Mánh khóe lừa đảo "xưa như Trái đất" mà vẫn nhiều người mắc bẫy, mất cả gia tài vì cái mác hoàng tử lắm tiền nhiều của

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người sập bẫy, cảnh sát kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác.

Lừa đảo thì thời nào cũng có, chỉ khác ở chỗ lừa nhiều hay ít, thủ đoạn tinh vi hay đơn giản và bao nhiêu người đã mắc bẫy. Nhân vụ một cô gái người Anh "đánh liều" yêu qua mạng nào ngờ yêu "trúng" một vị hoàng tử Nigeria đang gây gôn xao dân mạng những ngày gần đây, người ta lại nhớ đến mánh khóe lừa đảo mang tên "Hoàng tử Nigeria" (Nigerian Prince scam). 

Dù cảnh sát đã can thiệp nhưng dường như chưa bao giờ có thể "diệt tận gốc" những kẻ thích ăn không ngồi rồi tiêu tiền của người khác!

Thủ đoạn cũ rích mà nhiều người vẫn sập bẫy

Cuối tháng 12 năm 2017, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ người đàn ông tên Michael Neu (67 tuổi), người tự xưng là Hoàng tử Nigeria để thực hiện các vụ lừa đảo email và khiến hàng trăm người sập bẫy. Tên này bị cáo buộc 269 tội danh liên quan đến lừa đảo và rửa tiền đồng thời bị nghi ngờ là đã thành lập hàng trăm email để thực hiện chiêu trò gian lận thư phổ biến. 

Mánh khóe lừa đảo xưa như Trái đất mà vẫn nhiều người mắc bẫy, mất cả gia tài vì cái mác hoàng tử lắm tiền nhiều của-1

Hình ảnh tên Michael Neu, 67 tuổi.

Kịch bản lừa thì vô cùng đơn giản. Theo đó, kẻ xấu gửi email cho nạn nhân và tự nhận mình là hoàng tử Nigeria bị phế truất và sống lưu vong. Trong thư, hắn kể một câu chuyện cảm động và cho biết mình sở hữu số tiền lớn nhưng "bị kẹt" vì đảo chính hoặc lý do nào đó. 

Người gửi thư muốn nạn nhân ứng trước một khoản phí rút tiền nhỏ để giúp họ mang tiền ra ngoài Nigeria. Nạn nhân được hứa thưởng tiền công hậu hĩnh, đi kèm thư còn có cả nhiều giấy tờ để tăng thêm độ tin tưởng.

Đấy, một câu chuyện lấy nước mắt kèm một con số "khổng lồ" mà chẳng ai biết nó khổng lồ đến mức nào, nghe chừng quá vô lý mà nhiều người vẫn sập bẫy chỉ cái gọi là "lòng tham".

Mánh khóe lừa đảo xưa như Trái đất mà vẫn nhiều người mắc bẫy, mất cả gia tài vì cái mác hoàng tử lắm tiền nhiều của-2

Ảnh minh họa.

Chiêu lừa đảo "Hoàng tử Nigeria" (Nigerian Prince scam) này được xem là một trong những mánh khóe lâu đời nhất, cũ rích rồi mà vẫn dụ dỗ được nhiều "con mồi". Nữ diễn viên Anne Hathaway thậm chí còn nói đùa về cái sự "cũ rích" đó trong đoạn độc thoại của cô trên bộ phim "Saturday Night Live” từ hơn một thập kỷ trước.

Theo một báo cáo của Công ty ADT (một công ty cung cấp các dịch vụ an ninh điện tử, phòng cháy chữa cháy, và các dịch vụ giám sát báo động liên quan đến khu dân cư, doanh nghiệp nhỏ và lớn trên khắp nước Mỹ), sử dụng dữ liệu từ Bộ theo dõi lừa đảo của Cục Kinh doanh, năm 2018, người Mỹ đã mất 703.000 USD (hơn 16 tỷ đồng) cho kiểu gian lận này. 

Anja Solum, giám đốc dự án của ADT, nói với CNBC: "Chừng nào vẫn còn những kẻ lừa đảo theo hình thức này, mọi người vẫn sẽ bị lừa".

Trong 3 năm, ADT tính toán rằng các trò gian lận kiểu "Hoàng tử Nigeria" đã khiến các nạn nhân thiệt hại trung bình khoảng 2.133 USD.

Bản chất của trò lừa đảo tưởng ghê gớm

Trò lừa đảo "Hoàng tử Nigeria" còn được gọi là "trò lừa Nigerian 419". Cái tên này bắt nguồn làn sóng lừa đảo xuất hiện ở Nigeria, còn số 419 là điều khoản của Bộ luật Hình sự Nigeria nghiêm cấm hành vi lừa đảo dạng này. Thế nhưng, nó không chỉ xuất hiện ở Nigeria mà ở nhiều nơi trên thế giới.

Mánh khóe lừa đảo xưa như Trái đất mà vẫn nhiều người mắc bẫy, mất cả gia tài vì cái mác hoàng tử lắm tiền nhiều của-3

Đầu tiên, kẻ xấu bắt đầu đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Đây được coi là "phép thử" để đánh giá mức độ "ngây thơ" của nạn nhân. Bước này cũng được coi là bước sàng lọc để chúng biết nên tiếp tục nhắm vào ai.

Khi có số tài khoản của nạn nhân trong tay, để chiếm được niềm tin, kẻ xấu chưa động tới tài khoản ấy. Một thời gian sau khi phi vụ lừa đảo thành công, khi túi tiền nạn nhân phần nào "hồi phục", chúng bán thông tin cho các băng nhóm tội phạm khác chuyên tấn công tài khoản ngân hàng. Người nào nhiều tiền có khi mất trắng tiền trong tài khoản.

Tại sao biết mà vẫn dính bẫy?

Lý do mà mánh khóe lừa đảo này vẫn khiến nạn nhân mắc bẫy là vì chúng đánh vào tâm lý gọi là "cơn bão cám dỗ hoàn hảo", Tiến sĩ Frank McAndrew, nhà tâm lý học xã hội đồng thời là giáo sư tại Đại học Knox có trụ sở tại Illinois, nói với CNBC.

Kẻ xấu còn đánh vào tâm lý "đâm lao phải theo lao" của nhiều người. Chúng thường viện hết lý do này tới lý do khác để tạo ra ảo tưởng chỉ cần "một lần chuyển khoản nữa thôi" là tiền sẽ tới tay nạn nhân. Cho rằng đã "đầu tư" quá nhiều vào đây, nạn nhân sẽ tiếp tục chi trả cho tới khi quá muộn.

Mánh khóe lừa đảo xưa như Trái đất mà vẫn nhiều người mắc bẫy, mất cả gia tài vì cái mác hoàng tử lắm tiền nhiều của-4

Hậu quả của chiêu lừa này không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế. Nhiều người rơi vào tình cảnh hạnh phúc gia đình tan vỡ, bị bạn bè và người thân xa cách vì trót vay tiền đưa cho kẻ xấu. Người già đặc biệt dễ trở thành nạn nhân.

McAndrew nói: “Chúng ta có cơ hội để cảm thấy hài lòng về bản thân bằng cách giúp đỡ một người khác đang cần. Rốt cuộc, điều gì có thể cao quý hơn việc giúp đỡ một đứa trẻ mồ côi đang gặp khó khăn hoặc giúp một số người nghèo khó lấy lại số tiền mà ngay từ đầu đã thuộc về họ?”.

Cách tốt nhất để không rơi vào bẫy là nhận ra bản chất của chúng. Các chuyên gia cho biết những loại email này thường được gửi từ một người không rõ danh tính. Một số nhà cung cấp dịch vụ email thậm chí có thể tự động gửi chúng vào thư mục thư rác của bạn.

Tuy nhiên, nếu loại email này xuất hiện trong hộp thư đến của bạn, đừng gửi tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân của bạn cho người lạ, cho dù câu chuyện buồn hay hấp dẫn như thế nào đi chăng nữa.

McAndrew cho biết thêm, nếu bạn mắc phải những trò gian lận như thế này thì cũng đừng quá buồn mà phải tỉnh táo để tránh có lần sau: Hãy nhớ rằng rất nhiều người khác cũng đã mắc phải sai lầm tương tự. 

“Những kẻ lừa đảo cũng rất giỏi trong việc dụ chúng ta vào một mối quan hệ trước khi xảy ra sự cố, điều này đồng thời xây dựng cảm giác tin tưởng, sau đó khiến chúng ta gần như cảm thấy có nghĩa vụ phải giúp đỡ chúng khi có nhu cầu", McAndrew nói. 

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người sập bẫy, cảnh sát trưởng thành phố Slidell, bang Louisiana (Mỹ), ông Randy Fandal, kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác. "Nếu bạn nhận được lời đề nghị tuyệt vời đến mức khó tin, hãy cẩn thận. Đừng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email… hay chuyển tiền cho người lạ. 99,9% là lừa đảo", ông Fandal khẳng định.

Nguồn: CNBC

Theo Pháp luật và bạn đọc 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/manh-khoe-lua-dao-xua-nhu-trai-dat-ma-van-nhieu-nguoi-mac-bay-mat-ca-gia-tai-vi-cai-mac-hoang-tu-lam-tien-nhieu-cua-162213007233908979.htm

lừa đảo


Hà Nội: Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhồi máu cơ tim vì lý do bất ngờ
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.