Suốt một đời cống hiến hết mình cho văn chương, viết lách, Kim Dung đã xây dựng nên một thế giới võ hiệp đồ sộ tới mức hậu thế sẽ còn đem ra làm chủ đề bàn luận trong nhiều năm sau khi ông mất. Vậy nhưng ẩn sâu bên trong những quyền - cước - binh - đao biển ảo vô cùng, giá trị văn hóa được ông truyền tải sau cùng vẫn là những hành trình cảm xúc lãng mạn trong một thế giới phóng khoáng vô biên.
Có lẽ chỉ ngâm nhẹ hai câu đề tựa kể trên, trong lòng nhiều người trẻ thuộc thế hệ 9X, 8X và cả 7X sẽ bồi hồi, dậy sóng trong lòng khúc tiêu réo rắt giữa bầu trời thảo nguyên Mông Cổ, hay cánh cung kiêu hùng bắn rơi chim điêu giữa đại mạc bao la trong phiên bản điện ảnh năm 2003 của danh tác “Anh hùng xạ điêu”. Có lẽ, giữa thời đại mà phim bộ Trung Quốc đã phát triển quá đà với những Diên Hy Công Lược, Như Ý Truyện hay nhiều bộ phim sắc hiệp đội lốt võ lâm thì đôi khi người ta lại nhớ về cái thời xưa cũ ấy, khi những tác phẩm kiếm hiệp của “nhất đại tông sư” - nhà văn Kim Dung được chuyển thể thành phim - mộc mạc mà cuốn hút dữ dội. Tuổi thơ của chúng ta, có lẽ ít ai không lớn lên cùng với những Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu tam bộ khúc, Tiếu ngạo giang hồ hay Lộc Đỉnh ký, với những trưa hè và đêm muộn ôm chiếc TV hộp, xoay tới xoay lui chiếc anten để nhìn cho rõ nội công tâm pháp của các anh hùng hào kiệt Trung Nguyên năm nào.
Và rồi, chúng ta cứ thế lớn lên, còn Kim Dung thì đã dừng sự nghiệp viết lách của mình vào thập niên 1970 với tác phẩm cuối cùng là Lộc Đỉnh Ký. Vậy nhưng, những dấu ấn của ông vẫn ghi đậm trong lòng người yêu kiếm hiệp nhiều thế hệ với các phiên bản điện ảnh được xây dựng bởi nhiều nhà đài khác nhau. Ngày 30/10/2018, Kim Dung qua đời, hưởng thọ 94 tuổi. Ông để lại những thương tiếc vô bờ trong lòng người hâm mộ, và rồi người ta lại được dịp hoài niệm về những hồi ức ngọt ngào về thế giới võ học rộng lớn đã được Kim Dung dày công xây dựng và cống hiến trong suốt hơn 60 năm qua.
Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6 tháng 2 năm 1924, tại trấn Viên hoa, huyện Hải Ninh, Chiết Giang, Trung Quốc. Thuở nhỏ, ông được tiếng là thông minh, lanh lợi và nghịch ngợm, đồng thời vô cùng yêu thích những truyền thuyết địa phương, đặc biệt là với những ngọn triều dữ dội trên con sông Tiền Đường.
Cậu bé Tra Lương Dung lớn lên trong kho sách đồ sộ của gia đình và sớm yêu lấy cái nghiệp văn chương, viết lách. Đam mê sách vở, lại ham học nên cậu nhanh chóng được thầy yêu, bạn mến; một số bài văn của cậu học sinh tiểu học Tra Lương Dung ngày ấy thậm chí còn được chọn đăng trên Đông Nam Nhật Báo - tờ báo lớn nhất Trung Quốc vào thời bấy giờ.
Bạn có biết rằng, tác phẩm đầu tiên của Kim Dung không phải là một tiểu thuyết võ hiệp? Và tác phẩm thứ hai, thứ ba cũng vậy? Ấn bản đầu tiên của Kim Dung thực chất lại là một cuốn… cẩm nang thi cử mang tên “Điều cần biết cho người thi vào sơ trung” - thành tựu nhỏ này đã được nhà sách chính quy xuất bản và được coi là dấu mốc viết lách đầu đời của ông. Cậu bé Tra Lương Dung ngày đó ắt hẳn không ngờ sẽ có ngày những cuốn sách khác của mình được bán ra tới 300 triệu bản trên toàn thế giới.
Cuốn sách thứ hai của Kim Dung, thú vị thay, là cẩm nang để… thi lên bậc cao hơn. Cuốn “Dành cho người thi vào cao trung” của ông cũng được xuất bán và bán rất chạy, đem lại cho ông những món hời nhuận bút đầu đời. Kim Dung sau đó cũng chưa vội bén duyên với tiểu thuyết võ hiệp mà còn viết nhiều tác phẩm trào phúng, biên kịch và phê bình văn học, điện ảnh khác.
Phải tới năm 1955, với sự giúp đỡ và ủng hộ của hai người bạn thân, Kim Dung mới viết tác phẩm võ hiệp đầu tiên là Thư Kiếm Ân Cừu Lục, được đăng tải hàng ngày trên Hương Cảng Tân Báo. Cũng từ đây, bút danh Kim Dung xuất hiện. Hai chữ "Kim Dung" 金庸 là chiết tự từ chữ "Dung" 鏞, tên thật của ông, nghĩa là "cái chuông lớn"; đồng thời cũng khiến ông được biết tới như người đi đầu, khai tông ra Tân phái của thể loại tiểu thuyết võ hiệp. Tiếp đó, bộ Bích huyết kiếm của Kim Dung cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, mở đường cho ông tiến sâu vào văn đoàn với những Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu tam bộ khúc hay Tiếu ngạo giang hồ.
Một đời người cống hiến cho nghiệp văn chương, cái tên Kim Dung đã được đặt cho một tiểu hành tinh tên 10930 Jinyong - được tìm ra vào ngày trùng với sinh nhật âm lịch 6-2 của ông. Giờ đây, khi Kim Dung đã thanh thản ra đi, có lẽ ở đâu đó trên bầu trời xa kia, ông đã tìm được ngôi sao của chính mình rồi.
Ngày nay, nhắc tới vũ trụ điện ảnh, người ta hay nghĩ tới hai cái tên lớn là DC Universe và Marvel comic. Vậy nhưng, từ trước khi các tác phẩm truyện tranh nọ được chuyển thể thành phim ảnh thì ở Trung Quốc xa xôi, với những luồng tư tưởng độc lập, Kim Dung đã xây dựng nên thế giới võ hiệp phong phú và đa dạng của mình.
Trải một đời tích cực hoạt động trên văn đàn, báo chí, Kim Dung được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng lớn nhất tới văn hóa đại chúng Trung Quốc cũng như nhiều cộng đồng người nói tiếng Hoa trong suốt nhiều thập niên qua. Cái tên của ông cũng nổi tiếng ở Việt Nam tới mức nhiều người hay đùa, mỗi năm được xem đi lấy kinh một lần thì được xem chưởng pháp của Kim Dung tới 3 - 4 lần; còn cái tên “Doãn Chí Bình” thì dường như đã trở thành một tính từ trên mạng xã hội Việt Nam rồi. Không có ai trong số chúng ta lớn lên mà không một lần nghe tới Kim Dung, không một nhà sách cũ nào không có truyện Kim Dung, không một trang đọc truyện chữ online nào không có danh tác của Kim Dung. Bạn có thể không đọc Kim Dung, nhưng bạn chắc chắn bắt về Kim Dung - có bao nhiêu tác giả có thể làm được điều đó, ít nhất là tại một quốc gia không thực sự đọc nhiều như Việt Nam?
Điều khiến nhiều người đam mê tiểu thuyết của Kim Dung nằm ở tuyến truyện mạch lạc và có sự liên kết chặt chẽ tới bất ngờ - dù là hư cấu - tạo nên một vũ trụ kiếm hiệp hoàn chỉnh có luân hồi, đầu kết. Kể từ Thiên Long Bát Bộ trở đi, Kim Dung đã xây dựng một tổng thể to lớn và hài hòa với hàng trăm nhân vật; mỗi người lại có những môn phái, chiêu thức và quan trọng hơn là cá tính và câu chuyện phông nền rất riêng.
Điều này được đặc biệt thể hiện ở Xạ Điêu Tam Bộ Khúc - bộ ba đại tác phẩm thường xuyên được chuyển thể thành phim điện ảnh của Kim Dung - khi mà từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện về cặp anh hùng Quách Tĩnh - Hoàng Dung lại tác động trực tiếp tới những đại cục trong Thần Điều đại hiệp và Ỷ Thiên Đồ Long ký - xảy ra sau thời đại Anh hùng xạ điêu ngót trăm năm. Thêm nữa, những tình tiết hư cấu của Kim Dung cũng phần nhiều dựa trên các sự kiện lịch sử, khiến cho người đọc có căn cơ lịch sử lại càng thêm cảm mến văn phong và cái đầu tinh tế của ông.
Kim Dung cũng xứng đáng được vinh danh là một đại sứ văn hóa của Trung Quốc, khi mà các yếu tố võ thuật trong truyện của ông phần nhiều đều được xây dựng từ nền tảng văn hóa có thật. Thiếu Lâm Tự - trung tâm Phật giáo Trung Quốc - được ông xây dựng thành Thái Sơn Bắc đầu của võ lâm Trung Nguyên, vậy là người ta nô nức tìm đến thăm núi Thiếu Thất, Trịnh Châu, những mong được mục kích những phiên bản đời thực của Tảo Địa Thần Tăng hay Tàng Kinh Các; Kim Dung viết về Võ Đang, vậy là môn phái dưỡng sinh này được người ta tìm hiểu tới tận gốc gác về nhất đại tông sư Trương Tam Sơn và vùng Thập Yển, Đan Giang Khẩu. Từng địa danh của Trung Quốc rộng lớn, mọi thời đại thăng trầm của lịch sử, qua ngòi bút của Kim Dung đã khởi tạo nên những chuyến phiêu lưu bất tận với chủ đề hành hiệp trượng nghĩa quen thuộc mà chưa bao giờ đánh mất tinh thần lãng mạn, tươi mới.
Cần phải nói rằng, điểm hấp dẫn nhất trong truyện của Kim Dung thực tế lại không đến từ những chiêu số võ công. Vì, nếu nó đến từ các tuyệt học giang hồ ấy thì tại sao nhiều người vẫn mê đắm truyện Kim Dung, xem phim chuyển thể từ tác phẩm của ông mà đôi khi vẫn chẳng nhớ Đấu chuyển tinh di là tâm pháp trong bộ truyện nào, hay Cửu Dương thần công và Cửu âm chân kinh khác gì nhau? Không, điều khiến người ta yêu thích và đắm chìm vào thế giới lãng mạn của Kim Dung không (chỉ) nằm ở những trận Tụ Hiền Trang hay Quang Minh Đính; nó đến từ mối quan hệ sâu sắc giữa những người không tầm thường để hướng tới cái chân - thiện - mỹ trong lòng mỗi người bình thường - chính là độc giả chúng ta.
Trừ Lộc Đỉnh Ký, hầu như toàn bộ các nhân vật chính của Kim Dung đều được xây dựng với bản tính hướng thiện và số phận éo le tới khó đỡ. Một Đoàn Dự đôn hậu nhưng trắc trở tình trường, một Kiều Phong hào sảng nhưng sau cùng phải tự tận, gieo xác nơi Nhạn Môn Quan. Rồi Quách Tĩnh ngu ngơ tốt bụng, vì thời thế mà phải gánh vác đại nghiệp trong cảnh mất cha, mất mẹ; Trương Vô Kỵ hay Dương Quá thì lớn lên thân cô thế cô, lưu lạc bốn bể giang hồ - dường như Kim Dung rất thích đày đọa nhân vật chính của mình, thử thách nghĩa khí của họ qua nhiều biến cố éo le trước khi vươn tới đỉnh cao võ học và danh vị - một phép ẩn dụ cho hành trình tu dưỡng và trưởng thành của mỗi con người ở thời đoạn đơm hoa, kết trái.
Sự nghiệp sáng tác đồ sộ đã đem lại cho Kim Dung danh xưng trừu mến “Minh chủ võ lâm” từ người hâm mộ, và điều thú vị là ông lại chọn một tác phẩm như “Lộc đỉnh ký” để đặt dấu chấm hết gây tranh cãi bất tận cho sự nghiệp của mình. Khác với hành trình quen thuộc “hành hiệp - trượng nghĩa” thường thấy, Vi Tiểu Bảo của Kim Dung chính xác là một gã vô lại, và giải thích về gã vô lại này, ông đã nói rằng: “Nếu nhân vật trong tiểu thuyết mà mười phân vẹn mười thì không thể chân thực được. Trong số độc giả của tôi có rất nhiều thiêu niên, vậy thì xin hãy nhớ rằng Vi Tiểu Bảo là một gã vô lại trọng nghĩa khí. Hãy học theo phẩm đức tốt, còn những thứ còn lại của gã thì ngàn vạn lần không nên học theo.”
Bên cạnh việc chiêu số và nội công trong truyện thui chột theo thời gian và cốt truyện bị chính nhiều fan ruột kêu ca phàn nàn thì Lộc Đỉnh Ký được Kim Dung coi là tác phẩm “hay” nhất của mình. Kết thúc sự nghiệp văn đàn bằng tác phẩm có thể không được yêu thích như các bộ tiểu thuyết trước, nhưng lại là đứa con tinh thần ưng ý nhất, Kim Dung thanh thản xếp bút nghiên, chuyên tâm tu bổ và sửa chữa đại tuyển tập của mình trong suốt những năm tháng sau đó.
Buổi chiều ngày Kim Dung mất, con trai của ông nói rằng đó là một ngày “bình yên và thanh thản”. Dĩ nhiên rồi, sẽ có nhưng tiếc thương, những hoài niệm về những ngày đã qua nhưng tuyệt nhiên sẽ không có một chút hối tiếc nào, khi “Minh chủ võ lâm” đã sống một đời dài hạnh phúc, được sống hết mình trong cái thế giới lãng mạn và tiêu sái xây nên bởi đứa trẻ mê sóng triều trên sông Tiền Đường năm nào. Và rồi, ngay cả khi ông đã đi xa, hậu thế vẫn sẽ nhớ về ông, vẫn hàng năm mong ngóng những Đoàn Dự, Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá trên màn ảnh nhỏ và những trang truyện nhuốm màu thời gian xưa cũ.
Theo Trí Thức Trẻ