Làn sóng di cư của dân Mỹ

Không riêng tầng lớp giàu có tại Mỹ, người dân bình thường cũng chọn rời khỏi các thành phố lớn bởi thấy chi phí đắt đỏ, nơi ở chật chội không còn xứng đáng với cơ hội việc làm.


Zing trích dịch bài đăng trên Bloomberg, đề cập đến xu hướng di cư của cả tầng lớp giàu có lẫn những người dân bình thường tại Mỹ. Trong thời kỳ đại dịch, họ chuyển đến các bang, thành phố bớt đắt đỏ hơn.

Nhiều người thuộc tầng lớp giàu có tại Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch, đến sống tại các bang có chi phí sinh hoạt rẻ hơn, không gian sống rộng rãi và quan trọng là phải đóng ít tiền thuế hơn.

Tỷ phú Elon Musk hay doanh nhân Carl Icahn, diễn viên hài Joe Rogan đã dọn nhà, chuyển nơi ở mới ngay trong lúc dịch bệnh vẫn đang khiến nước Mỹ xoay xở đối phó.

Làn sóng di cư của dân Mỹ-1
Đại dịch khiến cuộc sống bon chen ở thành phố lớn để kiếm cơ hội việc làm không còn nhiều ý nghĩa trong mắt nhiều người. Ảnh: Bloomberg.


Tại khu nhà giàu Manhattan (New York), những người lắm tiền nhiều của đang bị thu hút bởi cuộc sống ở bang Texas hay Florida, nơi thuế thấp hơn và các đặc quyền tài chính đang chờ đón họ.

Ngay cả với những người không sở hữu nhiều của cải, họ cũng tìm kiếm nơi cư trú mới ở các tiểu bang khác nhau, săn lùng nơi có chi phí sinh hoạt rẻ hơn hoặc đơn giản là muốn thay đổi chỗ trong một năm mọi người đều thấy ngột ngạt vì dịch bệnh.

Tìm nơi thuế thấp, cuộc sống bình yên

Các cư dân ở New York và khu vực vịnh San Francisco vốn quen với mức sống đắt đỏ và không gian sống chật chội, đổi lại là nhiều cơ hội việc làm, thu nhập.

Giờ đây, trải nghiệm chôn chân trong nhà và làm việc từ xa đang thúc đẩy họ chấp nhận rời xa trung tâm để tìm một nơi ở tốt hơn.

Thành phố Austin (bang Texas) thu hút được nhiều người nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4-10, tiếp theo là Phoenix, Nashville và Tampa, theo dữ liệu về 47 khu vực đô thị do LinkedIn phân tích. Đồng thời, khu vực vịnh San Francisco và thành phố New York chứng kiến số người chuyển đi đông nhất, theo dữ liệu từ Webster Pacific.

“Chuyển từ một khu vực có mật độ cao sang nơi thưa thớt, bớt xô bồ cho phép mọi người thực sự tận hưởng sở thích của họ”, Josh Mungavin, một nhà quản lý tài sản, cho biết.

Làn sóng di cư của dân Mỹ-2
Chuyển về các thành phố hay tiểu bang nhỏ hơn, người trẻ vẫn có thể làm việc từ xa và không tốn quá nhiều tiền cho sinh hoạt phí. Ảnh: Bloomberg.


Hanna Miller (30 tuổi), một nhà làm phim độc lập sống ở Oakland, bang California trong 5 năm nói rằng Covid-19 đã thay đổi thành phố đến mức chi phí sinh hoạt cao không còn xứng đáng. Các nhà hàng yêu thích của cô đóng cửa. Chi phí đặt hàng quá đắt và thời gian đi ra ngoài trời trở nên căng thẳng.

Ban đầu, cô và chồng dự định mua nhà ở New Orleans, bang Louisiana vào năm 2022 và đã dành ra 5-10% thu nhập hàng tháng kể từ năm 2017. Tuy nhiên, vào tháng 10, họ quyết định đặt cọc và mua nhà luôn dù giá đắt hơn.

Từ một căn hộ nhỏ ở California, cả hai giờ chi 2.600 USD/tháng cho ngôi nhà 2 phòng ngủ, 2 phòng tắm rộng rãi ở New Orleans.

Miller vui khi rời xa Oakland - thành phố có chi phí sinh hoạt cao thứ 7 ở Mỹ, theo Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Cộng đồng. New Orleans chỉ đứng thứ 49.

Giá cả sinh hoạt đóng một vai trò quan trọng trong quyết định chuyển đến thành phố nào trong thời kỳ đại dịch. Các thành phố thu hút nhiều người nhất nằm ở các bang có mức thuế thu nhập địa phương thấp hơn hoặc bằng 0.

Làn sóng di cư của dân Mỹ-3
Không chỉ người dân bình thường, nhiều đại gia công nghệ cũng thông báo chuyển trụ sở mới. Ảnh: BI.


Ví dụ, Florida và Texas không đánh thuế thu nhập tiểu bang. Nhưng những người mới đến sẽ phải tuân thủ các quy tắc cư trú nghiêm ngặt trước khi được hưởng những đặc quyền đó.

Các ông chủ cũng đang đến nơi định cư mới. Sau nhiều thập kỷ đóng vai trò tâm điểm của ngành công nghệ Mỹ, Thung lũng Silicon (bang California) đang chứng khiến làn sóng ra đi của nhiều tỷ phú và tập đoàn lớn.

Tập đoàn phần mềm Oracle đã chuyển trụ sở đến Austin. Nhà sản xuất máy tính Hewlett Packard Enterprise Co. đang chuyển trụ sở chính đến Houston. Goldman Sachs Group Inc. đang xem xét mở trung tâm mới ở Florida và người đứng đầu Moelis & Co. cho biết các nhân viên ngân hàng của ông có thể chuyển đến nơi họ muốn.

Ít bạn bè, dễ phát sinh nhiều chi phí

Nhưng một khởi đầu mới không hoàn toàn dễ dàng, đặc biệt là ở giữa đại dịch.

Nikos Bountas (31 tuổi) đã sống ở Bay Area trong 6 năm. Tháng 10, anh chuyển đến Scottsdale, Arizona để làm việc cho một công ty đầu tư vào năng lượng sạch. Thời tiết, thuế thu nhập thấp hơn và chi phí sinh hoạt là những yếu tố chính thúc đẩy quyết định.

Tuy nhiên, ngay cả khi thời tiết ấm áp cho phép các hoạt động giao lưu ngoài trời và các công viên quốc gia xung quanh vẫn mở cửa, việc gặp gỡ những người mới, tận hưởng thành phố gặp nhiều khó khăn.

Làn sóng di cư của dân Mỹ-4
Hannah Miller ngồi bên ngoài hiên nhà ở New Orleans. Ảnh: Bloomberg.


“Tôi tình cờ đến Scottsdale vào năm ngoái. Nhà hàng, quán bar ở trung tâm đều chật kín. Còn giờ, tôi thấy chúng hầu như chỉ hoạt động ở mức 20% công suất. Mọi người đều đã có vòng kết nối của riêng họ", anh nói.

Bountas thuê căn hộ 2 phòng ngủ, 2 phòng tắm với giá thấp để có thể tiếp bạn bè.

“Tôi biết nhiều người bạn sẽ làm việc từ xa. Ngay cả khi không biết bất kỳ ai trong khu vực, tôi vẫn sẽ có bạn bè đến thăm. Theo cách nào đó, điều đấy sẽ giúp quá trình chuyển đổi suôn sẻ hơn”, Bountas cho hay.

Giám đốc của Mungavin của Evensky & Katz cho biết có rất nhiều điều phải tính đến trước khi chuyển chỗ ở. Chuyển đến một căn hộ lớn hơn dễ phát sinh nhiều chi phí mà trước đây không cần thiết, như phí bảo trì, cải tạo, bảo hiểm. Dịch vụ điện thoại di động hoặc Internet có thể không dễ dàng truy cập.

Các lựa chọn thực phẩm và dịch vụ giao hàng hạn chế hơn. Làm việc từ xa phải tuân theo một múi giờ khác. Việc thiếu phương tiện giao thông công cộng, taxi công nghệ cũng gây thêm nhiều chi phí khác.

Làn sóng di cư của dân Mỹ-5
Elon Musk là một trong những tỷ phú dẫn đầu làn sóng chuyển dịch khỏi Thung lũng Silicon. Ảnh: Reuters.

Không phải hy sinh sự nghiệp

Tuy nhiên, đại dịch đã mang đến cho người trẻ cơ hội chuyển đến một thành phố nhỏ hơn để có cuộc sống yên bình mà không phải hy sinh sự nghiệp của họ.

Savannah Augunas, làm việc cho công ty tư vấn tại Brooklyn (New York), quay về quê nhà ở bang Maine vào tháng 6.

"Quê hương là nơi tôi biết mình muốn ở lại nhất nhưng không biết phải làm thế nào vì thị trường ở đây rất khác. Nếu đại dịch không xảy ra, tôi sẽ không quay về nhanh tới vậy", người phụ nữ 29 tuổi nói.

Augunas đã từ bỏ căn phòng tốn 1.375 USD/tháng tại thành phố lớn. Căn hộ 3 phòng ngủ hiện tại chỉ mất 850 USD/tháng. Ngay cả sau khi mua ôtô, tổng chi phí hàng tháng vẫn thấp hơn tiền thuê nhà ở New York.

“Các con số chi tiêu dễ thở hơn. Maine cũng là nơi khái niệm sở hữu nhà trở nên khả thi. Nơi này cũng an toàn hơn để vượt qua đại dịch, vì nó ít đám đông hơn", cô nói thêm.

Đối với Miller, việc chuyển đến Louisiana có nghĩa là sẽ bỏ lại một mạng lưới các chuyên gia trong ngành mà cô dành nhiều năm để xây dựng ở California. Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa.

"Ở đây, mức độ cạnh tranh ít hơn. Có thể tôi sẽ kiếm ít tiền hơn nhưng khả năng làm người dẫn đầu cao hơn", Miller kết luận.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/lan-song-di-cu-cua-dan-my-post1169719.html

di cư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.