Nền kinh tế kỳ lạ trong nhà tù tự quản "dễ dãi nhất hành tinh"

Nhà tù San Pedro (Bolivia) là một cơ sở giam giữ tù nhân với các điều kiện an ninh vô cùng lỏng lẻo. Nơi đây nổi tiếng với chế độ tự quản và duy trì một nền kinh tế rất tinh vi.

Được xây dựng năm 1895 tại khu San Pedro, thành phố La Paz, Bolivia, nhà tù San Pedro có sức chứa 600 tù nhân, nhưng hiện giam giữ tới 3.000 người. Do không có cảnh sát giám sát bên trong, các tù nhân ở San Pedro tự điều hành nhà tù và hoạt động như một cộng đồng độc lập. Họ đã phát triển các quy tắc, hệ thống chính trị cũng như một nền kinh tế rất tinh vi.

Nền kinh tế kỳ lạ trong nhà tù tự quản dễ dãi nhất hành tinh-1Nhà tù San Pedro (Ảnh: Flickr)

Phân chia giai cấp

Xã hội bên trong nhà tù được chia thành các giai cấp tùy thuộc vào sự giàu có của các tù nhân, điều này thể hiện rõ nhất trong quá trình bố trí nơi ăn chốn ở.

Các tù nhân mới phải thương lượng để mua lại phòng giam của những tù nhân sắp mãn hạn. Nếu tù nhân không đủ khả năng mua, họ có thể thuê. Trên thực tế, ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển, La Paz là một trong những thành phố cao nhất thế giới. Ban đêm, nhiệt độ giảm nhanh và nếu không sắm một chỗ trong phòng giam, tù nhân có thể chết cóng.

Nền kinh tế kỳ lạ trong nhà tù tự quản dễ dãi nhất hành tinh-2Buồng giam "quan tài" là nơi sinh hoạt của 5 người (Ảnh: andreacarrubba).

Giá cả buồng giam khác nhau tùy theo kích thước, chất lượng và vị trí. Phòng giam được xếp hạng theo kiểu khách sạn. Trong khu 5 sao, các tù nhân giàu có sống trong những căn phòng rộng rãi, trải thảm, đầy đủ tiện nghi và hoàn chỉnh với phòng tắm riêng, truyền hình cáp và tầm nhìn ra thành phố. Những phòng giam này trông giống như những căn hộ cao cấp và giá mua có thể lên tới 30.000 USD.

Ngược lại, ở những khu vực 1 sao bẩn thỉu, có tới 5 tù nhân bị nhồi nhét trong những căn phòng lụp xụp nhỏ xíu được gọi là "quan tài", có giá chỉ vài trăm USD.

Sản xuất cocaine quy mô lớn

Bolivia là đất nước sản xuất cocaine lớn thứ 3 thế giới và hầu hết các tù nhân đều phạm tội buôn lậu, buôn bán và sản xuất ma túy. Khi vào tù, họ vẫn giữ các kỹ năng và mối quan hệ để tiếp tục lén lút giao dịch mua bán ma túy với thế giới bên ngoài.

Ngoài ra, do thiếu sự hiện diện của cảnh sát bên trong cơ sở, việc sản xuất cocaine quy mô lớn được dễ dàng thực hiện để tù nhân kiếm thêm thu nhập.

Những phòng thí nghiệm khổng lồ tại đây sản xuất thứ được cho là cocaine rẻ và tinh khiết hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, được buôn lậu ra bên ngoài hoặc cung cấp cho nhiều con nghiện trong nhà tù.

Được phép sống cùng gia đình

Giống như các nhà tù trên khắp Bolivia và ở một số quốc gia Nam Mỹ khác, tù nhân được phép sống cùng gia đình, bao gồm vợ, bạn gái và con cái họ.

Mỗi buổi sáng, hàng trăm trẻ em mặc đồng phục đeo ba lô đến trường. Vào buổi chiều, các cháu trở lại phòng giam của cha mình để làm bài tập về nhà.

Nền kinh tế kỳ lạ trong nhà tù tự quản dễ dãi nhất hành tinh-3Một gia đình tù nhân trong buồng giam (Ảnh: Getty Images)

Chính phủ Bolivia tuyên bố đây là một chính sách tiến bộ vì các tù nhân không bị mất liên lạc với xã hội hoặc gia đình. Phải làm việc và chịu trách nhiệm về hành vi của mình sẽ giúp tù nhân phục hồi nhân phẩm, khiến họ ít có khả năng tái phạm sau này.

Tuy nhiên, một môi trường với hàng trăm tù nhân nghiện ngập khiến người ta nghi ngại rằng đó có phải là nơi phù hợp để một đứa trẻ lớn lên. Một mặt, các tù nhân hạnh phúc, các gia đình được ở bên nhau, và những đứa trẻ này có thể sẽ có cuộc sống tồi tệ hơn nhiều khi ở bên ngoài. Mặt khác, các cháu đang sống hòa nhập với những kẻ nghiện ma túy và những kẻ giết người.

Du khách có thể ngủ qua đêm trong nhà tù

Trong 2 thập kỷ qua, các tù nhân còn tổ chức các chuyến du lịch tham quan bên trong nhà tù San Pedro để kiếm lời. Khách du lịch sẽ phải trả 5 USD, sau đó để lại hộ chiếu của họ cho lính canh làm vật thế chấp, để có thể đi tham quan nhà tù trong vòng 1 giờ.

Nền kinh tế kỳ lạ trong nhà tù tự quản dễ dãi nhất hành tinh-4Quà lưu niệm được làm để bán bên trong nhà tù phục vụ du khách tới tham quan (Ảnh BBC).

Du khách có thể mua đồ thủ công mỹ nghệ, nếm thử ẩm thực địa phương tại các nhà hàng hoặc đơn giản là trò chuyện với các tù nhân và gia đình của họ. Họ thường mang theo quần áo, thực phẩm và vật dụng y tế cần thiết. Khách du lịch dũng cảm hơn thậm chí có thể trải nghiệm một đêm tại nhà tù khi trả thêm 5 USD nữa.

Chính phủ Bolivia đã lên kế hoạch đóng cửa nhà tù San Pedro trong nhiều năm nay vì nhiều nguyên nhân, song cho đến nay, nhà tù vẫn còn hoạt động và tiếp tục là điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Bolivia.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/phap-luat/nen-kinh-te-ky-la-trong-nha-tu-tu-quan-de-dai-nhat-hanh-tinh-20230420163959775.htm

nhà tù


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.