Hành trình tìm lại công lý của nữ nhà báo bị xâm hại và "chiếc hộp đen" bóc trần góc khuất đầy hổ thẹn của xã hội Nhật Bản

Nữ nhà báo đã sử dụng "chiếc hộp đen" để phơi bày góc khuất đáng sợ trong xã hội Nhật Bản đã bị chôn vùi bấy lâu nay.

#MeToo, phong trào chống quấy rối và bạo lực tình dục đã được lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới vào năm 2017. Và Shiori Ito, một nữ nhà báo trẻ đầy tài năng đã trở thành biểu tượng cho #MeToo tại Nhật Bản vào thời điểm đó.

Cô gái tài hoa xinh đẹp ấy đã sử dụng "chiếc hộp đen" của mình để vạch trần góc khuất tối tăm tồn tại từ rất lâu trong xã hội Nhật Bản. Câu chuyện của Shiori Ito là một minh chứng cho thấy, quyền lực và tiền tài không thể chiến thắng được sự thật và công lý nếu như chúng ta không bao giờ ngừng bỏ cuộc.

Bữa ăn tối hóa thành "ác mộng"
Năm 2013, trong thời gian học tập tại Mỹ, Shiori Ito đã từng gặp ông Noriyuki Yamaguchi, Giám đốc chi nhánh Washington của đài truyền hình TBS Nhật Bản. Cả hai từng gặp mặt ăn tối với nhau. Đến tháng 4/2015, cô Ito và ông Yamaguchi đều trở về Nhật và cả hai có cuộc hẹn ăn tối lần thứ hai để thảo luận về công việc tại một nhà hàng. Trong cuộc gặp này, Ito đã bất tỉnh sau khi bị chuốc say, phải uống rất nhiều rượu.

Lợi dụng lúc Shiori Ito không còn ý thức, gã Yamaguchi đã đưa cô tới khách sạn và cưỡng bức nữ nhà báo xinh đẹp. Shiori Ito nói với Agence France-Presse trong một cuộc phỏng vấn: "Khi tỉnh lại, trong cơn đau dữ dội, tôi phát hiện mình đang ở trong khách sạn còn ông ta đang ở bên cạnh tôi. Lúc này, tôi đã hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra".

Hành trình tìm lại công lý của nữ nhà báo bị xâm hại và chiếc hộp đen bóc trần góc khuất đầy hổ thẹn của xã hội Nhật Bản-1Ông Noriyuki Yamaguchi.

Vào tháng 5/2017, cô Ito đã công khai đề cập đến vụ xâm hại trên truyền thông, tố cáo "kẻ yêu râu xanh" vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật khiến dư luận sốc nặng. Tuy nhiên, thay vì nhận được sự ủng hộ, Shiori Ito lại hứng chịu nhiều điều tổn thương khác. Cô đã nhận về vô số lời đe dọa, chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội, nhiều người không hề tin lời nói của cô gái này.

Khi đó, Ito buộc phải ra nước ngoài để đảm bảo an toàn cho mình và người thân nhưng cô không bao giờ ngừng từ bỏ việc nói lên sự thật để đi tìm công lý cho chính mình. Và thực tế, hành trình này phải trải qua nhiều chông gai, thử thách và chứa đầy nước mắt!

Nữ nhà báo Ito chia sẻ trên truyền thông rằng, cô đã quyết định gọi cho cảnh sát để báo án ngay sau khi bị hãm hại nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như cô nghĩ. Thay vì nhanh chóng bắt tay vào điều tra làm rõ vụ việc thì cảnh sát đã xử lý mọi chuyện bằng thái độ dửng dưng và lạnh lùng. Cô Ito không hề được coi là nạn nhân, thậm chí cô còn phải hứng chịu sự nhục nhã và ê chề sau khi báo án.

Hành trình tìm lại công lý của nữ nhà báo bị xâm hại và chiếc hộp đen bóc trần góc khuất đầy hổ thẹn của xã hội Nhật Bản-2Nhà báo Ito quyết tâm đòi lại công lý cho bản thân và nói lên nỗi lòng của các nạn nhân bị xâm hại.

Khi cảnh sát yêu cầu cô tái hiện lại tất cả những gì xảy ra trong vụ cưỡng hiếp, Ito đã phải trải qua những giờ phút ám ảnh. Cô kể: "Tôi phải nằm xuống sàn, có 3 - 4 điều tra viên là nam giới cùng với chiếc máy ảnh. Họ đặt một con búp bê giống như người thật lên cơ thể tôi và di chuyển nó. Cứ mỗi lần như thế, họ đều hỏi: 'Có phải như thế này không?', xung quanh lúc đó là đèn flash của máy ảnh, điều này khiến tôi cảm thấy kinh khủng. Một người bạn tôi khi biết chuyện ấy đã phải thốt lên rằng: 'Đó chẳng phải là cưỡng hiếp lần 2 hay sao?'".

Shiori Ito cũng nhớ như in câu nói của một nhân viên điều tra khi tiếp nhận vụ án: "Loại chuyện này xảy ra liên tục và không có cách nào dễ dàng để điều tra những trường hợp như thế này". Lời nói ấy không khiến nữ nhà báo nản lòng, trái lại nó càng khiến cô quyết tâm đi tìm công lý cho bản thân tới cùng.

Hành trình đi tìm công lý với "chiếc hộp đen"
Vào năm 2017, nữ nhà báo ra mắt cuốn hồi ký "Black Box" (tạm dịch là Chiếc hộp đen). Xuyên suốt cuốn sách này, nữ nhà báo Ito đã bóc trần những mảng tối trong xã hội Nhật Bản với một loạt điều bất ổn trong hệ thống pháp lý hiện tại. Ito cho hay, dường như xung quanh cô đều là những người đàn ông lạnh lùng và vô cảm từ đồn cảnh sát, phòng khám y tế hay các phóng viên đưa tin về trường hợp của cô.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tấn công tình dục thấp nhất thế giới nhưng theo Ito, con số này không hề phản ánh đúng thực tế. Lý do là vì các vụ tấn công tình dục được báo cáo ở mức độ thấp bởi hệ thống pháp luật chồng chéo khiến các nạn nhân phải bỏ cuộc ngay từ đầu.

Ito cho hay trong một cuộc phỏng vấn rằng "sự chịu đựng trong im lặng được xem là cao quý" trong văn hóa Nhật Bản. "Tôi ngập trong những lời xúc phạm và đe dọa. Nhưng điều khiến tôi đau lòng nhất là những email rất lịch sự từ những phụ nữ nói rằng tôi nên cảm thấy xấu hổ nếu tiết lộ mọi thứ", Ito kể lại.

Hành trình tìm lại công lý của nữ nhà báo bị xâm hại và chiếc hộp đen bóc trần góc khuất đầy hổ thẹn của xã hội Nhật Bản-3Cuốn sách của nữ nhà báo đã vạch trần góc khuất mà thế giới không biết trong xã hội Nhật Bản.

"Chiếc hộp đen" đã mô tả lại một cách chân thực về nỗi đau của nạn nhân bị xâm hại cùng sự ác độc của kẻ phạm tội. Trong buổi họp báo ra mắt sách, Ito đã lên tiếng: "Ở Nhật Bản, việc một người phụ nữ dám đứng ra thừa nhận mình bị cưỡng hiếp là một việc khó tưởng tượng. Tôi không phải là một người phụ nữ dũng cảm, chỉ là tôi không còn sự lựa chọn nào khác".

"Hộp đen" là thuật ngữ được các công tố viên sử dụng để chỉ căn phòng kín nơi xảy ra một vụ tấn công tình dục, một không gian mà người ngoài cuộc không thể biết được chuyện gì đã xảy ra. Cuốn sách của Ito đã đập vỡ "chiếc hộp" đó, vạch rõ những quan điểm sai lầm và sự lạc hậu trong hệ thống luật pháp của nước Nhật.

Không chỉ viết Black Box, Shiori Ito còn liên lạc được với BBC của Anh và cho ra đời bộ phim tài liệu mang tên "Japan's Secret Shame" (tạm dịch là Nỗi hổ thẹn bí mật của nước Nhật) gây chấn động thế giới vào tháng 6/2018. Trong bộ phim này, Shiori Ito là nhân vật chính, cô đã dũng cảm kể lại câu chuyện đầy tủi nhục mà mình từng trải qua. Ito khẳng định rằng cô sẽ đứng lên đòi công bằng cho bản thân và cho những người phụ nữ khác.

Trước sự phản ứng dữ dội từ dư luận, vào năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch sửa đổi luật chống tội phạm tình dục, nâng mức án tối thiểu với những người bị tố cưỡng hiếp từ 3 năm lên 5 năm. Bên cạnh đó, bộ Luật cũng thay đổi rằng các nạn nhân không cần phải chính thức báo án. Điều này nhằm khắc phục việc nhiều trường hợp bị cưỡng hiếp mà bỏ qua do nạn nhân không dám lên tiếng.

2 năm sau, Tòa án Tokyo đã ra phán quyết nữ nhà báo Ito thắng kiện và ông Yamaguchi phải bồi thường cho cô 3,3 triệu yên (hơn 600 triệu đồng). Phát biểu trên truyền thông, Ito cố gắng kiềm chế những giọt nước mắt: "Chúng tôi đã chiến thắng. Chân thành mà nói, tôi vẫn không biết mình đang cảm thấy như thế nào".

Hành trình tìm lại công lý của nữ nhà báo bị xâm hại và chiếc hộp đen bóc trần góc khuất đầy hổ thẹn của xã hội Nhật Bản-4Giọt nước mắt nghẹn ngào của Shiori Ito.

Trong khi đó, Yamaguchi tuyên bố sẽ kháng án và chỉ trích tòa đã không nhận ra sự thiếu nhất quán, "giả dối" trong lời khai của Ito, bỏ qua những lập luận tranh tụng của ông. Ngoài ra, gã này còn nói thêm rằng chính sự chú ý quá lớn từ truyền thông quốc tế có thể đã gây ảnh hưởng đến phán quyết của tòa. 

Vào tháng 1/2022, tòa án đã bác đơn kháng cáo của gã đàn ông này, một lần nữa Shiori Ito đã có chiến thắng vang dội sau hành trình đi tìm công lý. Với chiến thắng này, Ito tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức của xã hội Nhật Bản về các vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục ở nước này.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-tim-lai-cong-ly-cua-nu-nha-bao-bi-xam-hai-va-chiec-hop-den-boc-tran-goc-khuat-day-ho-then-cua-xa-hoi-nhat-ban-16222080400074376.htm

xâm hại tình dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.