Hậu vận vất vả của Jack Ma: Từ ông trùm công nghệ “thét ra lửa” tới tỷ phú có nhà không về

Những tai ương ngoài sức tưởng tượng đổ lên đầu Jack Ma sau cú vạ miệng tại một sự kiện công khai 2 năm trước, nơi ông lên tiếng chỉ trích các cơ quan quản lý, hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc.

Hôm 29/11, giới truyền thông xôn xao với việc Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã sống ở Nhật Bản suốt nửa năm qua. Không ai biết lý do vì sao Jack Ma lại chọn sống ở Tokyo. Điều duy nhất họ biết là tỷ phú từng được đông đảo người dân Trung Quốc coi là hình mẫu lại đang sống ở một quốc gia khác sau thời gian dài im hơi lặng tiếng.

Chàng trai tầm thường với nỗ lực phi thường

Jack Ma, tên tiếng Trung là Mã Vân, sinh ngày 10/9/1964 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Suốt quãng thời gian tuổi trẻ, cậu bé họ Mã hầu như chẳng có gì nổi trội nếu không muốn nói là tụt hậu so với bạn bè. Mã Vân thi đại học 2 lần đều trượt vào các năm 1982 và 1983 trước khi đỗ chuyên ngành Ngoại ngữ Thương mại của Đại học sư phạm Hàng Châu năm 1984. Cậu tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh vào năm 1988.

Trong giai đoạn 1982-1983, nhằm luyện tiếng Anh, cậu đã đạp xe vượt 27km để tới địa điểm du lịch và nói chuyện với du khách nước ngoài. Mã trở thành bạn qua thư với một trong những người nước ngoài đó và người này đặt biệt danh cho cậu là “Jack” vì tên tiếng Trung rất khó phát âm. Cái tên Jack Ma bắt nguồn từ điều đó.

Hậu vận vất vả của Jack Ma: Từ ông trùm công nghệ thét ra lửa” tới tỷ phú có nhà không về-1Mã Vân (bên trái) cùng một người bạn khi còn trẻ.

Không chỉ có sự học, quyết tâm của Jack Ma trong công việc cũng là điều đáng nói. Trong suốt quãng thời gian đi làm thuê, Mã Vân liên tiếp bị các nhà tuyển dụng từ chối. Ông nói rằng mình đã xin tới 30 công việc ở những nơi khác nhau nhưng đều không được đồng ý. Thậm chí, ngay cả khi KFC tới Hàng Châu, trong số 24 người nộp đơn ứng tuyển, chỉ duy nhất ông bị loại. Một trong số các nhà tuyển dụng nói rằng Mã Vân gầy, lùn và có ngoại hình xấu. Cuối cùng, Jack Ma trở thành giảng viên tiếng Anh và thương mại quốc tế tại Đại học Hàng Châu.

Năm 1994, Jack Ma lần đầu tiên nghe nói về Internet, cùng năm ông mở công ty dịch thuật. Tới năm 1995, Jack Ma có cơ hội sang Mỹ và hiểu hơn về Internet. Tuy nhiên, thông tin về Trung Quốc khi đó là một khoảng trống nên Jack Ma quyết tâm lấp vào chỗ trống đó. Ông cùng bạn tạo ra một trang web sơ khai về Trung Quốc. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, Jack Ma đã nhận được email từ một số nhà đầu tư. Đó là lúc Ma nhận ra sự tuyệt vời của Internet.

Vào tháng 4/1995, Jack Ma cùng He Yibing, một giáo viên tin học, mở văn phòng đầu tiên của China Pages, công ty chuyên tạo lập các trang web cho doanh nghiệp Trung Quốc. Chỉ trong vòng 3 năm, họ kiếm được khoảng 5 triệu tệ, tương đương với 800.000 USD ở thời điểm đó. Ông sở hữu chiếc máy tính đầu tiên năm 33 tuổi.

Năm 1998-1999, Jack Ma đứng đầu một công ty công nghệ thông tin được thành lập bởi Trung tâm Thương mại Điện tử Quốc tế Trung Quốc, một cơ quan của Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế. Tuy nhiên, năm 1999, Jack Ma quyết định nghỉ việc và quay trở lại Hàng Châu lập nghiệp cùng nhóm của mình.

“Kẻ vô danh” trở thành ông trùm công nghệ Trung Quốc

Ngay trong năm 1999, Jack Ma đã bỏ ra 500.000 tệ để cùng với nhóm 18 người bạn thành lập Alibaba, trang web chuyên trách giao dịch doanh nghiệp giữa doanh nghiệp có trụ ở tại căn hộ của ông ở Trung Quốc. Ngay trong tháng 10 năm đó và tháng 1 năm sau, Alibaba giành được khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 25 triệu USD từ Goldman Sachs và Softbank.

Các nhà đầu tư kỳ vọng Alibaba có thể cải thiện thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc và hoàn thiện nền móng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các SME, để phù hợp với các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - tổ chức mà Trung Quốc gia nhập 1 năm sau đó.

Hậu vận vất vả của Jack Ma: Từ ông trùm công nghệ thét ra lửa” tới tỷ phú có nhà không về-2Chỉ 3 năm sau, Alibaba có lãi. Tuy nhiên, tham vọng của Jack Ma lúc đó vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ông thành lập Taobao Marketplace, Alipay, Ali Mama và Lynx để mở rộng ảnh hưởng ra các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Alibaba có lẽ vẫn phần nhiều bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

Dẫu vậy, đế chế của Alibaba cũng đủ khiến Jack Ma trở thành huyền thoại với người Trung Quốc. Ông là tấm gương sáng, là nhân vật truyền cảm hứng với thế hệ trẻ và cũng là cái tên có ảnh hưởng rất lớn trong ngành công nghệ của nước này.

Thậm chí, Jack Ma còn có những ảnh hưởng nhất định trên chính trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 9/1/2017, Jack Ma đã có cuộc gặp với ông Donald Trump, khi đó là tổng thống đắc cử của Mỹ, để bàn về kế hoạch tạo ra 1 triệu việc làm trong 5 năm tiếp theo nhờ việc Alibaba mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Ông còn liên tục gặp gỡ nhiều nhân vật máu mặt khác trong khu vực và thế giới.

Ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản của Jack Ma lên tới hàng chục tỷ USD và ông đang là người giàu nhất Trung Quốc. Thành tích này được duy trì trong 3 năm liên tiếp trước khi sóng gió xảy ra với Ant Group và khiến vị tỷ phú này lao đao.

Những lần vạ miệng và hiện thực sống tại Nhật Bản

Tuy nhiên, Jack Ma có vẻ không phải người khôn khéo hoặc đã quá tự tin vào vị thế của mình. Dù không ai phủ nhận việc Trung Quốc đang mạnh tay siết chặt quản lý với tất cả các công ty công nghệ nhưng họ cũng tin rằng Jack Ma là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất. Đó dường như cũng là “hậu quả” từ một lần vạ miệng của vị tỷ phú công nghệ.

Hôm 24/10/2020, Jack Ma đã công khai chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2. Trong phát biểu của mình, ông chủ Alibaba ví Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là "câu lạc bộ của những người già". Ông cũng khẳng định rằng rào cản lớn nhất Trung Quốc đang đối mặt không phải "rủi ro hệ thống" mà là "thiếu hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh". Các ngân hàng Trung Quốc theo đó bị Jack Ma ví như "tiệm cầm đồ", trong khi nỗ lực đổi mới của giới chức đại lục chẳng khác gì “dùng cách quản lý ga tàu để vận hành sân bay”.

Hậu vận vất vả của Jack Ma: Từ ông trùm công nghệ thét ra lửa” tới tỷ phú có nhà không về-3Phát ngôn của Jack Ma xuất hiện chỉ vài ngày trước thương vụ IPO được coi là kỷ lục của Ant Group, công ty tài chính mà Jack Ma và Alibaba hậu thuẫn. Tuy nhiên, không bao giờ có một phiên chào sàn như vậy. Thương vụ này bị hủy bỏ và Ant Group, Alibaba, thậm chí là cả Jack Ma đều bị điều tra với một loạt nghi vấn khác nhau.

Nhiều người đồng quan điểm rằng Jack Ma vẫn thường có những phát biểu ngông cuồng. Tuy nhiên, lằn ranh đỏ có lẽ đã bị vượt qua hôm 24/10/2020. Jack Ma, từ một tượng đài, bỗng phút chốc trở thành kẻ tội đồ. Ngay năm 2021, vị tỷ phú này biến mất khỏi danh sách doanh nhân tiêu biểu của Trung Quốc.

Suốt hơn 2 năm qua, hành tung của Jack Ma luôn là điều bí ẩn. Có nhiều đồn đoán xung quanh việc ông đang làm gì, ở đâu nhưng đều không có mất chi tiết. Người ta chỉ thấy một vài lần Jack Ma xuất hiện công khai ở châu Âu nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

Tuy nhiên, tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết Jack Ma hiện đã sống ở Tokyo, Nhật Bản suốt 6 tháng qua. Điều này khiến nhiều người cảm thấy kinh ngạc bởi Jack Ma là một công dân Trung Quốc. Những thành tựu của đời ông cũng gắn liền với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chính vì thế, lý do Jack Ma sống ở Nhật Bản vẫn đang là câu hỏi lớn chưa tìm được lời đáp.

Theo Nhịp Sống Thị Trường

Xem link gốc Ẩn link gốc https://markettimes.vn/hau-van-vat-va-cua-jack-ma-tu-ong-trum-cong-nghe-thet-ra-lua-toi-ty-phu-co-nha-khong-ve-10050.html

Jack Ma


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.