Một năm ngày phát hiện ca COVID-19 đầu tiên: Thế giới mãi mãi thay đổi

Một năm trước, COVID-19 lần đầu tiên được ghi nhận lây nhiễm sang người, đánh dấu sự khởi đầu của một đại dịch toàn cầu.

Theo hồ sơ từ chính phủ Trung Quốc do SCMP tiết lộ, trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên là vào ngày 17/11/2019, vài tuần trước khi các nhà chức trách công bố một căn bệnh mới. Người nhiễm bệnh đầu tiên này - được đặt tên là "bệnh nhân số 0" - được cho là một cư dân Hồ Bắc 55 tuổi, nhưng điều này vẫn chưa được xác nhận.

Trong khi đó, Trung Quốc không chính thức xác định ca dương tính cho đến ngày 8/12/2019 và kể từ đó bị chỉ trích vì không cảnh báo kịp thời về sự lây truyền của virus.

Một năm ngày phát hiện ca COVID-19 đầu tiên: Thế giới mãi mãi thay đổi-1(Ảnh minh họa)

Vào ngày 11 tháng 1, một người đàn ông 61 tuổi với tình trạng bệnh lý nền nghiêm trọng đã trở thành người đầu tiên được xác nhận qua đời do COVID-19. Vài ngày sau, WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Tháng 4/2020, gần 1/3 thế giới chịu ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Người dân được yêu cầu hạn chế đi lại, tiếp xúc gần, hàng loạt hoạt động tập trung đông người, giao thông công cộng bị đình trệ, ngành du lịch “đóng băng”.

Tính đến 17/11/2020, toàn thế giới có 55.912.251 ca COVID-19, trong đó 1.342.591 người chết, 38.922.251 người hồi phục. Số người chết và mắc mới hàng ngày vẫn đang tăng lên, ở mức hơn 500.000 ca mỗi ngày và hơn 7.500 người chết mỗi ngày, theo Worldometer.

Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 11.678.847 ca mắc bệnh, 254.068 người chết. Theo sau đó là Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nga, với hàng triệu người mắc bệnh và hàng chục nghìn người chết.

Đến nay, trong khi một bộ phận các quốc gia trên con đường cố gắng phục hồi nền kinh tế và cuộc sống bình thường, hàng loạt quốc gia khác phải đối đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Các lệnh phong tỏa một lần nữa được áp đặt từ tháng 9 ở Israel, sau đó là Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Italy, và thành phố New York, Mỹ.

Khác với các lệnh hạn chế, phong tỏa lần thứ nhất diễn ra trong từng giai đoạn ngắn và gia hạn dựa trên tình hình thực tế, các biện pháp phong tỏa lần thứ hai được áp dụng có kế hoạch theo các mức độ khác nhau. Tại Israel, lệnh phong tỏa được dự đoán kéo dài có thể lên đến 1 năm.

Trong khi đó, hàng trăm đơn vị chạy đua để nghiên cứu phát triển một loại vaccine có thể giúp nhân loại chống lại dịch bệnh chết người. Quá trình phát triển vaccine COVID-19 trên khắp thế giới xô đổ nhiều kỷ lục về thời gian và chi phí của các loại vaccine khác.

Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine COVID-19 với tên Sputnik V, gây rất nhiều tranh cãi về hiệu quả khi chỉ mới đi qua 2 giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Đến nay, vaccine của Nga vẫn tiếp tục vừa được sử dụng vừa được thử nghiệm và chưa được sản xuất đại trà để cung cấp cho các quốc gia đặt hàng.

Mới đây, sau Pfizer, một nhà sản xuất thuốc khác của Mỹ, Moderna, cho biết ứng cử viên vắc xin mRNA của họ cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ, theo dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm giai đoạn cuối. Moderna cho biết vaccine thử nghiệm mRNA-1273 của họ dường như có hiệu quả 94,5% - nhiều hơn so với của Pfizer’s và Sputnik V của Nga.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 150 vaccine COVID-19 hiện đang được phát triển, với khoảng 44 ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng và 11 loại đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trước khi bùng phát COVID-19, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu. Vào tháng 9/2019, một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết trong một báo cáo rằng thế giới đang "hoàn toàn chưa đủ" sự chuẩn bị cho một sự kiện như vậy.

Một năm trôi qua, COVID-19 hoàn toàn thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới, đặt ra câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế. Trong khi đó, tương lai của đại dịch vẫn còn chưa rõ ràng.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/mot-nam-ngay-phat-hien-ca-covid-19-dau-tien-the-gioi-mai-mai-thay-doi-ar581140.html

Covid-19

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.