Italy phong tỏa cả nước, nhưng theo cách rất khác Vũ Hán

Italy già nua tỏ ra bình tĩnh trước đợt dịch Covid-19, dù đây là nơi ghi nhận nhiều ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhất bên ngoài Trung Quốc và cả nước đang bị phong tỏa.

"Hoa Mimosa vẫn ngập tràn siêu thị. Người dân vẫn ra đường đi dạo. Bar vẫn mở cửa nhưng lượng khách thưa thớt. Xe buýt vẫn chạy bình thường. Siêu thị vẫn ngập đồ".

Một ngày sau khi chính phủ Italy phong tỏa miền Bắc nước này, cả đất nước đã được đặt trong tình trạng cách ly, với 60 triệu bị ảnh hưởng. Italy hiện là nước bị dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng nhất châu Âu, với 10.149 ca nhiễm, 631 ca tử vong, cũng là nơi có số người tử vong virus cao nhất bên ngoài Trung Quốc.

Các thống kê ban đầu cho thấy người già chính là nhóm dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, với tỷ lệ tử vong của người già khi nhiễm virus cao hơn các nhóm khác. Italy, một trong những nước có dân số già nhất thế giới, đang cực kỳ dễ tổn thương trước bệnh dịch.

Nhưng ở một mặt khác, "nhiều người già đã sống sót qua thời kỳ Thế chiến II, và điều đó khiến họ bình tĩnh", một người Việt tại Italy nói với Zing.vn.

Theo ghi nhận của một số người Việt tại Italy, người dân ở đây ít đeo khẩu trang, không chen lấn xô đẩy mua đồ tích trữ ở siêu thị, bình tĩnh nghe theo lời khuyên của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

“Chuyện tranh giành mua sắm không diễn ra ở Italy”, Phạm Hùng Vương, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Italy, nói với Zing.vn khi sắp qua ngày 10/3, ngày đầu tiên Italy chịu lệnh phong tỏa cả nước. “Người đi siêu thị xếp hàng dài ở mọi nơi như báo đài đưa không phải do mọi người đổ xô đi mua sắm. Đó là do quy định mới yêu cầu người dân phải giữ khoảng cách 3 m”.

"Hoa Mimosa vẫn ngập tràn siêu thị. Người dân vẫn ra đường đi dạo. Bar vẫn mở cửa nhưng lượng khách thưa thớt. Xe buýt vẫn chạy bình thường. Siêu thị vẫn ngập đồ", Vương viết trên nhóm của Hội sinh viên Việt Nam tại Italy.

Một số người Việt chọn cách về nhà, vì lo ngại sự "tự tin" thái quá của người bản địa trước dịch, và vì "ở nhà vẫn hơn".

Chuyến bay trước lệnh phong tỏa

Đến khi ngồi trên xe, Anh Tuấn vẫn không tin rằng mình đang ra sân bay, chuẩn bị rời khỏi Italy.

Tối 7/3, Tuấn, như nhiều người dân Italy khác, nháo nhác vì tin tức miền Bắc Italy sắp bị phong tỏa. Vé đã mua từ buổi sáng (trước khi có tin phong tỏa). Đồ đạc cũng đóng vali xong. Gia đình đang mong. Điều duy nhất Tuấn không kịp chuẩn bị là tinh thần trước “cơn bão dịch bệnh” cuốn mọi thứ đi quá nhanh.

Trần Anh Tuấn đang học thạc sĩ ở trường University of Trieste (Venice, Italy). Trước khi có lệnh phong tỏa chính thức hôm 8/3 khoảng một tuần, trường học của anh được lệnh đóng cửa đến 15/3, nhưng giờ đã kéo dài sang 3/4.

Giáo sư của anh đã nhanh chóng thu xếp, chuyển sang dạy online mà không cần lệnh của chính phủ hay trường học. Mọi thứ thầy trò tự xoay xở theo tình hình dịch bệnh.

6h sáng 8/3, Tuấn tức tốc lên bus ra sân bay Marco Polo. Đầu óc vẫn quay cuồng, rối loạn. Suy nghĩ duy nhất chuyển sang việc chuyến bay lúc 12h30 có bị đình chỉ không. Tuấn hy vọng dù áp lệnh phong tỏa tức thì, chính phủ cũng không hủy luôn các chuyến bay của những sinh viên xa nhà như Tuấn.

Italy phong tỏa cả nước, nhưng theo cách rất khác Vũ Hán-1
Trần Anh Tuấn và những bức ảnh anh chụp lại thành phố Venice trước khi về nước. Đâu đâu cũng vắng vẻ. Ảnh: Trần Anh Tuấn.

“Mình có nhiều bạn Việt Nam ở lại. Họ cũng lo lắng lắm nhưng còn vướng bận nhiều thứ ở Italy nên không thể về được. Mà bây giờ muốn về cũng khó, chị bạn mình sáng nay (10/3) nói là tàu hủy hết rồi, chả đi đâu được”, Tuấn nói với Zing.vn.

Tuấn về “trót lọt” trước lệnh mới được áp đặt, phong tỏa cả nước của chính phủ Italy hôm 10/3.

“Số ca nhiễm tăng chóng mặt, sự xem nhẹ dịch bệnh của người dân, cùng với sự thiếu trang bị y tế và cuối cùng là mình ko phải công dân Italy”, Tuấn chia sẻ về quyết định về nước trong nhóm Hội sinh viên Việt Nam tại Italy (ASVI) trên Facebook. “Suy cho cùng việc hồi hương cũng chỉ là biện pháp tâm lý, nhưng mình vẫn tin tưởng rằng sẽ được chăm sóc tốt nhất khi ở Việt Nam”.

“Dù gì Việt Nam vẫn là nhà và nhà thì lúc nào chả tốt nhất với mình...”

Siêu thị vẫn đầy hàng, không ai đeo khẩu trang
Trung Kiên, sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Milan (PoLiMi) nói với Zing.vn trong ngày đầu phong tỏa, vẫn chỉ 2-3/10 người đeo khẩu trang khi đi ngoài đương, so với tuần trước khi Italy đã bùng dịch là 1/10. Còn trước khi có dịch, con số này là 0.

Ở Italy 4 năm, lần đầu tiên Kiên lùng sục mua khẩu trang giữa một đợt dịch. Các hiệu thuốc hầu hết đều không còn mặt hàng này. Kiên chưa kịp mừng vì hiệu thuốc thứ năm có khẩu trang thì đã giật mình với mức giá trên trời. Một chiếc khẩu trang y tế có giá 4,5 euro (5,1 USD). Đây là mức giá trung bình cho hai bữa ăn ở Milan đắt đỏ.

“Mình bất ngờ với giá cả nhưng vì để đảm bảo an toàn nên vẫn quyết định mua. Khẩu trang không ngăn được virus nhưng nó giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm từ công cộng”, Kiên nói anh chỉ dám mua 2 chiếc cho 1 tuần. Anh dự định ra khỏi nhà 1-2 lần/tuần để mua thức ăn vào thời điểm này.

Kiên không dám đi vào khu trung tâm của Milan, kinh đô thời trang bậc nhất thế giới, khu vực sầm uất nhất ở thủ phủ của vùng Lombardy. Bạn bè anh cũng vậy. “Mình cũng chẳng dám đi bus với tram (xe điện) nữa. Chỉ trường hợp hãn hữu cần đi xa mình mới bắt xe”.

Italy phong tỏa cả nước, nhưng theo cách rất khác Vũ Hán-2Italy phong tỏa cả nước, nhưng theo cách rất khác Vũ Hán-3
Các siêu thị ở Milan đầy ắp đồ hôm 9/1 và một nhà hàng treo biển tạm nghỉ. Ảnh: Trung Kiên.

“Gel rửa tay, các thuốc cảm cúm thông thường vẫn mua được số lượng nhỏ mà không cần đơn kê của bác sĩ. Nhưng khi đến hiệu thuốc, bạn phải xếp hàng và mỗi lần chỉ được từng người vào mua với hiệu thuốc nhỏ và 2-3 người với hiệu thuốc lớn. Người bán và người mua phải đứng cách nhau ít nhất 1 m”, Kiên nói.

Anh bổ sung rằng ở Milan nhiều người già đã sống sót qua thời kỳ Thế chiến II, và điều đó khiến họ bình tĩnh.

58% bệnh nhân Covid-19 tử vong cho đến nay là người ngoài 80 tuổi và hơn 31% ở độ tuổi 70, theo Viện Y tế Quốc gia, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Italy.

Trong một bài viết trên New York Times, việc áp đặt lệnh phong tỏa để dập dịch ở Italy, học theo cách được sử dụng hiệu quả ở Vũ Hán, sẽ là một thách thức. Người dân Italy, với tính cách furbizia, có thể sẽ không tuân thủ lệnh phong tỏa như mong muốn của chính phủ.

"Furbizia là từ người Italy dùng để gọi hành vi láu cá hoặc xảo quyệt nhằm lách luật. Furbizia chắc chắn là tính cách điển hình của người Italy được nhiều người dân nước này thừa nhận", theo bài viết trên New York Times.

Những ngày trước khi có sắc lệnh, nhiều người đàn ông lớn tuổi bên ngoài thị trấn bị phong tỏa Zorlesco nói đùa rằng bạn bè của họ thường trốn các trạm kiểm soát của cảnh sát bằng cách đi qua các con đường quê cũ đến quán bar ngoài khu vực bị cách ly để uống rượu.

“Siêu thị vẫn đầy đủ đồ. Không có ai xô đẩy, chen lấn. Mọi người đều mua theo nhu cầu. Chỉ có người châu Á mới mua nhiều. Họ mua đầy tràn cả chục lốc nước khoảng, thịt hộp, rau quả, trứng gà…”, Kiên kể.

Kiên nói rằng các nhà hàng, quán bar, tiệm cắt tóc, siêu thị châu Á và Trung Quốc đều đã đóng cửa và không thông báo thời gian mở lại.

“Chủ trương chung của chính phủ là trước tiên nên tự cách ly bản thân, không vội vã tìm đến phòng khám tư lẫn công. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì gọi đến số khẩn cấp 112 và số của Bộ Y tế 1500, hoặc số cấp cứu từng vùng của địa phương”.

Italy phong tỏa cả nước, nhưng theo cách rất khác Vũ Hán-4
Các siêu thị dồi dào thực phẩm ở Mestre, phần đất liền của Venice, Italy. Ảnh: Phạm Hùng Vương.

Anh Tuấn cũng nói ở Venice không có hiện tượng hoảng loạn. Người dân chỉ cố chạy khỏi vùng dịch trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Một số ra ga tàu, bến xe ngay trong tối 7/3 khi báo đài phát đi lệnh phong tỏa vào ngày hôm sau để trở về quê nhà ở miền Nam.

Nhưng chỉ có thế. Gần như không ai đeo khẩu trang. Không ồ ạt tích trữ nhu yếu phẩm. Siêu thị vẫn đủ đồ như mọi khi. Tuy nhiên, Tuấn vẫn lo lắng và luôn theo sát tin tức, cập nhật tình hình của bạn bè ở Italy.

“Bạn bè người Italy của mình vẫn du lịch, tụ tập bình thường. Có vẻ như họ không lo lắng lắm về dịch bệnh này. Nhiều người nghĩ đây là cảm cúm thông thường và chỉ có người già mới dễ mắc bệnh nên vô tình tạo ra tâm lý chủ quan ở đại đa số. Mình nghĩ đó là nguyên nhân chính gây bùng phát”, Tuấn nói với Zing.vn từ phòng cách ly, một ngày sau khi về nước.

Tuấn nói thêm, chính phủ tiến hành xét nghiệm số lượng lớn mỗi ngày. Trung bình khoảng 11.000 người mỗi tuần. “Vì xét nghiệm nhiều nên nhiều người nhiễm bệnh được phát hiện”.

Thế nhưng, trong một tương quan, Hàn Quốc đang xét nghiệm khoảng 10.000 người mỗi ngày, và số ca nhiễm virus được xác nhận của Hàn Quốc tương đương Italy.

Chính phủ Italy đang lo rằng cuộc khủng hoảng y tế tại Lombardy có thể lan rộng ra toàn bộ đất nước. Họ cũng không có đủ bác sĩ và y tá chuyên môn cho các khu hồi sức tích cực.

Các bác sĩ và y tá đang ở tuyến đầu chống dịch đang bị quá tải, liên tục làm việc quá giờ và bản thân trở thành người nhiễm virus. Ở Lombardy, nhân viên y tế chiếm khoảng 12% số người mắc bệnh.

Các bác sĩ cảnh báo rằng việc thiếu giường điều trị các ca bệnh nặng có thể khiến tỷ lệ tử vong ở Italy còn cao hơn nữa.

Lỡ cơ hội việc làm vì virus
Đặt chân xuống Tân Sơn Nhất lúc 9h30 ngày 9/3, sau khi làm thủ tục nhập cảnh, Tuấn phải khai báo lịch trình trong 14 ngày gần nhất. Anh nói điều này phụ thuộc vào sự trung thực của bản thân. Điều quan trọng nhất là anh đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho việc cách ly. Đến chiều, anh được xe cứu thương chở về cơ sở cách ly ở quận 9, TP. HCM. Khu vực cách ly được bố trí căn cứ vào địa chỉ của người khai.

Tuấn được xếp vào 1 phòng có 5 giường, nhưng chẳng có ai ngoài anh nên Tuấn cảm thấy khá an tâm vì không bị lây nhiễm. Theo những hình ảnh Tuấn chia sẻ thì khu cách ly ở vị trí khá riêng biệt với bên ngoài. Các phòng ốc mới mẻ, khang trang. Có tủ lạnh, máy giặt, wifi. Nhân viên y tế tận tình, chuyên nghiệp và thân thiện.

Italy phong tỏa cả nước, nhưng theo cách rất khác Vũ Hán-5
Khu cách ly người từ vùng dịch về nước tại quận 9, TP.HCM. Ảnh: Trần Anh Tuấn.

Trong khi đó, điều đáng buồn nhất với Trung Kiên có lẽ là bị hụt mất cơ hội việc làm. Kiên tốt nghiệp đại học ngành Vật liệu và Công nghệ nano với tấm bằng kỹ sư vào tháng 12/2019. Anh nói ngày hội tuyển dụng dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3 nhưng đã bị hủy vô thời hạn vì dịch bệnh.

“Các công ty lớn cũng chưa thông báo lịch trình tuyển dụng”, điều mà đáng lẽ đã xảy ra nếu không có dịch bệnh, Tuấn nói.

Vùng công nghiệp Lombardy đóng góp 40% vào kinh tế Italy đã rơi vào tình trạng "đóng băng". Nhiều công ty đang chịu thiệt hại và đối mặt nguy cơ phá sản.

“Các khối ngành khác như mỹ thuật, thời trang, kiến trúc có đặc thù có thể làm việc tại nhà một thời gian mà không bị ảnh hưởng như ngành kỹ thuật của mình”.

Mọi kế hoạch lỡ dở, cuộc sống đảo lộn như mớ bòng bong theo vòng xoáy dịch bệnh.

“Mình phải chịu khó ở trong nhà, không đi đâu cả nếu không thực sự cần thiết. Dù ai chủ quan chứ mình thì không. Giữ gìn sức khỏe là trên hết thì mới làm việc được”, Kiên quả quyết.

Theo Zing
 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/italy-phong-toa-ca-nuoc-nhung-theo-cach-rat-khac-vu-han-post1057887.html

Covid-19

virus corona

Viêm phổi cấp

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.