Khi trẻ em làm "giúp việc" cho nhà giàu: Bị ngược đãi tàn nhẫn, bữa ăn chan nước mắt và những cái chết đầy tức tưởi

Tuổi thơ của những đứa trẻ bị đánh cắp bởi cái nghèo đeo bám và sự vô cảm của những người lớn.

Tuổi thơ của những đứa trẻ bị đánh cắp bởi cái nghèo đeo bám và sự vô cảm của những người lớn.

Mỗi tối, sau một ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ, Neelum (11 tuổi) và Pari (13 tuổi) lại rời khỏi ngôi biệt thự có giá hàng triệu đô la, nơi các em đang làm giúp việc nhà tại đây, để trở về chỗ ở của các em. Nơi ở của hai đứa trẻ chỉ là những chiếc đệm mỏng, đã bị mối mọt và bữa ăn của các em là những thức ăn thừa của nhà chủ. 

Ít ai ngờ rằng, đằng sau những cánh cửa kính lấp lánh trong khu nhà giàu bậc nhất ở Pakistan, hàng trăm trẻ em đang phải làm người hầu, giúp việc. Trên khắp đất nước Pakistan, ước tính có khoảng 264.000 trẻ em đang làm công việc này và đau lòng hơn, đa phần các em đều bị chủ nhân lạm dụng, ngược đãi.

Vào tháng 1 vừa qua, cả thế giới chấn động trước trường hợp của Uzma Bibi, 16 tuổi, làm giúp việc ở Lahore. Cô gái đã làm việc cho một cặp vợ chồng trong 9 tháng nhưng bị đối xử không bằng một con vật. Cô phải ngủ trên sàn nhà tắm lạnh lẽo, bị đánh đập liên tục và bị tra tấn bằng dây cáp điện.

Khi trẻ em làm giúp việc cho nhà giàu: Bị ngược đãi tàn nhẫn, bữa ăn chan nước mắt và những cái chết đầy tức tưởi-1

Uzma Bibi bị chủ nhà tra tấn, ngược đãi dã man.

Chỉ được ăn một miếng thịt mỗi ngày, từ một cô gái khỏe mạnh, Uzma Bibi ngày càng gầy còm, hốc hác như một bộ xương di động. Sau đó, cô đã bị nhà chủ giàu có sát hại bằng dụng cụ nhà bếp. Thi thể của Uzma Bibi sau đó bị vứt xuống kênh. 3 người liên quan đến vụ việc đã bị giam giữ và chờ ngày xét xử.

Trước đó, vào năm 2018, khuôn mặt và đôi tay bầm tím, chi chít vết thương của cô bé Tayyaba, 10 tuổi, đã trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng mạng lúc bấy giờ. Cô bé làm giúp việc cho một gia đình thẩm phán. Tayyaba được thuê để "chơi đùa" với đứa con của gia đình này. Tuy nhiên, cô gái nhỏ đã bị bóc lột sức lao động và bị nhà chủ tra tấn vô cùng dã man.

Vì gia đình nghèo khó, cha mất một ngón tay do tai nạn lao động trong khi người mẹ bệnh tật cần tiền phẫu thuật, Tayyaba buộc phải đi làm giúp việc cho gia đình một thẩm phán nhưng không ngờ cô bé phải sống trong đau đớn, chan đầy nước mắt. Hiện tại, Tayyaba đang sống trong căn nhà tình thương của tổ chức từ thiện SOS Childrens Village (Làng Trẻ em SOS) và bắt đầu cuộc sống mới. Cho đến nay, cô bé vẫn cảm thấy rất sợ hãi mỗi khi nhớ về quá khứ khủng khiếp của mình.

Trẻ em nghèo ở Pakistan đang phải nghỉ học, sống xa gia đình, liên tục bị lạm dụng, đánh đập, tra tấn và bị giết chết. Trên thực tế, trường hợp trẻ em trong nước tử vong lại xuất phát chủ yếu từ việc những lao động trẻ em bị ngược đãi, bóc lột dã man. Hiệp hội bảo vệ quyền trẻ em (SPARC) đã báo cáo có 47 trường hợp trẻ em tử vong vì sự áp bức của chủ nhân trong khoảng thời gian từ 2010 - 2014. Tuy nhiên, số liệu thống kê này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Khi trẻ em làm giúp việc cho nhà giàu: Bị ngược đãi tàn nhẫn, bữa ăn chan nước mắt và những cái chết đầy tức tưởi-2

Về mặt pháp luật, việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi là bất hợp pháp ở Pakistan nhưng trên thực tế tình trạng này diễn ra rất phổ biến vì hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc những đứa trẻ phải đi làm người hầu cho những gia đình giàu có. Saba, 15 tuổi, buộc phải rời ghế nhà trường để làm giúp việc ở Lahore.

"Tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tôi phải làm giúp việc cho hai gia đình mỗi ngày", Saba cho hay.

Mặc dù biết rằng sẽ có vô số rủi ro nhưng nhiều gia đình vẫn chấp nhận để con em họ đi làm thuê cho người khác. Với những gia đình nghèo khó với nhiều miệng ăn, việc gửi con cái làm giúp việc cho các gia đình giàu có sẽ giúp họ bớt nghèo đói hơn dù số tiền lương được nhận là rất thấp và sự ngược đãi luôn tồn tại.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị chủ nhân ngược đãi ở Pakistan đã gây ra làn sóng phẫn nộ, bức xúc, nhiều lời hứa hẹn đã được đưa ra trong việc siết chặt luật pháp về lao động trẻ em nhưng đến nay nó không đem lại hiệu quả gì, không có bất cứ sự thay đổi nào. Tình hình thực sự đang trở nên tồi tệ hơn. 

Khi trẻ em làm giúp việc cho nhà giàu: Bị ngược đãi tàn nhẫn, bữa ăn chan nước mắt và những cái chết đầy tức tưởi-3

Những đứa trẻ đang phải bán sức lao động để nuôi gia đình.

Ume Laila, giám đốc điều hành của HomeNet Pakistan cho hay không có khung pháp lý toàn diện nào để bảo vệ trẻ em khi họ tham gia vào lực lượng lao động. Những quyền lợi trẻ em được bảo vệ trên luật pháp không có điều lệ nào liên quan đến việc đảm bảo lợi ích cho những đứa trẻ đi làm giúp việc cho người khác.

Thông thường, khi sự việc xảy ra, giới nhà giàu thường dùng tiền bạc để giấu nhẹm mọi chuyện hoặc thoát án tù. Bano, một cô bé 13 tuổi làm việc tại thị trấn Bahria đã bị chủ nhân của mình ném ra cửa sổ, xương sống của cô bé hoàn toàn bị tổn thương không thể hồi phục. 6 tháng sau đó, cô bé tử vong. Thay vì theo đuổi công lý tới cùng, cha của cô bé đã đồng ý thỏa thuận với nhà chủ, chỉ cần bồi thường thiệt hại với số tiền 1.490 bảng Anh.

Theo các nhà nhân quyền, truyền thông và xã hội đặc biệt là bản thân các gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng này. Không một ai có quyền tước đoạt đi tuổi thơ của những đứa trẻ. Cuộc sống của các em là được đi học, được vui chơi, không phải là trong căn bếp tăm tối, làm những công việc nặng nhọc.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thay đổi tình trạng này cần phải mất một thời gian rất dài. Trước hết là từ nhận thức của những người làm cha làm mẹ và quan trọng là làm thế nào để giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói, để những đứa trẻ không phải bán sức lao động nuôi gia đình.

 

 THEO HELINO 


người giúp việc

đánh đập


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.