Mỹ vội vã sơ tán công dân khỏi du thuyền, không chờ kết quả xét nghiệm

Giới chức Mỹ ban đầu tuyên bố du khách dương tính với virus corona không được lên chuyến bay sơ tán khỏi Nhật Bản, nhưng sau đó thay đổi quyết định vào phút chót.

Quy định ban đầu được thông báo rất rõ. Một ngày trước khi 328 công dân Mỹ được sơ tán khỏi con tàu Diamond Princess ở cảng Yokohama, đại sứ quán nước này tuyên bố các ca nhiễm virus corona sẽ không góp mặt trên những chuyến bay về nước.

Đến khi nhóm du khách sơ tán bắt đầu di chuyển vào hai máy bay vận tải, đỗ tại sân bay quốc tế Haneda của Tokyo, vài người bắt đầu để ý thấy một số khu vực được căng bạt cách ly với phần còn lại. Họ nhanh chóng nhận ra thực tế trái với thông báo của Đại sứ quán Mỹ.

Sau 12 ngày kẹt trên du thuyền nay đã trở thành "ổ dịch nổi", số người nhiễm virus tăng ngày một nhiều. Giờ đây, du khách khỏe mạnh được sơ tán sẽ buộc phải chia sẻ máy bay cùng những người đã xét nghiệm mắc bệnh virus corona (Covid-19).

Mỹ vội vã sơ tán công dân khỏi du thuyền, không chờ kết quả xét nghiệm-1
Công dân Mỹ được sơ tán trên 15 xe buýt rời cảng Yokohama. Hành trình đến sân bay Haneda ở Tokyo dài khoảng 40 phút. Ảnh: Kyodo.

Theo thông báo chung của Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Bộ Y tế và Nguồn nhân lực, 14 hành khách đã được xét nghiệm 2-3 ngày trước khi sơ tán. Tuy nhiên, kết quả dương tính được Nhật Bản cập nhật cho phía Mỹ khi đoàn xe sơ tán đang trên đường ra sân bay Haneda, tức là những người

Thực tế là Washington đã khởi động quá trình sơ tán dù chưa nhận được đầy đủ kết quả xét nghiệm. Giới chức Mỹ quyết định cho người nhiễm lên cùng máy bay với số hành khách còn lại, được bố trí ghế ngồi phía cuối máy bay, cách ly bằng bạt nhựa cao khoảng 3 m. Những người này đều chưa xuất hiện triệu chứng.

Khẩn trương sơ tán

Thay đổi vào giờ chót của chiến dịch sơ tán là diễn biến hỗn loạn mới nhất trong gần 2 tuần du thuyền Diamond Princess được cách ly. Con tàu chở hơn 3.700 người trở thành cơn ác mộng dịch tễ học.

Từ ngày 3-19/2, đã có 621 người trên du thuyền nhiễm virus corona làm dấy lên nhiều hoài nghi và chỉ trích về cách thức ứng phó của chính phủ Nhật Bản. Tàu đang là nơi có số ca dương tính cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục.

"Biện pháp cách ly trên tàu cuối cùng trở thành một thất bại chưa từng có tiền lệ. Chúng ta cần rút ra bài học rằng cách ly trên tàu là bất khả thi và không tái phạm trong tương lai", Eiji Kusumi, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Tokyo, nhận định.

Khi nhận thấy biện pháp cách ly không hiệu quả, giới chức Mỹ đã vận động công dân tên tàu chấp nhận biện pháp sơ tán. Chiến dịch được lên kế hoạch trong nhiều ngày. Các hành khách được khám sức khỏe sơ bộ và kiểm tra hộ chiếu kỹ lưỡng.

Mục tiêu ban đầu là đảm bảo hành khách xuất hiện triệu chứng phải ở lại Nhật Bản, theo tiết lộ của giới chức Mỹ. Các chuyên gia y tế đã kiểm tra toàn bộ hành khách người Mỹ trên tàu Diamond Princess và kết luận ít nhất 328 trường hợp phù hợp cho chiến dịch sơ tán, 61 hành khách phải ở lại trên tàu.

Vào thời điểm đó, nhóm chuyên gia y tế Nhật Bản đã hoàn thành xét nghiệm hành khách nhưng vẫn chưa nhận được kết quả. Theo bác sĩ William Walters, giám đốc điều hành mảng y tế của Bộ ngoại giao Mỹ, họ cho sơ tán mà không chờ kết quả từ phía Nhật Bản vì "không thể đoán trước" thời gian nước bạn cập nhật thông tin.

Mỹ vội vã sơ tán công dân khỏi du thuyền, không chờ kết quả xét nghiệm-2
Chuyên gia y tế Mỹ kiểm tra thân nhiệt các hành khách trên chuyến bay sơ tán về nhà. Ảnh: Philip Courter.

Khi nhận được thông báo có ca nhiễm trong nhóm sơ tán, 14 bệnh nhân được xác định và "di chuyển một cách khẩn trương và an toàn nhất đến khu vực cách ly đặc biệt" ở cuối máy bay. Ông Walters nhấn mạnh những bệnh nhân này không gây ra thêm nguy cơ lây nhiễm sau khi được cách ly.

Giới chuyên gia dịch tễ học nhận định chính phủ Mỹ buộc phải đưa ra quyết định khó khăn khi cho phép sơ tán người nhiễm cùng với các hành khách còn lại từ du thuyền Diamond Princess.

"Bạn không muốn những người chưa nhiễm bệnh từ trên du thuyền cuối cùng lại nhiễm bệnh trên máy bay", bác sĩ Allen Cheng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Monash ở Melbourne cho biết.

Chính phủ Australia cũng đang lên kế hoạch di dời khoảng 200 hành khách rời tàu Diamond Princess trong ngày 19/2. Theo bác sĩ Cheng, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đã quyết định "bất kỳ ai đã ngã bệnh hoặc được phát hiện có bệnh" trong trước ngày sơ tán tới sẽ phải ở lại Nhật Bản và nhập viện.

May mắn khi được trở về

Sau khi các máy bay hạ cánh tại địa điểm dự kiến, 14 hành khách nhiễm bệnh được đưa đến bệnh viện ở Mỹ để tiếp tục giám sát và chăm sóc. Phần đông trong số này được đưa về điều trị tại cơ sở của Đại học Nebraska ở Omaha.

Có 5 hành khách khác trong nhóm sơ tán được cách ly vì xuất hiện triệu chứng sốt. Những hành khách còn lại tạm thời lưu lại khu vực cách ly ở hai căn cứ không quân là Travis ở California và Lackland ở Texas trong vòng 14 ngày.

"Chính phủ điều động các chuyên gia từ khắp đất nước đến đây. Tôi thật sự ấn tượng trước quy mô nguồn lực được huy động", Sarah Arana, 52 tuổi, một hành khách được sơ tán vốn là nhân viên y tế cộng đồng, chia sẻ.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, có ít nhất 71 công dân Mỹ trên du thuyền Diamond Princess xét nghiệm dương tính với Covid-19. Phần lớn đang lưu viện ở Nhật Bản.

Mỹ vội vã sơ tán công dân khỏi du thuyền, không chờ kết quả xét nghiệm-3
Nhân viên y tế thông báo kế hoạch sơ tán cho hành khách Mỹ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước. Ảnh: Reuters.

John Haering, 63 tuổi, đến từ bang Utah, được đưa đến bệnh viện ở tỉnh Chiba cách ly vào tuần trước sau khi có triệu chứng sốt cao và dương tính với virus. Ông cảm thấy như bị bỏ mặt khi phải cách ly ở Nhật Bản. Vợ ông, Melanie, đã trở về Mỹ trên chuyến bay sơ tán.

"Tôi vui vì bà ấy đã thoát khỏi nơi này và sẽ được chăm sóc tại Mỹ nhưng đồng thời cũng cảm thấy buồn cho mình. Tôi cảm thấy như mất đi một ai đó", Haering nói kể từ khi nhập viện ông không liên lạc được với ai từ đơn vị điều hành Princess Cruises và đại sứ quán Mỹ ở Tokyo.

"Cảm giác khá đáng sợ. Cứ như bạn bị bỏ rơi vậy", ông chia sẻ các bác sĩ vẫn làm xét nghiệm cho mình mỗi ngày nhưng chủng virus vẫn còn nhiều bí ẩn và họ chưa rõ ông còn phải lưu viện bao lâu nữa.

Tung Pi Lee, 79 tuổi, nhập viện ở Tokyo trong khi vợ ông, Angela, đã về đến căn cứ không quân tại California. Một số họ hàng của Angela cũng nằm trong nhóm 14 người nhiễm được sơ tán về nước. Có hai người đã được chuyển viện đến Nebraska, còn một trường hợp điều trị tại California.

"Tôi rất mừng khi các cô chú được trở về Mỹ để điều trị. Nếu họ còn kẹt lại Nhật Bản, tôi không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra kế tiếp", JoAnn LaRoche Lee, con gái của Tung Pi và Angela Lee, chia sẻ.

JoAnn nói cô đang tìm cách cùng lúc nắm thông tin quá trình điều trị của cha mình tại Nhật Bản và các cô chú đang ở Mỹ. Với cô, thời gian chờ đợi này giống như "cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt".


Công dân Mỹ rời du thuyền Diamond Princess, lên máy bay về nước: Chính phủ Mỹ bắt đầu sơ tán hàng trăm công dân mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản khi ít nhất 355 người dương tính với virus corona.

 

Theo Zing
 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/my-voi-va-so-tan-cong-dan-khoi-du-thuyen-khong-cho-ket-qua-xet-nghiem-post1048562.html

viurs corona

Viêm phổi cấp

dịch bệnh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.