã được chủ tàu cho hồi hương vào ngày 28/8 trước sức ép từ DFW, Tổ chức Công lý Môi trường, Phái đoàn Công lý Quốc tế, chính phủ Somali và Indonesia.

HIện đang thất nghiệp, nhưng Tewuh hi vọng sẽ có thể tự tìm con đường lập nghiệp riêng để giúp đỡ gia đình, nhưng hiện anh không còn nguồn tài chính bởi công ty tàu cá vẫn giữ lương và bản thân thì không biết bao giờ sẽ được nhận lại.

Moh Abdi Suhufan, điều phối quốc gia của DFW, nói rằng ít nhất 35 người Indonesia làm việc trên các tàu cá nước ngoài đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019-3/2021.

Trong số này, 82% làm việc trên các tàu cá Trung Quốc.

"Họ chết bởi nhiều lý do khác nhau – bệnh tật, bạo hành dưới dạng đánh đập, tra tấn, sát hại, điều kiện làm việc túng thiếu, hay thiếu thốn nước và thức ăn", Abdi nói. "Các yếu tố này khiến những thuyền viên đối mặt với nguy cơ cao về an toàn và bị lạm dụng".

Abdi nói rằng nhiều thuyền viên được tuyển dụng một cách bất hợp pháp bởi các công ty chui không đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Dù không rõ con số chính xác, ước tính ít nhất 300.000 người Indonesia đang làm việc trên các tàu thuyền đánh cá cả hợp pháp và phi pháp, Abdi nói.

Những người này thường được trả khoảng 350-400 đô mỗi tháng, nhưng thường các công ty môi giới sẽ giữ lại một phần lương hoặc thậm chí tất cả, rồi sau đó "biến mất", Abdi nói thêm. "Họ là các nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức và buôn người, tất cả không có bất cứ sự bảo hộ nào khi làm việc ở nước ngoài".

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước việc chính phủ Indonesia không thể triệt phá các công ty dạng này hiện đang tuyển lao động phi pháp mà không tuân thủ bất cứ quy định này", Abdi nói.

Hiện đơn vị chủ sở hữu đội tàu Liao Dong Yu vẫn chưa phản hồi về thông tin này.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/cuoc-song-tren-tau-ca-trung-quoc-lam-24-gio-khong-ngu-thi-the-bi-day-xuong-bien-16121041107052329.htm

ngư dân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.