Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ

Nadia, một cô bé 16 tuổi tại Georgia (Mỹ) vừa chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời mình.

Nadia, một cô bé 16 tuổi tại Georgia (Mỹ) vừa chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời mình. Những manh mối liên quan đến cái chết của cô bé được tìm thấy liên quan đến bức tranh Cá Voi Xanh được vẽ bằng tay, và nhiều dấu hiệu khác không khỏi khiến gia đình tiếc nuối vì đã không quan tâm em nhiều hơn…

Tên thật của em không phải là Nadia, chúng tôi muốn giữ kín danh tính của em theo yêu cầu của gia đình và coi đây là sự tôn trọng dành cho Nadia cũng như bảo vệ quyền riêng tư cho gia đình em. Bố mẹ Nadia đồng ý để CNN đưa tin về vụ việc với mong muốn cảnh tỉnh các bậc cha mẹ khác, hãy dành sự quan tâm nhiều hơn cho con cái, bởi những mối nguy trên mạng xã hội luôn thường trực và nguy hiểm hơn chúng ta tưởng tượng.

Các bức tường và trang trí phòng ngủ của Nadia, hoàn toàn giống như những đứa trẻ trung học khác. Một bức tranh có chiều dài bằng chiếc giường của Nadia treo ngay ngắn trên tường, kệ xếp đầy sách, đồ trang trí linh tinh và ảnh thời thơ ấu. Gần chiếc gương lớn là tác phẩm nghệ thuật gần đây của cô: một bức ảnh cá voi xanh trên nền vẽ tay.

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 1.

Những bức tranh được trưng bày ở trường của Nadia.

Cô bé là một nghệ sĩ tài năng, một người em gái, người con và là người bạn được gia đình và bạn bè yêu thương. Không ai ngờ rằng, cô sẽ kết thúc cuộc đời mình vào một buổi sáng tháng 5.

Marty, anh trai của cô đã rất suy sụp, gần như ngay lập tức, anh bắt đầu lục tìm lại những đồ vật Nadia hay dùng để tìm kiếm manh mối. Anh nhận ra những điểm chung khác lạ trong những bức tranh và nhật ký của Nadia, trong đó có bức vẽ một cô gái với cái tên Rina Palenkova đề phía dưới được viết bằng tiếng Nga.  

Kết quả tìm kiếm cái tên Rina Palenkova trên internet đã làm sáng tỏ mọi chuyện. Cô gái này cũng đã đăng một bức ảnh selfie nói lời tạm biệt trước khi tự tử ở Nga vào tháng 11 năm 2015 khi chỉ mới 17 tuổi. Bức ảnh đã lan truyền khắp mạng xã hội VK.com tại Nga. Chính cái chết của Rina Palenkova đã giúp mọi người khám phá ra một trò chơi nguy hiểm gọi là: thách thức Cá Voi Xanh trên mạng xã hội.

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 2.

Bức vẽ Rina Palenkova là manh mối đầu tiên mà anh trai cô tìm ra

Tiếp tục tìm hiểu, Marty nhớ ra bức ảnh cá voi xanh được dán cạnh gương trong phòng của em gái mình. Anh xem qua những bức ký họa của cô và tìm thấy những trang vẽ cá voi xanh và mảnh chữ cắt ra từ tạp chí ghép thành dòng chữ “Tôi là một con Cá Voi Xanh”, cùng với bức vẽ cho thấy, các tuyên bố tự tử, tự làm hại mình, lời chào vĩnh biệt và nhiều dòng nhật ký tiếng Nga khác.

“Em ấy rất nghệ sĩ.” Marty nói, “Em ấy vẽ rất nhiều thứ ngẫu nhiên cho nên nếu tôi đã nghe qua hoặc thấy Cá Voi Xanh, tôi đã có thể suy đoán nhanh hơn. Như khi tôi tìm thấy bức vẽ Palenkova, tôi mất 20 phút để hiểu ra sự việc.”

Nadia vẽ tranh trừu tượng bộ xương của cá voi trong một dự án ở trường học, những bức tranh được đóng khung và trưng bày. Nhưng sau sự kiện tự tử, những bức tranh đã mang một ý nghĩa khác.

Cùng với nhật ký, gia đình còn tìm thấy những bài đăng trên mạng xã hội của Nadia với nội dung tự làm đau bản thân bằng những vết cắt. Tất cả đều giống với những tài khoản của nạn nhân Cá Voi Xanh khác.

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 3.

"Tôi muốn ngôi mộ của mình không bị đánh dấu"

Gia đình của Nadia không hề biết gì về Cá Voi Xanh cũng như những hoạt động trên mạng xã hội của Nadia. Mẹ cô cho hay Nadia thường thích vẽ vời và hoạt động nghệ thuật. Họ còn tìm thấy bức thư bằng tiếng Nga khi cô bé còn sống và không hay biết rằng, cô bé có khả năng giao tiếp bằng thứ tiếng này. Họ cũng không biết những bức thư được gửi cho ai hay đến từ đâu.

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 4.

Dòng nhật ký cùng bức ảnh “Tôi là một con cá voi xanh” được tìm thấy trong vở của Nadia.

Marty chia sẻ, phát hiện này khiến anh giật mình. “Không ai trong chúng tôi hay biết gì về trò chơi Cá Voi Xanh này. Tôi dành rất nhiều thời gian trên mạng nhưng chưa bao giờ nghe gì về nó, cho đến khi tất cả những chuyện này xảy ra.”

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 5.

Những bí mật Nadia che giấu trong những bức tranh của cô chỉ được phát hiện sau cái chết đáng tiếc của cô.

Bí ẩn đằng sau thách thức Cá Voi Xanh...

Khi gia đình Nadia tìm hiểu về Cá Voi Xanh, họ phát hiện ra đây là một thử thách tự tử trực tuyến bắt đầu ở Nga cách đây 2 năm. Từ đó, những vụ tự tử khởi nguồn do Cá Voi Xanh đã được tìm thấy ở vùng trung Á, châu Âu và Nam Mỹ. Cái chết của Nadia dường như là vụ tự tử đầu tiên ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi thách thức Cá Voi Xanh. Trang Washington Post đưa tin về vụ một thiếu niên tự tử khác ở bang Texas (Mỹ) vào đầu tháng 7 vừa qua cũng có liên quan đến thuật ngữ này.

“Trò chơi” do một người quản trò trên mạng khởi xướng và kéo dài trong 50 ngày. Người quản trò đưa ra những nhiệm vụ hàng ngày để người tham gia hoàn thành và yêu cầu họ phải nộp hình ảnh chứng tỏ họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trò chơi này bắt đầu từ 4:20 phút sáng mỗi ngày và có cường độ khác nhau. Bắt đầu với những nhiệm vụ đơn giản là vẽ bức tranh cá voi xanh trên giấy, tiếp đến là xem phim kinh dị mỗi đêm cho đến những thử thách kinh khủng hơn như bí mật cắt tay, tự làm đau bản thân. Không những vậy, người quản lý còn yêu cầu những đứa trẻ vị thành niên này thông báo địa điểm chuẩn bị cho cái chết của chúng trước. Những địa điểm này có thể là tòa nhà cao tầng hoặc trạm xe lửa. Mỗi nhiệm vụ sẽ trở nên nguy hiểm hơn theo thời gian, và vào ngày thứ 50, người chơi nhận được chỉ định cuối cùng: tự kết liễu đời mình.

Tờ Novaya Gazeta đưa tin, một cô gái đã từng tham gia trò chơi nhưng may mắn sống sót cho biết: một khi đã tham gia chơi, người tham gia sẽ “không có đường lui”. Nếu người chơi đổi ý, họ sẽ bị người quản lý đe dọa tìm họ hoặc cả gia đình họ với những thông tin nắm được từ người chơi.

Trong vòng 6 tháng, sau cái chết của Palenkova, 130 vụ tự tử ở độ tuổi vị thành niên có thể có dính líu đến trò chơi này vì hầu như tất cả nạn nhân đều cùng tham gia một nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ 80 vụ trong số đó có bằng chứng xác thực.

Một người đàn ông bị nghi ngờ có dính líu đến Cá Voi Xanh là sinh viên ngành tâm lý, 21 tuổi có tên là Philip Budeikin.  Theo đài đưa tin tức RIA Novosti, anh đã bị bắt vào tháng 11. Chính quyền Toà án Quận St Petersburg xác nhận với báo chí rằng, họ đang mở một cuộc điều tra mở về tội danh “kích động tự sát”. Cục điều tra thông báo rằng, Budeikin đã nhận tội danh tạo ra trò chơi và dùng mạng xã hội VK.com để xúi giục trẻ em từ 15 đến 17 tuổi tự tử.

Sau câu chuyện đau lòng là lời cảnh tỉnh về mối nguy hại của mạng xã hội

“Tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với con bé” mẹ cô nói, “và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, chuyện này lại có thể xảy ra với chúng tôi.”, mẹ Nadia chia sẻ.

Không ai có thể nghĩ rằng một cô bé đáng yêu, dễ thương, chưa hề gặp bất kì tổn thương tâm lý nào lại có thể chọn cách ra đi một cách đột ngột như vậy.

Marty cũng đồng ý rằng, những dấu hiệu này hoàn toàn dễ thấy: “Con bé vẽ những thứ này ngay trong lớp trước mặt giáo viên, bên cạnh bạn bè. Nếu thứ này đang xảy ra, người ta phải biết, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con cái dễ dàng tiếp xúc với thứ tương tự như vậy.”

Nếu như anh trai Nadia hoặc bố mẹ cô bé dành sự quan tâm nhiều hơn, hẳn họ sẽ nhận biết được một số dấu hiệu lạ để ngăn kết cục đáng tiếc này. Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra.

“Đây là câu chuyện thực. Cá Voi Xanh cướp mất em gái tôi, hoặc ít nhất cũng góp phần vào những gì đã xảy ra. Người ta cần phải biết về chuyện này, những bậc ba mẹ cần biết những dấu hiệu để hiểu con cái mình hơn.”

Cầm trong tay thú bông yêu thích của con gái mình, mẹ Nadia nói: “Tôi vẫn không tin vào chuyện đã xảy ra. Tôi vẫn nghĩ đây chỉ là một giấc mơ. Một cơn ác mộng mà khi tôi thức dậy, con bé sẽ nhắn cho tôi.” Lau nước mắt, bà nói : “Các bậc cha mẹ cần phải biết rằng đây là câu chuyện có thực, chúng tôi không lên tiếng chỉ để gây sự chú ý. Những gì đã xảy ra, là thực.”

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 6.

Mạng xã hội nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ, chúng là con dao hai lưỡi, nhất là trong thời đại mà các bậc cha mẹ ít có thời gian bên con cái. Các bậc phụ huynh khó lòng mà kiểm soát hết hàng vô vàn thứ mà con em đang tiếp xúc thông qua internet hàng ngày. Vậy nên đừng lơ là, bởi vì rất có thể chỉ cần một video, một trò chơi thôi cũng có thể cướp đi mạng sống của những thanh thiếu niên chưa đủ nhận thức.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (Mỹ), tự tử là nguyên nhân xếp thứ ba gây ra cái chết ở độ tuổi 10 đến 14 tại Mỹ và thứ nhì với độ tuổi 15 đến 34. Người ta thường né tránh chủ đề tự tử và rất nhạy cảm với nó cho nên đây là vấn đề thường không được báo cáo đầy đủ.  

Gia đình tìm ra nguyên nhân tự tử của con qua những bức vẽ Cá voi xanh và lời cảnh báo cho cha mẹ - Ảnh 7.

Các nhà điều tra đang bắt tay truy tìm thêm tung tích và chi tiết của trò chơi Cá Voi Xanh này cũng như làm rõ tầm ảnh hưởng của nó. Cùng lúc đó, những tổ chức sức khỏe cộng đồng cho rằng, chúng ta cần đối mặt với vấn đề. Người ta phải có được thông tin đáng tin cậy và sự giúp đỡ cần thiết khi họ cần, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiến sĩ Dan Reidenberg, giám đốc điều hành tổ chức Tiếng nói Giáo dục Nhận thức về tự sát cảnh báo các bậc cha mẹ nên để ý đến con cái mình xem chúng có dấu hiệu bất thường hay không. Ông khuyến khích tìm hiểu hoạt động trên mạng xã hội của trẻ có liên quan đến Cá voi xanh hoặc có bạn bè đang tham gia trò chơi không. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “không cần thiết phải hoảng sợ, vì đây không phải là làn sóng khủng hoảng mà chỉ là một dấu hiệu cảnh báo mọi người.”

“Trẻ em không rõ những cái bẫy nguy hiểm đang giăng đầy rẫy trên mạng. Chúng tôi muốn khuyến khích bố mẹ nói chuyện với con cái mình về sự an toàn khi sử dụng mạng xã hội.”

Reidenberg cũng cảnh báo rằng, trong vài trường hợp tự tử là thứ dễ lây lan. “Giới trẻ rất nhạy cảm với chủ đề này. Chỉ cần xung quanh chúng có những trường hợp tự tử tương tự, dù chỉ là qua báo chí truyền thông, rất có thể chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng.”

Theo Trí Thức Trẻ

Cộng đồng mạng

tự tử

Cá voi xanh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.